Quyết định 199/QĐ-BCĐCCTLBHXH về quy chế làm việc về cải cách tiền lương, đối với người có công, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành vào ngày 25/03/2020.
Với quyết định này ngày ban hành chính là ngày mà hiệu lực của văn bản này được bắt đầu. Dưới đây là nội dung chi tiết của quyết định này.
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG ___________ Số: 199/QĐ-BCĐCCTLBHXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ________________________ Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH 199/QĐ-BCĐCCTLBHXH
Ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công
______________
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG
Căn cứ Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 157/QĐ-BCĐCCTLBHXH ngày 21 tháng 3 năm 2017.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Nguyễn Xuân Phúc |
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG ___________ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ________________________ |
Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công
(Ban hành kèm theo Quyết định số 199/QĐ-BCĐCCTLBHXH ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương,bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công)
_________________
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo), nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Úy viên của Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc làm việc
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.
2. Thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Chương 2
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO
Điều 4. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định số 415/QĐ-TTg), có nhiệm vụ và phạm vi giải quyết như sau:
1. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 415/QĐ-TTg.
2. Phạm vi chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và các chính sách kinh tế - xã hội liên quan nêu tại Khoản 1 Điều này, bao gồm:
a) Về chính sách tiền lương, gồm:
- Mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề và lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch, bậc lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ Trung ương đến cấp xã);
- Tiền lương đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
b) Về chính sách bảo hiểm xã hội, gồm:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
c) Về chính sách ưu đãi người có công, gồm:
- Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và chế độ trợ cấp một lần đối với người có công với cách mạng;
- Các chính sách ưu đãi khác đối với người có công.
d) Giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Điều 5. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 415/QĐ-TTg và có các tổ biên tập giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các Đề án thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
2. Nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định số 415/QĐ-TTg.
3. Nhiệm vụ của các Phó trưởng Ban Chỉ đạo theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 415/QĐ-TTg.
4. Nhiệm vụ của các Ủy viên:
a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo chức năng phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các Đề án; xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an theo chức năng và lĩnh vực được phân công chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu và đề xuất chính sách tiền lương, bảo hiểm, xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng đối với lực lượng vũ trang;
c) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm cung cấp cho Ban Chỉ đạo các chỉ số về tốc độ tăng GDP, giá tiêu dùng, thu nhập dân cư; phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính cân đối nguồn đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
d) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng và lĩnh vực được phân công, chịu trách nhiệm nghiên cứu xây dựng các Đề án về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của ngành theo định hướng nêu tại Kết luận số 23-KL/TW ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; nghiên cứu xây dựng và thực hiện chính sách tiền lương của ngành; đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, văn hóa... cho các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em...;
đ) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công và chịu trách nhiệm thẩm tra các tờ trình, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
e) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo tuyên truyền các định hướng cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công nêu tại Kết luận số 23-KL/TW; Kết luận số 63-KL/TW; Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 107/NQ-CP; Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP.
g) Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Phó Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội;
h) Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
i) Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo đề xuất chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức ngành Tòa án, Kiểm sát.
k) Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách tiền lương đối với người lao động trong các doanh nghiệp và chính sách bảo hiểm xã hội; tham gia với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
l) Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
m) Tùy theo tình hình của Bộ, cơ quan, các Ủy viên Ban Chỉ đạo thành lập Tổ biên tập giúp việc xây dựng chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công của ngành.
Chương 3
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 6. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể thông qua các cuộc họp do Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực hoặc các Phó Trưởng ban triệu tập, thảo luận tập thể và theo kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo về nội dung của các Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các cuộc họp được thể hiện dưới hình thức thông báo của Văn phòng Chính phủ.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo; đóng góp ý kiến trực tiếp tại phiên họp Ban Chỉ đạo hoặc trả lời các văn bản lấy ý kiến do Ban Chỉ đạo gửi đến và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về nội dung, kết quả các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công.
3. Các thành viên Ban Chỉ đạo được giao chủ trì các nhiệm vụ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đăng ký thời gian trình và báo cáo tiến độ gửi Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
4. Sau khi các Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã được cấp có thẩm quyền thông qua, các Bộ, cơ quan theo chức năng được phân công xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; có trách nhiệm báo cáo và xin ý kiến Ban Chỉ đạo về các văn bản này trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
5. Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Trưởng ban sử dụng con dấu của Bộ mình để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Điều 7. Các phiên họp của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo họp thường kỳ 06 tháng một lần; họp đột xuất khi cần thiết.
2. Thời gian, chương trình, nội dung các phiên họp do Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quyết định. Căn cứ tình hình cụ thể, Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quyết định việc mời lãnh đạo cơ quan, tổ chức liên quan tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
3. Trình tự chuẩn bị các nội dung đưa ra xin ý kiến Ban Chỉ đạo như sau:
a) Bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm gửi dự thảo Đề án, văn bản quy phạm pháp luật đến Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực, các Phó Trưởng ban và đề nghị thời gian họp Ban Chỉ đạo;
b) Các Phó Trưởng ban chỉ đạo các Tổ biên tập kiểm tra về mặt thủ tục, thảo luận và chuẩn bị ý kiến tham gia; đồng thời gửi giấy mời và tài liệu họp đến các thành viên Ban Chỉ đạo (các cuộc họp do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi giấy mời họp và tài liệu họp đến các thành viên Ban Chỉ đạo);
c) Căn cứ ý kiến của Ban Chỉ đạo, các Bộ, cơ quan có liên quan hoàn chỉnh dự thảo Đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ theo chức năng;
d) Trong trường hợp vấn đề không nhất thiết phải xin ý kiến tập thể Ban Chỉ đạo hoặc vấn đề xử lý gấp, không có điều kiện họp toàn thể Ban Chỉ đạo thì theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực mời các Phó Trưởng ban và một số thành viên có liên quan họp để quyết định, sau đó thông báo kết luận cuộc họp cho các Ủy viên Ban Chỉ đạo biết;
đ) Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo có thể mời thêm lãnh đạo và chuyên viên của các Bộ, ngành có liên quan cùng tham dự.
4. Kết luận tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo được thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan để thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành.
Chương 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Kinh phí và phương tiện làm việc
1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nội vụ). Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan theo phân công của Thủ tướng Chính phủ được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của các Bộ, cơ quan chủ trì thực hiện.
2. Phương tiện làm việc
Thành viên Ban Chỉ đạo làm việc ở cơ quan, đơn vị nào thì sử dụng phương tiện và thiết bị làm việc ở cơ quan, đơn vị đó để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Điều 9. Điều khoản thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
TRƯỞNG BAN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |