Nghị luận làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp là đề tài muôn thuở và hấp dẫn đối với mọi người. Vì thế mời các bạn cùng Download.vn theo dõi 4 bài văn nghị luận về làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Nghị luận làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp mang đến 2 dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu siêu hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu học tập, củng cố kiến thức nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận về vấn đề xã hội.
Nghị luận làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp?
- Dàn ý làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp
- Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 1
- Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 2
- Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 3
- Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 4
Dàn ý làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp
Dàn ý số 1
1. Mở bài
Nêu ngắn gọn tình trạng hiện nay của Trái đất: đang bị tàn phá nặng nề ... nguyên nhân chính đó là do tác động của con người.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Môi trường sống của con người là một khái niệm rộng. Nó bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật trên trái đất.
- Môi trường có hai loại chính: đó là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
- Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần tự nhiên như địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, nước, sinh vật, ...
- Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ cá nhân với cộng đồng thể hiện bằng luật pháp, thể chế, cam kết, quy định,...
- Môi trường sạch đẹp là môi trường không bị ô nhiễm, vẻ mĩ quan cao và có sự hài hòa ...
b. Phân tích - Chứng minh: Môi trường sống sạch đẹp đang bị thu hẹp, nguyên nhân và hậu quả:
- Thực trạng và nguyên nhân
- Hiện nay chúng ta phải đối mặt với tình trạng nguồn nước, không khí đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng vì sự vô trách nhiệm của con người.
- Rừng trên thế giới và ở nước ta đã bị khai thác, đốt phá quá mức, đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
- Rác thải và xử lí nước thải ở mức báo động cao về độ an toàn vệ sinh, ...
- Hậu quả:
- Môi trường bị ô nhiễm, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của con người. Bệnh dịch dễ phát sinh, hiện tượng căng thẳng mỏi mệt do môi trường gia tăng.
- Môi trường ô nhiễm làm xấu tổng thể mỹ quan, làm suy giảm sự phát triển kinh tế - xã hội ...
c. Giải pháp bảo vệ môi trường sống sạch đẹp
- Đối với xã hội
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên phải hợp lí. Không làm ô nhiễm các nguồn nước, không khí, không làm ảnh hưởng xấu đến bầu khí quyển bảo vệ trái đất.
- Cần có phương án bảo vệ các loài thú, đặc biệt là các loài đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Tích cực tu bổ làm phong phú thêm thiên nhiên (trồng cây, gây rừng).
- Khi xây dựng nhà ở, nhà máy, cơ sở sản xuất cần tôn trọng và thực hiện đúng các yêu cầu đối với việc bảo vệ môi trường và xử lí tích cực nguồn khói thải, nước thải, chất thải công nghiệp.
- Đối với cá nhân:
- Cần có những hành động thiết thực làm cho môi trường sống ngày càng sạch đẹp.
- Mỗi học sinh phải luôn ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp, không xả rác bừa bãi ra sân trường và lớp học, thường xuyên tham gia các hoạt động trồng cây xanh do nhà trường và địa phương tổ chức.
3. Kết bài
- Việt Nam - một nước đang phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn đề hết sức cấp bách ...
-Cần phải thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, thường xuyên để khắc phục những hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường sống trong lành cho con người, ...
Dàn ý số 2
I. Mở bài: giới thiệu môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh- sạch-đẹp
II. Thân bài: Theo anh(chị) làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh- sạch-đẹp
1. Giải thích về môi trường:
- Môi trường sống của chúng ta là một môi trường rộng lớn, bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên cũng như yếu tố xã hội xung quanh chúng ta
- Môi trường tự nhiên: gồm các thành phần tự nhiên như cây cối, đá, đất, không khí, nước,…
- Môi trường xã hội gồm là thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người, các quan hệ khác trong xã hội…
2. Thực trạng môi trường hiện nay:
- Nguồn nước bị ô nhiễm, không khí ô nhiễm, ô nhiễm môi trường nặng nề,….
- Rừng trên thế giới bị phá hủy nặng nề
- Rác thải môi trường đang ở độ báo động
3. Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường:
- Suy giảm chất lượng sống con người
- Làm suy giảm sự phát triển kinh tế xã hội
4. Hành động của chúng ta:
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên, rừng hợp lí
- Không xả rác bừa bãi
- Có những hành động yêu quý môi trường
- Tuyên truyền mọi người bảo vệ môi trường
III. Kết bài: nêu cảm nhận của em về môi trường
Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 1
Hiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thời kì của xã hội tiêu thụ và dân số tăng nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát, ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống con người ngày càng nặng nề hơn. Do đó việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người trên thế giới.
Ai cũng biết rằng môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với con người. Con người không thể tồn tại khi tách rời môi trường. Tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường: không khí để thở, thức ăn, nước uống, đất đai canh tác, đất đai để xây dựng nhà ở, nhà máy, công xưởng, bệnh viện, trường học… và nguyên vật liệu để sản xuất ra các phương tiện làm việc, học tập. Từ những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt nhất cho đến những của cải quý giá nhất, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Ngay cả những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo”, thực chất cũng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Môi trường là điều kiện sinh tồn và phát triển của xã hội loài người. Con người là một phần trong quần thể sinh vật của thế giới tự nhiên.
Môi trường quen thuộc và gần gũi với chúng ta như những người bạn thân thiết trong cuộc đời. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, con người đã đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nước ở các dòng sông bị nhiễm độc trở thành nguồn phát sinh bệnh tật; núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng bão lũ xảy ra bất thường, không khí đầy chất độc và nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Trước tiên, do trình độ hiểu biết của con người còn thấp.Vì ích kỉ tư lợi dẫn đến không có ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường. Tiếp đến là sự khai thác thiên nhiên quá mức, lối sống tiêu thụ thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy mà không xây dựng khu xử lí chất thải, khí thải; thiếu quan tâm đến sự cân bằng, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững…
Các hành động gây ô nhiễm môi trường là muôn hình muôn vẻ và nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, thậm chí nghiêm trọng, ở nước ta, nạn chặt phá rừng vô tội vạ do thói quen đốt rừng làm nương, mở rộng đất canh tác có từ lâu đời của đồng bào miền núi. Quyền lợi của cá nhân hoặc lợi nhuận của những doanh nghiệp khai thác lâm sản là rất lớn dẫn đến hiện tượng phá rừng, lở núi, lũ quét, lũ lụt… gây hậu quả thảm khốc.
Ở nông thôn, hiện nay nông dân sử dụng hóa chất rất tùy tiện. Hóa chất độc hại ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước. Ngư dân nhiều nơi đánh bắt thủy hải sản bằng thuốc nổ, bằng lưới vét làm cạn kiệt nguồn lợi lâu dài. Ở các thành phố lớn, ô tô, xe máy xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
Các phương tiện truyền thông hằng ngày cho thấy nhiều hình ảnh thương tâm và đáng sợ. Đó là khung cảnh hoang tàn của những khu vực bị bão lũ tàn phá ở các tỉnh phía Bắc năm 2007; những cánh rừng nguyên sinh giờ đây trở nên trơ trụi ở Nghệ An, Binh Thuận, Đắc Lắc… Những vùng đất xưa kia trù phú xanh tươi giờ đã bị con người biến thành vùng đất chết ở Tây Nguyên. Những dòng sông đem lại sự sống từ hàng ngàn năm nay, là đề tài của thơ ca nhạc họa giờ đây đã bị biến thành những dòng sông “chết” vì bị nhiễm độc bởi chất thải công nghiệp, ví dụ như sông Thị Vải, sông Cầu, sông Hồng… Có thể nói tất cả các con sông trên toàn quốc đều bị ô nhiễm nhưng nặng nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì lợi ích riêng, khi xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, người ta đã không xây dựng khu xử lí nước thải và khí độc mà cứ vô tư xả lên trời hoặc xả trực tiếp vào các dòng sông, biến sông ngòi, kênh rạch thành những cống chứa nước thải tự nhiên hết năm này qua năm khác.
Tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Khí hậu trái đất đang nóng dần lên một cách bất thường bởi hiệu ứng nhà kính. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, dữ dội là nguyên nhân dẫn tới những thiên tai như giông bão, sóng thần, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán… dồn dập xảy ra trên khắp thế giới, gây nên những thiệt hại ghê gớm về của cải và tính mạng, ô nhiễm không khí, tầng ôzôn bảo vệ trái đất bị thủng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người và chất lượng cuộc sống. Nguồn năng lượng, nguồn thực phẩm càng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì thiếu lương thực nên nạn đói đã xảy ra ỏ một số nước, nhất là ở châu Phi. Tất cả những điều đó đe dọa an ninh về lương thực, thực phẩm và cả trạng thái hòa bình, ổn định của đời sống chính trị, xã hội trên toàn thế giới.
Quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động đỏ : SOS ! Chúng ta phải làm gì đây để cứu lấy môi trường, cứu lấy màu xanh của đất nước Việt Nam, cứu lấy Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta ?
Vậy xã hội cần có những giải pháp gì để bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề này như thế nào?
Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều nhận thức rất rõ về tình trạng ô nhiễm môi trường và đã đưa ra những giải pháp có tính chất vĩ mô. Nhà nước ta đã đưa vào Bộ luật hình sự năm 1999 điều khoản về vấn đề này: “Những kẻ có hành vi sai phạm mang tính chất hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng đủ dấu hiệu cấu thành tội gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lí theo pháp luật”, ở Trung ương và địa phương đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường và họ đã vào cuộc để giám sát, thanh tra việc xử lí khí thải, nước thải, rác thải của các xí nghiệp, nhà máy… Tuy nhiên, do trình độ quản lí của những người có trách nhiệm bị hạn chế, hoặc do họ bị các doanh nghiệp “qua mặt” nên hành động xả khí thải, nước thải, chất thải vào bầu trời và nguồn nước vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó là ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân, từng gia đình chưa tốt!
Rất nhiều giải pháp cả vĩ mô lẫn vi mô được đưa ra song vấn để hàng đầu vẫn là giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Trước hết, chúng ta phải giữ gìn môi trường sống cho sạch sẽ, không vứt rác ra đường, ra những nơi công cộng. Điều này nhỏ nhưng không dễ, phải luyện thành ý thức tự giác thường xuyên. Các khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp phải được di dời ra xa khu dân cư. Nhà nước cần tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát thường xuyên ở những nơi công cộng, những khu công nghiệp để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hành vi, hiện tượng phá hoại môi trường. Việc xả khói thải, nước thải, chất thải phải được kiểm tra thường xuyên, liên tục theo quy định. Nếu nhà máy, xí nghiệp nào có tình vi phạm thì Nhà nước phải xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động hoặc truy tố trước pháp luật. Bên cạnh việc nghiêm cấm chặt phá rừng thì phong trào trồng cây gây rừng phải được duy trì thường xuyên, liên tục để phủ xanh đất trống đồi trọc, gìn giữ lá phổi xanh cho trái đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường.
Đã đến lúc chấm dứt những hành động tàn phá môi trường và bắt tay để làm cho trái đất của chúng ta thực sự là ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp. Mỗi người đều có thể làm cho ngôi nhà chung đẹp hơn, an toàn hơn bằng những hành động cụ thể. Mỗi hành vi trong cách ứng xử với môi trường của chúng ta đều tác động đến sự bình yên của ngôi nhà chung là trái đất.
Bảo vệ môi trường sống không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Học sinh các cấp phải được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như tham quan, cắm trại, picnic, tham dự các kì thi tìm hiểu thiên nhiên, tham gia đội tình nguyện bảo vệ môi trường… để có những hiểu biết cơ bản và từ đó tự giác góp phần tạo ra môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Môi trường sống bi ô nhiễm nghiêm trọng đã và đang đưa ra những lời cành báo dữ dội đối với loài người. Hãy bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của chính mình ! Mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức làm cho Trái đất thực sự trở thành ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp của toàn nhân loại!
Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 2
Con người đã sống trên Trái đất hàng triệu năm, trải qua một thời gian dài, môi trường sống của chúng ta ngày càng bị đe dọa. Đã đến lúc con người cần phải hành động để bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu môi trường sống là gì. Tất cả sự sống trên Trái Đất này và mọi thứ xung quanh ta đều là nhân tố tạo nên môi trường sống. "Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên." (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam). Môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,……Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,… Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân ô nhiễm hầu như đều xuất phát từ lý do chủ quan của con người: Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau. Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gộp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên. Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Một ví dụ đã từng được dư luận quan tâm là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền.
Chúng ta có nhiều lý do để bảo vệ môi trường. Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật. Trong quá trình tồn tại và phát triển con người cần có các nhu cầu tối thiểu về không khí, độ ẩm, nước, ánh sáng,... cũng như các hoạt động vui chơi giải trí khác. Tất cả các nhu cầu này đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên khả năng cung cấp các nhu cầu đó của con người là có giới hạn và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia và ở từng thời kì. Môi trường còn là nơi cung cấp các nhu cầu về tài nguyên cho con người như đất, đá, tre, nứa, tài nguyên sinh vật. Tất cả các tài nguyên này đều do môi trường cung cấp và giá trị của tài nguyên phụ thuộc vào mức độ khan hiếm của nó trong xã hội. Môi trường là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải của con người trong quá trình sử dụng các tài nguyên thải vào môi trường. Các tài nguyên sau khi hết hạn sử dụng, chúng bị thải vào môi trường dưới dạng các chất thải. Các chất thải này bị các quá trình vật lý, hóa học, sinh học phân hủy thành các chất vô cơ, vi sinh quay trở lại phục vụ con người. Tuy nhiên chức năng là nơi chứa đựng chất thải của môi trường là có giới hạn. Nếu con người vượt quá giới hạn này thì sẽ gây ra mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.
Để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp; mỗi người cần phải hành động từ bây giờ. Chúng ta cần nhớ rằng bảo vệ môi trường không hề khó khăn. Nó không hề phức tạp, và thậm chí một vài thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Việc đầu tiên góp phần bảo vệ môi trường đó là nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết, và hành động vì môi trường cùng chúng ta. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đối với cá nhân, chúng ta có thể trồng cây xanh, sử dụng túi giấy hoặc bao nilon tự hủy thay cho những chiếc túi nilon phải mất nhiều năm mới phân hủy được. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho xăng, dầu nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hiện nay.
Có thể nói, bảo vệ môi trường là một công việc cấp bách, nhưng nó đòi hỏi một quá trình lâu dài để vừa bảo vệ, vừa khắc phục những tổn hại mà con người đã gây nên. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nhau sẻ chia, đóng góp những hành động dù là nhỏ nhất, thì ngày mà môi trường chúng ta trở nên xanh, sạch, đẹp sẽ không phải là một điều không thể.
Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 3
Môi trường sống có vai trò cực kì quan trọng đối với con người và xã hội. Bởi lẽ nó tác động trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Thế nhưng có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng và trở thành một vấn đề cấp bách với toàn cầu. Vậy làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp?
Môi trường sống đầu tiên cần phải hiểu đó là một quần thể vô cùng rộng lớn xung quanh con người. Nó bao gồm có hai yếu tố chính là : môi trường sống tự nhiên và môi trường sống xã hội. Môi trường tự nhiên là tất cả các yếu tố như nước, không khí, thức ăn, ánh sáng, cây cối, động vật…. Còn môi trường xã hội là tổng thể những mối quan hệ cá nhân, cộng đồng thể hiện bằng những nội quy quy định, pháp chế…. Tuy nhiên trong bài viết này chúng ta chỉ bàn đến môi trường sống tự nhiên mà thôi.
Có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nặng nề hơn. Đó là việc không khí bị nhiễm bụi, nguồn nước bị nhiễm độc, thủng tầng ozon, cháy rừng, bão lũ liên tiếp xảy ra…. Có thể nói những việc này đã gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống cũng như sức khỏe của con người. Nếu như mối quan hệ xã hội công việc mang đến lí tưởng, mục đích sống thì môi trường tự nhiên là nơi cung cấp thức ăn nước uống duy trì sự sống. Ngày nay cùng với việc phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật, của công nghệ thì đi liền với nó chính là việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Và những nước đang phát triển như Việt Nam lại càng trở nên quan ngại hơn. Chúng ta dường như đang phải hứng chịu những biến đổi không ngừng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Khi mà những cơn bão, trận lũ quét diễn ra ngày càng nhiều. Nó không chỉ lấy đi của cải mà còn cướp đi sinh mạng sống của rất nhiều người. Mỗi năm số người tử vong vì bệnh tật ngày càng gia tăng. Nó chính là những con số biết nói để cho thấy môi trường tự nhiên đang có dấu hiệu bị suy giảm nặng nề.
Vậy nguyên nhân của việc ô nhiễm môi trường là gì? Đầu tiên nó là do việc nhiệt độ trái đất tăng cao, dẫn đến băng tan lũ quét sạt lở ngày càng nhiều. Thế nhưng sâu xa hơn nó là do ý thức của con người. Chúng ta sống trong môi trường tự nhiên tác động vào tự nhiên để lấy công cụ sản xuất. Thế nhưng lại không biết tái tạo và sử dụng nó đúng cách. Thậm chí còn gây nên nhiều tổn hại vô cùng nghiêm trọng cho thiên nhiên. Nhiều người nhiều tập thể chỉ vì lợi ích trước mắt mà lỡ dẫm đạp lên sự sống của đồng loại mình một cách trắng trợn. Rác thải công nghiệp không quá xử lí thải ra môi trường khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, không khí nhiễm độc, đất bị khô cằn… ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống con người.
Vậy chúng ta phải làm gì để giữ gìn môi trường sống của mình ngày một xanh sạch đẹp? Trong thời gian qua con người đã ý thức được tầm quan trọng của môi trường sống tự nhiên đối với sự phát triển xã hội. Bằng chứng là những cuộc họp quan trọng cấp thế giới về môi trường đã được diễn ra. Tổng số kinh phí các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng về môi trường ngày càng gia tăng. Trong nước, Đảng và chính phủ đưa ra nhiều biện pháp để tái tạo môi trường tự nhiên như trồng cây, gây rừng, xử lí nghiêm các trường hợp tổ chức, công ty gây nguy hại cho môi trường sống.
Tất nhiên đó là những bằng chứng vô cùng cụ thể và cứng rắn. Song thực tế nó phải dựa chính trên sự nhận thức cũng như ý thức của con người. Chúng ta phải tuyên truyền giáo dục và hiểu biết về tác hại khôn lường của biến đổi khí hậu. Từ đó thay đổi ý thức và hành vi của bản thân. Tích cực lên án những cá nhân tập thể tác động xấu đến môi trường. Mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hãy thể hiện việc yêu môi trường tự nhiên bằng cách trồng cây gây rừng, hạn chế dùng túi bóng thay bằng túi giấy, túi vải, tuyên truyền cho người thân của mình bảo vệ không gian sống ngày một tốt đẹp hơn.
Cuộc sống của con người chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào môi trường sống tự nhiên. Nếu không có môi trường con người sẽ chết dần chết mòn bởi bệnh tật. Chính vì thế bảo vệ tự nhiên chính là cách chúng ta bảo vệ chính cuộc sống cũng như thế hệ tương lai của mình.
Làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp - Mẫu 4
Mỗi con người sinh ra và phát triển hầu hết đều phụ thuộc phần lớn vào môi trường xung quanh. Môi trường tốt cho ta một con người tốt, một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển , máy móc sản xuất hiện đại kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường. Vậy chúng ta cần phải làm thế nào để môi trường ngày càng xanh sạch đẹp? Đó là một vấn đề nóng đối với chúng ta hiện nay.
Như các bạn biết môi trường là tất cả mọi yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất xung quanh con người. Nó tồn tại như một quần thể to lớn. Môi trường là sông, là núi, là gió, là rừng, là thiên nhiên, là không khí,.... Môi trường cho ta những điều kiện sống tốt đẹp để phát triển bền vững. Vậy mà giờ đây, môi trường đang khẩn thiết kêu lên rằng con người ngưng làm ô nhiễm chúng. Có lẽ con người và những hành động của con người là tác nhân to lớn nhất gây ra ô nhiễm. Không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi các khí thải nhà máy sản xuất, khí thải từ ô tô xe máy hàng ngày phải lên đến hàng nghìn tấn. Ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đang bị ô nhiễm không khí nặng nề và người dân đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do chính họ gây ra. Mỗi người ra đường phải bịt khẩu trang kín mít, thậm chí phải mua bình oxy để hô hấp, nhiều người dân đã nhập viện bởi các bệnh về đường hô hấp và nhiều bệnh liên quan khác,... Và chúng ta hãy nhìn ra những dòng sông, biển, ao, hồ. Chúng bị ô nhiễm nặng nề bởi các hóa chất, nước thải nhà máy, chất thải của chính con người. Hàng tấn cá chết nổi trên mặt nước vì chất độc, váng dầu,.. Hàng loạt hành động gây ô nhiễm môi trường của con người. Môi trường đa reo lên những hồi chuông báo động. Nếu chúng ta không khắc phục và bảo vệ môi trường thì con người sẽ không có một cuộc sống tốt thậm chí sẽ không thể tồn tại. Môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới sức khỏe của con người bị suy giảm, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác,...
Không chỉ có vậy, khi môi trường bị ô nhiễm, bị phá hoại dần dần mất đi những tài nguyên quý giá khiến con người không thể khai thác và phát triển.
Vậy mỗi con người trong xã hội chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường? Ta không được xả rác thải ra môi trường đồng thời tiến hành phân loại rác và xử lí rác thải hợp lí bởi các nhà máy có quy mô và được nhà nước kiểm duyệt. Vả lại, ta nên thu gom túi nilon, giác khó phân hủy, hạn chế sử dụng túi nilon có màu,..Quan trọng hơn hết, con người bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm nước mọi lúc mọi nơi, không nên thực hiện lấp quá nhiều sông hồ để xây các dự án, nhà cao tầng,.. Mỗi con người hãy rèn luyện cho mình thói quen đi bộ và đi xe đạp tránh ô nhiễm không khí bởi khí thải từ bô xe máy, ô tô,.. Tổ chức và phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường, tình nguyện viên đi thu gom rác thải,... Nhất là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường- thế hệ tương lai của đất nước nên được giáo dục sự quan trọng của môi trường và cách bảo vệ môi trường, từ cách trồng thêm cây xanh trong khuôn viên trường, dọn rác sau giờ học..
Mỗi con người, mỗi công dân đều cần có trách nhiệm với môi trường. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, dù bất cứ ai, người lớn hay trẻ nhỏ đều phải nhận thức được rằng môi trường là nơi chúng ta phát triển, chỉ khi môi trường xanh, sạch, đẹp cuộc sống của con người mới trở nên tốt đẹp và phát triển bền vững.