Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT quy định về giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cơ chế liên thông khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo 2 hình thức thành lập tổ chức kinh tế mới và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
1. Cơ chế liên thông giải quyết 2 thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Cơ chế phối hợp giải quyết 2 thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 02/2017 là cơ chế liên thông giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Những trường hợp thực hiện theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư 02/BKHĐT bao gồm:
- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới;
- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế đang hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.
- Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời cả 2 nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư.
2. Trình tự thực hiện cơ chế liên thông
a, Đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Thông tư 02 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
- Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Quầy tiếp nhận. Hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp nếu đủ điều kiện tiếp nhận sẽ được xử lý vào Hệ thống thông tin xử lý liên thông.
- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư sẽ tiến hành xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư; trường hợp hồ sơ đăng ký đầu tư không được duyệt sẽ được báo lên Cơ quan đăng ký kinh doanh để hủy dữ liệu về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
- Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh là Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký kinh doanh nếu hợp lệ sẽ thông báo đến Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư.
- Bước 4: Sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Bộ phận tiếp nhận sẽ số hóa và gửi thông tin lên Hệ thống liên thông;
- Bước 5: Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên Hệ thống thông tin xử lý liên thông, Cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thông tin được gửi đến Hệ thống thông tin đăng ký thuế để tạo mã số doanh nghiệp và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 6: Cuối cùng, trả kết quả cho nhà đầu tư trong vòng 1 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
b, Đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Thông tư 02 năm 2017 như sau:
- Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Quầy tiếp nhận thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư kiểm tra điều kiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.
- Bước 3: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư bàn giao hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Bước 4: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư xử lý hồ sơ đăng ký góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp;
- Bước 5: Cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ nếu hợp lệ sẽ gửi đến Bộ phận tiếp nhận, xin ý kiến chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Bước 6: Cuối cùng, sau khi có được văn bản chấp thuận chính thức của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Bộ phận tiếp nhận trả kết quả Văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư.
Nội dung chi tiết Thông tư 02/2017
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 02/2017/TT-BKHĐT | Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2017 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ VÀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Đầu tư thực hiện đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
2. Cơ quan đăng ký đầu tư;
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh;
4. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài" (sau đây gọi là cơ chế liên thông) là cơ chế phối hợp giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
2. "Cơ quan đăng ký đầu tư" bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
3. "Cơ quan đăng ký kinh doanh" là Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.
4. "Hệ thống thông tin xử lý liên thông" là hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên môn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và vận hành để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị hoặc thực hiện các nghiệp vụ khác đối với dữ liệu nhằm phục vụ công tác phối hợp giữa Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký đầu tư trong quá trình thực hiện cơ chế liên thông.
5. "Số hóa hồ sơ" là việc quét (scan) dữ liệu có sẵn trên giấy nhằm chuyển dữ liệu dạng văn bản giấy sang dạng văn bản điện tử.
6. "Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư" là bộ phận giúp việc cho Cơ quan đăng ký đầu tư khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Điều 4. Các trường hợp thực hiện cơ chế liên thông
1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư,
2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
3. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư, bao gồm:
a) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh đồng thời thay đổi mục tiêu dự án đầu tư;
b) Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp đồng thời thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
c) Thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp đồng thời thay đổi vốn đầu tư của dự án đầu tư;
d) Thay đổi thành viên, thông tin cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp đồng thời thay đổi thông tin nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.