Thông tư 03/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO --------------- Số: 03/2014/TT-BGDĐT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ------------------------ Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2014 |
THÔNG TƯ 03/2014/TT-BGDĐT
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỌC TẬP TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 4 năm 2014 và thay thế Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế công tác người nước ngoài học tại Việt Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỌC TẬP TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2014/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, bao gồm: điều kiện, trình tự tiếp nhận lưu học sinh; đào tạo và quản lý lưu học sinh; quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh; tiếp nhận đào tạo và phục vụ lưu học sinh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm: học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp; sinh viên cao đẳng, đại học; học viên chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh; học viên chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ; thực tập sinh (sau đây gọi chung là lưu học sinh).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lưu học sinh Hiệp định: là lưu học sinh người nước ngoài được tiếp nhận học tập tại Việt Nam theo các Hiệp định, Thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và được Chính phủ Việt Nam cấp học bổng;
2. Lưu học sinh học bổng khác: là lưu học sinh người nước ngoài được các tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng học tập tại Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Lưu học sinh tự túc: là lưu học sinh người nước ngoài được tiếp nhận học tập tại Việt Nam theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và kinh phí học tập, đào tạo không sử dụng các nguồn học bổng như các đối tượng đã nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
4. Cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo lưu học sinh bao gồm các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học;
5. Cơ sở phục vụ lưu học sinh là các cơ sở nội trú được phép tiếp nhận người nước ngoài vào sinh sống trong thời gian học tập tại Việt Nam.
Điều 4. Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy và học tập
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức sử dụng trong các cơ sở giáo dục quốc dân của Việt Nam.
2. Lưu học sinh có thể học tập và nghiên cứu, thực tập bằng ngôn ngữ khác mà cơ sở giáo dục được phép sử dụng trong đào tạo.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ TIẾP NHẬN LƯU HỌC SINH
Điều 5. Điều kiện về học vấn, chuyên môn
1. Lưu học sinh vào học chương trình trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.
2. Lưu học sinh vào học tập tại Việt Nam phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo.
3. Lưu học sinh đăng ký học tập, nghiên cứu, thực tập bằng ngôn ngữ khác mà cơ sở giáo dục được phép sử dụng trong đào tạo cần đạt yêu cầu về trình độ ngôn ngữ đó theo quy định cụ thể của từng chương trình. Lưu học sinh là người bản ngữ (của ngôn ngữ sử dụng trong học tập, nghiên cứu, thực tập) hoặc đã tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học hoặc thạc sĩ, tiến sĩ bằng ngôn ngữ đó thì được miễn yêu cầu về ngoại ngữ.
4. Lưu học sinh vào học các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn đã được thỏa thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo hoặc theo hợp đồng đào tạo đã ký kết.
5. Lưu học sinh vào thực tập chuyên ngành phải đáp ứng các điều kiện về học vấn và chuyên môn theo yêu cầu của cơ sở giáo dục tiếp nhận thực tập sinh.
6. Lưu học sinh vào học các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, thể dục thể thao) ngoài những điều kiện quy định tại Điều này còn phải đạt các yêu cầu của các kỳ thi hoặc kiểm tra về năng khiếu theo quy định của cơ sở tiếp nhận.
Điều 6. Điều kiện về sức khỏe và tuổi
1. Lưu học sinh phải có đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam, lưu học sinh phải kiểm tra lại sức khỏe tại cơ sở y tế do cơ sở giáo dục hoặc cơ sở phục vụ lưu học sinh của Việt Nam chỉ định. Trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam hoặc không đủ sức khỏe để học tập thì lưu học sinh phải về nước.
2. Điều kiện về tuổi đối với lưu học sinh Hiệp định thực hiện theo các Hiệp định, Thỏa thuận của Việt Nam ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không hạn chế tuổi đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc.
Điều 7. Điều kiện về hồ sơ
Lưu học sinh nộp 01 bộ hồ sơ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh gồm các giấy tờ sau:
1. Phiếu đăng ký (Phụ lục I).
2. Bản sao, bản dịch có xác nhận hoặc chứng thực văn bằng, kết quả học tập theo quy định đối với từng cấp học, trình độ đào tạo của cơ quan có thẩm quyền của nước gửi đào tạo.
3. Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền của nước gửi đào tạo hoặc cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố hoặc Trung ương của Việt Nam chứng nhận đủ sức khỏe để học tập được cấp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
4. Bản sao hợp lệ chứng chỉ trình độ tiếng Việt do cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp hoặc chứng chỉ quốc tế về ngôn ngữ sẽ sử dụng để học tập tại Việt Nam (nếu có).
5. Bản sao giấy tờ minh chứng về tài chính đảm bảo cho học tập, nghiên cứu và sinh hoạt tại Việt Nam.
6. Đề cương nghiên cứu (đối với nghiên cứu sinh) hoặc kế hoạch thực tập (đối với thực tập sinh).
7. Thư giới thiệu của 02 nhà khoa học cùng lĩnh vực nghiên cứu có trình độ tiến sĩ (đối với nghiên cứu sinh).
8. Bản sao hợp lệ các tài liệu, chứng chỉ về năng khiếu, chuyên môn, thành tích nghiên cứu,… (nếu có).
9. Bản sao hộ chiếu có thời hạn sử dụng cho toàn bộ thời gian học tập tại Việt Nam hoặc ít nhất 01 năm kể từ ngày dự kiến đến Việt Nam.
Điều 8. Trình tự tiếp nhận
1. Đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định:
a) Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm, nước gửi đào tạo chuyển cho Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách và ngành đăng ký học của từng lưu học sinh kèm theo hồ sơ quy định tại Điều 7 của quy chế này;
b) Trước ngày 01 tháng 8 hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ lưu học sinh và trả lời kết quả cho nước gửi đào tạo;
c) Lưu học sinh vào học trình độ đại học đến nhập học tại cơ sở giáo dục của Việt Nam trước ngày 05 tháng 9 hằng năm; Lưu học sinh vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh đến nhập học theo thông báo của cơ sở giáo dục Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tiếp nhận lưu học sinh.
2. Đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc đến Việt Nam học tập, nghiên cứu và thực tập ở các trình độ khác nhau trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc tiếp nhận thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo được ký kết giữa cơ sở giáo dục với lưu học sinh hoặc tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng cho lưu học sinh.
Chương III
ĐÀO TẠO VÀ QUẢN LÝ LƯU HỌC SINH
Điều 9. Học dự bị
1. Lưu học sinh chưa đủ trình độ tiếng Việt để học chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì phải học dự bị tiếng Việt. Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí lưu học sinh Hiệp định vào học tại các cơ sở đào tạo dự bị tiếng Việt. Các cơ sở tiếp nhận đào tạo lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc phải tổ chức để lưu học sinh được học chương trình dự bị tiếng Việt hoặc gửi lưu học sinh vào học tại các cơ sở đào tạo dự bị tiếng Việt.
Việc học bổ sung kiến thức chuyên ngành để đạt yêu cầu được vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (nếu cần) do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo tổ chức thực hiện cho lưu học sinh trong thời gian tối đa là 01 năm học sau khi lưu học sinh hoàn thành khóa học dự bị tiếng Việt.
2. Thời gian học dự bị tiếng Việt đối với lưu học sinh Hiệp định thực hiện theo Hiệp định, Thỏa thuận ký kết giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế; đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc thực hiện theo Hợp đồng đào tạo.
3. Sau khi kết thúc khóa học dự bị, lưu học sinh phải tham dự kiểm tra trình độ tiếng Việt, nếu đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào học chương trình chính thức; nếu không đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học bổ sung và dự đợt kiểm tra khác đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ để được chuyển vào học chương trình chính thức.
Điều 10. Học thẳng chương trình chính thức
1. Lưu học sinh có chứng chỉ trình độ tiếng Việt đạt yêu cầu quy định, lưu học sinh đã tốt nghiệp các cấp học ở giáo dục phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ bằng tiếng Việt và có đủ điều kiện về sức khỏe và tuổi, học vấn, chuyên môn quy định tại Điều 5, Điều 6 của quy chế này được xét vào học thẳng chương trình chính thức.
2. Lưu học sinh đạt yêu cầu về trình độ ngôn ngữ của chương trình đào tạo được thực hiện bằng ngôn ngữ đó, có đủ điều kiện về học vấn, chuyên môn, sức khỏe và tuổi quy định tại Điều 5, Điều 6 của quy chế này được xét vào học thẳng chương trình chính thức.
Điều 11. Các môn học không bắt buộc đối với lưu học sinh
1. Lưu học sinh học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được miễn áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra quy định đối với công dân Việt Nam học các chương trình đào tạo tương ứng giảng dạy bằng tiếng Việt.
Trong quá trình đào tạo, thủ trưởng cơ sở giáo dục xem xét việc tổ chức giảng dạy môn tiếng Việt nâng cao thay thế các môn ngoại ngữ cho lưu học sinh.
2. Lưu học sinh học chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được miễn học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và được lựa chọn học môn học thay thế bao gồm: tiếng Việt nâng cao, Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam hoặc các môn tự chọn khác do thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.
3. Quy định tại khoản 2 Điều này không áp dụng đối với trường hợp lưu học sinh được tiếp nhận vào học các chuyên ngành về quốc phòng - an ninh.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết