Ngày 06/08/2018, Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 4019/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn (2018-2020. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4019/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH 4019/QĐ-UBND
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VỚI TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN (2018- 2020)
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 05/7/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn (2018-2020);
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 3066/TTr-SGDĐT ngày 24/7/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn (2018 - 2020) (Sau đây gọi tắt là Đề án).
Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tình hình và kết quả thực hiện.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 409/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND Thành phố)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em thành phố Hà Nội, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- 100% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng.
- Trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn Thành phố được uống sữa theo Đề án Chương trình Sữa học đường.
- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 95%.
- Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%.
- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi và vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%.
- Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%.
- Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%
- Góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2 cm so với năm 2010.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, ĐỊNH MỨC THỤ HƯỞNG
1. Đối tượng thụ hưởng
Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội được phụ huynh tự nguyện tham gia Chương trình Sữa học đường.
2. Thời gian thụ hưởng
Theo năm học, từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020.
3. Định mức thụ hưởng
Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Tổng số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học. Số liệu thụ hưởng thực tế được điều chỉnh cụ thể trong các năm triển khai thực hiện Đề án (Chi tiết theo phụ biểu 01a, b, c, d, e,g đính kèm).
III. KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Cơ chế tài chính thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường
a) Mức hỗ trợ, đóng góp
- Ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
- Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND Thành phố ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách1 (thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH 13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân): Ngân sách hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
b) Thời gian hỗ trợ: Thực hiện như thời gian thụ hưởng.
c) Nguồn kinh phí thực hiện cơ chế hỗ trợ từ ngân sách:
- Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngân sách Thành phố đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
- Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn Thành phố:
+ Trên địa bàn 10 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm): Ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
+ Trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã còn lại: Ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ.
2. Kinh phí và nguồn kinh phí
Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 là: 4.188.120 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách hỗ trợ: 1.293.207 triệu đồng, gồm:
+ Hỗ trợ mua sữa cho học sinh: 1.291.876 triệu đồng (ngân sách Thành phố 865.765 triệu đồng; ngân sách quận 426.111 triệu đồng).
+ Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại Thành phố: 1.331 triệu đồng
- Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ: 891.122 triệu đồng.
- Phụ huynh học sinh đóng góp: 2.003.791 triệu đồng.
(Chi tiết theo phụ biểu 02a,b đính kèm)
Đơn giá 01 hộp sữa tạm tính là 6.875 đồng/hộp = 180ml (có thuế giá trị gia tăng), sẽ không tăng trong suốt thời gian thực hiện Đề án (nếu giá 01 hộp sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa sẽ giảm giá). Giá thực tế của sản phẩm thực hiện Đề án theo giá trúng thầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2018, kinh phí ngân sách Thành phố đảm bảo thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường đã được bố trí trong dự toán giao Sở Giáo dục và Đào tạo tại Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2018 của thành phố Hà Nội (nguồn kinh phí điều hành tập trung của Thành phố). Các quận tự cân đối sử dụng nguồn tăng thu, kết dư ngân sách 2017 và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.
3. Đơn vị trúng thầu cung cấp sữa phải đảm bảo kinh phí sau
- Thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý rác thải và phí hành chính khác (sổ sách, hóa đơn, công tác kế toán, phần mềm theo dõi, phí thuê nhân công bốc vác, cấp phát sữa hàng ngày...).
- Kinh phí mua các trang thiết bị cần thiết tại kho bảo quản và duy trì kho bảo quản sữa tại các nhà trường đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
- Thực hiện công tác truyền thông cho cha mẹ hoặc người nuôi trẻ để đạt mục tiêu của Đề án.
- Kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên liên quan đủ năng lực triển khai thực hiện và theo dõi, đánh giá sức khỏe, thể lực học sinh trong quá trình thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường.
- Hỗ trợ kinh phí thực hiện kiểm tra, giám sát, tập huấn tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá hiệu quả của Đề án các cấp.
IV. TỔ CHỨC LỰA CHỌN NHÀ CUNG CẤP
1. Tổ chức lựa chọn nhà cung cấp sữa
Tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp sữa theo quy định của Pháp luật.
2. Một số tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp sữa
- Sản phẩm sữa tươi tiệt trùng trong Đề án Chương trình Sữa học đường phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT).
- Cam kết cung ứng sữa theo đúng lộ trình thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020: Theo năm học, từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020. Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
- Sản phẩm sữa thực hiện Đề án phải được đăng ký, kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền (nếu thuộc trường hợp phải đăng ký, kê khai giá theo quy định). Giá sản phẩm tại Đề án phải thấp hơn giá sản phẩm tương đồng bán trên thị trường.
- Giá 01 hộp sữa sẽ không tăng trong suốt thời gian thực hiện Đề án, nếu giá 01 hộp sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa sẽ giảm giá cho phù hợp với thực tế.
- Phối hợp với cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình cho trẻ uống sữa. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh được kết luận do uống sữa của đơn vị cung cấp không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
- Hỗ trợ tối thiểu 20% giá sữa cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. Riêng đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, diện chính sách (thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân) hỗ trợ tối thiểu 50% giá sữa.
- Đảm bảo toàn bộ kinh phí tại khoản 3, mục III, phần II; đồng thời, bố trí vận chuyển sữa đến điểm bảo quản của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố an toàn.
- Khuyến khích các doanh nghiệp có phương án và tổ chức thực hiện sản xuất chế biến sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước thực hiện Đề án
Thành lập Ban chỉ đạo Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 bao gồm: Lãnh đạo UBND Thành phố làm Trưởng ban; lãnh đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã...
Tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án.
Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án hàng năm.
