Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT - thuviensachvn.com

Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT

Quy định đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ

Ngày 12/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ.

Theo đó, việc xét hoàn thành Chương trình xóa mù chữ của học viên được chia thành 02 giai đoạn như sau:

  • Học viên được xác nhận hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 là học sinh được đánh giá kết quả giáo dục kì học thứ 3 ở một trong hai mức hoàn thành tốt và hoàn thành;
  • Học viên được xác nhận hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 là học viên được đánh giá kết quả giáo dục kì thứ 5 ở một trong hai mức hoàn thành tốt và hoàn thành.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
_________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 10/2022/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ HỌC VIÊN HỌC CHƯƠNG TRÌNH XÓA MÙ CHỮ

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ (sau đây gọi chung là học viên), bao gồm: Tổ chức đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá; tổ chức thực hiện.

2. Thông tư này áp dụng đối với trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trực thuộc Bộ Công an quản lí và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Chương trình xóa mù chữ (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1 . Đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên là hoạt động thu thập, phân tích, xử lý thông tin thông qua các hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học viên; tư vấn, hướng dẫn học viên; thông tin định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học viên.

2. Đánh giá thường xuyên là hoạt động đánh giá diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động dạy học theo yêu cầu cần đạt của từng môn học và biểu hiện về phẩm chất, năng lực của học viên; cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên và học viên để kịp thời điều chỉnh quá trình dạy và học; hỗ trợ, thúc đẩy sự tiến bộ của học viên theo mục tiêu Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là Chương trình xóa mù chữ).

3. Đánh giá định kì là hoạt động đánh giá kết quả giáo dục học viên trong một giai đoạn, nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học viên theo yêu cầu cần đạt của từng môn học được quy định trong Chương trình xóa mù chữ và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học viên.

4. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục là việc tổng hợp và ghi đánh giá kết quả giáo dục của học viên vào bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục của lớp và học bạ vào các thời điểm theo quy định.

Điều 3. Mục đích đánh giá

Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình xóa mù chữ; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học viên điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động quản lí giáo dục và dạy học.

Điều 4. Yêu cầu đánh giá

1. Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của từng môn học được quy định trong Chương trình xóa mù chữ.

2. Đánh giá bảo đảm tính chính xác, công bằng, trung thực và khách quan.

3. Đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ trong học tập, rèn luyện của học viên; không so sánh học viên với nhau.

Chương II

TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ

Điều 5. Nội dung và phương pháp đánh giá

1. Nội dung đánh giá

a) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học viên đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học theo Chương trình xóa mù chữ.

b) Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học viên thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi theo quy định Chương trình xóa mù chữ.

2. Phương pháp đánh giá

a) Đánh giá bằng nhận xét

- Giáo viên quan sát học viên trong quá trình giảng dạy trên lớp và ghi chép lại các biểu hiện của học viên để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên;

- Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học viên, từ đó đánh giá học viên theo từng nội dung đánh giá có liên quan;

- Giáo viên trao đổi với học viên thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời;

- Giáo viên nhận xét qua việc học viên dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét bản thân và tham gia nhận xét học viên khác, nhóm học viên về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập.

b) Đánh giá bằng điểm số: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của Chương trình xóa mù chữ, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

Điều 6. Đánh giá thường xuyên

1. Đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học viên biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học viên khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời.

b) Học viên tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của học viên khác, nhóm học viên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập để học tập và rèn luyện tốt hơn.

c) Đối với các chuyên đề học tập của môn học thực hiện ở kì học thứ 5 của Chương trình xóa mù chữ, mỗi học viên được đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học. Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập các môn học.

2. Đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

a) Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học viên; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình xóa mù chữ để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

b) Học viên được tự nhận xét và được tham gia nhận xét học viên khác, nhóm học viên về những biểu hiện của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi để hoàn thiện bản thân.

Điều 7. Đánh giá định kì

1. Đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học

a) Bài kiểm tra định kì

- Trong mỗi kì học, mỗi môn học có 04 (bốn) bài kiểm tra định kì tại các thời điểm phù hợp với tiến độ thực hiện chương trình, trong đó có 03 (ba) bài kiểm tra trong kì học và 01 (một) bài kiểm tra cuối kì học. Điểm kiểm tra cuối kì học được tính hệ số 2, các điểm kiểm tra trong kì học được tính hệ số 1;

- Đề kiểm tra của mỗi môn học được xây dựng dựa trên yêu cầu cần đạt của mỗi môn học được quy định trong Chương trình xóa mù chữ. Không thực hiện đánh giá định kì đối với cụm chuyên đề học tập;

- Đối với môn Tiếng Việt và môn Toán thời gian làm bài kiểm tra định kì là 70 phút. Đối với các môn học còn lại thời gian làm bài kiểm tra định kì là 35 phút;

- Bài kiểm tra được cho điểm theo thang điểm 10. Điểm kiểm tra là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số;

- Học viên thiếu bài kiểm tra định kì thì được kiểm tra bù. Việc kiểm tra bù được thực hiện theo từng kì học. Trường hợp học viên không tham gia kiểm tra bù thì được nhận 0 (không) điểm đối với bài kiểm tra đó.

b) Vào cuối các kì học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học để đánh giá học viên đối với từng môn học theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: Thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học;

- Hoàn thành: Thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học;

- Chưa hoàn thành: Chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học.

2. Đánh giá định kì về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực

Vào cuối các kì học, giáo viên thông qua các nhận xét, các biểu hiện trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học viên, đánh giá theo các mức sau:

- Tốt: Đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;

- Đạt: Đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ nhưng chưa thường xuyên;

- Cần cố gắng: Chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Điều 8. Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục

1. Cuối các kì học, căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học và về từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học viên, giáo viên tổng hợp và ghi đánh giá kết quả giáo dục của học viên vào bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục của lớp.

2. Giáo viên căn cứ vào các điểm kiểm tra ghi trong bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục để tính điểm trung bình môn học của học viên.

a) Điểm trung bình môn học (sau đây viết tắt là ĐTBmh) đối với mỗi môn học được tính như sau:

ĐTBmh =

(ĐKTtrk1 + ĐKTtrk2 + ĐKTtrk3) + 2 x ĐKTck

5

Trong đó: ĐKTtrk1 là điểm kiểm tra trong kì học lần 1; ĐKTtrk2 là điểm kiểm tra trong kì học lần 2; ĐKTtrk3 là điểm kiểm tra trong kì học lần 3; ĐKTck là điểm kiểm tra cuối kì học. ĐTBmh là số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.

b) Điểm trung bình môn học dùng để đánh giá kết quả giáo dục học viên theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Căn cứ vào kết quả đánh giá về nội dung học tập từng môn học và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học viên và điểm trung bình môn học của từng môn học, giáo viên thực hiện:

a) Đánh giá kết quả giáo dục học viên theo ba mức:

- Hoàn thành tốt: Những học viên có kết quả đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; điểm trung bình môn học của từng môn học đạt 7,0 điểm trở lên;

- Hoàn thành: Những học viên có kết quả đánh giá định kì về nội dung học tập các môn học đạt mức Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Đạt; điểm trung bình môn học của từng môn học đạt 5,0 điểm trở lên;

- Chưa hoàn thành: Những học viên không thuộc các đối tượng trên.

b) Ghi nhận xét, tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục và các thành tích của học viên được khen thưởng trong năm học vào học bạ.

Điều 9. Đánh giá học viên khuyết tật

1. Việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học viên khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học.

2. Học viên khuyết tật học theo phương thức giáo dục hòa nhập tùy theo dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, được đánh giá như đối với học viên không khuyết tật, có điều chỉnh yêu cầu cho phù hợp với dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

3. Học viên khuyết tật học theo phương thức giáo dục chuyên biệt được đánh giá theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt hoặc theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân.

Điều 10. Hồ sơ đánh giá

1. Hồ sơ đánh giá là minh chứng cho quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học viên.

2. Hồ sơ đánh giá từng kì của mỗi học viên gồm học bạ (tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này) và bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục của lớp (tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này).

a) Bảng tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục của các lớp được lưu trữ tại cơ sở giáo dục theo quy định.

b) Học bạ được cơ sở giáo dục lưu trữ trong suốt thời gian học viên theo học Chương trình xóa mù chữ, được giao cho học viên khi hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 hoặc hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2. Đối với trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trực thuộc Bộ Công an quản lí, học bạ được giao cho học viên khi chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Chương III

SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

Điều 11. Xét hoàn thành chương trình kì học

1. Học viên được xác nhận hoàn thành chương trình kì học là những học viên được đánh giá kết quả giáo dục ở một trong hai mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành.

2. Đối với học viên chưa được xác nhận hoàn thành chương trình kì học, giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn, giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình kì học.

3. Học viên được xác nhận hoàn thành chương trình kì học được xét vào học tiếp chương trình kì học tiếp theo.

Điều 12. Xét hoàn thành Chương trình xóa mù chữ

1. Xét hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1

a) Học viên được xác nhận hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 là học viên được đánh giá kết quả giáo dục kì học thứ 3 ở một trong hai mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành.

b) Học viên hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 được xác nhận và ghi vào học bạ: Hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1.

2. Xét hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2

a) Học viên được xác nhận hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 là học viên được đánh giá kết quả giáo dục kì học thứ 5 ở một trong hai mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành.

b) Học viên hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 được xác nhận và ghi vào học bạ: Hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2.

3. Học viên được xác nhận Hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 được xét vào học tiếp chương trình trung học cơ sở.

Điều 13. Khen thưởng

1. Thủ trưởng cơ sở giáo dục tặng giấy khen cho học viên:

a) Khen thưởng danh hiệu Học viên tiêu biểu giai đoạn 1 cho những học viên được đánh giá kết quả giáo dục kì học thứ nhất, kì học thứ 2 và kì học thứ 3 đạt mức Hoàn thành tốt.

b) Khen thưởng danh hiệu Học viên tiêu biểu giai đoạn 2 cho những học viên được đánh giá kết quả giáo dục kì học thứ 4 và kì học thứ 5 đạt mức Hoàn thành tốt.

c) Đối với học viên đạt danh hiệu Học viên tiêu biểu giai đoạn 1 và đạt danh hiệu Học viên tiêu biểu giai đoạn 2 thì được khen thưởng danh hiệu Học viên tiêu biểu xuất sắc.

2. Học viên có thành tích đặc biệt được cơ sở giáo dục xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm

a) Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đánh giá học viên thuộc phạm vi quản lí.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng hồ sơ đánh giá, học bạ của học viên trong trường hợp triển khai hồ sơ đánh giá, học bạ điện tử.

c) Báo cáo kết quả tổ chức thực hiện đánh giá học viên về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 19/2020/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện đánh giá học viên trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư này tại địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện Chương trình xóa mù chữ

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền thực hiện đánh giá học viên theo quy định tại Thông tư này; đảm bảo chất lượng đánh giá; báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Giáo dục và Đào tạo.

2. Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học viên.

3. Chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kì; xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học viên; xác nhận học viên hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 và hoàn thành Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2; quản lí hồ sơ đánh giá học viên.

4. Giải trình, giải quyết thắc mắc, kiến nghị về đánh giá học viên trong phạm vi và quyền hạn của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có tổ chức thực hiện Chương trình xóa mù chữ.

Điều 16. Trách nhiệm của giáo viên

1. Chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học viên, tổng hợp kết quả giáo dục học viên trong lớp; hoàn thành hồ sơ đánh giá học viên theo quy định.

2. Hướng dẫn học viên tự nhận xét và tham gia nhận xét học viên khác, nhóm học viên.

3. Giáo viên theo dõi sự tiến bộ của học viên, ghi chép những lưu ý với học viên có nội dung chưa hoàn thành hoặc có tiến bộ trong học tập và rèn luyện.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 8 năm 2022. Thông tư này thay thế Quyết định số 79/2008/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học viên học Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

2. Đối với học viên học theo Chương trình xóa mù chữ ban hành kèm theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện đánh giá theo Quyết định số 79/2008/QĐ-BGDĐT cho đến hết kì học đang học. Đối với các học viên đang học theo chương trình xóa mù chữ và tiếp tục sau khi biết chữ ban hành kèm theo Quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 79/2008/QĐ-BGDĐT.

3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.

Điều 18. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Như Điều 18 (để thực hiện);
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTX.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

..................

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm biểu mẫu

Liên kết tải về

pdf Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT
doc Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK