Không đăng ký nghĩa vụ quân sự có bị phạt không? Vi phạm sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự phạt như thế nào? Trốn nghĩa vụ có bị đi tù không? Là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Chính vì vậy trong bài viết dưới đây Download.vn xin giới thiệu đến các bạn toàn bộ quy định về mức phạt hành chính trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự. Hi vọng qua bài viết này các bạn nắm được các quy định cũng như hình thức và mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nghĩa vụ quân sự nhé.
Mức xử phạt hành chính về vi phạm nghĩa vụ quân sự 2022
Theo quy định của Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu thì các hành vi vi phạm nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như sau:
1. Xử phạt về vi phạm đăng ký nghĩa vụ quân sự
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 37/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định 37/2022/NĐ-CP, khi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với:
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên;
+ Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
Mức tiền phạt đối với cá hành vi vi phạm về đăng ký nghĩa vụ quân sự được tăng mạnh hơn trước. Hiện nay chỉ bị phạt tiền 200.000 đồng - 600.000 đồng, nhưng từ ngày 22/7/2022 khi Nghị định 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
2. Mức xử phạt về vi phạm sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự
Căn cứ Điều 5 Nghị định 37/2022/NĐ-CP khi vi phạm về sơ tuyển nghĩa vu quân sự bị phạt như sau:
- Phạt tiền 500.000 đồng - 1.000.000 đồng khi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Mức xử phạt về vi phạm kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
Căn cứ Điều 6 Nghị định 37/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định 37/2022/NĐ-CP từ ngày 22/7/2022 người có hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
(Hiện nay, chỉ phạt tiền 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên.)
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với:
+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
(Hiện nay, đối với các hành vi gian dối trên, pháp luật quy định chỉ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với quy định mới).
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
4. Vi phạm về nhập ngũ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 37/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định 37/2022/NĐ-CP mức phạt đối với vi phạm về nhập ngũ từ ngày 22/7/2022 sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
(Hiện hành, chỉ phạt tiền 1.500.000 đồng - 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên.)
"Lý do chính đáng", hành vi “gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình” được hướng dẫn bởi Điều 5 và Điều 6 Thông tư 95/2014/TT-BQP.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 02 trường hợp đã nêu ở trên.
5. Vi phạm về thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ
Căn cứ Điều 8 Nghị định 37/2022/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị Định 37/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
(Đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện)
+ Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm các trường hợp trên sẽ bị phạt gấp đôi.
Qua những quy định trên ta có thể thấy, mức phạt đối với tất cả các hành vi vi phạm nghĩa vụ quân sự đều tăng cực mạnh, điển hình như vi phạm về nhập ngũ trước kia chỉ phạt tiền từ 1.500.000 đồng - 2.500.000 đồng nhưng sắp tới sẽ phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, số tiền này tăng hơn cả chục lần. Đây là biện pháp răn đe mạnh tay đối với các đối tượng có ý định trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi mà nghĩa vụ này đã trở thành bắt buộc đối với các công dân nam ở nước ta.
Thực tế là xã hội ngày càng phát triển, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn, mọi người sẽ có xu hướng không muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự vì thời gian tham gia phục vụ trong quân đội phải rèn luyện rất gian khổ, vất vả và cũng đã tăng lên đến 2 năm. Do đó, những hình thức gian lận để trốn tránh nghĩa vụ quân sự ngày càng xuất hiện nhiều và tinh vi hơn trước, đòi hỏi nhà nước phải có các biện pháp xử lý mạnh tay, Nghị Định 37/2022/NĐ-CP mới sửa đổi đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay.