Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) của Trần Quang Khải được giới thiệu đến học sinh trong chương trình Ngữ văn lớp 7. Bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.
Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích bài thơ Phò giá về kinh, mời các bạn học sinh cùng tham khảo nội dung chi tiết được giới thiệu sau đây.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh
- Dàn ý phân tích bài thơ Phò giá về kinh
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 1
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 2
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 3
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 4
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 5
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 6
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 7
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 8
- Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 9
Dàn ý phân tích bài thơ Phò giá về kinh
I. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Trần Quang Khải (những nét chính về cuộc đời, đặc điểm sáng tác…)
- Giới thiệu về bài thơ “Phò giá về kinh” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)
II. Thân bài
1. Hào khí chiến thẳng của quân dân ta
- Hai câu đầu nói về chiến thắng của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của người chỉ huy chính là tác giả.
- Động từ “đoạt, cầm” kết hợp với các địa danh “Chương Dương”, “Hồ Hàm Tử” góp phần làm nổi bật sự hào hùng và không khí chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử.
- Đây đều là những trận chiến gây được tiếng vang lớn.
=> Không chỉ ca ngợi chiến công của quân dân ta mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc.
2. Khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta
- Câu thơ 3: Thái bình tu trí lực (Thái bình nên gắng sức). Sau khi đánh bại quân thù, đất nước giành được độc lập bước vào thời bình, cần phải xây dựng và phát triển đất nước.
- Câu thứ 4: Vạn cổ thử giang sang (Non nước ấy ngàn thu). Khẳng định sự tồn vong bất diệt của đất nước đến muôn đời.
=> Đây không chỉ là mong muốn của riêng tác giả mà còn là mong muốn của cả một quốc gia, dân tộc.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Phò giá về kinh.
- Cảm nhận về bài thơ Phò giá về kinh của Trần Quang Khải.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 1
Không chỉ là một vị tướng tài ba, Trần Quang Khải còn là một con người có tài năng văn chương. Một trong những tác phẩm của ông là bài thơ “Phò giá về kinh” đã nói lên hào khí Đông A một thời:
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san”
Bài thơ được sáng tác khi Trần Quang Khải đi đón Thái thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285.
Hai câu thơ mở đầu là hào khí chiến thắng của quân đội nhà Trần. Tác giả đã sử dụng hai động từ mạnh “đoạt” và “cầm” miêu tả chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần trong hai trận chiến Chương Dương và Hàm Tử. Cách liệt kê hai địa danh khiến cho ý thơ thêm cụ thể, sâu sắc. Cách dịch thơ cũng không khác so với nguyên tác:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù”
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)
Tác giả đã tuyên bố chiến thắng của quân dân nhà Trần bằng một giọng điệu hào hùng, sôi nổi. Đó là do sức mạnh vô địch của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của tướng sĩ trong cuộc chiến đấu cam go. Bài thơ vang lên như một khúc khải hoàn ca cho ngày chiến thắng trở về.
Đến hai câu thơ tiếp theo, ý thơ có sự chuyển biến. Tác giả đã bày tỏ khát vọng thái bình thịnh trị của bản thân, nhưng cũng là của toàn thể dân tộc:
“Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san”
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu)
Mong muốn một cuộc sống thái bình, nhân dân được ấm no và hạnh phúc. Đất nước ngày càng hùng mạnh, no ấm, tồn tại tới ngàn năm. Giọng thơ lúc này không còn dồn dập, sôi nổi mà gửi gắm nhiều tâm tư, khao khát. Đó cũng là lời nhắn nhủ tràn đầy niềm tin và hy vọng về tương lai đất nước sẽ giàu đẹp, phát triển. Đó là tầm nhìn xa trộng rộng của một con người hơn người.
Bài thơ vang lên cùng với sông núi, mang tầm vóc lớn lao. Phó già về kinh chính là khúc khải hoàn ca của ngày chiến thắng trở về.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 2
Trần Quang Khải (1241 - 1294) là con thứ ba của vua Trần Thánh Tông. Ông được phong chức thượng tướng vì có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông (1284 - 1287) và là một trong những anh hùng đã đem tài thao lược làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử lừng lẫy muôn đời. Trần Quang Khải không chỉ là một võ tướng kiệt xuất mà còn là một thi sĩ tài hoa.
Bài thơ “Phò giá về kinh” (Tụng giá hoàn kinh sư) được sáng tác trong hoàn cảnh thượng tướng cùng đoàn tùy tùng đi đón hai vua Trần (vua cha Trần Thánh Tông và vua con Trần Nhân Tông) về Thăng Long sau khi kinh đô được giải phóng. Hình thức bài thơ tuy ngắn gọn, cô đúc nhưng đã thể hiện được hào khí chiến thắng và khát vọng lớn lao của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần. Tác giả đã ghi lại hai chiến công vang dội của quân và dân Đại Việt vào xuân - hè năm Ất Dậu 1285.
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)
Chương Dương là bến sông nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Hà Nội. Chiến thắng Chương Dương diễn ra vào tháng 6 năm Ất Dậu (1285) do Trần Quang Khải trực tiếp chỉ huy. Hàm Tử là địa danh ở tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên. Chiến thắng Hàm Tử vào tháng 4 cùng năm do tướng Trần Nhật Duật lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Trần Quang Khải.
