TOP 4 bài Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ hay nhất, giúp các em học sinh lớp 8 hiểu rõ hơn về sự độc ác, vô nhân tính khi đánh anh Dậu kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần.
Trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, hình ảnh nhân vật cai lệ chính là đại diện điển hình cho cái chế độ phong kiến tay sai thối nát, hà khắc, độc đoán và tàn nhẫn. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 8.
Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Dàn ý phân tích nhân vật cai lệ trong Tức nước vỡ bờ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố, tác phẩm Tắt đèn, đoạn trích Tức nước vỡ bờ và nhân vật cai lệ.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.
2. Thân bài
Tên cai lệ không xuất hiện trực tiếp, không được miêu tả chi tiết về ngoại hình, về tính cách nhưng bọn chúng vẫn hiện lên trước mắt bạn đọc bởi sự độc ác, vô nhân tính khi đánh anh Dậu kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần.
Cai lệ trong câu chuyện không phải là một nhân vật cụ thể mà chúng tượng trưng cho một lớp người những con người làm thuê không nhân tính với vẻ bặm trợn.
Chúng là những người có thái độ hung hãn, hành động ngông cuồng không hề giống những người thu thuế bình thường, không mang sách bút ghi chép lại là những vũ khí thường xuyên chà đạp lên thân thể con người, nhuốm máu, mồ hôi người nông dân nghèo khổ.
Bản chất hống hách, hách dịch, kiêu ngạo được Ngô Tất Tố bóc trần. Chị Dậu dù rất lễ phép, xưng cháu ông nhưng cai lệ "trợn ngược hai mắt" vô lương tâm mà chửi mắng, sỉ vả chị.
Bọn cai lệ là tên vô cùng hèn hạ. Ngay cả phụ nữ cũng dám ra tay "bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch", "tát vào mặt", tàn bạo không khác gì bọn súc sinh cầm thú.
→ Bản chất của con người không ai là xấu, nhưng trở thành một người xấu, vô nhân tính lại là sản phẩm của xã hội đương thời. Bọn cai lệ là điển hình cho những con người lúc bấy giờ tha hóa biến chất, trở nên hung hăng, tàn bạo, những tên đầu trâu mặt ngựa. Chính bản chất của chúng đã tố cáo một xã hội phong kiến thối nát, áp bức bóc lột con người đến mức người đối xử với người không còn nhân tính.
3. Kết bài
Khái quát lại nhân vật tên cai lệ; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Phân tích nhân vật cai lệ trong Tức nước vỡ bờ - Mẫu 1
Tắt đèn với chương Tức nước vỡ bờ là đỉnh cao của mối xung đột ấy, thể hiện rõ cách nhìn con người trên bình diện giai cấp. Trước hết là cách nhìn của tác phẩm đối với bọn tay sai của chế độ thực dân phong kiến đương thời.. Đó là bọn người tàn ác, bất nhân, coi mạng người dân như cỏ rác.
Thực vậy, tính chất tàn ác bất nhân ấy được thể hiện trước hết ở việc dồn người dân vốn đã lâm vào hoàn cảnh khốn khổ đến đường cùng. Tức nước vỡ bờ là chương truyện có kịch tính rất cao. Mười bảy chương trước đã thuật lại không biết bao nhiêu là cảnh cùng cực, khốn đốn của vợ chồng chị Dậu trong những ngày sưu thuế. Nhà nghèo lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh, đến vụ thuế, anh Dậu lại bị ốm liệt giường. Cho nên, vì suất sưu của anh Dậu mà chị Dậu phải bán chó, bán con, phải chịu đựng những lời rủa sả cay độc của vợ chồng Nghị Quế và cũng từng phải nếm cả những đòn roi của bọn lính và người nhà lí trưởng.
Cũng vì suất sưu ấy mà anh Dậu bị đánh, bị trói giữa lúc ốm đau. Sự bất nhân, tàn nhẫn ấy còn thể hiện ở chỗ chẳng những đánh thuế vào người sống, mà còn dựng cả người chết lên để đánh thuế. Cho nên, nộp xong suất sưu của anh Dậu. Chị Dậu những tưởng đã trả được món nợ nhà nước, nào ngờ, bọn hào lí cho biết số tiền vừa nộp ấy chỉ mới tính vào suất của chú Hợi đã chết từ năm ngoái, tiền thuế đinh của anh Dậu vẫn còn phải…nợ! Thế là chị Dậu bị đẩy tới chỗ cùng đường.
Anh Dậu tiếp tục bị đánh, bị trói cho đến ngất xỉu. Nửa đêm, người ta vác anh Dậu rũ rượi như một cái xác trả về cho chị Dậu. Nhờ có hàng xóm đổ đến giúp, chị Dậu đã cứu sống được chồng. Nhưng trời vừa sáng, bộ mặt cai lệ và người nhà lí trưởng lại hiện ra. Sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng. Tính mạng của anh Dậu bị đe dọa nghiêm trọng. Thế là, “tức nước vỡ bờ", chị Dậu đã vùng lên chống trả một cách quyết liệt. Đặt nhân vật vào tình huống đầy kịch tính ấy, tác giả đã phơi bày thành công bộ mặt tàn ác, bất nhân của lũ tôi tớ, tay sai dưới chế độ thực dân phong kiến thời đó. Cai lệ có lính tráng trong tay để sai bảo.
Nhưng cai lệ chưa phải là quan. Đó là một chức hạng bét của chế độ đương thời, một loại cánh tay nối dài của quan phủ quan huyện ngày xưa. Người nhà lí trưởng tất nhiên không có chức quyền gì. Ý chính là đầy tớ của bọn hào lí trong làng. Thậm chí, y có thể là một người nghèo. Có lần chị Dậu năn nỉ hắn: “Bạn nghèo với nhau, bác nói khéo với ông lí cho tôi”, nhưng hắn đã hầm hầm vác gậy bỏ đi và thô lỗ: “Tôi không dám bạn với nhà chị”. Cai lệ và người nhà lí trưởng tuy địa vị có khác nhau nhưng sự tàn ác bất nhân thì không ai kém ai.
Chân dung của chúng đã được nhà văn khắc họa khá sắc sảo. Giữa túp lều tồi tàn như nơi chứa phân tro có một người đàn ông vừa thoát chết, một người đàn bà nuôi con mọn với ba đứa trẻ. Thình lình cai lệ và người nhà lí trưởng xuất hiện, đằng đằng sát khí, sầm sập tiến vào. Tay chúng cầm roi song, tay thước, dây thừng. Đó là những dụng cụ đánh người. Với thái độ ra oai, cai lệ gõ đầu roi xuống đất rất hách dịch, gọi anh Dậu là thằng, chị Dậu là mày, xưng ông, xưng cha mày. Cai lệ mở mồm la thét, quát tháo: “Mày định nói cho cha mày nghe đấy à?”
Bên cạnh giọng thét, giọng quát còn có giọng hầm hè và trợn hai mắt. Thật là bộ mặt của hung thần! Tên người nhà lí trưởng thì mỉa mai tên cai lệ để tên này càng hung tợn hơn: “Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Đấy! Chị hãy nói với ông cai để ông ấy ra đình kêu với quan cho! Chứ ông lí tôi thì không có quyền dám cho chị khất một giờ nào nữa!”. Anh Dậu đang ốm đau lại bị trói đến ngất xỉu đi, vậy mà họ chẳng hề động tâm. Vừa thấy anh run rẩy cất bát cháo, cai lệ rủa sả: “Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à?" Anh Dậu sợ lăn ra phản, người nhà lí trưởng còn mỉa mai cười: “Anh ta lại sắp phải gió như đêm hôm qua đấy”.
Cả hai tên bất nhân không để ý đến lời van xin tha thiết của người đàn bà khốn khổ ấy. Hắn không để chị nói hết câu mà chỉ giục: "Nộp tiền sưu! Mau. Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ, thì ông sẽ dỡ cả nhà mày đi". Hắn càng hung hăng, sai người nhà lí trưởng trói anh Dậu. Người nhà lí trưởng còn không dám hành hạ một người đang ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì. Ấy thế mà hắn dám đùng đùng giật phắt cái thừng, chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, tát vào mặt chị một cái đánh bốp. Chân dung của cai lệ và người nhà lí trưởng được khắc họa bằng những chi tiết điệu bộ, giọng nói và hành vi. Không hề có chi tiết nào về suy nghĩ của chúng.
Đó là sự sắc sảo của ngòi bút Ngô Tất Tố. Chúng chỉ biết đánh trói, hành hạ người như một cái máy vô tri. Chúng làm gì có lòng trắc ẩn của con người. Đó là bản chất bất nhân của bọn đầy tớ tay sai.Tóm lại, chân dung của bọn tay sai chế độ thực dân phong kiến thực chất là bọn mặt người dạ thú. Tiếng của chúng chỉ là âm thanh hằm hè, quát, thét. Đầu óc chúng không biết nghĩ suy, trái tim chúng không hề rung động! Hung dữ và thô bạo như vậy, chúng tạo được tình huống kịch tính căng thẳng cho mạch truyện, đây nhân vật chị Dậu đến tình trạng "tức nước vỡ bờ".
Thật là những chân dung được khắc họa bằng cái nhìn tinh tế và ngòi bút sắc sảo bậc thầy của nhà văn Ngô Tất Tố.
Phân tích nhân vật cai lệ trong Tức nước vỡ bờ - Mẫu 2
Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn hiện thực thành công nhất trong nền văn học hiện đại trước cách mạng cùng với một số tên tuổi lớn khác như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân,... Ông là một nhà nho nặng tình với những giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó tiêu biểu nhất là nền văn hóa làng xã, đồng thời ánh mắt ông cũng đủ tinh tường để nhận thức rằng chế độ phong kiến bảo thủ lạc hậu đến thời điểm đó đã không còn phù hợp và trở thành một bước cản, một sự áp đặt nặng nề lên đời sống của nhân dân, khiến họ rơi vào cảnh cùng khổ. Nếu như Lều chõng là tác phẩm phản ánh sự rườm rà, cứng nhắc và sáo rỗng của chế độ khoa cử cũ, thứ đã bó buộc tài năng và sự sáng tạo của con người, thì đến tác phẩm Tắt đèn, hiện thực trật tự xã hội tàn ác và bất nhân lại được phơi bày thông qua luật sưu thuế hà khắc, chèn ép con người đến cùng đường mạt lộ, khiến họ phải đối diện với biết bao cái khốn nạn ập tới. Trong trích đoạn Tức nước vỡ bờ hình ảnh nhân vật cai lệ chính là đại diện điển hình nhất cho cái chế độ phong kiến tay sai đã cũ nát, nhưng hà khắc, độc đoán và tàn nhẫn.
Cai lệ là một chức quan thấp nhất trong xã hội hội phong kiến lúc bấy giờ, là người đứng đầu một tốp lính nhỏ chuyên giúp việc cho quan nha. Chính ra bản chất nhân vật này là một kẻ tay sai chính hiệu, không hơn không kém, ăn bổng lộc nhà nước, chỉ đâu đánh đó, là thứ công cụ bằng sắt có tiếng nói đắc lực nhất trong các vụ truy thu sưu thuế. Khi có một tên cùng đinh nào đó, không đủ tiền nộp sưu thì các quan sẽ bắt chúng phải nhè ra bằng cách cho cai lệ đến bắt và trói giải về đình. Dĩ nhiên cai lệ không chỉ bắt trói mà hắn còn kiêm luôn cả nhiệm vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những kẻ không lề lối, cứng đầu, cũng như "tra khảo" tên nông dân khốn khổ, để hòng bắt vợ con chúng kiếm ra được tiền mà nộp sưu. Thế nên dù rằng cai lệ mang danh là người nhà nước, làm việc theo phép nước, nhưng chưa bao giờ người ta sợ hắn với tư cách là một kẻ xử sự theo pháp luật, mà căn bản người ta sợ bị hắn đánh, hắn trói cho đến chết. Rốt cục người ta là sợ sự tàn ác của chế độ, chứ không phải kiêng dè pháp luật nghiêm minh, đó là một nghịch lý trong xã hội phong kiến tay sai lúc bấy giờ. Quản lý xã hội bằng những công cụ bằng sắt biết nói, bằng những tên tay sai độc ác chỉ lăm lăm một ý thức "đánh và trói", khiến người ta sợ hãi chứ không phải nể trọng.
Cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một nhân vật mạt hạng nhất trong đám quan lại, hắn không được tác giả đặt cho một cái tên riêng nào, nhưng lại là một nhân vật quan trọng, có nhiều điểm nhấn và trở đi trở lại nhiều lần trong cả tác phẩm Tắt đèn. Ví như các quan trên đại diện cho sự đểu giả, mục nát, tham lam và dâm dục thì cai lệ là biểu trưng cho sự độc ác và tàn nhẫn của chế độ. Trong tất cả các lần xuất hiện cai lệ đều mang dáng vẻ hung tàn, miệng quát tháo, tư thế hầm hổ, ghê gớm, dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến tai vạ. Ở lần thứ hai xuất hiện tại nhà chị Dậu, cai lệ vẫn cái đam mê bắt bớ bất tận, lúc nào cũng tỏ ra vội vã, vừa nghe tiếng chó sủa tận ngoài làng, thế mà thoắt một cái anh Dậu còn chưa kịp húp được miếng cháo nào hắn đã vào đến tận cửa nhà người ta để hăm dọa, toan bắt người. Đọc những dòng Ngô Tất Tố miêu tả cho sự xuất hiện của hắn, người ta không nghĩ đó là một vị quan, làm việc ăn lương nhà nước mà trái lại hắn lại giống những tên lưu manh, phường bắt cướp độc ác và tàn nhẫn. Trời đánh tránh miếng ăn, thế nhưng cai lệ sớm không đến muộn không đến lại đến vào đúng buổi cơm trưa, nó khiến người ta tưởng hắn chăm chỉ và miệt mài với công việc lắm, nhưng thực tế nó chỉ chứng minh sự độc ác và bất nhân của tên này. Bởi lẽ ngày hôm qua, khi đánh anh Dậu và khiến anh lên cơn sốt rét tưởng chết, hắn đã vội sợ hãi cho người tống khứ anh về trả chị Dậu. Nhưng đến hôm nay sau khi thám thính, đánh hơi được rằng anh Dậu vẫn còn sống, hắn lại vội vã chạy sang thúc sưu mà không để người ta có một phút ngơi nghỉ, chuẩn bị. Rõ ràng cai lệ là một kẻ tối dạ, chết chìm trong cái ham mê bắt bớ, sự tàn độc và cứng nhắc đã khiến hắn chỉ nghĩ đến việc đánh trói , áp giải tràn ngập trong óc, chứ không để hắn kịp suy nghĩ đến việc cho người ta thời gian chuẩn bị tiền bạc và hắn đến lấy cho khỏi mất công mệt người đánh chửi. Đó chính là cái sự ngu độn của cả bộ máy chứ không riêng gì cai lệ. Tên này xuất hiện như một ác thần với những hành động, cử chỉ điên cuồng của một dã thú, một tên tai sai chuyên nghiệp đánh, trói, nào thì "sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng", đến nơi thì ra bộ thách thức, đe dọa khi "gõ đầu roi xuống đất", "thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều sái cũ". Giọng điệu hách dịch, ghê gớm "Thằng kia, ông tưởng mày chết từ đêm qua, còn sống đấy à. Nộp tiền sưu mau!". Như vậy đối với sự sống chết của anh Dậu tên này không buồn để tâm, hắn chỉ quan tâm đến việc thúc sưu, mà thúc không được thì bắt người. Đó đã trở thành một nguyên tắc "sắt" trong cái việc làm cai lệ. Khi đối đáp với chị Dậu, tên này luôn tỏ ra bộ mặt hách dịch và độc ác, thấy chị van lơn, lạy lục thì hắn càng trở nên khoái chí và lấn lướt, hết chỉ vào mặt chị Dậu, rồi là "trợn ngược hai mắt lên, quát" khi nghe chị trình bày, xin khất. Thấy chị Dậu lằng nhằng, tha thiết, nhận nhục hắn lại càng được nước giọng "hầm hè", đe dọa dỡ cả nhà chị Dậu. Rõ ràng tên này làm việc chưa từng có một tia tình cảm hay sự thương hại tối thiểu mà trái lại càng yếu đuối hắn lại càng tỏ rõ bộ mặt ác thú, chèn ép tận cùng của mình. Thế nên chính bản thân hắn đã gây ra một trận "tức nước vỡ bờ" của chị Dậu. Sự quá quắt ghê gớm, khi hắn ra lệnh bắt trói anh Dậu đang còng queo ngất xỉu đi, rồi tự tay "giựt phắt cái dây thừng", "chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu" để làm nhiệm vụ, lại càng khiến người ta ghê sợ, ngán ngẩm vì cái sự "kính nghiệp" của hắn. ví hắn là một con thú dữ có lẽ cũng chẳng sai, bởi lẽ hắn chỉ có phần "con" chứ không có phần "người', không chị bắt trói một người ốm bệnh, mà hắn còn sẵn sàng đấm vào ngực một người đàn bà yếu đuối con mọn, thậm chí tát cả vào mặt chị Dậu không nể nang. Không chỉ ở hành động tàn nhẫn, ghê tởm mà từng lời nói của hắn thốt ra đều cũng độc địa và hung hãn, cách xưng hô "ông-mày", thể hiện sự thiếu văn hóa, kém đạo đức, ra tư cách bề trên một cách đáng khinh, cũng như sự coi rẻ, căm ghét của hắn với những người nông dân tội nghiệp. Thế nhưng họ có đáng bị đối xử như những kẻ phạm tội tày đình khi chỉ chót chưa nộp đủ nốt phần sưu thuế, chứ không phải là ăn cắp ăn quỵt gì của nhà nước.
Trái ngược với cái hành động phách lối, hung tàn ban đầu thì khi chị Dậu phản kháng bằng bạo lực cai lệ và những tên người nhà lí trưởng lại tỏ ra yếu hèn và thất bại một cách nhanh chóng. Một tên cai lệ hút nhiều xái cũ, "sức lẻo khẻo", đã không chống lại được người đàn bà lực điền, đang ngùn ngụt lửa giận là chị Dậu. Thế nên mới có cái hình ảnh hài hước khi chị "túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa", chẳng khác nào một con tép lèo khoèo chạy không lại bước chân của chị Dậu rồi bị ném ngã "chỏng quèo" ngay trước cửa như một tên vô dụng hài hước và đầy nhục nhã. Và cái sự nhục nhã và tức tối ấy khiến hắn càng không quên được việc tàn ác của mình là thét kẻ dưới bắt trói cả nhà chị Dậu. Dĩ nhiên mới tên người nhà lý trưởng cũng chẳng được việc hơn là bao, trong tay gậy gộc nhưng vẫn bị chị Dậu tóm được tóc rồi "lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm". Người ta sẽ chẳng thể nào tưởng tượng được cái cảnh tượng cả một đám người dẫu ăn to, nói lớn, tỏ vẻ ghê gớm với đầy đủ trang bị lại bị một người đàn bà hạ gục trong một khoảnh khắc như thế, biết bao là nhục nhã và đáng đời. Như vậy có thể thấy sự yếu đuối, vô dụng dễ sụp đổ trước sự vùng dậy chống cự của chị Dậu cũng chính là một đặc điểm khác của bộ máy chính quyền lúc bấy giờ.
Cai lệ tuy chỉ là một nhân vật phụ trong toàn tác phẩm, nhưng bấy nhiêu bản chất thối tha, bẩn thỉu và tàn ác của hắn đã được khắc họa một cách tài tình thông qua ngòi bút chân thực và sắc bén của Ngô Tất Tố. Hắn không chỉ đại diện riêng cho tầng lớp giai cấp tay sai thống trị độc ác, vô nhân tính mà tất cả những hành động, bản chất dã thú cả hắn chính là một điển hình sống động cho cái lý lẽ và trật tự xã hội lúc bấy giờ, kẻ ở trên thì có quyền sinh sát, ác độc, đặc biệt là càng ác độc với những kẻ cùng đinh mạt hạng. Mà như anh Dậu nói "Người ta đánh mình không sao, nhưng mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội".
Phân tích nhân vật cai lệ trong Tức nước vỡ bờ - Mẫu 3
Bằng ngòi bút hiện thực sinh động, đoạn trích Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố đã vạch trần bộ mặt ác nhân của thực dân phong kiến đương thời, dẫm xéo lên tội ác, sự bất công của xã hội kim tiền ghê tởm. Đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đáng thương đường cùng tiêu biểu đó là chị Dậu. Và cai lệ đã trở thành biểu tượng của tầng lớp cầm quyền thời bấy giờ.
Ngay từ lúc bắt đầu tác phẩm dù chưa nhắc đến bóng dáng cai lệ ta vẫn có thể cảm nhận được sự độc ác của hắn đến nhường nào khi thấy tình cảnh anh Dậu kiệt quệ sức lực lẫn tinh thần. Sau khi chị Dậu nấu cháo xong, chưa kịp chạm lưỡi thì cai lệ sầm sập đến: roi song, tay thước,...
Một thái độ hung hãn, hành động ngông cuồng không hề giống những người thu thuế bình thường, không mang sách bút ghi chép lại là những vũ khí thường xuyên chà đạp lên thân thể con người, nhuốm máu, mồ hôi người nông dân nghèo khổ. Rồi quát lớn, thúc tiền sưu trong khi gia cảnh nhà chị Dậu khốn cùng đến nỗi phải bán đứa con đầu lòng và ổ chó chưa mở mắt.
Bản chất hống hách, hách dịch, kiêu ngạo được Ngô Tất Tố bóc trần. Chị Dậu dù rất lễ phép, xưng cháu ông nhưng cai lệ "trợn ngược hai mắt" vô lương tâm mà chửi mắng, sỉ vả chị. Sự thiếu học, vô đạo đức được thể hiện rõ ràng trên con người này.
Mặc cho sự đau ốm của anh Dậu, cai lệ bắt tên người nhà lí trưởng trói về. Đối với một tên hầu lí vẫn có chút sợ hãi không dám làm nhưng tên cai "giật phắt cái dây thừng", "chạy sầm sập" trói anh Dậu. Sự vô nhân đạo, lòng lang dạ thú được bóc mẽ từ đây.
Cai lệ là tên vô cùng hèn hạ. Ngay cả phụ nữ cũng dám ra tay "bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch", "tát vào mặt". Dù có là tay sai cho bọn lí, dù là trong xã hội bất công này tên cai ấy cũng chỉ là một con người bình thường, xuất thân cũng từ người nông dân nghèo khổ. Bởi vì đâu mà hắn mất hết tính người, đạo đức cơ bản đối nhân xử thế rồi trở nên tay khát máu tàn bạo không khác gì bọn súc sinh cầm thú.
Cai lệ là hình nhân tiêu biểu cho tầng lớp thống trị đen tối xấu xa, tham lam vắt kiệt từng hơi thở nguồn sống cỏn con của những con người vô tội bất hạnh. Ngô Tất Tố đã xây dựng khéo léo thành công nhân vật phản diện cai lệ để nhằm nổi bật nội dung tư tưởng của của đoạn trích.
Phân tích nhân vật cai lệ trong Tức nước vỡ bờ - Mẫu 4
Tác phẩm "Tắt đèn" với đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" thể hiện đỉnh cao của sự mâu thuẫn giai cấp, thể hiện rõ cách nhìn của những con người ở giai cấp khác nhau. Trước hết là cách nhìn của tác phẩm vào bọn tay sai, của thế độ phong kiến nửa thực dân.
Nhân vật cai lệ là người đại diện cho tầng lớp người tay sai, tàn ác bất nhân, luôn chà đạp lên số phận của người nông dân, coi mạng người như cỏ rác. Chúng ra sức bóc lột người dân xô đẩy người nông dân tới cảnh đường cùng, không có lối thoát tới mức phải vùng lên đấu tranh "Tức nước vỡ bờ".
Cai lệ thể hiện bản chất tàn ác, tàn nhẫn, bất nhân ấy thể hiện ở việc dồn người dân vào con đường khốn khổ, tới mức không lối thoát, bước tới đường cùng. Trích đoạn "Tức nước vỡ bờ" thể hiện kịch tính của đoạn trích vô cùng sâu sắc. Mở đầu đoạn trích chính là những tiếng trống thu thuế, bối cảnh chính là vào mùa thu thuế, khốn đốn của vợ chồng gia đình chị Dậu, gia đình nghèo khó, nhưng lại nợ xuất thuế thân của người hạng cùng đinh, nghèo khổ nhất làng, đông con, nghèo sơ nghèo xác.
Trong cảnh thu thuế chị Dậu vì muốn có tiền đóng thuế cho chồng, bán chó, rồi bán con, rồi bán hết cả đồ đạc trong gia đình chỉ đủ một xuất thuế của chồng. Những lời nói cay đắng của Nghị Quế khiến cho người đọc cảm thấy nhói lòng. Anh Dậu sau những ngày bị trói ở đình làng vì thiếu tiền đóng thuế, người ốm chỉ còn da bọc xương, nhưng sau khi chị Dậu đóng được xuất sưu thuế thì anh Dậu được thả về.
Chị Dậu vét hết gạo trong nhà nấu cho chồng một bát cháo loãng. Nhưng khi anh Dậu chỉ kịp cầm bát cháo lên thì tên lính cai lệ bước vào cùng với những đòn roi, định trói anh Dậu bắt đi, bởi nhà chị Dậu vẫn thiếu một xuất thuế của em trai anh Dậu đã chết hồi tháng giêng, nhưng vẫn phải đóng thuế.
Sự tàn nhẫn của những tên cai trị còn thể hiện ở việc bọn chúng không chỉ ăn tiền bóc xương tủy của người sống mà còn ăn tiền của người chết. Cho nên, khi gia đình anh Dậu còn thiếu một suất sưu thuế của ông em chú, em trai anh Dậu đã mất rồi nhưng vẫn không chịu buông tha cho gia đình anh Dậu.
Tên cai lệ có lính trang dưới quyền trong tay dù chưa làm quan nhưng hắn vẫn thể hiện mình người có chức tước bóc lột người dân. Đó chức tước của hắn vô cùng nhỏ bé nhưng khi là tay sai quan phủ huyện ngày xưa, nhưng vì dựa bóng quan nên chúng cũng tỏ ra hống hách, quyền uy.
Mặc dù chị Dậu đã nhún nhường nhã nhã thể hiện sự nhịn nhục của mình. Nhà cháu xin ông, ông tha cho. Thể hiện sự nhún nhường của một người tầng lớp dưới. Nhưng tên cai lệ vẫn không tha cho chị, chúng vẫn tiến tới lăm lăm dây định trói tiến tới chỗ anh Dậu định trói anh đưa đi.
Cai lệ tuy là người của Lý Trưởng tuy hắn cho chút địa vị, sự tàn ác của hắn không ai sánh kịp, thể hiện sự bóc lột tàn nhẫn của người tầng lớp bóc lột. Tác giả Ngô Tất Tố đã khắc họa chân dung của cai lệ vô cùng sắc sảo. Tên cai lệ hung hăng, sai người nhà lý trưởng để tìm cách trói anh Dậu, mặc dù anh Dậu đang ốm, nhưng hắn vẫn thể hiện sự tàn nhẫn của mình trước số phận của một người nghèo khổ đáng thương. Hắn đùng dùng giật phắt cái thừng chạy sầm sập vào chỗ anh Dậu rồi hắn đánh cho chị Dậu mấy bịch thể hiện sự tàn nhẫn của mình.
Rồi hắn tát vào mặt của chị mấy cái đánh "đốp" tố cáo chân dung của một tên cai lệ và nhà lý trong được khắc họa chi tiết, sâu sắc thể hiện qua điệu bộ hành vi, của tên cai lệ. Thông qua sự sắc, tinh tế của ngòi bút của Ngô Tất Tố chúng ta có thể thấy được, sự tinh tế của tác giả trước hoàn cảnh khó khăn của người nông dân. Những tên cai lệ làm gì có lòng thương người, có lòng trắc ẩn, đó chính là bản chất bất nhân của bọn tay sai của giặc.
Chân dung của tên cai lệ chính là đại diện của chế độ luôn tìm cách bóc lột người dân lao động khốn khổ, mặt người dạ thú tìm cách bóc lột người dân tới tận xương tủy, khiến người dân chúng ta vô cùng khốn khổ bị xô đẩy không lối thoát. Nhưng trước cảnh khốn khổ của người dân của quê hương những tên tay sai cũng không thương tiếc, chà đạp tới lên số phận của người dân cùng chủng tộc của mình.
Tên cai lệ hung dữ và độc ác thô bạo như vậy, tác giả Ngô Tất Tố đã tạo tình huống kịch tính căng thẳng trước cuộc đấu đầu trước tên cai lệ và chị Dậu trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ"Thông qua đoạn trích tác giả đã khắc họa chân dung của tên cai lệ bằng ngòi bút sắc sảo, tinh tế sâu sắc thể hiện bức tranh mâu thuẫn xã hội phong kiến.