Giải bài tập SGK Địa lí 10 Bài 9 trang 42, 43, 44, 45 sách Chân trời sáng tạo giúp các em học sinh lớp 10 xem gợi ý giải các câu hỏi bài Khí áp và gió thuộc Chương 4 Khí quyển.
Giải Địa lí 10 Khí áp và gió sẽ giúp các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi phần luyện tập, vận dụng của Bài 9 chương 4 trong sách giáo khoa Địa lí 10 Chân trời sáng tạo. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho riêng mình. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu Giải Địa lí 10 trang 42→45, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Giải Địa lí 10 Bài 9: Khí áp và gió
Trả lời câu hỏi nội dung bài Khí áp và gió
I. Khí áp
Câu hỏi trang 42: Dựa vào hình 9.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Xác định các đai khí áp cao và đai khí áp thấp trên Trái Đất.
- Trình bày sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất.
Gợi ý đáp án
- Các đai khí áp cao và đai khí áp thấp trên Trái Đất: áp thấp xích đạo, hai áp cao cận chí tuyến, hai áp thấp ôn đới, hai áp cao cực.
- Sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất
- Nguyên nhân nhiệt lực: Xích đạo có nhiệt độ cao quanh năm, quá trình bốc hơi mạnh, sức nén không khí giảm nên hình thành đai áp thấp. Vùng cực Bắc và vùng cực Nam luôn có nhiệt độ rất thấp, sức nén không khí tăng nên tồn tại các đai áp cao.
- Nguyên nhân động lực: đai áp cao cận chí tuyến hình thành do không khí thăng lên Xích đạo và di chuyển về chí tuyến, giáng xuống làm khí áp tăng. Đai áp thấp ôn đới hình thành do không khí từ áp cao chí tuyến và vùng cực di chuyển về vùng ôn đới, không khí thăng lên làm khí áp giảm.
Câu hỏi trang 43: Dựa vào thông tin trong bài, em hãy:
- Nêu những nguyên nhân của sự thay đổi khí áp.
- Lấy ví dụ về sự thay đổi khí áp do các nguyên nhân kể trên.
Gợi ý đáp án
- Khí áp thay đổi theo độ cao: khí áp giảm theo độ cao do càng lên cao không khí càng loãng, sức nén của không khí càng nhỏ nên khí áp càng giảm.
- Khí áp thay đổi theo nhiệt độ: khí áp dao động trong ngày và trong năm do nhiệt độ thay đổi.
- Nhiệt độ tăng, không khí nở ra, sức nén của không khí nhỏ nên khí áp giảm.
- Khí áp tăng khi nhiệt độ giảm, vì khi đó không khí co lại, sức nén của không khí tăng.
- Trong năm, trên lục địa vào mùa hạ hình thành áp thấp, mùa đông có áp cao.
- Khí áp thay đổi theo thành phần không khí
- Tỉ trọng của không khí có hơi nước nhẹ hơn tỉ trọng của không khí khô, vì vậy không khí chứa nhiều hơi nước sẽ có khí áp giảm.
- Khi nhiệt độ cao, hơi nước bốc lên nhiều chiếm chỗ của không khí khô làm khí áp giảm.
II. Gió
Câu hỏi trang 43 : Dựa vào hình 9.1 và thông tin trong bài, em hãy:
- Kể tên các loại gió chính trên bề mặt Trái Đất.
- Trình bày đặc điểm của các loại gió này.
Gợi ý đáp án
* Các loại gió chính trên bề mặt Trái Đất: gió Đông cực, gió Tây ôn đới, gió Mậu dịch.
* Gió Đông cực
- Gió Đông cực là loại gió thổi quanh năm từ áp cao cực về áp thấp ôn đới.
- Hướng gió: gió thổi theo hướng đông bắc ở bán cầu Bắc, hướng đông nam ở bán cầu Nam do ảnh hưởng của lực Cô-ri-ô-lít (Coriolis).
- Tính chất: mang tính chất lạnh và khô, thường gây ra những đợt sóng lạnh ở khu vực ôn đới vào mùa đông.
* Gió Tây ôn đới
- Gió Tây ôn đới là loại gió thổi quanh năm từ áp cao cận chí tuyến về áp thấp ôn đới.
- Hướng gió: Gió thổi theo hướng tây nam ở bán cầu Bắc và hướng tây bắc ở bán cầu Nam.
- Tính chất: Gió mang độ ẩm cao, thường gây mưa phùn và mưa nhỏ.
* Gió Mậu dịch (Tín phong)
- Gió Mậu dịch thổi đều đặn quanh năm từ áp cao cận chí tuyến về áp thấp xích đạo.
- Hướng gió: Gió thổi theo hướng đông bắc ở bán cầu Bắc và hướng đông nam ở bán cầu Nam.
- Tính chất: tính chất của gió là khô.
Giải Luyện tập, vận dụng Địa 10 Bài 9 trang 45
Luyện tập 1
Hãy so sánh sự giống nhau và khác nhau của gió biển - gió đất và gió mùa.
Gợi ý đáp án
Sự giống nhau và khác nhau của gió biển - gió đất và gió mùa
Gió mùa | Gió biển - gió đất | |
Giống nhau | - Đều là gió địa phương, hoạt động trong một phạm vi không rộng. - Hình thành do sự hấp thụ và tỏa nhiệt không đều giữa biển và đại dương. - Có hai hướng ngược chiều nhau. | |
Khác nhau | - Thổi theo mùa. - Phạm vi hoạt động rộng (phổ biến ở khu vực nhiệt đới và ôn đới). - Tính chất: Gió mùa mùa hạ thường có tính chất ẩm và gây mưa lớn, gió mùa mùa đông thường lạnh và khô. - Nguyên nhân hình thành gió mùa chủ yếu là do sự hấp thụ và toả nhiệt không đều giữa lục địa và đại dương theo mùa. | - Thổi theo ngày - đêm. - Phạm vi hoạt động hẹp hơn (phổ biển ven biển). - Tính chất: mang theo không khí mát, ẩm theo ngày - đêm. - Do đất liền và biển hấp thụ, phản xạ nhiệt độ khác nhau, nên hình thành các vùng khí áp thay đổi theo ngày - đêm. |
Luyện tập 2
Kể tên một số khu vực có chế độ gió mùa phổ biến trên Trái Đất. Trình bày nguyên nhân hình thành và đặc điểm của gió mùa.
Gợi ý đáp án
- Gió mùa phân bố chủ yếu ở đới nóng như: Nam Á, Đông Nam Á, Đông Phi, Đông Bắc -xtrây-li-a và một số khu vực vĩ độ trung bình như: Đông Trung Quốc, Đông Nam Hoa Kỳ.
- Nguyên nhân hình thành gió mùa chủ yếu do sự nóng lên hay lạnh đi không đều giữa lục địa và đại dương (gió mùa ngoại chí tuyến) hoặc giữa hai bán cầu (gió mùa nội chí tuyến).
- Đặc điểm
- Gió thổi theo mùa, hướng và tính chất gió ở hai mùa trái ngược nhau.
- Gió mùa mùa hạ thường có tính chất ẩm và gây mưa lớn, gió mùa mùa đông thường lạnh và khô.
Vận dụng
Em hãy lựa chọn và viết một đoạn văn ngắn tìm hiểu một loại gió địa phương ở Việt Nam theo gợi ý sau: phân bố, nguyên nhân hình thành, đặc điểm của gió.
Gợi ý đáp án
- Học sinh lựa chọn một loại gió địa phương để viết.
- Ví dụ:
1. Gió núi - thung lũng
Gió núi - thung lũng là loại gió hoạt động theo ngày đêm ở khu vực miền núi. Ban ngày, không khí ở sườn núi được đốt nóng hơn so với không khí xung quanh nên gió thổi lên theo sườn núi và ở trên gió thổi về phía thung lũng. Ban đêm, không khí ở sườn núi lạnh hơn xung quanh nên gió thổi dọc theo sườn xuống dưới, ở dưới không khí bốc lên trên thung lũng.
2. Gió phơn ở Bắc Trung Bộ
Gió phơn là hiện tượng gió khô nóng thổi từ trên núi xuống. Nguyên nhân do gió thổi tới dãy núi cao bị chắn lại ở sườn núi đón gió, không khí chuyển động lên cao cứ 100 m thì nhiệt độ giảm 0,6°C, làm hơi nước ngưng kết và gây mưa. Khi gió vượt qua sườn núi khuất gió, hơi nước đã giảm nhiều, không khí chuyển động đi xuống cứ 100 m thì nhiệt độ tăng 1°C.