Chứng minh sức mạnh của tình thương yêu con người trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt gồm dàn ý chi tiết kèm theo 3 bài văn mẫu hay nhất, giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều gợi ý để viết văn ngày một hay hơn.
Một tác phẩm có nhiều thước đo giá trị, trong đó tình người, lòng yêu thương lẫn nhau chính là thước đo chủ yếu và cơ bản nhất. Hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt đều toát lên được tình người mà tác giả dành cho các nhân vật của mình, khác với văn xuôi thời kỳ trước 1945, đây là giá trị nhân đạo mới.
Sức mạnh tình thương yêu con người trong Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
Đề bài: Em hãy viết bài văn để chứng minh sức mạnh của tình yêu thương trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ và trong tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân.
Dàn ý phân tích sức mạnh của tình thương yêu con người
I. Mở bài: Giới thiệu chung
- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.
- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập "Con chó xấu xí".
II. Thân bài: Phân tích
1. Sức mạnh của tình thương yêu thể hiện trong đoạn Mị cứu A Phủ:
*Hành động Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con người.
- Nguyên nhân: Mị trông thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ. Nó khiến Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ. Mị nhớ lại kí ức đau khổ - lần mình bị trói đứng, thật đau khổ! Từ thương mình mà đồng cảm, thương cho người.
- Sự thức tỉnh ý thức:
+ Nhận ra dấu hiệu về cái chết, phán đoán "chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết" => càng thương hơn và so sánh"người kia việc gì mà phải chết thế"
+ Lần đầu tiên Mị nhìn rõ kẻ thù của mình cũng như những kiếp người đau khổ như mình: "Chúng nó thật độc ác"
+ Nghĩ đến tình huống cha con Pá Tra bảo là Mị cởi trói cho A Phủ, bắt Mị đứng trói thay đến chết trên cái cọc ấy nhưng Mị cũng không sợ => tình thương vượt lên sự sợ hãi, lấn át cả nỗi thương thân.
- Cắt dây trói cho A Phủ => hành động tự phát, xuất phát từ tình thương nhưng cũng chính là Mị đang cắt dây trói cho chính mình, chiến thắng cường quyền, thần quyền.
- Sau đó, Mị "hốt hoảng", "vụt chạy" đuổi theo A Phủ, nói "A Phủ cho tôi đi!... Ở đây thì chết mất!" => bắt đầu hành trình từ "thung lũng đau thương" đến "cánh đồng vui" ở mảnh đất Phiềng Sa.
=> Những hành động của Mị có ý nghĩa to lớn vì nó là sự hồi sinh, là biểu tượng của tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, cái xấu. Sự hồi sinh đó xuất phát từ tình yêu thương con người sâu sắc.
2. Sức mạnh của tình thương yêu Tràng dành cho người "vợ nhặt"
- Tràng sẵn sàng cho thị ăn và đưa thị về dù Tràng cũng đang trong cảnh đói. Liều lĩnh chấp nhận thị theo làm vợ: Không chỉ là khát khao hạnh phúc mà còn có cả tình thương yêu con người. Đây cũng là vẻ đẹp trong tâm hồn người lao động: sẵn sàng cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong cảnh cơ hàn mà không tính toán, so đo.
- Tình thương yêu đã giúp họ vơi bớt mọi lo toan, buồn khổ và bước đầu đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, thể hiện qua cảnh dắt díu nhau về làng:
+ Tràng dường như quên hết cảnh sống ê chề tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát đang đe dọa. Trong lòng Tràng không gợn một chút coi thường thị, ngược lại anh cảm thấy vô cùng vui sướng, hạnh phúc.
+ Thị cũng không hề có chút mặc cảm nào về thân phận "bị nhặt", cô thay đổi tính cách theo hướng tích cực. Họ thực sự hướng về nhau, tìm thấy ở nhau những cảm xúc hạnh phúc như bất kì đôi tình nhân nào khác.
+ Ngay cả những người dân xóm ngụ cư, mặc dù có chút ngạc nhiên nhưng trên khuôn mặt u ám của họ bỗng rạng rỡ hẳn lên như có một luồng sinh khí mới hiện về.
=> Tình thương yêu đã làm đổi thay không khí cuộc sống gia đình bà cụ Tứ, đổi thay cả những con người này (không khí ấm cúng tràn đầy hạnh phúc trong gia đình, mọi người đều thay đổi theo hướng tốt đẹp).
3. Đánh giá chung về sức mạnh của tình thương yêu con người trong hai tác phẩm
* Giống nhau:
- Sức mạnh của tình thương yêu giúp con người vượt qua tất cả.
- Bằng cái nhìn nhân đạo, nhà văn đã ngợi ca vẻ đẹp của người lao động.
* Khác nhau:
- Hiện thực cuộc sống được phản ánh trong hai tác phẩm khác nhau:
+ Vợ chồng A Phủ là bối cảnh sau cách mạng và trong kháng chiến ở miền núi Tây Bắc.
+ Vợ nhặt lấy bối cảnh là nạn đói trước cách mạng và ở miền xuôi.
- Số phận cụ thể của các nhân vật khác nhau:
+ Mị là nạn nhân của chế độ chúa đất phong kiến ở miền núi.
+ Vợ nhặt là nạn nhân của nạn đói do bọn phong kiến, thực dân, phát xít gây ra.
- Phong cách nghệ thuật, bút pháp miêu tả của mỗi tác giả khác nhau:
+ Kim Lân khai thác từ tình huống và tâm lí nhân vật.
+ Tô Hoài có lối miêu tả nhân vật độc đáo.
III. Kết bài:
- Cả 2 tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ Nhặt đều thông qua nhân vật và tình huống truyện để phản ánh một mặt trận đen tối trong hiện thực xã hội, cùng số phận của người dân nghèo. Bên cạnh đó còn phát hiện vẻ đẹp tâm hồn của họ.
- Niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người.
Sức mạnh của tình thương yêu con người - Mẫu 1
Một tác phẩm có nhiều thước đo giá trị, trong đó tình người, lòng yêu thương lẫn nhau chính là thước đo chủ yếu và cơ bản nhất, quyết định sức sống của tác phẩm đồng thời qua đó, thể hiện thái độ, tình cảm và cách nhìn nhận của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), đều toát lên được tình người mà tác giả dành cho các nhân vật của mình, khác với văn xuôi thời kỳ trước 1945, đây là giá trị nhân đạo mới.
Maksim Gorky đã nói “Văn tức là người”. Đối tượng phản ánh trung tâm của văn học là con người. Nhà văn chân chính đi tìm bề sâu và mọi tâm trạng tinh vi, phức tạp nhất của tâm hồn con người để hiểu và yêu con người. Chính vì thế giá trị nhân đạo luôn là vấn đề cấp thiết trong văn chương mọi thời đại. Số phận con người, những khát vọng của con người không bao giờ lại cũ cả.
Sức mạnh của tình thương yêu con người được thể hiện rõ nét nhất qua đoạn Mị cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) và Tràng đối với cô vợ theo (Vợ nhặt – Kim Lân).
Đầu tiên là tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” qua hành động Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con người:
Lúc đầu, Mị dửng dưng vô cảm trước cái chết cận kề của A Phủ. Nhưng sau đó, dòng nước mắt của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã thức dậy lòng thương người trong Mị. Lòng thương người ấy đã làm sống dậy trong Mị sức phản kháng mạnh mẽ. Nếu nói đêm tình mùa xuân là “tia lửa nhỏ” thì đêm cứu A Phủ là “đám cháy lớn”. Đám cháy ấy bùng lên khi Mị nhận thức được tội ác cha con nhà thống lý “Trời ơi chúng trói người ta đến chết thì thôi, chúng nó trói chết người đàn bà ngày trước cũng ở trong cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Nhận thức ấy là nhận thức hoàn toàn bằng lí trí, bằng sự tỉnh táo. Từ nhận thức ấy mà sự nổi loạn thứ hai của Mị mới thật là mong muốn của người đọc. Mị đã cắt đứt dây trói cho A Phủ. Rồi Mị cũng vụt chạy theo A Phủ vì theo Mị “Ở đây thì chết mất”. Hơn một lần trong truyện này Mị sợ chết. Lần đầu là thức dậy sau đêm bị trói nghĩ đến người đàn bà đời trước bị trói đến chết trong căn nhà này “Mị sợ quá. Mị cựa quậy xem mình còn sống hay là đã chết”. Lần thứ hai là lúc Mị cắt đứt xong dây trói cho A Phủ. Như vậy, sợ chết là biểu hiện cao độ nhất của lòng ham sống. Đó là vẻ đẹp sức sống tiềm tàng của con người lao động Tây Bắc và niềm tin của nhà văn vào khả năng vươn dậy của nhân vật và đó cũng chính là tình yêu thương con người, giữa con người với con người.
Sau những hành động của mình vừa làm, Mị cảm thấy “hốt hoảng”, rồi đột nhiên “vụt chạy” đuổi theo A Phủ, và nói “A Phủ cho tôi đi! Ở đây thì chết mất!” đây chính là lúc mà tình yêu thương con người được đẩy lên cao trào, bắt đầu hành trình từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng vui” ở mảnh đất Phiềng Sa.
Mị và A Phủ từ tăm tối đau thương đã vươn lên ánh sáng của tự do và nhân phẩm. Họ đã cùng nhau đạp qua đêm tối, vươn đến ngày mai ở Phiềng Sa, nên vợ nên chồng. Cả hai người đã theo Cách mạng, theo Đảng, đánh giặc, bảo vệ quê hương và thay đổi số phận của mình. Cũng qua đó, tác giả đã bày tỏ thái độ bênh vực quyền sống của con người và là bài ca ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động, đặc biệt là sức sống tiềm tàng và hành động tự giải phóng của nhân vật, đồng thời đặt niềm tin và sự trân trọng, nâng niu đối với khát vọng sống tốt đẹp của con người dù bị đày đọa đau khổ.
Chỉ cần những hành động của Mị đó thôi, tuy có vẻ rất đơn giản nhưng phải có dũng khí lắm, người con gái đã từng cảm chịu kiếp sống trâu bò đó mới có thể dám làm, nếu không xuất phát từ tình thương người thì chắc chắn Mị đã không hành động như thế. Vì vậy hành động đó có ý nghĩa to lớn vì nó là sự hồi sinh, làm thức tỉnh một kiếp người, đồng thời là biểu tượng của tinh thần phản kháng quyết liệt với cái ác, cái xấu. Sự hồi sinh đó xuất phát từ tình yêu thương con người sâu sắc mà xã hội cũ đang cố tình vùi dập nó.
Còn trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân, tình yêu thương con người được thể hiện qua hành động của Tràng, và Mị: Mị và A Phủ từ tăm tối đau thương đã vươn lên ánh sáng của tự do và nhân phẩm. Họ đã cùng nhau đạp qua đêm tối, vươn đến ngày mai ở Phiềng Sa, nên vợ nên chồng. Cả hai người đã theo Cách mạng, theo Đảng, đánh giặc, bảo vệ quê hương và thay đổi số phận của mình. Cũng qua đó, tác giả đã bày tỏ thái độ bênh vực quyền sống của con người và là bài ca ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động, đặc biệt là sức sống tiềm tàng và hành động tự giải phóng của nhân vật, đồng thời đặt niềm tin và sự trân trọng, nâng niu đối với khát vọng sống tốt đẹp của con người dù bị đày đọa đau khổ.
Đầu tiên là ngượng ngùng, xấu hổ. Từ khi rơi vào tình cảnh theo không Tràng làm vợ, cô vợ nhặt trên đường theo Tràng về bộc lộ rõ nét tâm lý ngượng ngùng, xấu hổ. Bên cạnh dáng vẻ phởn phơ, tự đắc của Tràng, thì cái vẻ thèn thẹn của người vợ càng lộ rõ. Thậm chí trước lời bàn tán của dân xóm ngụ cư, thị “ngượng ngùng chân nọ díu vào chân kia, thị chỉ dám càu nhàu ở trong miệng”, càu nhàu khẽ đến mức Tràng đi bên cạnh mà không nghe rõ. Ra thế, những nét đanh đá, chỏng lỏn, sống sượng không phải là bản chất mà là sản phẩm của hoàn cảnh năm đói, vẫn còn đó nguyên vẹn trong chị vẻ thuần hậu của người phụ nữ lao động thôn quê.
Trên đường gần về nhà Tràng, người vợ nhặt rơi vào tâm trạng lo âu, điều này được thể hiện rõ qua những câu hỏi dồn dập của thị với Tràng: “Nhà có ai không?”, “Sắp đến chưa?”,”Sao lâu thế?”. Bởi chị theo không Tràng là bất đắc dĩ, là để tránh cái đói quay quắt, không biết những gì đang đợi chị ở phía trước cho nên trong lòng lo lắng, bất an. Rồi khi trông thấy gia cảnh nhà Tràng chỉ là một “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổm nhổm những bụi cỏ dại”, người vợ nhặt không nén nổi tiếng thở dài ngao ngán. Khi bước vào nhà, chị đứng khép nép tay vân vê tà áo rách, mặt bần thần. Nhà văn Kim Lân đã miêu tả thật tinh tế tâm lý của người vợ nhặt khi rơi vào tình huống theo không Tràng về làm vợ.
Kim Lân rất tinh tế, chỉ điểm thoáng qua vài biểu hiện thất vọng ở người phụ nữ rồi ông chuyển sang một nét nhân bản hơn; không tránh được cái đói, cái rách, không tránh được cái nghèo, cái khổ, người vợ nhặt đã tìm được một điểm tựa tinh thần. Đó là mái ấm gia đình. Vì vậy có những lúc người vợ nhặt bộc lộ niềm vui, phấn chấn, hạnh phúc qua ngôn ngữ và cử chỉ thân mật như mắng Tràng “hoang nó vừa vừa chứ” chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!”. “Đồ khỉ gió”. Có lúc nheo mặt lại, lườm Tràng một cách tình tứ. Cái lườm của cô vợ nhặt gợi cho ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nam Cao trong kiệt tác Chí Phèo: “Người đàn bà dù xấu đến đâu, khi yêu cũng lườm”. Cái lườm của người vợ nhặt ở đây quả là đã vượt lên trên cái đói, cái khát để đi đến một niềm hạnh phúc rất đời thường.
Được sống trong tình thương ấm áp của gia đình bà cụ Tứ, người vợ nhặt đã có được những thay đổi rõ nét: dịu dàng, đôn hậu trở lại, cùng bà mẹ chồng “xăm xắn” quét dọn vườn tược, nhà cửa. Việc quét dọn nhà cửa trong những ngày tháng ấy xét về mặt kinh tế thì vô nghĩa nhưng nó lại có ý nghĩa to lớn về mặt giá trị tinh thần nhân văn.Tràng, cô vợ nhặt, bà cụ Tứ không chấp nhận lối sống tạm bợ qua ngày, họ vẫn hướng tới một cuộc sống bền vững, tốt đẹp hơn. Sự thay đổi của cô vợ nhặt cũng khiến Tràng không khỏi ngạc nhiên: ”nom Thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh.” Không chỉ vậy, cô vợ nhặt còn có những dự cảm tốt đẹp về tương lai. Cuối tác phẩm, cô vợ nhặt nhắc đến truyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Câu chuyện tưởng vu vơ này nhưng lại bộc lộ một dự cảm đổi đời, một cuộc thay đổi số phận trong đó có người vợ nhặt.
Qua hai tác phẩm trên ta mới thấy được sức mạnh của tình thương yêu nó cao như thế nào, giúp con người vượt qua tất cả. Bằng tình thương và cái nhìn nhân đạo, nhà văn đã ngợi ca vẻ đẹp của người lao động và luôn muốn tìm cho nhân vật của mình một hướng đi mới và tươi sáng hơn.
Bên cạnh những cái chung, điểm giống nhau của hai tác phẩm thì hiện thực cuộc sống được phản ánh trong hai tác phẩm khác nhau:
Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là bối cảnh sau cách mạng và trong kháng chiến ở miền núi Tây Bắc. Nói về những con người lao động ở vùng núi cao và chế độ phong kiến vẫn còn đang đè nặng lên chính những con người nơi đây. Còn “Vợ nhặt” của Tô Hoài lại lấy bối cảnh là nạn đói trước cách mạng và ở miền xuôi. Vào năm 1945 khi mà nạn đói hoành hành và phải khiến hơn 2 triệu người Việt Nam phải chết đói trong đợt đói ấy.
Các nhân vật khác nhau nhưng có những số phận cụ thể nhau. Đối với Mị, Mị là nạn nhân của chế độ chúa đất phong kiến ở miền núi. Giá trị con người không được xem trọng, đưa ra đong đếm, mua bán, gán nợ như đồ vật hay trâu bò vậy. Còn người vợ nhặt, cô là nạn nhân của nạn đói do bọn phong kiến, thực dân, phát xít gây ra.
Phong cách nghệ thuật, bút pháp miêu tả của mỗi tác giả khác nhau: Kim Lân chú ý khai thác từ tình huống và tâm lí nhân vật trong khi Tô Hoài có lối miêu tả nhân vật độc đáo.
Qua nhân vật và tình huống truyện, không những nhà văn phản ánh một mặt trận đen tối trong hiện thực xã hội, cùng số phận của người dân nghèo mà còn phát hiện vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đó là niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu nét đẹp tâm hồn mà hơn cả là sự hướng tới giải phóng cho con người.
Sức mạnh của tình thương yêu con người - Mẫu 2
Tô Hoài và Kim Lân là hai nhà văn có sở trường đối với thể loại truyện ngắn, có thể thấy đặc điểm chung của cả hai nhà văn là tấm lòng nhân đạo khi hướng ngòi bút đến cuộc sống và số phận của những con người bất hạnh trong xã hội. Nói cách khác đó chính là tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với con người, điều này được thể hiện rõ nét thông qua chi tiết Mị cứu A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và thái độ của anh Tràng đối với người vợ nhặt trong Truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, chi tiết Mị cắt dây trói giải cứu A Phủ là chi tiết đặc sắc nhất, đồng thời cũng là chi tiết thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc nhất của tình yêu thương con người. Sau đêm tình mùa xuân, sức sống bên trong Mị dường như lại bị phủ mờ bởi hoàn cảnh đau khổ, có lẽ Mị vẫn cứ mãi lầm lũi như vậy cho đến khi chết đi nhưng giọt nước mắt của A Phủ đã một lần nữa lay động, đánh thức sức sống tiềm tàng bên trong Mị.
Giọt nước mắt ấy làm Mị nhớ về những đau khổ mà mình đã trải qua, Mị cũng từng bị trói đứng, bị chính người chồng đầu gối tay ấp của mình trói đứng ở cột nên thấu hiểu hơn ai hết cảm giác đau khổ, bất lực hiện tại của A Phủ. Sự thức tỉnh của sức sống được thể hiện trước hết trong nhận thức về hiện thực khắc nghiệt rằng chỉ ngày mai, ngày kia thôi thì A Phủ sẽ chết, một cái chết đầy đau khổ, oan nghiệt “chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét…”. Nỗi đồng cảm với A Phủ khiến Mị một lần nữa nhận ra tội ác của cha con thống lí “chúng nó thật độc ác”.
Nỗi đồng cảm đã thôi thúc mị cắt đứt dây trói giải cứu cho A Phủ, hành động này của Mị đã thể hiện được sức mạnh to lớn của tình thương, vì nó đã đưa Mị thoát ra khỏi nỗi sợ hãy cường quyền, vượt qua khỏi những lo lắng sợ hãi về những trừng phạt của gia đình thống lí mà mình phải gánh chịu. Hành động cắt dây giải cứu A Phủ cũng đồng thời là giải cứu cho chính mình, hành động ấy đã chiến thắng thần quyền, cường quyền.
Sau khi A Phủ chạy đi, Mị vụt chạy theo “A Phủ cho tôi đi. Ở đây thì chết mất” hành động này như bước ngoặt quan trọng giúp Mị vượt ra khỏi bóng đêm đau khổ để hướng đến ánh sáng của tự do, hạnh phúc. Hành động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó chính là biểu tượng của sự hồi sinh, ở tinh thần phản kháng mạnh mẽ đối với hoàn cảnh.
Sức mạnh của tình thương, tinh thần nhân đạo trong truyện ngắn vợ nhặt lại được thể hiện qua hành động cũng như cách đối đãi của anh Tràng đối với người vợ nhặt.
Trong nạn đói khủng khiếp, dữ dội nhất Tràng đã chấp nhận cưu mang một người đàn bà chỉ hai lần gặp mặt. Chấp nhận đối mặt với gánh nặng gia đình, đối đầu để có một gia đình hoàn chỉnh. Hành động này của anh Tràng hoàn toàn không phải tự phát, bồng bột mà nó được thôi thúc bởi khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ cùng tình yêu thương con người cháy bỏng bên trong con người của anh Tràng.
Tình yêu thương của con người khiến anh Tràng vơi bớt nỗi lo về miếng ăn, về những lo toan bộn bề của hạnh phúc để hướng đến một gia đình nhỏ yên ấm trong tương lai. Tuy người vợ mà khó khăn lắm mà anh Tràng có được chỉ là người vợ nhặt nhưng chưa lúc nào anh tỏ thái độ coi thường đối với người đàn bà ấy.
Và cũng không ai ngờ đến một người đàn ông thô kệch, ngờ nghệch như anh Tràng lại tình nghĩa, tinh tế như thế. Trong đêm đầu tiên vợ về nhà, anh Tràng đã “hào phóng” bỏ ra hai hào để mua dầu thắp sáng. Hành động này thể hiện được sự trân trọng của anh Tràng đối với người vợ mới, và dường như anh cũng muốn đêm tân hôn của mình trở nên đặc biệt hơn so với những ngày thường. Thế mới thấy nạn đói tuy dữ dội, khủng khiếp có thể tước đoạt đi sự sống của con người nhưng sức mạnh của tình thương vẫn sáng rực và xua đi sự tăm tối của đói nghèo, chết chóc.
Tình thương của anh Tràng không chỉ làm cho bà cụ Tứ tươi tỉnh, rạng rỡ hẳn lên mà như thổi thêm luồng gió mới vào không khí u ám, nặng nề của xóm ngụ cư.
Tình thương của con người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là sức mạnh đưa con người ra khỏi bóng đêm của hoàn cảnh, số phận làm cho sự sống của con người trở nên thật ý nghĩa, đáng trân trọng biết bao. Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc nhà văn Tô Hoài và Kim Lân đã xây dựng lên những con người nghèo khổ nhưng đáng trọng như vậy.
Sức mạnh của tình thương yêu con người - Mẫu 3
Tinh thần nhân văn, nhân đạo luôn luôn được các nhà văn vận dụng và đưa vào trong tác phẩm của mình, một trong những tác phẩm để lại cho người đọc nhiều ấn tượng nhất đó là tác phẩm Vợ Nhặt và Vợ Chồng A Phủ của Kim Lân.
Trong tác phẩm Vợ Nhặt và Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, hai tác giả này đã thể hiện tình yêu nhân văn và nhân đạo của mình trong từng chi tiết cũng như trong từng nội dung của tác phẩm. Tính nhân văn, được thể hiện đó là tình yêu thương con người với con người, ở đó con người có thể yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống. Như chúng ta đều thấy ở hai tác phẩm này có một đặc điểm chung đó là tình yêu thương giữa con người với nhau. Đầu tiên trong tác phẩm Vợ Nhặt, trong khung cảnh của cách mạng tháng tám năm 1945 những con người nghèo khổ, vẫn đùm bọc và yêu thương nhau. Nhân vật Tràng vẫn đùm bọc và yêu thương lấy người vợ của mình.
Trong hoàn cảnh đó có thể thấy tình yêu thương đang được thể hiện một cách sâu sắc nhất, bà cụ Tứ cũng là một nhân vật được trao cho tình yêu thương để thể hiện, tác giả đả dụng ý xây dựng nhân vật này để thể hiện tinh thần nhân văn. Trong cái nghèo đói đó, con người vẫn gắn bó và yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, cùng chịu đựng những đói nghèo, cùng vươn và hướng tới một cuộc sống tươi sáng. Trong sự nghèo khổ đó nhưng con người vẫn yêu thương và gắn bó với nhau, điều đó chứng tỏ, tính nhân văn được thể hiện một cách rất ấn tượng trong tác phẩm của mình.
Còn đối với tác phẩm vợ chồng a phủ, tính nhân văn cũng được xây dựng trong các mối quan hệ giữa các nhân văn, các nhân vật ở đây chịu sự đàn áp của thế lực cường hào, phong kiến nhưng họ vẫn yêu thương và giúp đỡ nhau, nhờ có giọt nước mắt của A Phủ mà Mị bỗng nhận ra được điều thực trong cuộc sống, thức tỉnh tâm can của nhân vật trong hoàn cảnh A Phủ đang bị trói trong gia đình của thống lý pá tra, hình ảnh trên đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về tính nhân văn.
Tính nhân văn ở đây được hiểu là: tình yêu thương giữa con người với con người, đó là sự đồng cảm trước những con người có số phận bất hạnh, trong hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn vươn lên, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Như trong tác phẩm Vợ Nhặt, hình ảnh Tràng, Bà Cụ Tứ đã đùm bọc người vợ nhặt đó, đã chứng minh rằng tình thương yêu và sự đồng cảm có thể đẩy lùi cái đói, cái khổ.
Trong tác phẩm tính nhân văn được thể hiện sâu sắc qua bát cháo mà bà Cụ Tứ đã nấu để chiêu đãi con, nhân ngày đầu tiên, hình ảnh đó cũng đủ để cho chúng ta thấy được tình yêu thương, sự nhân đạo sâu sắc trong tình người. Mỗi tác phẩm là một minh chứng cho sự nhân đạo, nó đều hướng đến con người, đều phục vụ con người. Hai tác giả đã thể hiện tấm lòng đồng cảm sâu sắc vào trong tác phẩm, giá trị của tác phẩm không chỉ dừng lại ở việc phê phán chế độ phong kiến cường hào. Bên cạnh đó còn thể hiện tấm lòng yêu thương những con người nghèo khổ, luôn phải chịu sự áp bóc lột của cường hào. Trong sự nghèo khổ, con người vẫn chiến thắng bởi sức mạnh của tình yêu thương.
Tác phẩm đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, hai tác phẩm điển hình cho một nền xã hội nhân văn, và qua đó cũng phê phán một chế độ thối nát, con người phải chịu sự khổ đau, đầy đọa cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bài văn đã mang lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc, bởi tình yêu thương được thể hiện trong tác phẩm rất lớn, nó mang lại cho người đọc một cái nhìn mới hơn về tình người.