Thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ (4 Mẫu) - Văn 12

Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ

4 bài văn mẫu lớp 12 hay nhất

Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng GiangĐây thôn Vĩ Dạ gồm 4 bài văn mẫu hay được Download.vn tổng hợp từ bài làm hay nhất của học sinh trên cả nước.

Thiên nhiên luôn là cảm hứng cho các nhà thơ nhà văn. Bài thơ Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ là hai bài thơ đều được lấy bức tranh thiên nhiên làm chủ đề để nói lên tâm tư tình cảm của hai nhà thơ. Sau đây là 4 bài văn mẫu lớp 12: Hình ảnh thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 1

Thiên nhiên là đề tài muôn thuở trong thi ca. Các nhà thơ đến với thiên nhiên bằng tâm hồn nhạy cảm và tinh tế. Trong phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) cũng vậy, từng có một tình cảm mênh mang với Tràng giang của Huy Cận và một nỗi niềm hẫng hụt, chơi vơi với Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Cùng mang vẻ đẹp buồn truyền thống, nhưng thiên nhiên trong Tràng giang lại mang vẻ đẹp hùng vĩ rợn ngợp của "trời rộng", "sông dài”:

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song"
..."Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu"

Thiên nhiên ở đây đậm sắc màu cổ điển. Dòng sông mênh mang, chảy dài giữa không gian vắng lặng, bát ngát. Những con sóng gối lên nhau lớp lớp không bao giờ dừng như nỗi buồn miên man không dứt. Song song với con thuyền buông trôi, thụ động phó mặc cho cuộc đời, không một chút hi vọng là biểu hiện của nỗi buồn chia lìa, li biệt. Bao nhiêu ngả nước, bấy nhiêu ngả sầu, cảnh ở đây rất sầu: từ "con thuyền", "cành củi khô" đến "nước", "sóng" và cả "bờ xanh", "bãi vàng”, "bến cô liêu" đều mang nỗi sầu lớn. Nỗi "buồn điệp điệp" triền miên lan tỏa xuyên suốt bài thơ và cồn cào, day dứt nhất ở hình ảnh cuối bài:

"Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"

Nỗi buồn của Huy Cận miên man không dứt như sóng nước mênh mông bất tận, theo sóng nước lan tỏa rất xa, buồn hơn nhiều so với Thôi Hiệu (Đời Đường – Trung Quốc): "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?). Từ nỗi buồn dằng dặc ấy, vẻ đẹp hiện lên là vẻ đẹp mênh mang đất trời. Không gian mở rộng ra mọi chiều cả về độ dài – rộng, cao – sâu. Đó là cái đẹp lặng lẽ, rợn ngợp của không gian sông nước quen thuộc, gần gũi được Huy Cận dựng lên bằng hình ảnh đơn sơ, thành những nét vẽ tinh tế, giàu màu sắc cổ điển mà vẫn mới. Thấm đượm trong cảnh là một linh hồn "mang mang thiên cổ sầu" và một cái gì như thể là linh hồn ngàn xưa của dân tộc vẫn còn vương vấn nơi bãi rộng sông dài với "bến cô liêu", với "bèo dạt", "mây", "cánh chim", "bóng chiều", với "khói hoàng hôn" với tình quê đậm đà, da diết cháy trong lòng thi nhân.

Thiên nhiên được khúc xạ qua tâm hồn Huy Cận, mang nỗi buồn của nhà thơ. Cái đẹp thực, đẹp ảo của cảnh là cái đẹp trong sự thảng thốt của tác giả. Nỗi buồn mênh mang từ hoàn cảnh của nhà thơ là nỗi buồn gắn với thiên nhiên. Trong Tràng giang, "nỗi buồn thấm trong từng câu chữ", đầy như dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy.

Còn trong Đây thôn Vĩ Dạ nỗi buồn lại nhè nhẹ cất lên từ ý thức bị lãng quên của nhà thơ. Nhưng khác với Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ "có bước nhảy cảm xúc" (Vũ Quần Phương), có sự chuyển đổi cảm xúc rất nhanh, rất nhuần nhị, tinh tế. Bài thơ có ba khổ thì mỗi khổ là một câu hỏi gắn với tâm trạng khác nhau của Hàn Mặc Tử, gắn với những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên xứ Huế thơ mộng. Ở khổ một, thi sĩ đang vui sướng "nhìn nắng hàng cau nắng mới lên", ngắm "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" thật đẹp đẽ của thôn Vĩ Giạ. Đó là vẻ đẹp nguyên sơ – thánh thiện, vẻ đẹp tươi tắn, rạng rỡ, trinh nguyên của xứ Huế hiện lên rõ nét trong dòng hoài niệm của Hàn Mặc Tử. Đến khổ thứ hai, cảm xúc của thi nhân chợt lắng xuống thoáng buồn:

"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay"

Tràng giang nói về nỗi buồn li biệt của cảnh: "Con thuyền xuôi mái nước song song" mang dấu ấn cổ điển. Và Đây thôn Vĩ Dạ cùng nói về nỗi buồn lẻ loi, tan tác: "Gió theo lối gió mây đường mây, dòng nước buồn thiu hoa bắp lay" nhưng không đơn giản chỉ có thế mà còn là nỗi buồn xa cách, bị lãng quên. Dòng sông Hương lững lờ trôi là dòng "sông trăng" chất chở nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác của lòng người. Từ cái đẹp trinh nguyên của xứ Huế mộng mơ thực tại, dòng liên tưởng của Hàn Mặc Tử hướng về một cái đẹp mờ ảo của cảnh vật trong sự chia cách. Nỗi buồn của Hàn Mặc Tử thật lặng lẽ, nhẹ nhàng chứ không phải triền miên, dữ dội như sóng của Huy Cận trong Tràng giang. Với thể thơ thất ngôn truyền thống, nhìn chung, thơ Huy Cận là nỗi "buồn điệp điệp", thơ Hàn Mặc Tử là nỗi "buồn thiu”. Thiên nhiên trong cả ba bài thơ đều đẹp và buồn bởi thiếu một tình người. Tình người mà ở mỗi bài thơ được tác giả nhắc đến là để xoa dịu nỗi buồn bị quên lãng Đây thôn Vĩ Dạ; xóa cô đơn, rợn ngợp trong lòng, tìm đến một tình quê ấm áp (Tràng giang). Các nhà thơ có sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên cũng như đã biểu hiện một cách sâu sắc thế giới tâm trạng, cảm xúc của mình trước thiên nhiên đó.

Thiên nhiên trong thơ mới là một đóng góp về mặt tư tưởng văn hóa của người Việt Nam. Điều đó đã chứng tỏ một tình yêu quê hương đất nước của các nhà thơ mới nói chung và của Huy Cận và Hàn Mặc Tử nói riêng.

Thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 2

Trong những năm đầu thập kỷ thứ ba của thế kỷ trước xuất hiện một dòng thơ ca thuộc khuynh hướng lãng mạn là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời. Đó là thơ mới hay còn gọi là thơ lãng mạn. Sự xuất hiện của dòng thơ này đã kéo theo sự ra đời của "Phong trào thơ mới" trong những năm 1932-1945. Và hai trong số các tác giả tiêu biểu xuất hiện trong thời kì ấy không thể không kể đến Hàn Mặc Tử và Huy Cận với hai kiệt tác " Đây thôn Vĩ Dạ " và "Tràng giang".

Cả hai tác phẩm này đều " vẽ lên" một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng thấm đượm nỗi buồn, đồng thời bộc lộ nỗi sầu, sự cô đơn lạc lõng và niềm khát khao được sống, được yêu đời, yêu người của tác giả. Có thể nói, đặc sắc nhất ở hai tác phẩm này là ở khổ 2 đoạn từ "Gió theo lối gió" đến "kịp tối nay ?" của " Đây thôn Vĩ Dạ" và khổ 4 đoạn từ "Lớp lớp mây cao" đến "cũng nhớ nhà" của" "Tràng giang".

Mặc dù cùng là một trong số những tác giả xuất sắc của phong trào thơ mới tuy nhiên các tác phẩm của Huy Cận và Hàn Mặc Tử vẫn có những nét riêng, nét đặc sắc cá nhân. Với Hàn Mạc Tử, ông được biết đến là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh nhất trong phong trào thơ mới. Thế nhưng thơ của ông lại phảng phất một chút gì đó mơ hồ và đầy bí ẩn đến mức Hoài Thanh hết lời ngợi khen thơ ông như "một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng". Không những thế, Hoài Thanh đã phải bỏ ra 1 tháng trời để nghiên cứu toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử và công nhận "Vườn thơ Hàn rộng rinh không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh."Phải chăng vì cuộc đời ông mang nhiều bi thương và số phận vô cùng bất hạnh mà thơ của ông luôn thể hiện một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần thế đến vậy ? Và trong số các tác phẩm ấy, nổi bật nhất và đậm chất " Hàn Mạc Tử " nhất có lẽ là " Đây thôn Vĩ Dạ"

Mở đầu khổ 2 của bài "Đây thôn Vĩ Dạ", Hàn Mặc Tử đã đề cập ngay đến hình ảnh thiên nhiên sinh động.:

"Gió theo lối gió, mây đường mây"

Hình ảnh gió và mây từ bao đời nay đã gắn liền với nhau như đôi bạn tri kỷ, không thể tách rời – gió thổi mây bay. Thế nhưng, qua biện pháp sử dụng nghệ thuật nhân hóa đầy sáng tạo của mình, Hàn Mạc Tử đã tạo nên một nghịch lí chưa từng có từ trước đến nay. Ông vẽ lên một bức tranh thiên nhiên bao la rộng lớn: có gió - nhưng "gió theo lối gió"; cũng có mây, nhưng lại "mây đường mây". Mây gió đôi đường, đôi ngả. Đồng thời, Hàn Mạc Tử còn sử dụng nhịp thơ một cách vô cùng tinh tế - nhịp 4/3 . Cách ngắt nhịp này đã giúp cho câu văn của ông tách thành 2 vế đối nghịch nhau, một bên là gió, bên còn lại là mây khiến sự chia lìa, cách xa này lại càng thêm xa cách. Từ đó, hai người bạn tri kỉ ấy, tưởng chừng như không thể nào xa rời, lại " ngoảnh mặt quay lưng", " đôi ngả chia ly". Quả thật, có lẽ Chế Lan Viên đã đúng khi nói "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng,mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi, và còn lại của cái thời này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử". Chỉ có ông mới có thể biến cái tưởng chừng như phi lý trong hiện thực lại trở nên vô cùng hợp lí trong thơ văn.

Nhưng... nào phải rằng mọi vật ông nhân hóa chỉ đơn thuần để diễn tả cảnh gió, cảnh mây ! Nguyễn Du đã từng viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông - Truyện Kiều - rằng : "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Hàn Mạc Tử cũng vậy ! Ông buồn vì biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, quái ác; buồn vì vẫn còn luyến lưu những cảnh vật thơ mộng và buồn vì mối tình đơn phương với người con gái xứ Huế chỉ còn lại trong giấc chiêm bao ! Nhưng trên tất cả, có lẽ ông sợ nhiều hơn là buồn. ông sợ một ngày nào đó mình chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Ông ... sợ chia xa!

Có phải chăng vì buồn, vì sợ mà cảnh Huế vốn dĩ rất thơ mộng, trữ tình đã dần nhuốm một màu bi ai đến não lòng:

"Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

Từ trước đến nay, sông Hương được biết đến như một vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng và được xem là một trong những biểu tượng lớn của xứ Huế. Vì thế sẽ chẳng lấy làm lạ nếu Sông Hương luôn trở thành đề tài chính trong các tác phẩm thơ ca nước ta. Sông Hương không chỉ được nhắc đến với một tính yêu nồng nhiệt, chân thành mà cháy bỏng trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo

"Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say..."

Mà nó còn được nhắc đến trong lời bài hát Ai ra xứ Huế sáng tác bởi nhạc sỹ Duy Khánh :

" Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về"

Thế nhưng, dưới ngòi bút tài tình của Hàn Mặc Tử, sông Hương lại hiện ra với một vẻ u sầu, ảo não."Buồn thiu" là cái buồn nhè nhẹ nhưng dai dẳng, nó len lỏi và thấm dần vào tâm hồn của thi nhân và lan sang cả những thứ vô tri vô giác: dòng nước, hoa bắp. Để rồi, "dòng nước" ấy lại trôi đi một cách lững lờ; "hoa bắp" kia lại lay động, đong đưa thật chậm, thật nhịp nhàng theo từng nhịp đưa của gió. Dường như nỗi buồn của thi nhân được hòa quyện dần vào nỗi buồn của thiên nhiên, của vạn vật làm cho buồn lại càng thêm buồn, cô đơn lại càng thêm hiu quạnh !

Buồn bã là thế, cô đơn là thế! Nhưng khi trời xuống trăng lên, không chỉ cảnh vật, mà cả tâm tư, tình cảm con người cũng chuyển mình thay đổi:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó"

Câu thơ hiện lên mang theo một khung cảnh tràn ngập ánh trăng – người bạn tâm tình của tác giả. Thật dễ dàng đề thấy trăng có mặt ở khắp mọi nơi: trăng chất đầy trên con đò đơn độc đậu lặng lẽ bên bờ; trăng trải dài, dát vàng cả một bến đò rộng lớn; trăng tan chảy hòa quyện vào con sông Hương lặng lẽ trôi hững hờ. Phải là người có một tâm hồn yêu trăng, say trăng đến điên dại mới có thể tưởng tượng ra được hình ảnh " bến sông trăng" vô cùng đặc sắc này! Trước đây, trong thơ Trương Kế thời Đường chỉ mới xuất hiện " Thuyền ai đậu bến Cô Tô"; trong "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư, 1300 năm về trước chỉ có "Sông xuân đâu chẳng sáng ngời trăng". Thì nay có thể nói rằng hình ảnh "sông trăng" của Hàn Mặc Tử là vô cùng đặc sắc và tinh tế!

Với sự tinh tế và sáng tạo đó, con thuyền ở hiện thực đã dần đi vào thế giới mộng tưởng nhờ vào sự bao phủ của ánh trăng huyền ảo. Liệu rằng có phải Hàn Mặc Tử đã mượn sự huyền ảo, mộng mị của vầng trăng để che lấp đi niềm đau và nỗi buồn của hiện tại ? Bởi ông luôn nghĩ về thơ với một quan niệm có phần kì lạ, khác người: "Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của 1 linh hồn thương nhớ ước ao trở lại trời xưa". Không chỉ có thế, từ trước đến nay, trăng luôn xuất hiện trong những vần thơ của ông một cách kì lạ hơn gấp mấy lần

Thế mà giờ đây, hình ảnh vầng trăng trong "Đây thôn Vĩ Dạ" lại đậm chất trữ tình hơn, đằm thắm hơn:

"Có chở trăng về kịp tối nay ?"

Câu hỏi tu từ được thốt lên chứa đầy nỗi niềm âu lo, day dứt của người thi sĩ. Nhưng vì điều gì mà nhà thơ phải đợi trăng về chính xác trong "tối nay", chứ chẳng phải là tối mai hay bất kì tối hôm nào khác? Hơn ai hết, có lẽ ông là người hiểu rõ căn bệnh mình mắc phải và khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn có thể tồn tại trên cõi đời này. Chính vì vậy, trong lòng nhà thơ trỗi dậy trong lòng một nỗi niềm, một khát khao nhỏ bé – được gặp trăng, được tận mắt nhìn thấy người bạn tri kỉ của mình trong đêm nay để cùng được san sẻ nỗi buồn, san sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng cùng với vầng trăng ấy! Vầng trăng với ông lúc này như một tia hi vọng nhỏ nhoi, mong manh chỉ còn le lói chút ít ánh sáng cuối cùng trong màn đêm u tối. Nó cũng chính là lí do khiến Hàn Mặc Tử không ngừng bồn chồn, lo lắng rằng: liệu chiếc thuyền ấy, con đò ấy có "kịp" đưa trăng về cùng ông trong " tối nay" ?

