Mua sắm online ngày càng được yêu thích bởi sự đa dạng trong lựa chọn và nhận được nhiều ưu đãi hơn mua trực tiếp. Tuy nhiên, mua sắm online lại tiềm ẩn rủi ro bảo mật. Vậy làm thế nào để “shopping online” an toàn?
So với trước đây, mua sắm online bị “ghẻ lạnh” bởi nhiều người còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm nhận được, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và thời trang. Tuy nhiên, hiện tại điều đó đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người lựa chọn mua sắm trực tuyến thay vì tới trực tiếp cửa hàng bởi sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và nhận được giá tốt hơn.
Sở dĩ như vậy bởi chúng ta đang sống trong thời buổi cạnh tranh với công nghệ ngày càng phát triển. Khách hàng có rất nhiều lựa chọn trên Internet và thoải mái đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội. Chính vì thế, một cửa hàng bán đồ kém chất lượng thì thật sự khó trụ được lâu. Tên tuổi của họ có thể xuất hiện trên mạng xã hội bất cứ lúc nào. Ngoài ra, phần lớn sàn thương mại điện tử ngày nay đều hỗ trợ hoàn trả sản phẩm nếu nó không giống như quảng cáo hay kém chất lượng.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn e ngại khi mua online bởi công đoạn trả hàng rắc rối. Đừng lo, bạn có thể áp dụng những mẹo sau để mua sắm online được đồ như ý và an toàn.
Mẹo mua sắm trực tuyến an toàn
- 1. Chọn địa chỉ mua sắm online quen thuộc và đáng tin cậy
- 2. Sử dụng HTTPS
- 3. Đề phòng với Wi-Fi công cộng
- 4. Sử dụng mật khẩu mạnh
- 5. Sử dụng tính năng xác thực hai yếu tố
- 6. Hãy cẩn thận với thiết bị di động
- 7. Quét vi-rút và phần mềm độc hại thường xuyên
- 8. Hãy cảnh giác với người giao hàng
- 9. Chọn phương thức thanh toán thông minh
- 10. Chỉ nên cung cấp vừa đủ thông tin về bản thân
- 11. Thường xuyên kiểm tra số dư và giao dịch trong tài khoản
Hãy dắt túi những mẹo sau đây để có trải nghiệm mua sắm online an toàn và hài lòng nhé.
1. Chọn địa chỉ mua sắm online quen thuộc và đáng tin cậy
Nguyên tắc đầu tiên khi đặt hàng online là tìm đến những trang web đáng tin cậy, có thể là META, Tiki, Adayroi..., cơ bản là những tên tuổi lớn trên mạng. Các trang web có danh tiếng sẽ cho bạn sự đảm bảo trải nghiệm mua sắm online tốt hơn. Họ có những chính sách bảo mật và trợ giúp để chắc chắn rằng người mua hàng sẽ gặp ít rủi ro nhất có thể.
2. Sử dụng HTTPS
HTTPS là một giao thức bảo mật mạng, thay vì truy cập http://www.meta.vn, bạn sử dụng https://www.meta.vn. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là HTTPS mã hóa những lần truy cập của bạn vào các trang web (những trang hỗ trợ giao thức HTTPS). Và quan trọng hơn, nó mã hóa chi tiết thanh toán của bạn và người bán, đảm bảo rằng các chi tiết không bị chặn trên đường đi. Đây là điều cực kỳ quan trọng khi bạn chuyển số thẻ tín dụng cho một đơn vị kinh doanh trực tuyến không rõ. Bạn muốn cảm thấy tự tin rằng không có cách nào để thông tin thẻ tín dụng của mình bị đánh cắp.
Chỉ cần tìm ổ khóa bên cạnh địa chỉ web. Điều này có nghĩa là trang web được bảo mật và mã hóa. Không có ổ khóa? Vậy thì hãy tiếp tục đọc bài viết.
3. Đề phòng với Wi-Fi công cộng
Không phải Wi-Fi ở quán cà phê, nhà hàng, khách sạn nào cũng là an toàn. Khi sử dụng Wi-Fi công cộng mà bạn đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng... thì rất có thể những gì bạn làm đang bị theo dõi. Do đó, phải nhấn mạnh rằng không phải mọi Wi-Fi công cộng đều nguy hiểm nhưng tốt hơn hết nếu bạn muốn truy cập vào những thông tin cá nhân như vậy thì nên sử dụng mạng do công ty điện thoại cung cấp hoặc đợi cho đến khi bạn về nhà và sử dụng Internet của riêng nhà mình. Nếu bạn quyết định kết nối một điểm truy cập không an toàn, thì sử dụng HTTPS và Mạng riêng ảo là điều cần thiết.
4. Sử dụng mật khẩu mạnh
Khi mua sắm online, thường thì các trang web sẽ yêu cầu bạn đăng nhập để hoàn tất quá trình thanh toán. Do đó, chắc chắn bạn sẽ tạo khá nhiều tài khoản khách hàng cho những website khác nhau. Những tài khoản này cần một mật khẩu để bảo vệ tất cả những thông tin nhạy cảm của bạn mà những kẻ tấn công có thể sử dụng, chẳng hạn như địa chỉ, số điện thoại, số thẻ tín dụng... Những thông tin này cần phải được bảo vệ bằng mọi giá, nếu không, ai đó sẽ mạo nhận bạn gọi cho công ty thẻ tín dụng và ngân hàng của bạn để thay đổi địa chỉ, mật khẩu, số PIN...
Có rất nhiều cách để tạo mật khẩu mạnh. Bạn có thể dùng KeePass để lưu giữ mật khẩu. Nó bao gồm cả trình tạo mật khẩu. Bạn chỉ cần xác định độ dài của mật khẩu, muốn ký tự nào trong đó và nhấp vào nút Generate. Sau đó, bạn sẽ nhận được mật khẩu mới, cũng như một chỉ báo về sức mạnh của nó, được hiển thị trong "bit".
5. Sử dụng tính năng xác thực hai yếu tố
Không phải trang web nào cũng hỗ trợ tính năng này. Vậy xác thực hai yếu tố (2FA) là gì? Tưởng tượng rằng một tên trộm đang cố đột nhập vào nhà bạn và sau nhiều nỗ lực mở khóa (mật khẩu tài khoản), hắn đã thành công. Nhưng niềm vui sướng của tên trộm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi mở cửa và nhìn thấy một bàn phím được gắn trên tường. Bàn phím yêu cầu một mã số để vào nhà, phải nhập đúng mật mã thì mới có thể mở cửa. Bàn phím yêu cầu mã đó chính là 2FA.
Sau khi nhập mật khẩu, mã 2FA tạm thời của bạn (thông thường chỉ có trong khoảng 30 giây) được gửi qua tin nhắn SMS trên điện thoại hoặc qua ứng dụng xác thực điện thoại thông minh. Nhiều ngân hàng và chuỗi cửa hàng lớn cung cấp 2FA cho tài khoản khách hàng trực tuyến của họ. Khi mua sắm các ngày lễ này, bạn hãy chuyển sang 2FA để nâng cao sự bảo mật cho bản thân nếu trang web mua sắm cung cấp.
6. Hãy cẩn thận với thiết bị di động
Theo vô số nghiên cứu, hiện nay các thiết bị di động đang thống trị thế giới. Mọi người đang bỏ mặc máy tính để bàn truyền thống và thay vào đó chú ý đến các thiết bị di động, bao gồm điện thoại và máy tính bảng.
Mọi người có thể nhìn thấy xu hướng này, bao gồm cả bọn tội phạm. Có nghĩa là họ đang nhanh chóng thay đổi phương thức lừa đảo của mình để thích ứng với thiết bị di động. Bên cạnh đó, điện thoại chứa phần lớn thông tin riêng tư của bạn, khiến cho nó trở thành một mục tiêu đầy hấp dẫn.
Các ứng dụng độc hại đang gia tăng, sẽ có nhiều quyền hơn mức cần thiết khi bạn cài đặt chúng. Bạn có thực sự nhìn và suy nghĩ về nó khi ứng dụng cho bạn biết những thông tin nó đang dùng không? Đa số người dùng sẽ nhấn nút Agree ngay lập tức để bắt đầu quá trình cài đặt mà không cần đọc những thông tin đó.