Phối hợp chặt chẽ các đơn vị trong ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, các Sở, ban, ngành liên quan và đơn vị cung cấp sữa thực hiện các hoạt động truyền thông vận động sử dụng sữa cho trẻ góp phần nâng cao thể lực và trí tuệ của trẻ em.
Huy động sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân đóng góp, hỗ trợ nguồn lực thực hiện Đề án. Đặc biệt quan tâm triển khai Đề án tại các trường mầm non và tiểu học vùng khó khăn.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, sử dụng các nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình giao nhận, bảo quản, phân phối sữa và tổ chức thực hiện cho trẻ uống sữa tại trường, quan tâm đến các đơn vị trường học có nhiều điểm trường.
Tổ chức sơ kết, tổng kết theo đúng lộ trình thực hiện của Đề án Chương trình Sữa học đường.
2. Triển khai công tác truyền thông về Chương trình Sữa học đường
Truyền thông về ý nghĩa xã hội, vai trò lợi ích và tầm quan trọng của Đề án Chương trình Sữa học đường cho các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tăng cường nguồn lực thực hiện Đề án.
Thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng của dinh dưỡng và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp với lứa tuổi đối với việc phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em cho phụ huynh học sinh, người chăm sóc trẻ, giáo viên và học sinh. Chú trọng tuyên truyền việc triển khai, thực hiện Đề án tại các địa bàn khó khăn, xa trung tâm.
Thông tin về các loại sữa tươi trong Chương trình Sữa học đường đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Hình thức truyền thông đa dạng, trực tiếp và gián tiếp trên hệ thống báo, đài, tổ chức các sự kiện truyền thông như: Triển lãm đồ dùng dạy học từ vỏ hộp sữa, tổ chức ngày hội sữa học đường, tổ chức tuần lễ dinh dưỡng, các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn dinh dưỡng, pano, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn...
Thông tin tuyên truyền việc duy trì uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn và đủ số lượng trong thời gian nghỉ hè cho cha mẹ trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học để đảm bảo chương trình được thực hiện liên tục, góp phần đạt mục tiêu của Đề án.
3. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
a) Nhân lực
Củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế làm công tác dinh dưỡng. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ cho trẻ uống sữa tại trường, đánh giá hiệu quả tác động của Đề án đối với việc cải thiện dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc Việt.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phụ trách về dinh dưỡng trẻ em và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho trẻ trong các trường mầm non, tiểu học.
Tổ chức các lớp tập huấn, thực hành ghi chép các biểu mẫu, thu thập số liệu, hồ sơ, sổ sách phục vụ Đề án Chương trình Sữa học đường tại các trường.
b) Cơ sở vật chất
Nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế, bố trí nơi bảo quản sữa, bảo quản và sử dụng có hiệu quả giá kệ do đơn vị cung ứng sữa cung cấp; đơn vị cung cấp sữa chịu trách nhiệm trang bị thiết bị bảo quản sữa, đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định về bảo quản sản phẩm.
c) Kinh phí
Quản lý, sử dụng đúng, hiệu quả các nguồn kinh phí của Đề án. Tăng cường truyền thông vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí thực hiện Đề án.
4. Tăng cường các giải pháp đào tạo tập huấn kỹ thuật thực hiện Đề án
Lồng ghép Chương trình Sữa học đường vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa, trong công tác nuôi dưỡng trẻ mẫu giáo và Dự án Bữa ăn học đường ở trường tiểu học tổ chức bán trú.
Cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật lựa chọn sữa tươi phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ mẫu giáo và tiểu học tại thành phố Hà Nội.
Xây dựng và hướng dẫn quy trình mua sữa, giao nhận sữa, hướng dẫn giám sát quy trình giao nhận, bảo quản sản phẩm đúng chủng loại và chất lượng. Quy trình thu gom xử lý rác thải.
Tập huấn thường xuyên cho cán bộ y tế về dinh dưỡng và kỹ năng truyền thông giáo dục về dinh dưỡng nhằm nâng cao tầm vóc và trí tuệ cho trẻ em.
Tập huấn đội ngũ giáo viên trường học về giá trị dinh dưỡng, cách lựa chọn các loại sữa, cách sử dụng sữa, cách bảo quản sữa phù hợp cho trẻ mẫu giáo và tiểu học.
Đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường; kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em uống sữa.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực Đề án, có trách nhiệm tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo tổ chức, thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường; tham mưu xây dựng Kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sữa thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất cơ chế thanh quyết toán đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Sở Y tế giám sát, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sữa phục vụ Đề án và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành có liên quan và đơn vị cung cấp sữa xây dựng quy trình quản lý, sử dụng sản phẩm và xử lý rác thải khi thực hiện Đề án và chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cho các nhà trường thực hiện.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và đơn vị cung cấp sữa tổ chức triển khai thực hiện truyền thông giáo dục dinh dưỡng, lợi ích của việc sử dụng sữa tươi hàng ngày.
- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan đề xuất các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện Đề án.
- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với UBND Thành phố.
- Tổ chức quán triệt, triển khai, tập huấn và học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các bộ phận tham gia thực hiện Đề án.
- Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc (nếu có) và đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.
2. Sở Y tế
- Tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố tổ chức lựa chọn sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ y tế; giám sát việc cung ứng sữa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm. Hướng dẫn xây dựng quy trình giám sát, giải quyết ngộ độc thực phẩm và triển khai điều tra, giám sát, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
- Chủ trì thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu, khi phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu thì kiến nghị UBND Thành phố thay đổi nhà cung cấp sữa.
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Dân số - Y tế góp phần hoàn thành các mục tiêu Đề án Chương trình Sữa học đường.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế; kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế và đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở giáo dục đánh giá sự phát triển thể lực của trẻ theo từng giai đoạn.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường.
...................
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết