Văn mẫu lớp 10: Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ cực chất dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú. Các em hãy đọc kĩ từng đoạn văn, từng bài văn rồi suy nghĩ, tham khảo, chứ không sao chép một cách máy móc. Vậy sau đây là dàn ý và 2 bài văn mẫu phân tích bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ mời các bạn theo dõi nhé.
Phân tích đánh giá bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ
Dàn ý phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ
1, Mở bài.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Đánh giá chung về giá trị của bài thơ: hình ảnh giản dị, gần gũi đã khắc hoạ thành phố Hoa phượng đỏ yêu dấu dưới cái nhìn đầy tin yêu, tự hào của nhà thơ.
2, Thân bài.
- Thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài thơ: Tháng năm - hoa phượng nở đỏ rực => gợi đến vẻ đẹp đặc trưng của thành phố.
- Tình yêu tha thiết của tác giả thể hiện qua việc liệt kê những địa danh quen thuộc của Hải Phòng; niềm tự hào khôn xiết về cảnh và người Hải Phòng.
- Thành phố hiên ngang trong bom đạn của kẻ thù ; tin tưởng vào một ngày mai huy hoàng của thành phố yêu dấu.
- Thể thơ tự do, triển khai theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, ngôn từ giản dị nhịp điệu hào sảng, trầm hùng => thể hiện khí thế đi lên của thành phố trong kháng chiến và trong hội nhập.
=> Bài thơ khắc hoạ thành phố đẹp trong chiến đấu, trong xây dựng và phát triển. Bộc lộ tình yêu và niềm tự hào tha thiết của tác giả với thành phố Hải Phòng.
3, Kết bài.
- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Phân tích bài thơ Thành phố Hoa phượng đỏ
Ði giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước cùng miền nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết bài thơ "Thành phố Hoa phượng đỏ". Qua bài thơ mỗi chúng ta đều thấy được tình yêu và sự gắn bó tha thiết của nhà thơ với thành phố, quê hương thứ hai của ông.
Qua trang thơ của Hải Như, Thành phố Hải Phòng hiện lên rất đáng yêu, ngoan cường, anh dũng lại vừa giản dị vừa nên thơ, thơ mộng, lạc quan.
Tháng Năm, rợp trời hoa phượng đỏ
Ôi Hải Phòng thành phố quê hương
Ta yêu thành phố quê ta
Như yêu chính người thương yêu nhất
Thời gian nghệ thuật được nhắc đến trong bài thơ là tháng 5 - chính giữa mùa hè, lúc phượng vĩ nở rộ. Đó cũng là lúc thành phố đẹp nhất trong mắt của những thi sĩ thơ như Hải Như. Cả thành phố rợp trời trong hoa phượng đỏ, màu đỏ của hoa, màu đỏ của nền trời, tất cả hoà vào nhau thành một màu sắc rực rỡ, hoa lệ. Trong giây phút đó nhà thơ chẳng ngần ngại bộc lộ tình yêu dành cho Hải Phòng “Ta yêu thành phố quê ta”, tình yêu ấy được so sánh với “như yêu chính những người thương yêu nhất” nghĩa là tình yêu ấy gắn bó tự nhiên, giản dị, xuất phát từ chính trái tim của mình. Tình yêu chân thành và tự nguyện. Hẳn đến đây ai cũng nghĩ Hải Phòng chính là quê hương đã sinh ra Hải Như. Nhưng không phải quê hương gốc của nhà thơ là ở Nam Định cùng quê với nhạc sĩ Văn Cao. Nhưng vì có một tình yêu tha thiết với thành phố Hoa Phượng đỏ nên ông đã chẳng ngần ngại bày tỏ tình yêu với thành phố này.
Theo mạch cảm xúc dạt dào nhà thơ tiếp tục thể hiện tình yêu dành cho đất và người nơi đây:
Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm
Nhưng Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên
Những cái tên nghe chẳng thơ đâu
Nhưng với ta vô cùng thân thiết
Ta tự hào với những cái tên không lẫn ấy của quê hương
Điệp từ “những” kết hợp với phép liệt kê lần lượt trưng ra sự trù phú, giàu có của mảnh đất Hải Phòng. Những địa danh chẳng hay như Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên đi vào trong thơ của Hải Như bỗng trở nên nên thơ và thân thương đến lạ. Nhà thơ nhắc đến nó bằng một niềm tự hào khôn xiết , tự hào vì những cái tên ấy không lẫn vào đâu được.
Sang đến khổ thơ thứ hai là một thành phố Hải Phòng với một nét đẹp khác, đó là vẻ đẹp trong chiến đấu, anh dũng, kiên cường, không khuất phục trước bất kỳ thế lực thù địch nào:
Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt
Cho anh trao chiếc hôn nồng
Chưa giải phóng Sài Gòn, Đà Nẵng ta cần biết xa nhau
Chào phố biển lam lũ nhưng sống có chiều sâu
Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu
Trăm trận thắng quê ta kiên cường – em biết đó
Giọng thơ đi vào chất giọng thủ thỉ, tâm tình, lời chào của nhà thơ gửi đến người em yêu cũng là gửi đến thành phố Hải Phòng yêu dấu. Vì chưa giải phóng, vì đất nước còn chiến tranh nên chúng ta phải xa nhau. Dẫu có bom rơi, đạn lạc thì nhà thơ tin tưởng “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Phép nhân hoá đã thể hiện vẻ đẹp anh dũng, kiên cường của thành phố và cũng là của con người nơi đây. Chính sự bất khuất hiên ngang đó đã làm nên trăm trận thắng trên trăm nẻo đường. Để hôm nay Hải Phòng có thể tự hào sánh ngang với những thành phố, thủ đô nổi tiếng khác như Sài Gòn, Đà Nẵng. Nhà thơ tin tưởng vào ngày mai của thành phố:
Hải Phòng ơi! Hôm nay thành phố quê ta bé nhỏ
Mai – ta đã hình dung thấy tráng lệ rộng dài
Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương
Ơi thành phố tháng Năm hoa phượng đỏ quê hương…
Ta mang người trong giữa trái tim ta
Một tương lai rộng mở đang chờ đón thành phố ở phía trước, đó là một tương lai huy hoàng, tráng lệ rộng dài. Giọng thơ trở nên thật hào sảng, thể hiện niềm tin tích cực vào một tương lai tươi sáng của thành phố và cũng là của đất nước. Đại từ “Người” là hoá thân của thành phố Hải Phòng - mãi trong tim của nhà thơ, đó chính là tình yêu vĩnh cửu, bất diệt gửi đến Hải Phòng.
“Thành phố hoa phượng đỏ” ra đời đã được nhiều năm. Ngày hôm nay Hải Phòng đã phát triển vượt bậc và trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại. Những dấu tích của một thời đạn bom tàn phá đã được thay thế bằng nhịp sống mới mẻ, hiện đại. Nhưng vẫn còn đó những Bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên”, bởi “những hẹn hò bên bờ sông Lấp” mà mỗi lần nhắc đến là biết bao niềm tự hào khôn xiết.
Với tình yêu đặc biệt dành cho Hải Phòng, Hải Như đã nói hộ tình yêu và sự gắn bó tha thiết của mình với thành phố Cảng. Qua bài thơ chúng ta thêm tin yêu và mảnh đất lịch sử này và trân trọng tình yêu của nhà thơ dành cho những miền đất nơi ông đã đi qua.
Phân tích Thành phố Hoa phượng đỏ
Đã từ bao thế hệ, trong lòng mỗi người dân thành Hải Phòng ai nấy đều nghe và thuộc bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh, phổ theo bài thơ cùng tên của nhà thơ Hải Như. Bài hát, cũng như bài thơ có ca từ, giai điệu đẹp, đi sâu vào lòng người, gợi bao vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây.
Hoa phượng đỏ đã trở thành biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Hoa phượng thường nở vào mùa hè, trùng với thời điểm kết thúc năm học, do đó còn được gọi là “hoa học trò”. Sắc đỏ rực rỡ của phượng vĩ đã đi vào thơ ca và gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người dân Hải Phòng, khiến khung cảnh hơn đây trở nên đẹp đẽ biết bao.
Tác giả biểu lộ tình yêu tha thiết đối với thành phố biển, đó là những đôi trai gái yêu nhau, là những người thợ ngày đêm hăng say lao động, là những địa danh gợi lên bao khó khăn, lam lũ của người Hải Phòng ngày xưa. Con người Hải Phòng không dũng cảm, kiên cường đánh trả lực lượng không quân Hoa Kỳ ngày đêm bắn phá ác liệt, nỗ lực xây dựng quê hương giàu mạnh mà còn xả thân cùng miền Nam đánh Mỹ. Truyền thống kiên cường, trung dũng, quyết thắng của Hải Phòng được nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh tô đậm từ cao trào của bài ca với âm hưởng anh hùng ca: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu/ Trăm trận đánh quê ta kiên cường”. Đồng thời tác giả mong ước: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”. Qua đó thể hiện tình yêu tha thiết và niềm tự hào về vùng đất này.
Mỗi dịp tháng năm về nghe bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, người Hải Phòng lại càng yêu, càng tự hào về quê hương mình; còn khách thập phương thì nô nức đến Hải Phòng để chiêm ngưỡng hoa phượng đỏ rợp trời và chia vui cùng người dân nơi đây.