7. Quét vi-rút và phần mềm độc hại thường xuyên
Virus có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Email lừa đảo là một trong số hình thức phổ biến nhất, làm cho khách hàng nhấp vào một liên kết bị nhiễm virus và sau đó toàn bộ máy tính sẽ bị nhiễm theo thời gian.
Do đó, hãy chạy phần mềm diệt virus và phần mềm độc hại. Sử dụng các phần mềm như Avira, MalwareBytes, Kaspersky hay bất cứ phần mềm nào bạn tin tưởng và yêu thích để quét thiết bị thường xuyên. Như vậy, cơ hội phát hiện và ngăn chặn virus độc hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
8. Hãy cảnh giác với người giao hàng
Hãy cảnh giác với người giao hàng, nhất là khi bạn ở một mình. Một số kẻ xấu có thể giả mạo thành người giao hàng và bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo rồi đấy. Chỉ là để đề phòng và tất nhiên không phải ai cũng là người xấu. Do đó, bạn nên nhận hàng ở những nơi công cộng, có người ở nhà, tránh xa ngõ hẻm hoặc buổi tối.
9. Chọn phương thức thanh toán thông minh
Khi đến thời điểm thanh toán, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về cách bạn muốn thanh toán. Hãy đọc kỹ các điều khoản và thông tin về ngân hàng cũng như chính sách bảo vệ người mua nếu sự cố về thanh toán không mong muốn có thể xảy ra. Một phương thức thanh toán được nhiều người lựa chọn là PayPal. Nhấn mạnh một lần nữa là bạn nên tìm hiểu kỹ mọi thông tin có liên quan trước khi thanh toán.
- Tải PayPal cho iOS
- Tải PayPal cho Android
10. Chỉ nên cung cấp vừa đủ thông tin về bản thân
Có rất nhiều trang web online khi bạn vừa truy cập vào sẽ hỏi về tuổi, sở thích, nghề nghiệp... của bạn để đưa ra những gợi ý mua đồ. Các công ty rõ ràng đang làm việc này để tạo nên hồ sơ của khách hàng. Hồ sơ mà họ có thể bán cho các công ty tiếp thị, những người này sẽ bán nó cho người khác và cứ như vậy. Quy tắc vàng ở đây là bạn chỉ cung cấp cho các trang web lượng thông tin tối thiểu cần thiết. Nếu họ yêu cầu một số điện thoại, hãy cho họ số điện thoại di động của bạn. Không hơn không kém.
11. Thường xuyên kiểm tra số dư và giao dịch trong tài khoản
Đừng đợi tới cuối tháng mới kiểm tra các giao dịch trong tháng. Nếu thường xuyên mua sắm online, nhất định bạn nên làm việc này, đặc biệt khi mua hàng trong những dịp giảm giá đặc biệt.
Hãy tìm xem trong thông tin kê khai có bất kỳ khoản phí thanh toán gian lận nào hay không, kể cả giao dịch trên các trang như PayPal và Venmo.
Bạn chỉ nên mua online bằng thẻ tín dụng. Nếu thẻ ghi nợ của bạn bị xâm phạm, kẻ giả mạo có quyền truy cập và trực tiếp sử dụng tài khoản của bạn. Nếu thấy bất kỳ vấn đề nào đáng ngờ, hãy nhấc điện thoại lên và gọi ngay tới trung tâm hỗ trợ khách hàng tương ứng để nhận được sự trợ giúp kịp thời.
12. Đừng ngại phàn nàn về sản phẩm không ưng ý
Đừng ngại phản hồi hay nhận xét, phàn nàn mỗi khi không nhận được sản phẩm ưng ý thay vì chỉ phát điên một mình. Nếu không nhận được lời giải thích và đổi trả hàng thỏa đáng, hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn lên mạng xã hội để bạn bè, người thân cùng biết và ngăn họ không rơi vào hoàn cảnh như bạn. Hành động nhỏ này của bạn cũng góp phần loại bỏ các trang bán hàng online không chất lượng.
Mua hàng online trở nên phổ biến vì bạn dễ dàng lựa chọn hàng hóa, thanh toán và nhận hàng nhanh chóng, tuy nhiên song song với sự tiện lợi thì cũng có nhiều rủi ro không mong muốn xảy ra. Do đó, với các mẹo trên đây, hy vọng các bạn sẽ có trải nghiệm mua sắm trực tuyến an toàn và tuyệt vời.