Qua bốn câu thơ tuy ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn giàu tính tượng trưng, giàu sức gợi hình, gợi cảm, cùng với các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, sử dụng câu hỏi tu từ, tả cảnh ngụ tình... được sử dụng một cách vô cùng điêu luyện và tuyệt diệu. Đoạn thơ không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm về tâm tư, tình cảm từ sâu bên trong đáy lòng của một nhà thơ khi sắp phải xa rời chốn trần thế, mà nó còn phần nào khẳng định tài năng và tâm hồn yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước sâu nặng.

Thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 3

Khuynh hướng lãng mạn trong thơ mới những năm 40 thế kỉ 20 được nhiều nhà thơ thời đó hưởng ứng và chắp bút theo.Trong số đó,nhà thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận là hai nhà thơ nổi bật với lối thơ miêu tả thiên nhiên đẹp mà mang nhiều nét buồn.Có thể kể đến như hai khổ thơ trên.

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ với lối thơ khá khó hiểu và có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới.Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một bài thơ in trong tập “Thơ điên” là bài thơ dễ hiểu nhất trong những tập thơ của ông.Đoạn trích trên là khổ thơ thứ hai trong bài thơ.Với những hình ảnh nội tâm,biện pháp gợi tả,ngôn ngữ tinh tế,giàu liên tưởng,bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê,là tiếng lòng của một người yêu tha thiết cuộc sống,con người.

Huy Cận lại là một nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp dù ông yêu thích thơ ca Việt Nam và thơ Đường.Bài thơ “Tràng giang” được đánh giá là một trong những bài thơ hay tiêu biểu nhất của Huy Cận in trong tập “Lửa thiêng”.Đoạn thơ được trích từ khổ thơ cuối cùng của bài thơ.Đó là nỗi sầu của một “cái tôi” cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn.

Khung cảnh sông nước xứ Huế thơ mộng trong một đêm trăng đẹp được Hàn Mặc Tử thể hiện rất sinh động qua đoạn thơ. Song cũng là tình người,lòng người hàm chứa trong lớp lớp nghĩa ẩn dụ,bút pháp tả cảnh ngụ tình.Hiện lên trước mắt người đọc là một không gian thoáng đãng,cảnh vật huyền ảo,thơ mộng với mây,gió,trăng, nước.Người ta nói “hoa trong gương,trăng dưới nước”,vốn chỉ được nhìn chứ không thể chạm tới,mang đi, nhưng tác giả lại muốn trở trăng đi trong vội vã.Chữ “kịp” trở thành mắt thơ khi hé mở tâm trạng của thi nhân với tình yêu xứ Huế,yêu cái đẹp.Thi nhân đã rất tinh tế trong cách sử dụng các đại từ phiếm chỉ,câu hỏi tu từ,nhịp thơ 4/3,các điệp từ để nhấn mạnh tình yêu thiên nhiên,yêu xứ Huế thơ mộng trữ tình.

Mây cao, núi bạc, cánh chim mỏi,con nước dợn dợn là những hình ảnh được gợi ra trong đoạn thơ của HC.Đó là không gian trên cao trong một buổi chiều tà với những nỗi niềm riêng của nhà thơ.Một không gian tráng lệ,xinh đẹp lúc chiều tà,một tâm hồn lãng mạn lúc nhớ quê.Người ngắm cảnh,từ một con sông xa lạ, nhớ về con sông ở quê mình,nhìn những mây,những cánh chim về tổ mà nhớ nhà,nhớ khoảnh khắc sum họp gia đình.HC sử dụng sáng tạo ý thơ của Thôi Hiệu trong bài thơ “Hoàng Hạc lâu” để nói về nỗi nhớ quê của riêng mình,từ “dợn dợn” cũng là một từ mới thể hiện được hết tâm trạng của nhà thơ trước khung cảnh mây nước chiều tà.

Có thể thấy cả hai đoạn thơ đều vẽ lên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và người ngắm cảnh lại bộc lộ tâm trạng mình trước thiên nhiên tựa gần gũi thân thuộc nhưng cũng xa lạ ấy.Về nghệ thuật,cả hai nhà thơ đều lựa chọn thể thơ bảy chữ và bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa hiện đại vừa mang được nét xưa để khắc họa lối suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên,cũng có những điểm khác nhau giữa hai đoạn thơ mà ta dễ dàng nhận ra.Về nội dung,Hàn Mặc Tử viết về Huế về con sông cụ thể,còn “Tràng giang” lại viết về một con sông nói chung,con sông của nỗi nhớ quê hương.Ngoài ra,thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ khao khát được sống được nắm bắt từng giây phút cuộc đời,còn thơ Huy Cận lại hướng về cố hương,gợi lại những tình riêng trong sâu thẳm “cái tôi” mình.

Hai nhà thơ cùng xuất hiện trong một thời đại,đều học từ thơ truyền thống và sáng tạo cách tân theo phương Tây vì vậy họ đều có những cái giống nhau trong sáng tác và những ý tưởng gửi gắm đến người đọc.Tuy nhiên,nghệ sĩ lại đòi hỏi mỗi người phải có một phong cách riêng,lối suy nghĩ riêng để tạo ra những màu sắc khác nhau đem đến cho độc giả,nên tác phẩm của họ cũng có rất nhiều những nét riêng tạo nên cá tính riêng của họ.

Cả hai đoạn thơ trên đều mang đến cho người đọc những cảm xúc, tâm trạng rất riêng.Không chỉ vậy,các tác giả còn vẽ nên một thiên nhiên rất thơ mộng trữ tình để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người đọc.Vì vậy họ rất xứng đáng với vị trí đi đầu trong phong trào thơ mới Việt Nam.

Thiên nhiên trong Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ - Mẫu 4

Nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã dùng những lời trang trọng, tốt đẹp nhất: “Mọi thời đại trong thơ ca” để nói về phong trào Thơ mới (1932-1945). Với các gương mặt tiêu biểu nhất là Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử. Đó là những thi nhân chủ yếu đã đem lại cho thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm đặc sắc. Đặc biệt là hình ảnh thiên nhiên trong các tác phẩm này thật đẹp và gợi cảm. Có điều là do hoàn cảnh đất nước ta mất chủ quyền, nhân dân ta phải sống trong vòng áp bức của bọn thực dân phong kiến, nên hình ảnh thiên nhiên trong “Thơ mới" ở đây tuy đẹp mà buồn. Cứ thử đọc lại những bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu và Tràng giang của Huy Cận, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ điều này.

Thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu và Huy Cậu, ba khuôn mặt lớn của Thơ mới, đều có chung một đặc điểm là thể hiện tình yêu thiên nhiên thật nồng nàn và say đắm. Bằng cảm hứng lãng mạn, các nhà thơ tài tình này đã xây dựng lên trong thơ mình những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc hữu tình và gợi cảm. Thiên nhiên ở đây mà cũng rất buồn, vì bao giờ cũng là hình ảnh một thiên nhiên khúc xạ qua tâm hồn của nhà thơ. Nỗi buồn của các thi nhân ở đây cũng là nỗi buồn của cả một thế hệ đương thời, nỗi buồn của cả một dân tộc phải sống lầm than trong những năm tháng tối tăm u buồn dưới thời Pháp thuộc.

Trước hết là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, bài thơ thật xinh xắn với những cảnh thiên nhiên xứ Huế đầy cảnh sắc hữu tình, duyên dáng. Qua cái nhìn trong sáng giàu chất thơ của thi nhân, cảnh vật xứ Huế như sáng bừng lên trong ánh nắng ban mai "nặng mới lên ". Nổi bật lên từ bức tranh là một màu xanh óng ả mượt quá của cây cối vườn tược nhà ai, một màu xanh ngọc bích trẻ trung đầy sức sống. Thấp thoáng giữa vẻ đẹp tươi tắn, mượt mà “xanh như ngọc" ấy là một bóng hình gợi cảm:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Từ vẻ đẹp hư ảo như có như không, như ẩn như hiện này, bài thơ dẫn tới một bức tranh thiên nhiên khác, thể hiện cái đẹp huyền ảo của trăng gió mây trời và sông nước xứ Huế:

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay!

Đây là cảnh sông nước mây trời đầy huyền ảo của xứ Huế trong một đêm trăng tĩnh lặng. Lúc bấy giờ có gió, nhưng gió chỉ nhẹ, không đủ để làm cho mây bay, nhưng vừa đủ để hoa bắp lay khe khẽ. Trong cái không gian tĩnh lặng ấy, có một con thuyền đậu nơi bến vắng, khiến cảnh vật càng huyền ảo hơn. Đặc biệt là bến sông lúc này đã trở thành bến trăng và con thuyền cũng chở khảm ánh trăng. Đó là một không gian mênh mông hư ảo với "sương khói mờ nhân ảnh".

Đúng là thiên nhiên ở đây thật đẹp, thật quyến rũ nhưng cũng gợi buồn, một nỗi buồn bâng khuâng dịu vợi, man mác lan tỏa. Phải chăng đó cũng chính là tâm trạng của nhà thơ, một chút lòng chơi vơi, hụt hẫng trước một linh cảm tản mạn chia lìa: “Gió theo lối gió mây đường mây” và một nỗi hoài nghi mờ mịt: Ai biết tình ai có đậm đà?...

Tiếp đó, thiên nhiên trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu cùng buồn lặng “đìu hiu”, phai tàu, héo úa. Nhà thơ bắt đầu tác phẩm của minh bằng những hàng liễu rũ:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.

Lá liễu từng sợi dài rũ xuống, dưới mắt thi nhân đã trở thành làn tóc của người thiếu nữ tóc buồn buông xuống. Nước mắt không rơi thành giọt mà rơi thành sợi, sợi buồn “buông xuống lệ ngàn hàng”.

Nhà thơ nhìn lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc lại thấy đó là một sắc áo đẹp của mùa thu, nên đã reo lên chào đón:

Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Cái đẹp của mùa thu ở đây là cái đẹp của vẻ tàn phai, héo úa, khô gầy:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Nỗi buồn mùa thu từ hoa rụng lá úa ở hai câu đầu của khổ thơ đã lan ra, thấm sâu vào các nhánh cây trơ trụi Khô gầy xương mỏng manh ở hai câu sau khiến cái rét thấu xương của từng luồng gió lạnh đã làm run rẩy rung rinh cả những chiếc lá thu còn sót lại.

Nỗi buồn ấy, cái rét ấy càng dễ nhận ra ở nơi trống vắng, ở những bến đò. Tuy đây là chỗ bốn bề lộng gió lại hội tụ đông người, nhưng chính cái rét thấu xương kia cùng khiếu người ta e ngại, ít muốn sang sông.

Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò

Nỗi buồn mùa thu còn thấm đẫm đến cả mây trời, làm nên một không khí u uất hận chia li với những cảnh chim bay về phương xa tránh rét:

Mây vẩn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li

Tất cả chi tiết của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ này đều gợi nên một cảm giác xa xăm, nhớ thương buồn lặng. Cuối cùng, trên bức tranh thơ thấy hiện lên bóng dáng con người:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?

Đúng là hình ảnh của các cô với nét mặt buồn, với đôi mắt nhìn mãi ra xa, không chú mục vào một cái gì cụ thể mà như đang chìm đắm trong nỗi buồn và cô đơn, ngơ ngẩn.

Sau hết, là bài thơ Tràng giang của Huy Cận bức tranh thiên nhiên ở đây là hình ảnh sông nước thấm đượm một nỗi niềm “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Mở đầu bài thơ là một khung cảnh thiên nhiên êm đềm bình lặng:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Bên cạnh hình ảnh những “làn sóng”, “con thuyền” quen thuộc, những thi liệu từ lâu đã trở thành cổ điển, khổ thơ trên còn có thêm một nét sáng tạo hết sức bất ngờ: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Một cành củi khô trôi dạt vô định trên dòng sông chính là hình ảnh gợi người đọc nghĩ đến một thân phận lạc loài. Lối đảo ngữ "Củi một cành khô” càng làm nổi bật thêm sự cô độc, lạc loài và héo hon ấy.

Sang khổ thơ tiếp theo, nỗi buồn như càng thấm sâu hơn vào cảnh vật:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng,, bến cô liêu.

Bức tranh thiên nhiên vụt lớn hẳn gió đìu hiu thổi qua vài dải đất lơ thơ giữa sóng dài quạnh vắng, lặng buồn. Ngay cả tiếng chợ chiều đã tàn từ một làng nào đó cũng không có nữa. Không gian tiếp đó lại được mở rộng và đẩy cao thêm trong hai câu cuối của khổ thơ, vì "nắng xuống trời lên" Nhưng tuyệt vời hơn cả là ở đây nhà thơ đã tả chiều sâu trong chiều cao. "Nắng xuống trời lên sâu chót vót”.

Cảnh vật lại được mở ra thêm trong khổ thơ thứ ba với cả “bờ xanh tiếp bãi vàng” và những đám bèo trôi dạt “hàng nối hàng" chẳng biết sẽ về đâu. Toàn cảnh tràng giang trời rộng sông dài ấy lại tuyệt nhiên quạnh vắng, thiếu hẳn bóng người. Ở đây không có lấy một chuyến đò ngang hay một chiếc cầu để "gợi chút niềm thân mật:" Dưới mắt thi nhân, thiên nhiên dù hoang vắng nhưng vẫn lung linh và có hồn. Chính cảnh tình ấy đã lắng đọng thành lòng quê ở khổ kết bài thơ:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Đến đây, con người mới hiện ra cái cả tâm tình sâu nặng của mình giữa một thiên nhiên. Chua xót hơn nữa thi nhân đứng trên quê hương mình mà da diết nhớ quê hương mình, nói một cách khác là cảm thấy mình lạc loài ngay chính trên quê nhiên đẹp đến độ kì vĩ lạ lùng. "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc. Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” Cả một nỗi niềm "Sông dài trời rộng bến cô liêu" đã dàn trải suốt bài thơ đến đây, bỗng hiện ra với một nội dung cụ thể: Đó là nỗi nhớ quê hương da diết. Ngày trước, Thôi Hiệu đứng trên Hoàng Hạc lâu, trông vời khói sóng chiều hôm mà buồn nhớ quê hương. Còn ở đây, Huy Cận :

“Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Tóm lại, bài thơ: Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và Tràng giang của Huy Cận đều là những bức tranh thiên nhiên tuy tuyệt đẹp. Nhưng cũng đều ẩn chứa một nỗi buồn riêng. Cái buồn ở những bài thơ này cũng như của nhiều cái buồn của các nhà Thơ Mới chính là cái buồn của cá một thế hệ, của dân tộc ta trong những năm phải sống tủi nhục và đen tối dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến đương thời. Đây cũng chính là một trong những giá trị tư tưởng chủ yếu của Thơ mới trong thời kì 1930. Thơ ca lãng mạn với các tác giả trên thể hiện lòng yêu nước thầm kín.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ
doc Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ Tràng Giang và Đây thôn Vĩ Dạ 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 11

Văn 11

Lớp 12

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK