Thuyết minh về tác giả Nguyễn Tuân mang đến gợi ý cách viết và bài văn mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn thuyết minh ngày một hay hơn.
Giới thiệu về sự nghiệp tác giả Nguyễn Tuân dưới đây giúp các bạn học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Đồng thời hiểu được con người, sự nghiệp sáng tác văn học của nhà văn Nguyễn Tuân. Vậy sau đây là dàn ý và bài văn mẫu hay về Thuyết minh về tác giả Nguyễn Tuân mời các bạn cùng theo dõi.
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Tuân
Dàn ý thuyết minh về tác giả Nguyễn Tuân
1. Mở bài:
Giới thiệu về tác giả.
2. Thân bài
a. Vài nét cuộc đời và sự nghiệp
- Năm sinh năm mất.
- Quê quán, gia đình.
- Những biến chuyển trong cuộc đời.
b. Một số các đóng góp văn học
- Đóng góp cho nền văn học nước nhà.
- Một vài các tác phẩm nổi tiếng.
- Các thể loại sáng tác
- Chức danh được công nhận.
3. Phần kết bài
- Sáng tác các tác phẩm văn học giá trị cho nước nhà.
- Tác giả là tác giả xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh.
Giới thiệu về sự nghiệp tác giả Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân (1910-1987) là nhà văn lãng mạn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, một cây bút tiên phong của nền văn học mới. Con người và sự nghiệp văn học Nguyễn Tuân với những nét phong cách nổi bật tài hoa, uyên bác đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
Nguyễn Tuân quê ở Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Thân sinh của Nguyễn Tuân là cụ Nguyễn An Lan, tú tài khoa thi Hán học cuối cùng. Một nhà nho tài hoa bất đắc chí có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và phong cách Nguyễn Tuân.
Ông học đến cuối bậc thành chung thì bị đuổi vì tham gia cuộc bãi khoá phản đối mấy giáo viên người Pháp nói xấu người Việt Nam. Năm 1930, do “xê dịch” không có giấy phép qua Lào sang Thái Lan, ông bị tù. Ra tù, ông bắt đầu nghiệp cầm bút bằng việc viết báo, viết văn. Nhưng ông chỉ thực sự nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm Một chuyến đi, Vang bóng một thời. Năm 1941, ông lại bị bắt giam vì giao du với những người hoạt động chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân trở thành một cây bút tiêu biểu hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1948-1958. Ông mất ngày 28/7/1987 tại Hà Nội. Với những đóng góp to lớn và có giá trị cho nền văn học nước nhà, năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Con người Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Ông yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, những kiệt tác văn chương trung đại, những lời ca tiếng hát của mỗi miền quê, các món ăn truyền thống, dân dã. Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Với ông, viết văn là để thể hiện cái tôi một cách kì cùng. Con người ông rất mực tài hoa, uyên bác, thông hiểu sâu sắc nhiều ngành khoa học và nghệ thuật. Ông cũng là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình, coi nghệ thuật là một hình thái lao động cực kì nghiêm túc, thậm chí nghệ thuật là một sự khổ hạnh (những đứa con hoang). Những đặc điểm ấy về con người Nguyễn Tuân có ảnh hưởng lớn đến phong cách nghệ thuật của ông.
Nguyễn Tuân thử bút ở nhiều thể loại truyện ngắn hiện thực trào phúng, thơ, nhưng mãi đến đầu năm 1938 mới nhận ra sở trường của mình và thành công với: Một chuyến đi (1938); Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941). Sự nghiệp của ông có thể chia làm hai chặng khá rõ rệt trước và sau Cách mạng tháng Tám từ một nhà văn lãng mạn chuyển thành nhà văn cách mạng.
Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân sáng tác xung quanh ba đề tài chính. “Chủ nghĩa xê dịch” thể hiện cái tôi lãng tử của nhà văn theo bước chân qua những miền quê để đi tìm cảm giác mới lạ, “thay thực đơn cho các giác quan”. Tuy Nguyễn Tuân tìm đến với chủ nghĩa xê dịch “như một phản ứng bất lực trước thời cuộc nhưng với đề tài này, ông đã thể hiện được những cảnh sắc và phong vị quê hương đất nước bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa, qua đó nhà văn bày tỏ được tấm lòng yêu nước thiết tha trong tác phẩm của mình: Một chuyến đi, “Thiếu quê hương…”.
Ở đề tài “vang bóng một thời”, nhà văn đi tìm và làm sống lại vẻ đẹp riêng của một thời xưa cũ với những phong tục văn hóa, những thú tiêu dao lành mạnh, tao nhã, gắn với những con người thuộc lớp nhà nho tài hoa bất đắc chí. Những sáng tác này thể hiện một cách kín đáo và ý nhị tấm lòng yêu mến, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm chính là tập truyện ngắn Vang bóng một thời.
Đề tài đời sống tâm trạng bi quan của một cái tôi hoang mang, bế tắc, tìm cách thoát li trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện, qua đó ta thấy được tâm trạng khủng hoảng của lớp thanh niên đương thời. Nhưng đôi khi ở đó vẫn vút lên “niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao, được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật”. Tác phẩm chính là Chiếc lư đồng mắt cua, Tàn đèn dầu lạc.
Sau Cách mạng, lòng yêu nước và sự bất mãn với chế độ thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với Cách mạng và kháng chiến. Sáng tác của ông trong thời kỳ này tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân anh hùng, tài hoa trong chiến đấu và sản xuất. Tác phẩm Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Sông Đà (1960). Dù ở giai đoạn nào, Nguyễn Tuân cũng có một phong cách nghệ thuật độc đáo mà biểu hiện chính là sự tài hoa, uyên bác.
Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân được biết đến như là một nhà văn duy mĩ. Ông trân trọng và đề cao cái đẹp. Với ông, cái đẹp chỉ tồn tại trong một thời xưa cũ, do vậy, ông đi tìm và làm sống dậy cái đẹp của thời xưa và phê phán, chối bỏ xã hội trên phương diện văn hóa. Nguyễn Tuân quan niệm xã hội đương thời là “xã hội cơ khí giết chết cái đẹp”. Ông cũng nhìn con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ, tập trung miêu tả những nhà nho tài hoa bất đắc chí, đứng cao hơn hoàn cảnh. Nhân vật của ông trong giai đoạn này mang dáng dấp của những con người “đặc tuyển”. Nguyễn Tuân đi tìm cảm giác mới lạ, “cái nguồn sống bồng bột tắc lối thoát (Tóc chị Hoài) trong “xê dịch” và trụy lạc.
Ông có một lối viết tự do, phóng túng, vừa đĩnh đạc, cổ kính lại vừa trẻ trung, hiện đại không chỉ dùng vốn ngôn ngữ văn học phong phú, ông còn sử dụng hiểu biết về nhiều ngành nghệ thuật, khoa học khác như hội họa, điện ảnh, âm nhạc, quân sự, võ thuật, để gợi dựng hình tượng, đem đến người đọc nhiều liên tưởng thú vị.
Sau Cách mạng ông vẫn tiếp tục khẳng định nét tài hoa, uyên bác những cũng có những thay đổi rõ rệt. Cũng nhìn con người trên phương diện văn hóa nhưng Nguyễn Tuân không còn đối lập xưa và nay mà tìm được sự ấm áp của cuộc đời. Cái đẹp không chỉ có trong thời xưa cũ mà còn có trong thiên nhiên, đời sống lao động sản xuất và chiến đấu. Chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những con người đặc tuyển mà còn có ở đại chúng nhân dân, ngay trong nghề nghiệp của họ như anh bộ đội, chị dân quân, người lái đò sông Đà. Ông cũng không còn đối lập cái phi thường với cái bình thường. Nét tài hoa hòa lẫn với những tâm tư rất bình dị, rất người. Giọng văn không còn khinh bạc, mà có thì chỉ để ném vào mặt kẻ thù cướp nước, bán nước và các mặt tiêu cực của xã hội.
Với những nét độc đáo và riêng biệt nói trên, Nguyễn Tuân tìm đến với thể loại tuỳ bút như một tất yếu và có công nâng tuỳ bút lên đỉnh cao. Do đó, ông được mệnh danh là “ông hoàng” của thể loại tuỳ bút. Tuỳ bút Nguyễn Tuân cũng đã thể hiện rõ phong cách phóng túng của ông. Các sáng tác này giàu có thông tin và tính thời sự cao, có nhiều yếu tố truyện. Nhà văn đã xây dựng được một lõi sự việc, các nhân vật được miêu tả một cách kĩ lưỡng, có tính cách riêng, đi sâu vào tâm lí. Lời văn kết hợp triết luận, trữ tình bàn bạc một cách thoải mái. Qua đó ta thấy được tâm hồn phóng túng, sức liên tưởng tưởng tượng bất ngờ, táo bạo của nhà văn, không tồn tại ở thể tĩnh tại mà nhìn trong chiều sâu thời gian và chiều rộng không gian. Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân giàu có, đa dạng, một mặt thể hiện cảm xúc trữ tình của một cái tôi uyên bác mà trẻ trung, hiện đại; mặt khác thể hiện sự tinh tế, giàu cảm xúc thẩm mĩ, đầy chất thơ và khả năng tạo hình. Câu văn co duỗi nhịp nhàng.
Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời tìm kiếm và khẳng định cái đẹp, một định nghĩa về người nghệ sĩ. Ông có đóng góp to lớn cho quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt, đặc biệt là thể loại tuỳ bút. Ông xứng đáng là một nghệ sĩ lớn một nhà văn hóa lớn của dân tộc.