Đây là những trận thủy chiến dữ dội nổ ra trên chiến tuyến sông Hồng. Trận Hàm Tử diễn ra vào tháng 4, tướng Trần Nhật Duật chém được Toa Đô. Hai tháng sau, Trần Quang Khải đại thắng giặc Nguyên - Mông tại Chương Dương. Hàng vạn tên lính xâm lược bị tiêu diệt, hoặc bị bắt làm tù binh. Quân ta chiếm được nhiều chiến thuyền, vũ khí và lương thảo của giặc.
Hai từ “Đoạt sáo” (cướp giáo) và “Cầm Hồ” (bắt giặc) được đặt ở đầu mỗi câu thơ giống như những nốt nhấn trong khúc ca đại thắng. Giọng thơ sảng khoái, hào hùng, phản ánh khí thế bừng bừng của dân tộc ta thời ấy. Từ vua quan, tướng sĩ đến dân chúng ai cũng hả hê, sung sướng, tự hào.
Hai câu thơ ngũ ngôn tứ tuyệt với nhịp thơ nhanh, gấp và các động từ biểu thị động tác mạnh mẽ, dứt khoát (đoạt: cướp lấy; cầm: bắt) thể hiện nhịp độ dồn dập, sôi động, quyết liệt của chiến trận. Tác giả không nói nhiều về những chiến công và cũng không tỏ ra say sưa với chiến thắng nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được niềm phấn khởi, kiêu hãnh vô bờ toát lên từ âm hưởng của bài thơ.
Mùa hè năm Ất Dậu là một mốc son trọng đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Hiện thực sôi động đã truyền cảm hứng vào những vần thơ hùng tráng khiến bài thơ mang đậm phong vị anh hùng ca. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp liệt kê và phép đối để làm nổi bật hai sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược. Chiến thắng Chương Dương diễn ra sau nhưng lại được nói đến trước là do nhà thơ đang sống trong không khí hào hùng của chiến thắng Chương Dương vừa diễn ra. Kế đó, nhà thơ làm sống lại không khí sôi động của chiến thắng Hàm Tử trước đó chưa lâu.
Hai chiến công Chương Dương độ và Hàm Tử quan đã làm thay đổi cục diện thế trận của quân ta. Từ chỗ rút lui theo chiến lược, quân ta đã tiến lên phản công như vũ bão. Mới ngày nào, 50 vạn quân Nguyên do tướng Thoát Hoan cầm đầu ồ ạt sang cướp phá nước ta. Kinh thành Thăng Long chìm trong khói lửa ngút trời. Hai mũi tấn công của giặc từ Nam Quan đánh xuống, từ Chiêm Thành đánh ra, kẹp lại như hai gọng kìm sắt. Vận nước lúc đó như "chỉ mành treo chuông" nhưng với tài thao lược của các vị danh tướng, quân ta đã lấy đoản binh chế trường trận, lấy yếu đánh mạnh. Với chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử, quân ta đã giáng sấm sét xuống đầu lũ giặc phương Bắc hung hăng, ngạo mạn. Kinh thành Thăng Long được giải phóng. Quân xâm lược đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta.
Trần Quang Khải là nhà thơ đầu tiên đã đưa địa danh sông núi Đại Việt thân yêu vào thơ ca. Cái tên Chương Dương và Hàm Tử đã in đậm vào lịch sử chống ngoại xâm, vào lịch sử văn chương như một dấu son chói lọi. Phải là người trong cuộc, tha thiết yêu non sông gấm vóc của đất nước mình, Trần Quang Khải mới viết được những câu thơ hào hùng đến thế! Hai câu thơ sau:
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu)
Đây là lời vị thượng tướng động viên dân chúng hãy bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình và tin tưởng sắt đá vào sự bền vững muôn đời của Tổ quốc. Danh tướng Trần Quang Khải vừa từ chiến trường trở về, áo bào còn vương khói súng, chưa kịp nghỉ ngơi đã lo ngay đến nhiệm vụ trước mắt cũng như kế sách lâu dài cho quốc gia, dân tộc. Ông nhấn mạnh: Trong thời bình, mọi người cần phải dốc hết sức lực để xây dựng non sông. Nước mạnh, dân giàu thì mới đánh tan được tham vọng ngông cuồng của giặc ngoại xâm, đồng thời chủ quyền độc lập mới được giữ gìn lâu dài. Điều đó chứng tỏ Trần quang Khải vừa là một chiến tướng, vừa là một vị đại thần có tài kinh bang tế thế, luôn đặt trách nhiệm với dân, với nước lên hàng đầu.
Ngôn ngữ bài thơ Phò giá về kinh rất giản dị nhưng ý tưởng chứa đựng bên trong thật lớn lao. Khi Tổ quốc đứng trước họa xâm lăng thì vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức (Trần Quốc Tuấn). Trong hòa bình, từ vua quan đến tướng sĩ, từ vương hầu đến chúng dân, ai ai cũng phải tu trí lực để đất nước Đại Việt được trường tồn. Câu thơ hàm chứa một tư tưởng vĩ đại, cho thấy tầm nhìn xa rộng và sáng suốt của Trần Quang Khải.
Tuy bài thơ ra đời cách đây gần tám trăm năm nhưng cho đến nay ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên vẹn. Bài học rút ra từ bài thơ là nếu chúng ta không chăm lo xây dựng đất nước hùng mạnh, dân trí mở mang thì làm sao chống lại được ý đồ xâm lược, đồng hóa của các thế lực phản động nước ngoài đang rình rập, nhòm ngó đất nước ta?!
Tương tự bài Sông núi nước Nam, bài thơ Phò giá về kinh cũng thể hiện lòng yêu nước theo kiểu mộc mạc, tự nhiên nhưng mạnh mẽ, hào hùng. Hai bài thơ đều phản ánh bản lĩnh vững vàng, khí phách hiên ngang của dân tộc ta. Một bài nêu cao chủ quyền độc lập thiêng liêng, khẳng định nước Nam là của vua Nam, không kẻ nào được phép xâm phạm, nếu cố tình xâm phạm tất sẽ chuốc lấy bại vong. Một bài thể hiện khí thế hào hùng và bày tỏ khát vọng xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình với niềm tin đất nước sẽ bền vững nghìn thu.
Bài Phò giá về kinh của Trần Quang Khải là một kiệt tác trong thơ văn cổ. Ý thơ hàm súc, cô đọng; ngôn ngữ thơ giản dị, gợi cảm. Bài thơ thể hiện niềm tự hào to lớn về sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta và làm sống lại những năm tháng hào hùng đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông. Đồng thời nó nhắc nhở mỗi người Việt Nam phải biết nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước thanh bình, giàu đẹp, bền vững muôn đời.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 3
Trần Quang Khải (1241-1294) vừa là một võ tướng kiệt xuất của nhà Trần, ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, đặc biệt trong hai trận chiến lớn ở Hàm Tử và Chương Dương. Không chỉ vậy ông còn là một thi sĩ nổi tiếng với rất nhiều những tác phẩm có giá trị trong đó không thể không kể tới bài thơ “Phò giá về kinh”. Đây là tác phẩm tiếp nối mạch nguồn cảm hứng yêu nước của thời đại nhà Trần, thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng về một đất nước thái bình thịnh trị của dân tộc.
Sau chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử, kinh đô Thăng Long được giải phóng, Trần Quang Khải đích thân đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông hồi kinh, bài thơ “phò giá về kinh” được viết trong hoàn cảnh ấy. Trong không khí chiến thắng hào hùng ấy, bài thơ cất lên như một bản anh hùng ca của đất nước. Hai câu thơ đầu, tác giả gợi lại hai trận chiến oanh liệt hào hùng của dân tộc ta với âm vang tự hào:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan”
Chương Dương và Hàm Tử là hai địa danh nổi tiếng gắn với hai trận đánh lịch sử của dân tộc được tác giả trực tiếp nhắc tới trong câu thơ. Đối với quân dân nhà Trần, chỉ cần nhắc tới hai chiến công vang dội có tính chất quyết định thành bại ấy cũng đủ để cất lên âm điệu tự hào, ngợi ca. Tác giả không miêu tả diễn biến trận chiến, cũng không diễn tả cảnh binh đao trận lửa mà chỉ kể lại bằng cách liệt kê nhưng như thế cũng đủ để ta hình dung được không khí trận mạc cùng tính chất gay go, căng thẳng của cuộc chiến.
Đặc biệt để nói về chiến thắng, nhà thơ chỉ sử dụng hai cụm động từ “đoạt sáo, cầm hồ” với sức gợi mạnh mẽ, khẳng định quân ta luôn trong thế chủ động, tự tin, lấn át và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng là ai. Trong phần dịch nghĩa, tác giả sử dụng từ dùng từ “cướp” để dịch thoát nghĩa cho từ “đoạt” trong phiên âm, tuy nhiên nó đã làm mất đi sắc thái ý nghĩa của hành động. “Cướp” thiên về sự phi nghĩa, trái với đạo lí, dùng sức mạnh để chiếm đoạt của người khác, nó đã làm mất đi sự hào hùng vốn có của hành động “đoạt” là tư thế chủ động, tự tin của phe chính nghĩa tước đoạt dã tâm xâm lược của kẻ thù. Với giọng điệu hào hùng, sôi nổi kể lại những chiến công oanh liệt, hào hùng cùng của dân tộc cùng hào khí chiến đấu, chiến thắng vẻ vang của quân và dân nhà Trần, hai câu thơ đầu đã cho thấy niềm vui sướng, hạnh phúc và đầy tự hào của nhà thơ, đồng thời đó cũng là sự biểu hiện cụ thể của tình yêu đất nước.
Không ngủ quên trong chiến thắng, càng sung sướng, tự hào về chiến công bao nhiêu thì quân và dân nhà Trần càng quyết tâm để giữ gìn sự hòa bình, thịnh trị của dân tộc bấy nhiêu. Với giọng điệu dứt khoát, đầy tự tin Trần Quang Khải đã lên tiếng để nói về khát vọng ấy.
“Thái bình tu chí lực
Vạn cổ thử giang san”
Đến hai câu thơ này, giọng điệu trở nên trầm lắng, niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc dường như tạm lắng lại, thay vào đó là phút suy tư sâu lắng về vận nước. Triều đại vừa trải qua cơn phong ba bởi nạn giặc xâm lược, đất nước còn bao điều bộn bề lo toan, thân làm chủ tướng, Trần Quang Khải làm sao không suy nghĩ, lắng lo cho được. Trong câu thơ, tác giả đã nhấn mạnh có thái bình rồi nên phải gắng sức dựng xây thì non nước mới được thịnh trị muôn đời. Câu thơ cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một vị chủ tướng tài ba. Đó vừa là lời hứa quyết tâm cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước, cũng vừa là lời nhắc nhở con cháu đời sau về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, dân tộc. Hai câu thơ khiến ta trân trọng, kính phục và cảm động biết bao trước tấm tấm lòng yêu nước thương dân và tài năng thao lược tài ba của người con tài giỏi nhà Trần.
