Giải Sinh 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật giúp các em học sinh lớp 11 nhanh chóng trả lời câu hỏi nội dung bài học trong SGK trang 40→44.
Soạn Sinh học 11 Cánh diều trang 40, 41, 42, 43, 44 giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa vai trò của quá trình dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật để học thật tốt Bài 6 chủ đề 1 Sinh 11. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài giải Sinh 11 Bài 6 Cánh diều trang 40, 41, 42, 43, 44 mời các bạn cùng tải tại đây.
Giải SGK Sinh 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật
I. Quá trình dinh dưỡng ở động vật
Câu hỏi trang 40
Quan sát hình 6.2, nêu tên và mô tả các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người.
Gợi ý đáp án
Các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người:
1 – Lấy thức ăn: Thức ăn được đưa vào miệng.
2 – Tiêu hóa thức ăn: Thức ăn được vận chuyển trong ống tiêu hóa và được tiêu hóa ngoại bào nhờ quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học để tạo nên các chất dinh dưỡng.
3 – Hấp thụ chất dinh dưỡng: Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu và mạch bạch huyết. Quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu diễn ra ở ruột non.
4 – Tổng hợp (đồng hóa) các chất: Chất dinh dưỡng được vận chuyển đến tế bào. Tế bào sử dụng những chất dinh dưỡng đó để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống.
5 – Thải chất cặn bã: Những chất không hấp thụ được đi vào ruột già và biến đổi thành phân rồi đào thải ra ngoài qua hậu môn.
Luyện tập trang 40
Quan sát hình 6.2, hình 6.3, hình 6.4 và mô tả đặc điểm từng giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở mỗi loài theo bảng 6.1.
Gợi ý đáp án
Bảng 6.1. Quá trình dinh dưỡng ở bọt biển, thủy tức và người
Giai đoạn | Bọt biển | Thủy tức | Người |
Lấy thức ăn | Nhờ roi kéo nước qua các sợi hình trụ của cổ áo, các vụn thức ăn trong nước được thực bào vào trong tế bào cổ áo để tiêu hóa hoặc chuyển cho tế bào amip. | Xúc tu có tế bào gai làm tê liệt con mồi, đưa con mồi vào miệng đến túi tiêu hóa. | Thức ăn được đưa vào miệng. |
Tiêu hóa thức ăn | Các vụn thức ăn được tiêu hóa nội bào trong tế bào cổ áo hoặc tế bào amip thành các chất dinh dưỡng. | Con mồi được tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào: Tế bào tuyến tiết enzyme để tiêu hóa thức ăn thành những phân tử nhỏ trong túi tiêu hóa (tiêu hóa ngoại bào). Những hạt thức ăn nhỏ được đưa bào tế bào tuyến để tiêu hóa tiếp nhờ các không bào tiêu hóa (tiêu hóa nội bào). | Thức ăn được vận chuyển trong ống tiêu hóa và được tiêu hóa ngoại bào nhờ quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học để tạo nên các chất dinh dưỡng. |
Hấp thụ chất dinh dưỡng | Tế bào amip có khả năng di chuyển tự do trong thành cơ thể giúp vận chuyển chất dinh dưỡng cho tế bào khác của cơ thể. | Các chất dinh dưỡng được giữ lại ở trong tế bào tuyến và có thể được vận chuyển cho tế bào khác của cơ thể. | Chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu và mạch bạch huyết. Quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng chủ yếu diễn ra ở ruột non. |
Tổng hợp (đồng hóa) các chất | Các chất dinh dưỡng được hấp thụ tham gia hình thành các sợi (gai) xương hoặc hình thành tế bào mới khi cần. | Các chất dinh dưỡng được tế bào sử dụng để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống. | Tế bào sử dụng những chất dinh dưỡng đó để tổng hợp thành những chất cần thiết cho các hoạt động sống. |
Thải chất cặn bã | Những chất không hấp thụ được đào thải ra ngoài thông qua hình thức xuất bào rồi theo dòng nước thoát ra ngoài qua lỗ thoát nước. | Những chất không hấp thụ được đào thải ra ngoài thông qua hình thức xuất bào rồi cũng đi ra ngoài môi trường qua lỗ miệng. | Những chất không hấp thụ được đi vào ruột già và biến đổi thành phân rồi đào thải ra ngoài qua hậu môn. |
II. Tiêu hóa ở động vật
Luyện tập trang 42
Sắp xếp các loài: sán lá, giun đất, gà, cá, chó, bọt biển, vào các nhóm: chưa có cơ quan tiêu hóa, có túi tiêu hóa, có ống tiêu hóa.
Gợi ý đáp án
- Nhóm chưa có cơ quan tiêu hóa: bọt biển.
- Nhóm có túi tiêu hóa: sán lá.
- Nhóm có ống tiêu hóa: giun đất, gà, cá, chó.
III. Ứng dụng về dinh dưỡng và tiêu hóa ở người
Luyện tập trang 43
Quan sát bảng 6.2 và cho biết sự khác nhau về nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở các độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và hoạt động thể lực. Giải thích tại sao có sự khác nhau đó.
Gợi ý đáp án
Sự khác nhau về nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở các độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và hoạt động thể lực:
- Theo độ tuổi: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng dần đến tuổi trưởng thành (15 – 19 tuổi) rồi giảm dần khi tuổi về già. Giải thích: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng dần đến tuổi trưởng thành (15 – 19 tuổi) do ở độ tuổi này cần nhiều năng lượng và nguyên liệu cho hoạt động sinh trưởng và phát triển thể chất mạnh mẽ. Ngược lại, khi tuổi về già, quá trình sinh trưởng và phát triển giảm dần nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng giảm dần.
- Theo giới tính: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở nam thường cao hơn ở nữ. Giải thích: Nam giới thường có quá trình sinh trưởng và phát triển thể chất mạnh mẽ hơn, hoạt động thể lực cao hơn,… nên cần nhiều năng lượng và nguyên liệu cho hoạt động sống hơn.
- Theo tình trạng mang thai: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai cao hơn phụ nữ không mang thai. Giải thích: Phụ nữ mang thai cần nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng hơn bình thường để vừa cung cấp cho cơ thể mẹ vừa cung cấp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Theo hoạt động thể lực: Người hoạt động thể lực nhẹ có nhu cầu năng lượng và các cất dinh dưỡng thấp hơn người hoạt động thể lực trung bình và người hoạt động thể lực nặng. Giải thích: Người hoạt động thể lực nặng tiêu hao nhiều năng lượng cho các hoạt động làm việc ở cường độ cao nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng ở những người này cao hơn.