Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới hay nhất

Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Đây mùa thu tới khổ cuối

Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới của Xuân Diệu mang đến bài văn mẫu hay đạt điểm cao. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.

Khổ cuối bài thơ Đây mùa thu tới giúp người đọc bắt gặp cái tình thu dần buồn, cảnh thu hòa dần vào lòng người. Vậy sau đây là bài văn mẫu phân tích Đây mùa thu tới khổ cuối mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm phân tích khổ 1 Đây mùa thu tới, Phân tích khổ 2 Đây mùa thu tới.

Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Mang trong mình sự nhiệt huyết, tình yêu say đắm trước mùa xuân và tuổi trẻ, chính vì thế mà thi sĩ Xuân Diệu đã thốt lên rằng "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi" (Vội vàng) - xúc cảm mãnh liệt cho khát khao chiếm lấy mùa xuân. Thơ Xuân Diệu luôn tràn ngập sự tươi vui, say mê nhưng ở "Đây mùa thu tới" cụ thể là khổ thơ cuối cùng người đọc lại bắt gặp cái tình thu dần buồn, cảnh thu hòa dần vào lòng người.

"Đây mùa thu tới" trích trong tập "Thơ thơ" nổi tiếng của Xuân Diệu, xuất bản năm 1938. Tập thơ là đại diện tiêu biểu cho nét đặc sắc của phong trào "Thơ mới". Ở bài thơ này, thi sĩ không chỉ khắc họa bức tranh khi thu sang mà còn lồng ghép vào đó yếu tố con người hay chính xác là cái tôi cá nhân đang dần "xâm chiếm", một nét đặc trưng cho "Thơ mới".

Với ba khổ thơ đầu, tác giả bày tỏ sự phấn khích, hồ hởi khi nàng thơ về. Đến khổ cuối cảm xúc có chút biến chuyển, lời thơ lúc này lắng đọng, trầm tư và thoáng buồn.

"Mây vẩn từng không chim bay đi
K
hí trời u uất hận chia ly"

Đọc hai dòng này, người đọc bắt gặp không khí buồn, đơn côi. Thi sĩ dùng hai hình ảnh điển hình để miêu tả bầu trời vào lúc này đó là "mây" và "chim". Nếu như ở "mây" có sự ngưng đọng, chậm lại thì ở cánh "chim" lại mang nét chuyển động với "bay đi". Ngay khi đọc dòng thơ này độc giả đã thấy được sự chia đôi. Vì lúc này, hành động của hai "nhân vật" có sự khác nhau, bên tĩnh bên động. Mây thì đứng yên nhưng chim đã bay đi, cả hai không còn gắn bó nữa. Khác với bài thơ này, trong "Thơ duyên" Xuân Diệu đã nói:

"Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,"

Đó là sự gắn bó thân thuộc giữa cánh chim và bầu trời. Nhưng ở "Đây mùa thu tới" hai hình ảnh điển hình đó không hề có chút gắn kết mà trái lại cảm giác chia đôi, tách rời hiển diện rõ hơn. Mây trôi là chuyện của mây, chim bay lại là việc của chim. Tác giả rất khéo léo khi dùng cái tĩnh (mây) để nói về cái động (cánh chim) làm cho bầu trời thu đượm buồn, gợi sự chia cắt. Đến dòng thứ hai, tác giả không "nói giảm nói tránh" mà trực tiếp chỉ ra sự "chia ly". " U uất" vừa mang màu sắc u sầu, buồn bã lại pha thêm nét uất ức, có lẽ do "hận chia ly". Đối với Xuân Diệu ông luôn hăng hái, say mê với vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp đất trời. Ông yêu biết bao sự tươi trẻ căng tràn trong thiên nhiên, trong chính cuộc sống. Vì lẽ đó mà

"Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn"

(Vội Vàng)

Ông là người luôn muốn "chiếm trọn" cái đẹp, cái trẻ của đất trời nên khi thấy hình ảnh vào thu đang dần buồn, thiên nhiên bắt đầu "tản" ra thì ông lại xót xa và "hận" cho sự "phai phôi". Tuy nhiên, cái buồn này chưa dừng lại ở cảnh vật mà nó còn lan tràn sang lòng người

"Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì."

Hai dòng thơ cuối, thi sĩ đã cho nhân vật trữ tình xuất hiện. Hình ảnh "thiếu nữ" gợi sự tươi trẻ, thanh xuân đi kèm với đó là cụm từ "buồn không nói" như một sự che đậy tình cảm giấu kín ở bên trong. Nàng thơ chất chứa nỗi buồn trong lòng, không tỏ với ai. Rõ ràng nhân vật ở đây vẫn đang độ tuổi "xanh mơn mởn" nhưng lại mang trong mình tâm trạng sâu lắng thay vì vui tươi như đúng độ tuổi của mình. Có thể thấy cảnh buồn đã lan sang lòng người, người vì thấy cảnh buồn mà tâm tư cũng trở nên nặng trĩu. Chính cách dùng từ "ít nhiều" đã nói lên được cái trầm mặc của "thiếu nữ". Độc giả không xác định được "ít nhiều" là nhiều hay ít nhưng chắc rằng phải có và cụ thể ở đây là có buồn. Chính cách giấu đi của "thiếu nữ" làm cho nỗi buồn này thêm phần bí mật, riêng tư.

Tác giả vẽ thêm một nét nữa giúp người đọc hình dung rõ hơn về nhân vật này. Hành động "tựa cửa" gợi cảm giác buồn cùng với đó là hành động "nhìn xa" - mơ hồ, vô định. "Nghĩ ngợi" lại diễn tả suy nghĩ, trăn trở, day dứt khôn nguôi về một điều gì đó. "Gì" gợi về sự mông lung, bâng quơ không biết cái để khiến "nàng thơ" bận lòng là gì nhưng ắt hẳn do cảnh sắc gợi lên. Mỗi từ trong dòng thơ này đều gợi lên sự suy tư, có lẽ bên trong nhân vật này chứa nhiều điều khó nói.

Nỗi buồn gợi lên từ cảnh mùa thu hay chính mùa thu là đòn bẩy làm cho sự trầm mặc được dâng cao hơn. Dù nỗi buồn được khắc họa thông qua hình ảnh "thiếu nữ" nhưng khi đọc chúng ta có thể cảm nhận được tình cảm cá nhân của tác giả. Có lẽ chính tác giả cũng mang nhiều nỗi buồn, và cũng là một thoáng ưu tư khi thu cuối ngày. Đây chính là cái tôi đầy mới mẻ của thi sĩ như chính Hoài Thanh nói: "Xuân Diệu là nhà thơ mới trong các nhà thơ mới."

Đọc qua nhiều thi phẩm của nhà thơ Xuân Diệu, ít khi chúng ta bắt gặp cái khắc khoải trong hồn thơ của ông nhưng khổ thơ cuối trong "Đây mùa thu tới" đã mang lại cảm xúc mới lạ đó. Bức tranh mùa thu không còn mang nét tươi vui mà thay vào đó là "chiếc áo" trầm ngâm, suy tư. Qua hình ảnh mùa thu, tác giả bộc lộ thái độ tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian, ý thức trân trọng, tình yêu mãnh liệt của một con người say mê đối với thiên nhiên, với cuộc sống.

Liên kết tải về

pdf Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới của Xuân Diệu
doc Văn mẫu lớp 11: Phân tích khổ cuối Đây mùa thu tới của Xuân Diệu 1

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK