TOP 5 mẫu Kể về một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 rèn luyện kỹ năng kể chuyện thật tốt, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.
Để bài kể chuyện thêm sinh động, các em cần nhớ lại những tấm gương thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng đã học hoặc được nghe kể, trong sách, báo, rồi kể lại, nhanh chóng hoàn thiện tiết Kể chuyện của mình. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Kể về một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng
- Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 1
- Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 2
- Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 3
- Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 4
- Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 5
Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 1
Trái đất này không phải của riêng bạn, riêng mình mà là của chúng ta. Sống trong một cộng đồng, mỗi người cần có nếp sống văn minh lịch sự. Câu chuyện xảy ra ngày cuối tuần vừa rồi đã giúp em nhận ra trách nhiệm của cá nhân trong xã hội. Đó là câu chuyện về một việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng.
Chủ nhật, nhóm chúng em tổ chức dã ngoại ngoài công viên. Công viên rợp bóng cây xanh, bãi cỏ mơn mởn mượt mà làm cả nhóm vô cùng thích thú. Chúng em trải những tấm thảm nhỏ, bày đủ loại đồ ăn, nước uống, cùng nhau chơi trò chơi. Sau đó, khi mặt trời đã lên cao chót vót, từng ánh nắng lọt qua kẽ lá chói chang cả lũ mới mệt phờ ngồi xuống ăn uống. Chúng em vừa cười đùa vừa nói chuyện vui vẻ. Chợt có bạn nhìn thấy phía xa một em bé đang bán vé số và kẹo cao su. Không hiểu thế nào mà bạn khác cười phá lên:
- Trông cái mặt và bộ quần áo lấm lem của con bé đó kìa. Thật mắc cười quá đi!
- Hahaha…!
Vậy rồi cả lũ cười phá lên. Em chỉ im lặng nhìn cô bé đó. Vừa thương cảm sự bất hạnh của em ấy vừa tức giận thái độ của các bạn khác. Cô bé hình như nghe thấy tiếng cười bên này nhưng chỉ cúi mặt nhẹ nhàng hỏi các cô chú xung quanh xem có ai mua kẹo, mua vé số không. Các bạn em cứ cười mãi, cho tới khi một tiếng nói non nớt từ bên cạnh vang lên:
- Mẹ ơi, chị ấy đáng thương quá. Con lấy tiền tiết kiệm mua kẹo cho chị ấy được không ạ?
Thì ra là một em bé gái khoảng năm tuổi. Em nhìn tiền trong tay rồi nghiêng đầu hỏi mẹ. Mẹ em nhìn thoáng qua đám chúng em rồi dịu dàng xoa đầu con gái mình:
- Được chứ. Con ngoan lắm.
Em bé dường như chỉ chờ có vậy, nó lon ton chạy lại chỗ cô bé kia, chìa những tờ tiền lẻ trong đôi bàn tay bé xíu ra. Cô bé ngạc nhiên rồi mỉm cười tươi tắn, sợ làm bẩn tay em bé, cẩn thận lấy giấy gói những chiếc kẹo mút lại. Sau đó em nói cảm ơn người mẹ của em bé kia rồi quay đi, vừa đi vừa cúi xuống nhặt rác. Chúng em ngẩn ngơ nhìn cô bé bán vé số bất hạnh ấy nhặt từng vỏ trai, vỏ kẹo, rác rưởi trên đường trong công viên bỏ vào sọt rác. Một bác lao công đang quét lá nói:
- Con bé nhỏ tuổi, phải đi bán hàng rong phụ mẹ mà ngoan lắm. Ngày nào nó cũng tới, nhặt xong rác thì mới về. Nhiều người bây giờ còn không ý thức bằng nó.
Chúng em xấu hổ nhìn đống vỏ bánh kẹo mà mình mang đến và những lần xả rác vô ý thức trước kia thầm hối lỗi lời nói xúc phạm cô bé. Hành động của em bé 5 tuổi cũng phần nào thức tỉnh chúng em về hành động thiếu văn minh nơi công cộng. Chúng em trở về nhà với tâm trạng rối bời, lòng hiểu ra nhiều điều ý nghĩa.
Một ngày cuối tuần, một câu chuyện nhỏ nhưng là hai việc làm của nếp sống văn minh nơi công cộng. Trong cuộc sống, có những mảnh đời khác nhau, tôn trọng hoàn cảnh của người khác cũng là một nếp sống văn minh. Đặc biệt, mỗi chúng ta cần có ý thức với môi trường sống của chính mình.
Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 2
Hôm nay là ngày chủ nhật, từng chú chim non ríu rít trên cành, nắng vàng trải thảm xuống mặt đường. Bỗng mẹ gọi em: "Minh ơi, đi chợ với mẹ nào!". Chỉ và phút sau là em và mẹ đã có mặt ở chợ ở đằng kia có gì mà đông thế? Em lon ton chạy ra xem.
Trên mặt đường bây giờ là những mảnh vỡ lăn lóc, dòng người vẫn qua lại, chẳng ai hỏi han gì. Em hỏi chú An thì mới hay đây là những mảnh vỡ của cô bán sữa, chả là sáng nay, cô ấy đem sữa đi bán, mọi người mua hàng đông lắm, chẳng ai nhường ai, bỗng có một anh thanh niên chạy qua va vào xe cô làm xe đổ hết, nhưng anh ấy không xin lỗi và chạy đi mất rồi. Cô ấy bảo, cả nhà cô phụ thuộc vào mấy chai sữa, bây giờ đổ hết thì. Em đến gần mới thấy nét mặt cô đỏ gay, hai mắt rơm rớm, đã thế mấy cô hàng nước còn chế giễu cô: "Chao ơi, vài chai sữa chứ mấy, thôi đi đi, đừng ăn vạ, tôi không mang lửa đốt vía đâu"!
Trông mặt cô lại càng thêm buồn, nước mắt cũng đã chảy dài trên làn má cô. Mọi người xung quanh bảo: "Cũng chục chai đấy chứ chả ít đâu đấy!" rồi lát sau cũng lủi đi mất. Bầu trời xám xịt lại, mọi người vẫn đi qua chẳng để ý gì. Thỉnh thoảng có người đi qua bảo" thật tội nghiệp, nhưng kệ, chả phải việc của mình" rồi đi luôn. Em thấy thương cô, bỗng ở trong nhà có một cụ già bước ra. Cụ già lắm rồi, hai má cụ đã hóp nhưng nét mặt cụ hiền từ nên ai cũng quý, cũng yêu, cụ bảo: "Ôi trời, thật là vô lương tâm, như thế mà cũng bỏ đi được sao? Rồi cụ khẽ đi vào trong nhà lấy cái gì đấy, thì ra cụ lấy cái chổi cùng một cái xẻng đã cũ. Bà quét thật sạch sẽ, nhân tiện bà quét luôn cho nhà bên cạnh nhà này bẩn quá, hình như chưa quét sân bao giờ. Khi quét xong, bà vun gọn vào xẻng và đem đổ. Sau đó bà để gọn chổi xẻng vào một chỗ rồi khẽ ra an ủi cô "thôi cháu à, tiếc làm gì, giận làm gì cái loại bất lương ấy". "À, đây có ít tiền, cụ cho để mà mua mớ rau, mớ hành mà ăn". Lúc đầu cô cũng từ chối, nhưng bà cụ cứ để vào tay cô. Bây giờ, cô mới cất giọng run run và trầm: "Bà ơi, cháu cảm ơn lòng thành của bà, cháu sẽ đền ơn, nhưng thôi, bà cứ cầm lấy mà an dưỡng tuổi già. Bà lại bảo: "Ơ cái chị này, bà cho, cầm lấy!" Bà nói mãi chị mới nhận lúc này, mấy cô hàng nước cũng hối hận lắm, nét mặt họ đỏ đỏ vì xấu hổ, họ cũng xin lỗi cô và cũng góp chút ít. Em cảm động lắm và tự hỏi: "Sao mình không đỡ cô nhỉ?" Đang suy nghĩ thì mẹ gọi "Minh ơi, về thôi con". Em liền theo mẹ đi về.
Em rất cảm kích trước tấm lòng của bà cụ, cụ thật lương thiện. Em sẽ cố gắng là một người như cụ.
Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 3
Đứng bên cửa sổ, tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện đã in sâu trong tôi từ hồi kết thúc học lớp 4. Qua câu chuyện đó - tôi đã nhận được một lời khuyên bổ ích từ Lê: cô bạn tốt bụng.
Hôm đó, trời nắng đẹp, những chú chim hòa ca cùng trời xanh làm không khí thêm vui vẻ, hào hứng. Tôi và Lê dắt tay nhau, cùng lên xe buýt để về nhà. Cả xe đều chật đông người, nhưng may mắn cho Lê và tôi là còn thừa một ghế, đủ cho hai người. Hai đứa chúng tôi liền nhanh chân ngồi vào ghế. Được một lúc sau, bỗng có ông cụ đâu đi tới. Ông đứng lại trước chúng tôi rồi hỏi:
- Các cháu có thể cho ông ngồi tạm được không?
Tôi trả lời:
- Thưa ông, không được đâu ạ! Bây giờ nắng to rồi, chỗ chúng cháu thì chật. Ông ngồi không đủ đâu, lại còn nóng nữa chứ!
Nghe câu nói của tôi, ông trả lời:
- Ừ, ừ! Cũng được, ông xin lỗi vì đã làm mất thời gian nghỉ của cháu!
Rồi ông đứng, tay giơ lên để bám lấy cái thanh sắt. Đúng lúc ấy, Lê nói với ông:
- Ông ơi, ông ngồi chỗ cháu đi, ông đứng như vậy, dễ bệnh lắm!
- Thế còn cháu thì sao?
Ông hỏi:
- Không sao ạ! Cháu vẫn khoẻ lắm!
Ông thả tay, tới chỗ tôi ngồi sau câu trả lời của Lê. Thấy ông bên cạnh, tôi bỗng thấy xấu hổ và nhận ra việc Lê làm là rất đúng, có như vậy mới thể hiện rõ nếp sống văn minh của học sinh. Tôi ngập ngừng xin lỗi ông cụ:
- Cháu, cháu xin lỗi ông!
Ông nói với tôi:
- Bạn cháu quả là cô bé tốt. Còn cháu đã biết xin lỗi ông là ông đã vui rồi.
Nghe câu nói đó, tôi bỗng mỉm cười với ông như cháu với ông nội của mình. Bánh xe cứ nhanh dần. "Xịch!" xe buýt dừng lại, hai chúng tôi và ông cùng xuống xe. Ông tạm biệt với tôi trước rồi đến Lê cũng tạm biệt tôi. Trước khi đi, Lê nói:
- Tớ rất vui khi đã được nghe câu nói xin lỗi của cậu. Như vậy, cậu đã trở thành một người có nếp sống văn minh, có đạo đức và là một học sinh ngoan. Cậu nên nhớ, cần phải kính trọng người già. Trong mọi việc, cậu nên nhớ ba từ, kính trọng, lễ phép và lịch sự. Thôi, muộn rồi, chào cậu, bai bai.
Lời khuyên của Lê, tôi nhớ mãi không quên. Trên đời này, tất cả đều tốt như Lê thì thế giới này sẽ đẹp biết bao.
Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 4
Hôm nay, một ngày tuyệt đẹp với ánh ban mai rực rỡ bố được nghỉ làm nên bố quyết định đưa cả gia đình về quê chơi và tất nhiên người vui sướng nhất là tôi rồi. Khi chiếc xe lăn bánh thì bỗng có 1 bàn tay gầy guộc vẫy vẫy và kèm theo tiếng nói mệt nhọc: “Bác tài ơi! Chờ già với”.
Bà cụ già nên đôi chân chậm chạp dần mới bước được tới và người ta để ý rằng phải khó khăn lắm bà cụ mới nhấc được những nải chuối kĩu kịt cùng với thân hình nhỏ bé của mình lên xe. Vì là người đến sau cùng nên trên xe đã chật ních chỗ ngồi vì vậy bà cụ phải đứng cho dù đôi chân già nua không chịu nổi thân hình gầy gò. Trên đường đi rất gập ghềnh nên thỉnh thoảng những chỗ phanh gấp bà cụ lại bị bật ra sau hay ngả lên phía trước và ngã xuống sàn “Ôi! Chao mệt quá đi mất” giọng nói bà cụ cất lên cực nhọc trông bà cụ thật tội nghiệp, mồ hôi chảy ròng ròng, làm ướt sũng chiếc áo nâu giản dị của cụ, còn đôi chân càng ngày càng mỏi nhừ và dường như sắp khụy xuống sàn, bàn tay gầy guộc cố bám vào chiếc tay vịn. Bỗng một tiếng nói dịu dàng cất lên phá tan bầu không khí im lặng đáng sợ trên xe: “Cụ ơi! Mời cụ ngồi đây” nghe thấy tiếng nói cụ già ngẩng đầu lên thì thấy trước mặt mình là một cô gái trẻ, có khuôn mặt xinh xắn hiền hậu và đôi mắt đen sáng ngời, đầy ánh mắt thanh niên nói thế bà cụ nhìn cô gái vẻ ái ngại nhưng cô gái nói giọng ấm áp. Cụ già thở hổn hển mãi mới cất được tiếng nói “Cám ơn cô gái nhưng già không ngồi đâu!” vừa nói bà cụ vừa xua tay tỏ ý không muốn nhưng vì cô gái trẻ thiết tha quá nên bà cụ đành miễn cưỡng ngồi vào chỗ cô gái. Vừa lúc đó một anh choai choai lên tiếng: “Đồ dở hơi chỗ ngồi thích thế mà nhường cho bà cụ” nghe anh thanh niên nói thế bà cụ liền nhìn cô gái vẻ ái ngại nhưng cô gái nói lại: “Việc tôi nhường chỗ cho bà cụ là việc của tôi không liên quan đến anh”. Anh thanh niên cài lại ngang bướng: “Con hâm tự nhiên lại bị đứng mà chính mình làm chủ chỗ đó!” nghe thấy to tiếng một ông cụ đẹp lão lên tiếng: “Này cháu! Cô bé nhường chỗ cho bà cụ là tốt mà sao cháu lại nói thế?” Anh thanh niên chẳng nói gì chỉ đáp lại một câu cộc lốc: “Lũ dở hơi cả thảy”. Thấy anh thanh niên có thái độ như vậy ông lão ngán ngẩm lắc đầu, sự việc càng rắc rối bố tôi liền lên tiếng: “Này cháu ơi! Cháu cứ thử đặt mình vào bà lão xem cháu có ngồi không? Hay là cháu cứ đứng đến cuối chặng?” Anh thanh niên định gân cổ lên cãi lí nhưng chợt nhận ra điều gì lại thôi, cúi gằm mặt xuống chẳng nói gì.
Về tới quê tôi liền chạy ngay vào nhà và ôm chầm lấy người ông hiền từ. Sà vào lòng ông ấm áp tôi kể cho ông nghe về câu chuyện trên chuyến xe khắc mãi trong đầu tôi và thủ thỉ: “Ông ơi! Cháu ông lên lớp sẽ làm giống như chị ấy.
Việc làm tốt thể hiện nếp sống văn minh nơi công cộng - Mẫu 5
Buổi sáng hôm ấy, sau vài ngày hửng nắng, tôi kéo Dũng ra sân vận động đá bóng nhưng Dũng cứ nằng nặc bảo tôi ra đường. Chiều nó, tôi phải theo.
Tôi với Dũng mới đá được hai hiệp thì bác An đi qua. Bác cố khuyên chúng tôi không nên đá bóng trên đường nhưng chúng tôi không bỏ vào tai. Độ năm phút sau, một cụ già trạc sáu mươi tuổi đi tới, cụ ôn tồn bảo chúng tôi: “ Các cháu ơi! Các cháu không nên đá bóng trên đường, nếu các cháu không nghe lời già, ắt bị tai nạn dễ như chơi “. Thằng Dũng bạn tôi cau mày, tỏ vẻ phớt lờ.
- Già bảo các cháu không nghe à! – Ông già tiến lại gần Dũng.
- Ông đi đi, can gì đến ông. – Thằng Dũng cau mày sửng cồ. Tôi nể cụ già quá, liền chạy lại cầm tay cụ: “ Già ơi, già thông cảm cho chúng cháu! Thằng Dũng bạn cháu nó ương lắm! “…
Vừa nói tôi vừa đưa cụ sang bên kia đường vì sợ thằng Dũng nó thêm câu gì vô lễ với cụ.
Tôi quay lại phía Dũng, mặt vẫn câng câng. Tôi dịu giọng với nó:
- Dũng à, không nên ăn nói quá lời như vậy với cụ già. Già nói đúng đấy, ta vào sân đi!
Tôi cố ý nói ngọt ngào với nó vì nó hơn tôi vài tuổi và cũng vì sợ nó cho tôi “ ăn đòn “ thì nguy. Thế mà nó vẫn tỉnh bơ, còn dằn giọng:
- Mày bênh ông già hả. Mày không đá, tao đá. – Nói đoạn nó “ rê “ bóng một mình theo kiểu Ma-ra-đô-na, đang chạy lại dừng, lại chạy ngoắt nghéo giữa đường.
Bỗng một chiếc xe hơi màu xanh lao tới. Trong lúc đó Dũng mải mê chạy theo quả bóng. Người lái xe rít phanh nhưng không kịp nữa rồi. Người lái xe vội lái chệch lòng đường để tránh tai nạn và không may đâm vào gốc cây. Tôi choáng váng chạy đến vì nghĩ thế nào dũng cũng gặp tai nạn. Nhưng may quá, chỉ thấy nó đứng như trời trồng, mặt cắt không còn giọt máu, còn người lái xe như mê lịm đi, kính vỡ nát đâm vào thân thể. Người lái xe bị thương nặng. Tôi và Dũng chạy tới bệnh viện nhờ các bác sĩ dìu hộ người lái xe vào. Người lái xe được nhanh chóng cứu chữa kịp thời.
Tôi và Dũng ra về, đi bên nhau, chúng tôi không nói với nhau một lời như hai người xa lạ. Trưa đó, ăn cơm xong Dũng đến nhà tôi, theo tín hiệu bí mật tôi vội sửa sang quần áo chỉnh tề, đội mũ rồi đi. Tới bệnh viện, tôi bảo Dũng ở ngoài giữ xe còn mình vào. Thằng Dũng lúc này bảo đâu đứng đấy, nói gì gật đó, nó thật giống như anh say rượu quá chừng! Tôi vào phòng chú lái xe. Trong phòng im lặng quá làm tôi phát sợ. Tôi nhìn rõ khuôn mặt phúc hậu của chú. Chú lái xe mê đi, tất cả đều lặng lẽ chỉ nghe tiếng phập phồng của máy gây mê đang làm việc. Tôi buồn bã ngồi bên chú… khoảng 4 giờ chiều thì chú lái xe đã tỉnh hẳn. Chú ngồi dậy bên hai chúng tôi. Tôi nói: “ Chú ơi! Chú còn mệt! Hãy nằm cho khỏe đã!”. Theo ý của tôi, chú lái xe nằm xuống. Tôi nháy Dũng ra thềm nói: “ Dũng ạ! Ta có tội rất lớn đấy. Giá lúc đó mình nghe lời bác An và cụ già đừng đá bóng dưới lòng đường thì sẽ không dẫn đến hậu quả này đâu dũng ạ!” Dũng cúi đầu nghe tôi nói rồi tiếp: “ Hùng ạ! Nếu tao nghe mày thì đâu đến nông nỗi thế này. Thôi ngoắc tay ăn thề nhé!” Nó đưa ngón tay ra tìm ngón tay tôi. Vừa lúc đó nghe tiếng chú lái xe gọi. Hai đứa chạy vào thấy máu thấm đỏ một bên băng trên trán, tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào. Dũng lúng búng trong miệng: “ Thưa chú, việc làm của chúng cháu đã sai, mong chú tha thứ!”. Chú lái xe từ từ mở đôi mắt vẻ hiền hậu nhưng mệt mỏi, rồi vẫy chúng tôi lại gần:
- Các cháu ạ, chú đã nghe rõ câu chuyện của các cháu rồi đó. Biết nhận lỗi là tốt, sửa được lỗi mới là giỏi. – Nói xong, chú đưa bàn tay thô ráp ra cầm hai bàn tay nhỏ của hai đứa. Thằng Dũng rụt rè rút tay ra. Chắc nó ân hận lắm cho rằng mình chưa xứng đáng được tha thứ nhanh như vậy.
Chiều hôm đó, tôi thấy thằng Dũng lẻn đi một mình vào bệnh viện, tay xách một túi táo và bánh qui. Tôi lờ đi như không trông thấy nó.