Kể lại câu chuyện về một danh nhân ở địa phương em gồm 2 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 tham khảo, có thêm nhiều thông tin bổ ích để kể lại câu chuyện về Ngô Quyền, Chu Văn An thật hay.
Chủ đề này các em được học trong Bài 3: Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương Lịch sử - Địa lí 4 Chân trời sáng tạo, Bài 2: Địa phương em (Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) sách Cánh diều, Bài 3: Lịch sử và văn hóa truyền thống ở địa phương em sách KNTT. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để kể lại câu chuyện thật cô đọng, súc tích.
Kể lại câu chuyện về một danh nhân ở địa phương em
Kể lại câu chuyện về Ngô Quyền
- Tên danh nhân: Ngô Quyền
- Câu chuyện:
+ Ngô Quyền quê ở tại Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), cha là Ngô Mân - một Hào trưởng có tài đức. Ngô Quyền thông minh, văn võ song toàn, được Dương Đình Nghệ gả con gái là Dương Thị Ngọc và cho cai quản đất Ái Châu (Thanh Hóa).
+ Năm 938, quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo làm chủ tướng từ Quảng Đông theo đường biển ồ ạt tiến sang xâm lược nước ta. Trước vận nước lâm nguy, Ngô Quyền đã gấp rút chuẩn bị kế hoạch đối phó với quân Nam Hán. Vùng cửa sông Bạch Đằng được lựa chọn để bố trí trận địa đánh giặc.
+ Sau chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
- Điều em học hỏi được từ danh nhân: lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm; thái độ chủ động, thông minh và tinh thần sáng tạo,…
Kể lại câu chuyện về Chu Văn An
Danh nhân Chu Văn An là một người thầy giáo mẫu mực đáng kính. Ông đã sống trải qua các triều vua Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông và Nghệ Tông nhà Trần. Học trò của ông rất đông, có tới trên ba ngàn người. Ông cũng từng dạy học ở Quốc Tử Giám. Ông là người thầy vĩ đại đến ngay cả nhiều người dù đã đỗ đạt vẫn thường lui tới trường để được nghe ông bình văn giảng sách.
Tương truyền rằng khi Chu Văn An khi dạy học ở Cung Hoàng, từng dạy cho một người học trò đặc biệt. Năm ấy đại hạn, dân tình nhốn nháo đói khổ. Vốn giàu lòng nhân đạo, Chu Văn An ngày đêm lo lắng cho nhân dân. Ông nghĩ đến chàng học sinh khôi ngô ham học của mình, hi vọng chàng có thể cứu vớt được nhân dân. Vốn là Thủy thần vì mộ đạo học của Chu Văn An mà hiện thân thành người học trò đến theo học, hàng ngày chàng vẫn được nghe thầy giảng đạo đức nhân nghĩa của thánh hiền; nay chàng lại được chính thầy sai tìm cách cứu vớt muôn dân thì còn nhân nghĩa đạo đức nào bằng. Chàng bèn lấy nước lã mài mực, dùng bút dùng mực vẩy lên trời rồi tung nghiên bút mỗi thứ đi một phía. Lập tức mây đen nổi lên, trời mưa như trút, nước đen màu mực chảy ngập ruộng đồng. Bút của chàng rơi xuống là Tả Thanh Oai, còn nghiên thì rơi xuống cánh đồng làng Quỳnh Đô và biến thành khu đầm nước màu đen nên gọi là đầm Mực. Thấy trời mưa to, nhân dân khắp nơi đều vui mừng. Chu Văn An vô cùng sung sướng. Nhưng chàng học sinh trẻ tuổi vì là trái thiên mệnh nên đã phải gánh chịu trừng phạt. Thầy lo lắng, cho người đi tìm thì thấy xác một con thuồng luồng chết nổi lên ở giữa đầm Cung Hoàng. Chu Văn An biết đó là hiện thân của anh học trò vô cùng yêu quý của ông đã bị trừng phạt vì chống lại lệnh của thiên đình. Chu Văn An buồn rầu đau xót, tiếc thương người đã bỏ mình vì việc nghĩa. Tình nghĩa thầy trò lại càng làm cho nỗi xót thương ấy tăng lên vô hạn. Chu Văn An sai học trò vớt xác con thuồng luồng đó lên và đem chôn cất tử tế…
Qua câu chuyện về Chu Văn An chúng ta thấy được thầy giáo Chu là một người giàu lòng nhân ái, giành cả đời cho việc dạy học.