Với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà dồn nén cảm xúc, “phò giá về kinh” của Trần Quốc Tuấn vừa ngợi ca chiến thắng hào hùng của dân tộc, vừa thể hiện niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước. Bài thơ được xem là bản hùng ca hòa trong dàn đồng ca yêu nước của dân tộc cùng với các tác phẩm như Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo,...Những khúc ca ấy đã khơi gợi trong mỗi chúng ta tình yêu đất nước và ý thức bảo vệ, xây dựng, giữ gìn đất nước trong mỗi người.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 4
Trận chiến Mông-Nguyên thắng lợi, quân dân đất nước mừng rỡ trước chiến công hiển hách của mình. Sức mạnh của quân giặc cũng phải chịu đầu hàng trước khí thế dùng mạnh và tinh thần quật cường chiến đấu của quân ta. Nỗi xúc động và niềm tự hào khôn nguôi còn mãi trong trái tim mỗi người lúc ấy. Trước sự kiện ấy, Trần Quang Khải đã viết nên những vần thơ thép, hùng hồn "Phò giá về kinh":
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm tử bắt quân thù
Thái bình tu trí lực
Non nước ấy ngàn thu”
Hai câu đầu tác giả đã tái hiện lại những chiến công hào hùng của quân đội nhà Trần. Bằng nghệ thuật đảo ngữ, hai nơi diễn ra trận đánh được nhấn mạnh thể hiện rõ niềm tự hào lớn lao của tác giả. Những động từ mạnh kết hợp với danh từ như "cướp giáo", "bắt quân thù" cho thấy sự chủ động và sức mạnh của quân ta trên mọi trận chiến. Trận Chương Dương tuy diễn ra sau nhưng được liệt kê trước như một sự sắp đặt có ý đồ của tác giả. Đang sống trong niềm hứng khởi của chiến nhưng vẫn không quên những ngày hào hùng, sung sướng trong thắng lợi năm xưa. Hào khí chiến đấu mạnh mẽ tiêu biểu cho hào khí của một thời đại- hào khí Đông A. Lời thơ hùng hồn, tự hào, ta như hình dung được trước mắt mình khung cảnh chiến đấu nơi trận chiến oanh liệt ấy.
"Thái bình tu trí lực
Non nước ấy ngàn thu"
Sau khi đánh đuổi quân giặc, nhân dân được tự do, yên ấm. Song, để có được hoà bình ấy phải đánh đổi bao máu và nước mắt, bao người phải hy sinh thân mình nơi chiến trận, bởi vậy mà cần phải ý thức được công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước. Không nên ngủ quên trên chiến thắng, hãy gắng sức mình, rèn luyện quân đội, xây dựng lực lượng vững mạnh, trí và lực cùng nhau cộng tác để gây dựng cơ đồ, đất nước mới được thái bình, thịnh trị: "Non nước ấy ngàn thu".
Đó là trách nhiệm của mỗi người và cũng là lời gửi gắm của vị tướng sĩ tới muôn dân, muôn người lúc bấy giờ và cả những thế hệ sau. Đất nước muôn ngàn năm tồn tại vững bền phải là sự hợp lực, quyết tâm cao độ, gắng sức kiên trì. Hai câu thơ cuối thể hiện trí tuệ anh minh và tầm nhìn chiến lược của người anh hùng yêu nước. Yêu nước không chỉ có đấu tranh, yêu nước còn cần phải xây dựng phát triển nước nhà ngày một giàu mạnh hơn để nhân dân ngàn năm mãi được sống trong hoà bình, tự do. Vận mệnh đất nước luôn nằm trong tay ta, do ta quyết định, được hay mất, tồn tại hay không tồn tại đều từ sự nỗ lực, ý thức của nhân dân.
Bài thơ ngũ ngôn vô cùng cô đọng, hàm súc, lời ít ý nhiều tạo nên ấn tượng mạnh. Những chiêm nghiệm được đưa ra sau những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc như một sự đúc rút thực tiễn đầy khách quan, từ đó, tạo niềm tin và thúc giục mọi người hành động, quyết tâm cao.
Đọc bài thơ , em thấy mình thật may mắn khi được sống trong hoà bình hôm nay, những mong ước, nhắn nhủ của người anh hùng Trần Quang Khải đang ngày được thế hệ sau tiếp thu, nêu cao tinh thần quyết tâm thực hiện. Em thầm hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, luyện sức, luyện tài, trau dồi đạo đức thật tốt để sau này có thể cống hiến thật nhiều cho đất nước thân yêu.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 5
Cuộc kháng chiến quân Mông – Nguyên đã qua đi nhưng những hồi ức thắng lợi vẫn còn vang vọng mãi cho đến bây giờ . Nhắc đến cuộc kháng chiến này ta không thể không nhắc đến Trần Quang Khải – vị tướng tài kiệt xuất đã có công lớn trong cuộc kháng chiến này. Và ông cũng chính là thi sĩ tài hoa sáng tác ra bài thơ “Phò giá về kinh", cho chúng ta sống lại khí thế hào hùng lúc bấy giờ. Bài thơ đã thể hiện được hào khí chiến thắng và khát vọng của dân tộc ta
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử Quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san”
Dịch thơ:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Mở đầu bài thơ là chiến công vang dội của quân và dân Đại Việt và mùa hè năm Ất Dậu năm 1285:
“Đoạt sáo chương dương độ
Cầm hồ Hàm Tử Quan”
Chương Dương và Hàm Tử Quan là hai địa danh lừng lẫy lưu danh sử sách. Trước hết là Chương Dương là bến sông nằm phía hữu ngạn sông Hồng thuộc Hà Tây cũ, trận đánh này do Trần Quang Khải trực tiếp chỉ huy. Hàm tử là địa danh ở tả ngạn sông Hồng, trận này do tướng Trần Nhật Duật lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Trần Quang Khải . Hai thắng lợi này đã khiến quân giặc khiếp sợ mà thể hiện tài năng đánh giặc của Trần Quang Khải. Ngay khi đọc hai câu thơ ta đã thấy 2 cụm từ đặt đầu câu: Đoạt sáo (cướp giáo), Cầm hồ (bắt giặc). Nó là một điểm nhấn trong khúc ca đại thắng vậy. Hơn thế nữa hai từ này là động từ mạnh thể hiện nhịp độ dồn dập, quyết liệt sôi động của chiến trận. Giọng thơ sảng khoái hào hùng phản ánh khí thế của nhân dân ta lúc bấy giờ. Tác giả không dừng lâu trong chiến công cũng không say sưa với chiến thắng nhưng ta vẫn cảm nhận được niềm phấn khởi , kiêu hãnh toát ra từ âm hưởng của bài thơ.
Mùa hè năm Ất Dậu chính là mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của chúng ta . Những chiến công hiển hách đã truyền cảm hứng vào những vần thơ hùng tráng khiến bài thơ mang đậm phong vị anh hùng ca . Trần Quang Khải thật tài tình khi sử dụng biện pháp liệt kê và phép đối để làm nổi bật hai sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược. Chắc hẳn còn sống trong không khí hào hùng của chiến thắng Chương Dương vừa diễn ra nên ông đã đặt nó lên trước, kế đó là trận đánh Hàm Tử Quan được diễn ra trước đó không lâu.
Hai trận đánh này đã lật ngược tình thế đưa nước ta từ thế bị động sang thế chủ động , giáng một đòn mạnh đến quân giặc khiến chúng phải khiếp sợ. Chương Dương và Hàm Tử Quan chính dấu ấn quan trọng thể hiện thắng lợi của dân tộc ta. Phải là người yêu quê hương, đất nước da diết thì Trần Quang Khải mới viết được những vần thơ hào hùng đến thế . Không ngủ quên trong chiến thắng ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình:
“Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san”
Ông nhấn mạnh trong thời bình mọi người cần phải dốc sức xây dựng non sông đất nước , nước mạnh dân giàu mới khiến bọn giặc không bén mảng tới cũng như giữ gìn được độc lập lâu dài. Không những là một vị tướng tài ba, Trần Quang Khải còn là một vị quan có tài trong việc quản lý sắp xếp mọi việc. Ông luôn đặt vấn đề lo cho nước cho dân lên hàng đầu. Những câu thơ dường như rất giản đơn ngắn gọn nhưng ý tưởng bên trong thật to lớn. Khi Tổ quốc gặp nạn chúng ta cần đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, còn khi hòa bình chúng ta từ các quan đại thần đến nhân dân cần dốc sức một lòng xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh. Qua đây ta thấy được tầm nhìn xa trông rộng của ông. Đến tận bây giờ bài học được rút ra từ bài thơ vẫn được áp dụng đến tận nay: phải chăm lo xây dựng đất nước thì mới giữ gìn hòa bình cuộc sống nhân dân mới ấm no hạnh phúc đừng ngủ quên trong chiến thắng
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn Trần Quang Khải đã thể hiện được khí thế hào hùng và bày tỏ được khát vọng xây dựng đất nước, giữ gìn hòa bình. Bài thơ cũng là một lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước .
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 6
Phò giá về kinh là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Trần Quang Khải, đứng trong hàng ngũ những bài thơ yêu nước xuất sắc nhất của văn học Việt Nam. Bài thơ vừa thể hiện âm hưởng chiến thắng hào hùng vừa cho thấy tầm nhìn xa trông rộng về đường hướng phát triển đất nước của tác giả.
Bài thơ làm ngay sau khi quân ta giành chiến thắng, lúc đó Trần Quang Khải đi đón và hộ giá Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông trở về kinh thành Thăng Long. Bởi vậy bài thơ ra đời trong âm vang chiến thắng hào hùng của chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử do đích thân Trần Quang Khải chỉ huy chiến đấu.
Hai câu thơ đầu là cảm hứng tự hào trước những chiến công của thời đại, mang tính thời sự nóng hổi:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù”
Câu thơ ngắn gọn, chỉ có năm chữ mà chắc nịch ý tứ và niềm vui. Câu thơ như dồn nén sức mạnh và sự thần tốc, chớp nhoáng của các chiến công. Các động từ mạnh mẽ, dứt khoát: đoạt, cầm mang phong cách của một vị tướng. Đồng thời còn diễn tả được không khí sục sôi của những sự kiện lịch sử có ý nghĩa xoay chuyển cục diện chiến trường. Chương Dương là trận đấu mở màn nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến chiến thắng của cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai. Câu thơ vang lên thật hào sảng, hân hoan niềm vui. Đầu mỗi câu thơ gắn với hai địa danh: Chương Dương, Hàm Tử đây là những địa danh chói lọi gắn liền với những chiến công lịch sử của dân tộc, nó cũng trở thành biểu tượng cho thắng lợi huy hoàng. Nhắc lại hai địa danh đó càng làm niềm vui, niềm tự hào được nhân lên hơn nữa. Ngoài ra tác giả còn sử dụng từ ngữ mang sắc thái biểu cảm: chữ Hồ thường được người phương Bắc dùng để gọi các dân tộc thiểu số phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc. Bởi vậy khi dùng chữ này với quân xâm lược Mông – Nguyên tác giả thể hiện sự khinh bỉ.
Vui với niềm vui chiến thắng, nhưng đằng sau đó ta vẫn thấy một Trần Quang Khải có tầm nhìn xa trông rộng, hết sức quan tâm đến vận mệnh đất nước. Hai câu thơ trên lướt nhanh qua những dòng sự kiện để rồi đọng lại những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc:
“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Hai câu thơ cho thấy cho thấy suy nghĩ, tầm nhìn của một vị thủ lĩnh, trong niềm vui chung của đất nước, ông không bị cuốn đi, không an lạc trong chiến thắng mà vẫn nêu lên nhiệm vụ sau khi giành được độc lập. Ông nêu lên trách nhiệm dẫu thái bình vẫn phải dốc hết sức lực để xây dựng, phát triển đất nước, có như vậy sông núi nước Nam mới bền vững muôn thuở. Hai câu thơ cuối vừa là chân lí vừa là kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn chiến đấu lâu dài của dân tộc. Cũng chính bởi lời dặn dò ấy, mà nhân dân ta đã tiếp tục đánh thắng sự xâm lược của quân Mông - Nguyên lần tiếp theo, cũng bởi thế mà vận mệnh đất nước lâu bền, thịnh trị, nhân dân được sống trong cảnh yên ấm, hạnh phúc. Câu thơ đã thể hiện tầm nhìn của một con người có hiểu biết sâu rộng, cái nhìn sáng suốt, chiến lược trong tương lai.
Bài thơ sử dụng thể thơ ngũ ngôn với số câu chữ ít ỏi, nhưng vô cùng hàm súc. Số câu chữ ít ỏi nhưng đã khái quát đầy đủ sự kiện lớn của dân tộc và nêu lên chân lí lớn của thời đại. Kết cấu thơ chặt chẽ, ngôn từ chọn lọc, nhịp thơ ngắn gọn, kết hợp giữa biểu ý và biểu cảm. Vừa đưa ra những sự kiện lịch sử chính vừa thể hiện niềm vui, sự hân hoan trước chiến thắng và những suy tư, chiêm nghiệm sau khi đất nước đánh bại quân xâm lược.
Bài thơ với ngôn ngữ chọn lọc, cô đọng giàu sức biểu cảm đã cho thấy hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trịnh của nhân dân đời Trần. Đồng thời khẳng định chân lí vừa mang ý nghĩa thời sự vừa mang ý nghĩa lịch sử:
“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 7
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước ta, ghi dấu ấn lại bằng những chiến thắng oanh liệt trước giặc xâm lăng, trong số đó phải kể đến chiến thắng vang dội khiến giặc ngoại xâm phải khiếp sợ đó chính là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai. “Phò giá về kinh” được Trần Quang Khải sáng tác khi mà quân và dân đã giành chiến thắng vang dội, vua và dân nhà Trần quay về trở về kinh đô Thăng Long. Đây được coi là bài ca khải hoàn ca đầy lẫy lừng của dân tộc ta. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, bằng chữ Hán:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san”
Mở đầu bài thơ là hai câu thơ nhắc đến 2 chiến thắng lịch sử đánh dấu ấn quan trọng trong việc phá tan giặc Nguyên Mông đó là chiến thắng tại Chương Dương và Hàm Tử năm 1285:
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
Hai câu thơ có thể được dịch như sau:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù”
Chương Dương và Hàm tử chính là hai địa danh thuộc tả và hữu của con sông Hồng. Dưới sự chỉ huy của vị tướng tài ba Trần Quang Khải quân và dân ta đã dành chiến thắng vẻ vang tại hai phòng tuyến quan trọng này. Hai câu thơ tùy rằng không nhắc đến sự khốc liệt của cuộc chiến, đến binh đau đến máu chảy nhưng hai động từ “đạo sáo” và “cầm hồ” đã thể hiện được ý chí chiến đấu vô cùng ngoan cường của quân và dân ta. Lời thơ như đưa ta vào giữa cuộc chiến tranh, được đứng giữa cái cảm giác nâng nâng của sự chiến thắng, chiến thắng đã vang động cả đất trời.
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san”
Tương lai của đất nước được Trần Quang Khải suy ngẫm và nhắn nhủ đến toàn thể dân tộc
“Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”
Đây là lời nhắn nhủ của vị tướng tài ba kiệt xuất về tương lai của đất Việt, nền thái bình là tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé, gái trai từ vua đến quân, dân đều phải tự ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ nền thái bình đó “tu trí lực”, muốn như thế mỗi con người chúng ta cần tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, tài năng cống hiến cho đất nước. tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Câu kết “Vạn cổ thử giang san” chính là sự nhấn mạnh của Trần Quang Khải kết quả của sự cố gắng dựng xây và bảo vệ đất nước kia chính là “Non nước” ấy lưu danh ngàn đời trường tồn đến hàng ngàn năm sau , đây cũng chính là ước mơ của tác giả hay của chính dân tộc ta về một khát khao mãnh liệt về một thế giới thái bình trường tồn đến muôn đời. Việc dùng đến gươm đao để đấu lại quân thù chỉ là giải pháp tình thế mà thôi.
“Phò giá về kinh” đã ra đời đến mấy trăm năm lịch sử nhưng giá trị mà bài thơ để lại vẫn còn vẹn nguyên cho đến ngày nay. Vị danh tướng tài ba-một nhà thơ lớn của dân tộc Trần Quang Khải đã dành hết tâm tư của mình cho bài thơ, nhắn nhủ đến toàn thể nhân dân, chính đoàn kết là sức mạnh dẫn đến chiến thắng, đồng thời cũng nêu lên tinh thần tự hào dân tộc và nhắc nhở mọi người cần tu dưỡng tài năng, đạo đức cống hiến của tổ quốc.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 8
Trong công cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược đời Trần, Thượng tướng Trần Quang Khải đã lập được nhiều chiến công to lớn. Sau chiến thắng Hàm Tử, rồi chiến thắng Chương Dương năm 1285, trong ngày vui đất nước được giải phóng, Trần Quang Khải vinh dự đón nhà vua về kinh đô. Trên đường đi, ông đã hứng khởi sáng tác bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư. Bài thư nguyên văn bằng chữ Hán, theo thể Đường luật ngũ ngôn tứ tuyệt, toàn bài bốn câu, mỗi câu năm tiếng tuyệt hay. Tuy tác phẩm thuộc loại biểu ý là chính, nhưng đằng sau những ý tưởng lớn lao vẫn dạt dào biết bao cảm xúc sâu lắng. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Trước thời đại nhà Trần, dân tộc ta từng đã nhiều lần đánh tan bọn giặc ngoại xâm. Nhưng sau những chiến công ấy, chúng ta chưa được đọc, được nghe một tác phẩm văn chương nào viết về chiến thắng, hoan ca khúc khải hoàn. Do đó, bài thơ Phò giá về kinh của vị thượng tướng - thi sĩ không những có tính lịch sử mà còn có giá trị văn chương. Chúng ta hãy đọc nguyên tác bài thơ phiên âm chữ Hán:
“Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
Và đọc bản dịch thơ của Trần Trọng Kim :
“Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu”
Bố cục tác phẩm gồm hai phần khá mạch lạc. Hào khí chiến thắng được thể hiện ở hai câu đầu:
“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù”
Tìm hiểu lịch sử, biết rằng trong công cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên đời Trần, quân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng Trần Quang Khải chí nói tới hai chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử. Tại sao? Phải chăng đây là hai chiến dịch tiêu biểu, có tính quyết định để giành thắng lợi cuối cùng?
Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, xa giá nhà vua và cá triều đình sau thời gian sơ tán, tạm lánh về nông thôn, được trở về kinh đô, vui lắm, phấn khởi lắm, đáng làm thơ, đáng ca hát lắm? Trong thực tế, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước (tháng 4 năm 1285), chiến thắng Chương Dương sau (tháng 6 năm 1285).
Tại sao tác giả nêu Chương Dương trước, sau đó là Hàm Tử? Đây cũng là câu hỏi thú vị. Tìm hiểu lịch sử, ta biết rằng, ở chiến thắng trước - Hàm Tử - người chỉ huy là tướng Trần Nhật Duật, còn Trần Quang Khải chi tham gia hỗ trợ. Còn tại Chương Dương, Thượng tướng Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay sau đó đón nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền niềm vui được "phò giá" dồn dập nối tiếp nhau lay động trí tuệ và tâm hồn.
Có lẽ vì thế trong phút ngẫu hứng, vị thượng tướng đã nhắc ngay tới Chương Dương, rồi mới hồi tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch Chương Dương và Hàm Tử, quân dân ta đã chiến đấu vô cùng dùng cảm, khí thế trận mạc vô cùng sôi động, thành tích chiến đấu vô cùng phong phú,... Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn, mười âm tiết. Ở mỗi chiến thắng, thể hiện bằng hai từ : "đoạt sáo" (cướp giáo), "cầm Hồ" (bắt quân Hồ).
Cần chú ý câu thơ nguyên tác "đoạt sáo". "Đoạt" nghĩa gốc là "lấy hẳn được về cho mình qua đấu tranh với người khác". Như vậy, dùng từ "đoạt sáo", nhà thơ vừa ghi chiến công vừa ngợi ca hành động chính nghĩa và dũng cảm của quân dân ta. Bản dịch dùng từ "cướp giáo" làm giảm phần nào vẻ đẹp của chiến thắng. Ở Chương Dương, ta giành được gươm giáo, vũ khí quân giặc. Còn ở Hàm Tử, ta bắt được quân tướng của chúng. Mỗi chiến dịch một thành tích khác nhau, bổ sung cho nhau, thật hài hòa, toàn diện. Trong chiến trận, chắc có thương vong, quân giặc chắc bị ta tiêu diệt, giết chết, đuổi chạy khá nhiều. Nhưng lời thơ không nói tới cảnh máu chảy, đầu rơi, mà chỉ nhắc hai hành động "đoạt sáo", "cầm Hồ".
Cách nói ấy nhẹ mà sâu, biểu hiện rõ mục đích chiến đấu của dân tộc ta không phải là chém giết mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải quy thuận, trả lại non sông, đất nước cho ta. Câu thơ dồn nén, biểu ý rắn khoẻ. Nhưng nhịp thơ, âm điệu vẫn toát ra niềm vui, niềm tự hào phơi phới. Đọc thơ, ta có cảm giác vị thượng tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vừa đi giữa đoàn quân chiến thắng vừa sang sảng cất tiếng ngâm thơ. Tiếng ngâm lan truyền và được ba quân nối tiếp, trở thành khúc ca hào hùng vang động núi sông. Đúng là khúc khải hoàn ca.
Phân tích bài thơ Phò giá về kinh - Mẫu 9
Thượng tướng Trần Quang Khải là một vị tướng văn võ song toàn, từng có công rất lớn trong hai cuộc chiến chống quân Mông- Nguyên. Sau chiến thắng vang dội ở Chương Dương, Hàm Tử, chiến thắng giải phóng kinh đô năm 1285, ông được cử đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh. Trên đường đi, ông đã sáng tác bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”. Đây là khúc khải hoàn đầu tiên của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Hai câu đầu của bài thơ thể hiện chiến thắng hào hùng vang dội của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược.
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan”
(Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù)
Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thời vua Trần, nhân dân ta đã giành nhiều chiến thắng trong nhiều chiến dịch, nổi tiếng nhất là chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Nhưng tại sao Trần Quang Khải chỉ nói đến chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử mà không hề nhắc đến trận Bạch Đằng? Phải chăng đây là hai chiến thắng tiêu biểu, có tính quyết định dứt khoát để giành thắng lợi cuối cùng? Phải chăng nhờ hai chiến thắng này, nhà vua và cả triều đình sau thời gian sơ tán, được trở về kinh đô, trở về nhà trong niềm vui sướng? Trong thực tế lịch sử, chiến thắng Hàm Tử diễn ra trước, chiến thắng Chương Dương sau. Tại sao tác giả lại nói ngược lại, nêu Chương dương trước, sau đó là Hàm Tử? Tìm hiểu lịch sử, ta thấy rằng, người chỉ huy trận Hàm Tử là tướng Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải chỉ tham gia hỗ trợ. Còn ở trận Chương Dương, Trần Quang Khải thống lĩnh ba quân, trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi giòn giã, để rồi ngay sau đó được cử hộ giá nhà vua về kinh. Niềm vui chiến thắng, đi liền với niềm vui được “phò giá” dồn dập nối tiếp cộng hưởng cho nhau. Có lẽ vì thế mà trong phút ngẫu hứng, vị tướng đã nhắc ngay đến chiến thắng Chương Dương, rồi mới hồi tưởng Hàm Tử. Trong cả hai chiến dịch, quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm, khí thế, quyết đoán. Song, tác giả chỉ đúc lại trong hai câu thơ ngắn gọn với hai động từ mạnh đó là “đoạt” và “cầm”. “Đoạt” nghĩa là “lấy hẳn được về cho mình qua đấu tranh với người khác”. Như vậy, dùng từ “đoạt sáo”, nhà thơ vừa ghi nhận chiến công vừa ngợi ca hành động chính nghĩa, dũng cảm của quân ta. Ở Chương Dương, ta giành được gươm giáo, vũ khí của giặc thì ở Hàm Tử, ta bắt sống được tướng giặc ngay tại trận. Trong chiến trận chắc chắn có thương vong, tổn hại lực lượng của cả bên ta lẫn bên địch. Nhưng lời thơ không đề cập đến, vì mục đích chiến đấu của dân tộc ta không phải là giết kẻ thù mà là giành lại nền độc lập, bắt kẻ thù phải trả lại đất nước cho ta. Giọng thơ khỏe khoắn, hùng tráng, âm điệu tươi vui, rộn ràng làm ta có cảm giác vị tướng ấy đang ngẩng cao đầu, vừa đi vừa cất tiếng ngâm thơ.
Có thể nói, hai câu thơ trên đã tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt, tình cảm phấn chấn, tự hào của nhà thơ trên đường hộ tống nhà vua về kinh.
Dời xuống hai câu sau, âm điệu thơ như lắng lại. Nhà thơ dường như đang suy nghĩ về tương lai đất nước:
“Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.”
(Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.)
Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về tương lai của đất nước, cũng là lời nhắn nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành động lực, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”, bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc nếu muốn làm nên chiến thắng, muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu chứ không được ngủ quên trên chiến thắng. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái chặng đường đi tiếp của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng nhạc của thơ lại mang tính biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hi vọng của quân dân ta.
Hai câu thơ sau là khát vọng hòa bình sau khi giành được chiến thắng vang dội và sự mong muốn xây dựng nền hòa bình cho đất nước lâu dài. Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ với quân dân: chúng ta không được phép ngủ quên trên chiến thắng. Điều đó thể hiện trí tuệ, biết lường trước được mọi việc, tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh đạo tài ba biết lo cho dân cho nước. Để cho non nước được nghìn thu, hòa bình bền vững, thì khát vọng hòa bình không chỉ là khát vọng của riêng của người lãnh đạo mà còn là khát vọng chung của cả dân tộc.
Bằng cách nói chân thành, với câu chữ giản dị, mộc mạc, “Tụng giá hoàn kinh sư” đã thể hiện hào khí chiến thắng vang dội và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta trong thời đại nhà Trần.