Khi bước vào lớp 1 trẻ phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới, nề nếp sinh hoạt thay đổi hoàn toàn so với khi học ở trường mầm non. Chính vì vậy, thầy cô cùng các bậc phụ huynh cần nắm được những đặc điểm, tâm lý của trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 để dễ dàng nắm bắt tâm lý của trẻ.
Tâm lý của trẻ khi chuẩn bị bước vào lớp 1
1. Ý thức về "cái tôi" ở trẻ phát triển mạnh
Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng của trẻ trong giai đoạn này là bắt đầu có ý thức về cái tôi của mình, trẻ dần nhận ra mình là một con người riêng biệt, độc lập và có những ý muốn khác với những người xung quanh.
Trẻ bắt đầu có ý thích độc lập, muốn tự mình hành động, vì thế trẻ có những tình cảm như ấm ức vì người lớn không còn tỏ ra chăm sóc và hụt hẫng vì có những điều trẻ không làm được thì người lớn lại bỏ qua. Đây chính là bước đầu của sự cá biệt hoá (việc trẻ biết gọi mình bằng ngôi thứ nhất: xưng tên, hoặc xưng là con, cháu đều là xác định cái tôi). Đây cũng là giai đoạn các kỹ năng học tập về nhận thức và ngôn ngữ của trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, mọi sự can thiệp sớm trong việc cải thiện các khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và ứng xử của trẻ cần phải đưa vào trong giai đoạn này.
Ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào lớp một, trẻ hiểu được mình là như thế nào, có phẩm chất gì, những người xung quanh đối xử với mình ra sao, vì sao mình lại làm việc này, mình làm việc này tốt hay chưa tốt, đúng hay sai...Chính nhờ ý thức bản ngã phát triển mạnh nên trẻ đã có thể điều chỉnh được hoạt động của bản thân. Trẻ hay đưa ra những lời nhận xét về bản thân mình và của người khác. Trẻ cũng thể hiện cái tôi của mình bằng việc thích tự mình quyết định...
Do sự phát triển của cơ thể, trẻ chuẩn bị bước vào lớp một rất hoạt bát và hiếu động, chúng không thích ngồi một chỗ, thích được tự do chạy nhảy, không thích ngồi yên.
2. Tính hiếu kỳ phát triển mạnh
Hiếu kỳ là bản tính tự nhiên của trẻ, đây là một điều tốt vì nó sẽ giúp trẻ khám phá những điều mới lạ từ thế giới xung quanh. Đây là cách tốt nhất để trẻ có kiến thức, biết tư duy và đó là nền tảng của học vấn sau này. Tính hiếu kỳ thể hiện rõ khi trẻ chuẩn bị vào lớp một. Ở lứa tuổi này, trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú, cái gì trẻ cũng muốn biết, muốn hiểu và trẻ luôn đặt câu hỏi "tại sao" với người lớn. Nếu trẻ không được thoả mãn hoặc không nhận được lời giải thích xác đáng thì trẻ mất hứng thú nhận thức, không nhiệt tình tìm hiểu, khám phá sự vật hiện tượng của thế giới xung quanh nữa. Vì vậy, người lớn
cần vui vẻ trả lời các câu hỏi của trẻ, thoả mãn nhu cầu nhận thức cho trẻ và kích thích trẻ khám phá cái mới lạ, kỳ thú ở thế giới xung quanh. Người lớn cần tránh trả lời qua chuyện, không diễu cợt trẻ, cần kiên trì giảng giải và trả lời hết các câu hỏi của trẻ.
3. Tâm lý không ổn định
Chuẩn bị bước vào lớp một, tâm lý trẻ dễ bị xáo trộn, đây cũng là lúc trẻ bước vào một giai đoạn mới của sự ích kỷ. Trẻ không muốn chia sẻ, hiếu thắng luôn mong muốn mình phải làm tốt, làm đúng mọi việc, luôn đặt mình là trung tâm, trẻ cũng hay hờn dỗi nếu bị chê trách. Trẻ rất nhạy cảm, hay tủi thân nếu cha mẹ không chú ý... Ở lứa tuổi này có thể được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị trước về mặt tâm lý cho trẻ tránh cho trẻ khỏi "sốc" khi vào
trường phổ thông.
4. Trẻ "sợ đến trường"
Ở lứa tuổi bắt đầu vào lớp một, sự lo lắng lại tập trung vào những khó khăn khi thay đổi môi trường mới, nhiều trường hợp rơi vào các trạng thái rối nhiễu cơ thể như đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ...
Sự thay đổi giữa môi trường gia đình và trường học có tác động không nhỏ tới tâm lý trẻ. Có thể nhận thấy một cách rõ rang là về mặt cảm xúc, những trẻ ở lứa tuổi chuẩn bị vào lớp một còn phụ thuộc nhiều vào người lớn. Khi đến trường, đối diện với khung cảnh xa lạ, nề nếp sinh hoạt mới, cô giáo và bạn bè mới cùng với việc xa cha mẹ thường để lại cho trẻ những dấu ấn không dễ chịu chút nào, đó chính là nguyên nhân khiến trẻ lo lắng.
Ý nghĩa của việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1
Mỗi đứa trẻ phát triển bình thường thì đến 6 tuổi đều có thể vào học lớp 1. Đối với trẻ em, việc bước vào trường phổ thông được coi như một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Đó là việc trẻ được chuyển qua một vị trí xã hội mới với những điều kiện hoạt động mới và những mối quan hệ mới.
Nếu trước 6 tuổi, chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ, qua chơi mà trẻ tiếp thu mọi điều một cách tự nhiên và hứng thú, trong khi chơi trẻ hoàn toàn tự do, thoải mái, trẻ thích thì chơi không thích thì thôi chứ không bắt ép được. Vào lớp một, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động học tập. Đây là một hoạt động mang tính bắt buộc, có tổ chức chặt chẽ, có mục đích, có kế hoạch đòi hỏi bản thân mỗi trẻ phải cố gắng nỗ lực mới có thể đạt kết quả tốt đẹp. Nội dung và tính chất của hoạt động học tập yêu cầu trẻ em phải có những hành vi mới: sự tập trung chú ý tương đối cao trong một thời gian dài, hoạt động thần kinh căng thẳng hơn, cường độ làm việc tăng lên với sự kiên trì, nỗ lực, ý chí cao.
Đến trường phổ thông, đứa trẻ phải hoà nhập vào những quan hệ mới với những người xung quanh, với thầy cô, với bạn bè, với những người lớn khác, đặc biệt với thầy cô giáo.
Ở mẫu giáo trẻ được sống trong không khí gia đình "cô là mẹ và các cháu là con", khi vào trường phổ thông trẻ sống trong khung cảnh trường học, mối quan hệ giữa cô và trẻ là mối quan hệ "thầy - trò", quan hệ bạn bè cùng chơi ở mẫu giáo được chuyển sang quan hệ bạn bè cùng học. Ở mẫu giáo trẻ là lớp đàn anh đàn chị vào lớp một lại trở thành em út trong trường nên trẻ không khỏi bỡ ngỡ.
Hơn nữa, ở mỗi giai đoạn phát triển đều có những yêu cầu về sinh lí, về tâm lí, về xã hội đòi hỏi trẻ phải thích ứng mới học tập đạt kết quả. Sự phát triển của trẻ từ giai đoạn này đến giai đoạn khác là một bước nhảy vọt có sự chuyển biến về chất, sự phát triển của trẻ ở mỗi giai đoạn vừa là sự kế thừa những thành tựu phát triển của giai đoạn trước vừa là tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Điều đó có nghĩa là nếu trẻ được phát triển tốt ở giai đoạn trước cũng chính là chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau.