Phân tích đoạn cuối Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh gồm 5 bài văn mẫu kèm theo gợi ý cách viết ngắn gọn, đầy đủ, bài làm của học sinh giỏi. Qua đó giúp cho các em học sinh lớp 12 có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng luyện Văn ngày một tốt hơn.
TOP 5 bài phân tích đoạn kết Tuyên ngôn độc lập siêu hay dưới đây các em có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, một giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức tâm đắc của chính các em. Hi vọng tài liệu này sẽ là người bạn tốt đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình học và ôn thi THPT Quốc gia sắp tới. Bên cạnh đó các bạn xem thêm mở bài Tuyên ngôn độc lập, Phân tích Tuyên ngôn độc lập.
Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập
- Dàn ý phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập
- Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 1
- Phân tích đoạn cuối Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 2
- Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 3
- Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 4
- Phân tích đoạn kết bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 5
Dàn ý phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập
Dàn ý số 1
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm: Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận xuất sắc, là bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
II. Thân bài:
– Lời tuyên bố của chủ tịch Hồ Chí Minh cuối tác phẩm là kết tinh sáng ngời của tình yêu nước, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc.
– Lập luận vô cùng trí tuệ và sắc sảo khi dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đầu tác phẩm tạo cơ sở lập luận để khẳng định quyền hưởng độc lập, tự do là quyền lợi chính đáng, hợp với đạo lý và pháp lý của dân tộc Việt Nam.
– Độc lập, tự do của ngày hôm nay chính là thành quả đấu tranh đoàn kết, kiên trì, lâu dài của toàn đảng, toàn dân ta.
– Mục đích của lời tuyên bố:
- Lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép đã khẳng định sức mạnh và quyết tâm mạnh mẽ của toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ và giữ vững nền độc lập thiêng liêng mà gian khổ, hy sinh lắm chúng ta mới giành lại được.
- Lời tuyên bố của chủ tịch Hồ Chí Minh còn là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp, với những thế lực bạo tàn phản cách mạng đang âm mưu xâm chiếm, thôn tính Việt nam một lần nữa.
- Lời tuyên bố của Bác đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết sức mạnh của toàn dân, toàn quân trong việc bảo vệ nền độc lập và chính quyền non trẻ vừa được thành lập.
III. Kết bài:
- Bằng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, ngôn ngữ đanh thép, chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tuyên bố nền độc lập, tự chủ trong niềm tự hào, đồng thời khẳng định sức mạnh và quyết tâm của cả dân tộc trong việc bảo vệ, duy trì nền độc lập ấy.
Dàn ý số 2
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và phần cuối tác phẩm.
2. Thân bài
- Hồ Chủ tịch đưa ra lời tuyên ngôn mạnh mẽ về quyền được độc lập, được đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước của dân tộc
=> Kết cấu trùng điệp, ngữ điệu dồn dập, xúc động và tâm huyết đã thể hiện khát khao cháy bỏng, mạnh mẽ.
- Thoát ly hoàn toàn khỏi ách thống trị của Pháp rằng "Bởi thế cho nên chúng tôi, ..., xóa bỏ tất cả các đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam".
- Khẳng định mạnh mẽ sự độc lập về chính trị của đất nước ta, cũng như bác bỏ hoàn toàn những mưu đồ chính trị phi lý và Pháp đã áp đặt lên đất nước ta suốt mấy mươi năm trời.
- Mở ra cho nhân dân ta, Tổ quốc ta một tương lai mới, một con đường mới, độc lập tự cường.
- Đặt tên mới cho nước ta là "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", càng khẳng định mạnh mẽ thêm tinh thần tự cường, độc lập quyết tâm gây dựng một đất nước mới tươi đẹp và phát triển trong tương lai.
- Kết thúc bản tuyên ngôn Hồ Chủ tịch đã thay mặt nhân dân cả nước khẳng định lại một lần nữa nền độc lập tự do của dân tộc "Nước Việt Nam ... giữ vững quyền tự do độc lập ấy".
- Khẳng định tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời cũng là tấm lòng yêu chuộng hòa bình, trân quý nền tự do, độc lập.
- Là lời cảnh cáo mạnh mẽ tới tất cả những kẻ đang có mưu đồ cướp nước, một lần nữa muốn đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của cha ông để vơ vét, tàn hại Tổ quốc ta.
- Cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết chống giặc và chung tay xây dựng một đất nước vững mạnh sánh ngang cùng với các cường quốc năm châu, trên cơ sở nền tảng của một đất nước non trẻ, mới thành lập.
3.Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 1
Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận xuất sắc, là bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên không chỉ khẳng định độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn mạnh mẽ tuyên bố với toàn thế giới về nền độc lập, chủ quyền đáng được tôn trọng ấy. Trong phần cuối tác phẩm, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Lời tuyên bố của chủ tịch Hồ Chí Minh cuối tác phẩm là kết tinh sáng ngời của tình yêu nước, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Người đã khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”, đúng vậy Việt Nam cũng như bao dân tộc yêu nước, chuộng hòa bình khác trên thế giới như Pháp, Mĩ chúng ta có quyền hưởng tự do và độc lập “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn tự do, bình đẳng về quyền lợi” và quyền bình đẳng ấy là “những quyền không ai có thể xâm phạm được. Lập luận của người vô cùng trí tuệ và sắc sảo khi dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đầu tác phẩm, từ đó có cơ sở lập luận để khẳng định quyền hưởng độc lập, tự do là quyền lợi chính đáng, hợp với đạo lý và pháp lý của dân tộc Việt Nam.
Độc lập, tự do của ngày hôm nay chính là thành quả đấu tranh đoàn kết, kiên trì, lâu dài của toàn đảng, toàn dân ta “ Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” đã khẳng định sức mạnh và quyết tâm mạnh mẽ của toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ và giữ vững nền độc lập thiêng liêng mà gian khổ, hy sinh lắm chúng ta mới giành lại được.
Lời tuyên bố của chủ tịch Hồ Chí Minh còn là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp, với những thế lực bạo tàn phản cách mạng đang âm mưu xâm chiếm, thôn tính Việt nam một lần nữa. Qua lời tuyên bố của Bác đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết sức mạnh của toàn dân, toàn quân trong việc bảo vệ nền độc lập và chính quyền non trẻ vừa được thành lập.
Như vậy, bằng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, ngôn ngữ đanh thép, chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tuyên bố nền độc lập, tự chủ trong niềm tự hào, đồng thời khẳng định sức mạnh và quyết tâm của cả dân tộc trong việc bảo vệ, duy trì nền độc lập ấy.
Phân tích đoạn cuối Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 2
“Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là áng văn chính luận mẫu mực, là bản khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Kết thúc bản “Tuyên ngôn Độc lập“, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là một lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những tư tưởng nhân văn và khát vọng độc lập tự do của dân tộc.
“Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là bản khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước của khát vọng tự do, hòa bình và tự chủ. Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn này trước hàng vạn đồng bào Thủ đô, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Trước hết, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Khẳng định như vậy vì đó là điều phù hợp với đạo lí và pháp lí. Bởi vì đất nước và con người Việt Nam cũng như tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi người “đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (“Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mỹ). Mặt khác “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” bởi lẽ “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). Cách lập luận mở đầu của Bác bằng cách lấy hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã tạo ra tiền đề để khẳng định độc lập tự do của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quyền bình đẳng quốc tế.
Nhưng cái hay của Người là từ nhân quyền được đặt ra trong bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, Hồ Chủ tịch đã “suy rộng ra”, nói đến quyền tự quyết mọi dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Lẽ phải ấy “không ai chối cãi được”, và vô cùng thiêng liêng. Có thể nói, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” biểu lộ niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam.
b. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời “và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là một sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Trước khi nói về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Người đã nói lên những khổ đau mất mát của dân tộc ta bằng dẫn chứng đanh thép, lí lẽ sắc bén, hùng hồn, Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác dã man về chính trị, về kinh tế của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt 80 năm trời. Chúng áp bức, bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, “khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Thực dân Pháp đã tước đoạt tự do, dìm nhân dân ta vào máu và nước mắt trong đêm trường nô lệ: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”… Chúng thủ tiêu mọi quyền lợi kinh tế của dân tộc “cướp không hầm mỏ, nguyên liệu; độc quyền in giấy bạc; bóc lột công nhân ta tàn nhẫn”. Mang tiếng là bảo hộ ta nhưng thực tế “trong vòng 5 năm (1940 – 1945), chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Khi Nhật đảo chính Pháp, trước khi thua chạy, bọn thực dân Pháp “còn nhẫn tâm giết nốt số động tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
Tiếp đó, Người nói lên niềm tự hào mãnh liệt về sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất đã làm nên lịch sử nước nhà. Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi, “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi ba kẻ thù bị lật đổ, bị thất bại: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chỉ một câu thôi mà Người đã tổng kết được cả một quá trình vươn lên kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam: Ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân “Pháp chạy”. Ta đã đập tan xiềng xích của Nhật “Nhật hàng”. Ta đã làm sụp đổ chế độ Phong kiến tồn tại hàng ngàn đời nay “Vua Bảo Đại thoái vị”. Đó là lẽ phải, là sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Như vậy, Độc Lập và Tự Do là thành quả đấu tranh cách mạng bền bỉ, gan góc, lâu dài của dân tộc ta: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Cách lập luận ấy đã làm “đẹp mặt, đẹp lòng” với các nước Đồng minh đồng thời cách lập luận đó đã cho thấy thái độ nhục nhã của thực dân Pháp khi “phản bội lại Đồng minh” bán nước ta hai lần cho Nhật.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một sự thật lịch sử, nên Hồ Chủ tịch mới tuyên bố một cách đanh thép, hùng hồn: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Cách nói “xóa bỏ hết”, “xóa bỏ tất cả” là cách nói thể hiện sự dứt khoát chối bỏ sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta. Từ nay, nước ta là nước độc lập.
Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời tuyên bố hùng hồn, chắc nịch như một lời thề vang vọng khắp núi sông. Cụm từ “Toàn thể dân tộc Việt Nam” đã nói lên sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được. Các yếu tố như “tinh thần”, “lực lượng”, “tính mạng”, “của cải” đã được tập trung trong một câu kết xiết bao niềm tự hào làm người đọc rưng rưng xúc động.
Lời tuyên bố ấy của Hồ Chủ tịch cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp đang âm mưu tái chiếm Việt Nam một lần nữa, đồng thời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã thể hiện một cách hùng hồn lời tuyên bố mạnh mẽ ấy. Đó là khát vọng, là ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta. Một lần nữa, Người lại Tuyên bố: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!” (“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” – 19.12.1946).
Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập“. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta đã trải qua rất đáng tự hào: Cách mạng tháng Tám – chiến thắng Điện Biên oai hùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng – Non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà… Đó là chiến thắng tất yếu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của một dân tộc Việt Nam bé nhỏ nhưng có sức vươn lên kỳ vĩ:
"Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt
Chí căm hờn ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi"
Nghệ thuật: “Tuyên ngôn Độc lập” có nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm. Giọng văn linh hoạt. “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác đã trở thành một áng văn chính luận mẫu mực nổi tiếng. Đằng sau đó là một tầm tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh, Người đã tổng kết được một cách giản dị mà xúc tích những kinh nghiệm đấu tranh của nhiều thế kỷ giành độc lập dân tộc, dân quyền, nhân quyền của dân tộc ta và nhân loại.
“Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng “thiên cổ hùng văn”. Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo“. Nó là lời nước non cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đọc đoạn văn cuối bản “Tuyên ngôn Độc lập“, chúng ta càng thấm thía tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho chúng ta được tự do như ngày hôm nay
Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 3
Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hơn nửa triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập". Áng văn này mang ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại: tuyên bố thủ tiêu vĩnh viễn chế độ thực dân-phong kiến trên đất nước ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.
Kết thúc bản "Tuyên ngôn Độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố:
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Một lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những nội dung cơ bản của "Tuyên ngôn Độc lập".
Trước hết, Hồ Chủ Tịch khẳng định "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" vì đó là điều phù hợp với đạo lý và pháp lý. Đất nước và con người Việt Nam cũng như tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi người "đều sinh ra có quyền bình đẳng (...), có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" ("Tuyên ngôn Độc lập" năm 1776 của Mỹ).
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" bởi lẽ "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi" ("Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" của Cách mạng Pháp năm 1791).
Từ nhân quyền, Hồ Chủ Tịch đã "suy rộng ra", nói đến quyền tự quyết của mọi dân tộc: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Lẽ phải ấy không ai chối cãi được và vô cùng thiêng liêng. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" biểu lộ niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, "và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Đó là một thực tế lịch sử không ai chối cãi được. Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác dã man về chính trị, về kinh tế của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt 80 năm trời. Chúng áp bức, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, "khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều". Thực dân Pháp đã tước đoạt tự do, dìm nhân ta vào máu và nước mắt trong đêm trường nô lệ: "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu",... Thực dân Pháp chỉ trong vòng 5 năm (1940/1945), chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm cho hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trước khi thưa chạy (9/3/1945), bọn thực dân Pháp "còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng".
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Đó là lẽ phải, là sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi, "dân ta đã lấy nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp". Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi ba kẻ thù bị lật đổ, thất bại: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Độc lập và tự do là thành quả đấu tranh và cách mạng bền bỉ, gan góc, lâu dài của dân tộc ta:
"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một sự thật lịch sử, nên Hồ Chủ tịch mới tuyên bố một cách đanh thép, hùng hồn: "Tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam".
Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Cụm từ "Toàn thể dân tộc Việt Nam" nói lên sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không thể một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được! "Tự do hay là chết!", "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lại nên độc lập!". Quyết tâm ấy được Hồ Chủ tịch tuyên bố đanh thép hùng hồn.
Triệu triệu con người Việt Nam "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp đang âm mưu tái chiếm Việt Nam một lần nữa, đồng thời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã thể hiện một cách hùng hồn lời tuyên bố mạnh mẽ ấy. Đó là khát vọng, là ý chí sắt đá vẻ độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta. Một lần nữa, Người lại Tuyên bố: "Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ!". ("Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến"-19-12-1946).
Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập": Những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta đã trải qua rất đáng tự hào: Cách mạng tháng Tám - Chiến thắng Điện Biên oai hùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - Non sông liền một dải, Bác Nam sum họp một nhà...
"Tuyên ngôn Độc lập" xứng đáng là một áng "thiên cổ hùng văn". Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của "Nam quốc sơn của hà", "Bình Ngô đại cáo". Nó là lời Non Nước cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", biểu lộ ý chí và sức mạnh Việt Nam.
Đọc đoạn văn cuối bản "Tuyên ngôn Độc lập", chúng ta càng thấm thìa tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ.
Phân tích đoạn kết của bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 4
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam mới. Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn trong việc khẳng định quyền tự chủ, bình đẳng của dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới và đánh dấu mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta.
Kết thúc bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đoạn văn trên đã làm rõ những tư tưởng lớn của Người trong toàn bộ bản tuyên ngôn. Đồng thời đây cũng là lời tuyên bố độc lập được rút ra từ những chân lý rằng “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đưa ra lời tuyên bố tự do, độc lập thể hiện được tinh thần, ý chí chí của toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp để giữ vững quyền tự do, độc lập. Người trịnh trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân trên thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Bởi Việt Nam cũng như bao quốc gia khác, có quyền bình đẳng và quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.Cho nên, bản tuyên ngôn độc lập đã “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
“Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Sau khoảng thời gian hơn 80 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp thì lời tuyên ngôn này đã phần nào thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, sự đoàn kết đồng lòng của quân và dân ta đã mang lại nền độc lập ấy. Để có được điều đó, nhân dân ta đã phải chịu đựng chế độ cai trị hà khắc, dã man của chúng. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở ba miền để ngăn tình đoàn kết và ngăn việc thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, thi hành chính sách ngu dân, bóc lột dân ta đến tận xương tủy, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, trong 5 năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật…Và dân tộc ta đã “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. “Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.
Không chỉ khẳng định nước Việt Nam là một nước độc lập, Hồ Chí Minh còn khẳng định quyết tâm: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó như một lời thề thiêng liêng, dù có khó khăn, gian khổ đến đâu thì dân tộc Việt Nam sẽ đoàn kết, tạo nên sức mạnh để chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, dân chủ.
Lời tuyên ngôn đã khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết ở mỗi người con đất Việt. “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó còn thể hiện lòng quyết tâm mạnh mẽ, chiến đấu đến cùng để bảo vệ bờ cõi đất nước, chiến đấu đến cùng để chống lại mọi âm mưu xâm chiếm của các thế lực thù địch trên thế giới có dã tâm xâm lược nước ta.
Tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực, là văn kiện chính trị lớn tổng kết cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc, chứa đựng nhiều chân lí lớn, sức thuyết phục cao, ngắn gọn mà lời lẽ hết sức giản dị. Đoạn kết của bản tuyên ngôn đã khẳng định lại Việt Nam là một nước độc lập và “toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Phân tích đoạn kết bản Tuyên ngôn độc lập - Mẫu 5
Tuyên Ngôn độc lập là một tác phẩm có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn, mở ra một kỷ nguyên mới trong vận mệnh của dân tộc, một kỷ nguyên độc lập, tự do, nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức trong tương lai. Tác phẩm thể hiện niềm tự hào, mong ước tha thiết về một đất nước hoàn toàn độc lập, cũng như sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta, sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước.
Nói đến Hồ Chí Minh tức là đang nói đến một định nghĩa rộng rãi nhất của hai tiếng "con người", Người đã phấn đấu nỗ lực và hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Ngay cả với sự nghiệp văn thơ của mình, Hồ Chí Minh cũng khéo léo xem đó là một vũ khí chiến đấu lợi hại, có sức mạnh to lớn để phục vụ cho sự nghiệp chính trị, quân sự cao cả của mình. Trong số vô vàn các tác phẩm của mình bao gồm cả thơ, văn chính luận, truyện ngắn, ký sự,... thì Tuyên ngôn độc lập được xem là tác phẩm để đời, kinh điển không chỉ có giá trị về mặt văn học và hơn hết chính là những giá trị lịch sử, chính trị sâu sắc, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong vận mệnh của dân tộc Việt Nam ta. Đặc biệt ở phần kết của tác phẩm lời tuyên ngôn sắc bén, mạnh mẽ đã khẳng định một nền độc lập mới hoàn toàn của nước Việt Nam ta sau hơn 80 năm giời nô lệ, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập và tràn đầy hy vọng cho dân tộc.
Sau khi đã nêu ra được cơ sở pháp lý đậm tính nhân văn là chân lý của thời đại, thông qua việc dẫn chứng từ hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, cùng với cơ sở thực tiễn, vạch trần bộ mặt xảo trá và tàn độc của thực dân Pháp trên đất nước ta, khẳng định quá trình nhân dân ta đứng lên đấu tranh để giành lại quyền tự chủ từ tay Nhật, chứ không phải Pháp. Điều đó đã đủ cơ sở, đủ căn cứ để Hồ Chủ tịch đưa ra lời tuyên ngôn mạnh mẽ về quyền được độc lập, được đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước của dân tộc. Rằng "Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!". Từng câu từng chữ, từng lời với kết cấu trùng điệp, ngữ điệu dồn dập, xúc động và tâm huyết đã thể hiện khát khao cháy bỏng, mạnh mẽ về một mong ước lớn lao mà cả đời Người theo đuổi ấy là mang lại cho dân tộc một nền tự do, độc lập.
Thêm vào đó có thể nhận thấy một điểm chung của phần kết tác phẩm ấy chính là lời lẽ hùng hồn, xúc tích thể hiện sự tự tin, hùng cường, của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng anh hùng, gan góc, dám đương đầu với thực dân, phát xít, quyết giữ lấy từng tấc đất mà cha ông mấy ngàn năm gìn giữ, gây dựng. Bên cạnh việc khẳng định nền độc lập, tự do mà Bác hàng tâm huyết bấy lâu, bản tuyên ngôn còn nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý những điểm sáng rất quan trọng trong việc thoát ly hoàn toàn khỏi ách thống trị của Pháp rằng "Bởi thế cho nên chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân tộc Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết hiệp ước mà Pháp đã ký về Việt Nam, xóa bỏ tất cả các đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam". Lời tuyên bố đã khẳng định mạnh mẽ sự độc lập về chính trị của đất nước ta, cũng như bác bỏ hoàn toàn những mưu đồ chính trị phi lý và Pháp đã áp đặt lên đất nước ta suốt mấy mươi năm trời, mở ra cho nhân dân ta, Tổ quốc ta một tương lai mới, một con đường mới, độc lập tự cường, thoát khỏi cái luận điệu "bảo hộ", "khai sáng" xảo trá mà bọn thực dân đã vạch ra để lừa bịp nhân dân và dư luận thế giới. Dẫu biết rằng, việc tự khẳng định độc lập và yêu cầu thế giới công nhận sự độc lập của một quốc gia bé nhỏ là điều vô cùng khó khăn, tuy nhiên với ngòi bút sắc bén và hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, không chỉ nêu ra chân lý thời đại mà còn vạch trần được sự gian ác, xảo trá của đế quốc, cũng như những nỗ lực đấu tranh mạnh mẽ kéo dài trong suốt gần một thế kỷ với biết bao xương máu của nhân dân ta, thì lời khẳng định tuyên bố này lại trở nên hết sức hợp lý và thuyết phục, dễ dàng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các dân tộc anh em trên thế giới. Bên cạnh đó một đất nước "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa", cũng cần có một khởi đầu mới bắt nguồn từ cái tên mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong phần kết của tác phẩm là "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", càng khẳng định mạnh mẽ thêm tinh thần tự cường, độc lập quyết tâm gây dựng một đất nước mới tươi đẹp và phát triển trong tương lai.
Kết thúc bản tuyên ngôn Hồ Chủ tịch đã thay mặt nhân dân cả nước khẳng định lại một lần nữa nền độc lập tự do của dân tộc, cũng như những quyết tâm bảo vệ, giữ gìn nền độc lập quý giá ấy bằng mọi giá "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy". Khẳng định tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, đồng thời cũng là tấm lòng yêu chuộng hòa bình, trân quý nền tự do, độc lập đã giành về bằng xương máu của cha ông. Lời tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là lời chung của toàn thể dân tộc Việt Nam vào thời điểm ấy, không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, mà còn là lời cảnh cáo mạnh mẽ tới tất cả những kẻ đang có mưu đồ cướp nước, một lần nữa muốn đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của cha ông để vơ vét, tàn hại Tổ quốc ta. Đồng thời đây cũng là những lời tâm huyết cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết chống giặc và chung tay xây dựng một đất nước vững mạnh sánh ngang cùng với các cường quốc năm châu, trên cơ sở nền tảng của một đất nước non trẻ, mới thành lập.
Tuyên Ngôn độc lập là một tác phẩm có giá trị lịch sử và chính trị vô cùng to lớn, mở ra một kỷ nguyên mới trong vận mệnh của dân tộc, một kỷ nguyên độc lập, tự do, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức trong tương lai. Khẳng định niềm tự hào, mong ước tha thiết về một đất nước hoàn toàn độc lập, cũng như sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta, sẵn sàng hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước.