Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 5349/QĐ-BYT năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo đó, mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia. Sau đây là nội dung chi tiết Quyết định, mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5349/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH 5349/QĐ-BYT
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 tháng 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế, xã, phường giai đoạn 2018-2020;
Căn cứ Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, các Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng Y tế Bộ, Ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI HỒ SƠ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2019)
I. Sự cần thiết
Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Đối với người thầy thuốc, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Như vậy, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW.
II. Cơ sở pháp lý
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới;
Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế, xã, phường giai đoạn 2018-2020;
Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ Trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025.
III. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chuyên gia y tế và người dân.
b) Thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử thông qua các tiêu chuẩn của ngành y tế đã ban hành bao gồm tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
c) Đến năm 2020: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia.
d) Năm 2025: 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
IV. Nội dung hoạt động
1. Xây dựng, hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe
Phần mềm hồ sức khỏe đáp ứng các quy định về thiết kế và chức năng cụ thể như sau:
a) Về thiết kế phần mềm
Phần mềm được thiết kế đáp ứng các quy định sau:
- Phải ghi nhận toàn bộ nội dung, thông tin như hồ sơ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu);
- Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
- Tương thích với tiêu chuẩn HL7;
- Có khả năng kết nối, liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với hệ thống mã định danh y tế cho người dân (ID) và các hệ thống thông tin y tế liên quan.
b) Các nhóm chức năng của phần mềm:
- Nhóm chức năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
- Nhóm chức năng quản lý hành chính;
- Nhóm chức năng quản lý hạ tầng thông tin.
c) Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại mục 2, Chương II của Luật An toàn thông tin mạng.
2. Triển khai, xây dựng hệ thống mã định danh y tế cho người dân
a) Triển khai xây dựng hệ thống quản lý mã định danh y tế cho người dân theo Quyết định số 4376/QĐ-BYT ngày 24/09/2019 của Bộ Y tế ban hành quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế.
b) Đảm bảo mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế.
c) Thời gian hoàn thành: Năm 2020.
3. Về quản lý thông tin, dữ liệu
a) Thông tin, dữ liệu hình thành khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là tài sản thuộc sở hữu của cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế).
b) Nhà cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị phát triển phần mềm có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu, mã nguồn của phần mềm hồ sơ sức khỏe và các công cụ cần thiết khi kết thúc hợp đồng để bảo đảm Bộ Y tế hoặc Sở Y tế vẫn có thể khai thác sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử kể cả trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.
4. Triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử
a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn. Bảo đảm tới cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
b) Các bước triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm:
- Xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe;
- Cài đặt phần mềm hồ sơ sức khỏe cho các cơ sở y tế;
- Đào tạo, tập huấn các cán bộ y tế sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe;
- Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn từ thông tin sức khỏe của người dân tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc từ thông tin trực tiếp của người dân;
- Tổ chức cập nhật thông tin trên phần mềm hồ sơ sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Khai thác thông tin sức khỏe trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử;
- Duy trì hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
c) Thời gian thực hiện: 2019-2025.
5. Xây dựng tài liệu chuyên môn và các văn bản hướng dẫn
- Xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với hệ thống mã định danh y tế cho người dân và các hệ thống thông tin y tế liên quan.
- Xây dựng quy chế sử dụng, quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Quy định về lập, cập nhật, khai thác hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Xây dựng cơ chế tài chính để duy trì, vận hành hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
Thời gian hoàn thành: Năm 2020
V. NGUỒN KINH PHÍ
1. Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên của các đơn vị và địa phương.
2. Ngân sách từ các chương trình, dự án liên quan.
3. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị.
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Công nghệ thông tin
a) Xây dựng, hoàn thiện và duy trì hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
b) Xây dựng hệ thống quản lý mã định danh y tế.
c) Xây dựng tài liệu chuyên môn và các văn bản hướng dẫn.
d) Hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử.
đ) Hỗ trợ trích xuất dữ liệu và kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm thông tin y tế với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
e) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và hiệu quả triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc.
g) Tổng hợp, phân tích dữ liệu sức khỏe của người dân từ các địa phương, đơn vị vào hệ thống hồ sơ sức khỏe, hình thành cơ sở dữ liệu sức khỏe của người dân trên toàn quốc.
............
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết