Văn mẫu lớp 11: Viết đoạn văn cảm nhận khổ một bài Từ ấy của Tố Hữu là một đề tài rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 11 tập 2.
Đoạn văn cảm nhận về khổ 1 Từ ấy mang đến 2 đoạn văn mẫu hay nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 11 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết đoạn văn hay. Đồng thời biết cách trả lời câu hỏi 1 phần luyện tập bài Từ ấy. Vậy sau đây là 2 đoạn văn mẫu cảm nhận đoạn 1 Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc nhé.
Viết đoạn văn cảm nhận khổ một bài Từ ấy của Tố Hữu
Đoạn văn cảm nhận khổ 1 Từ ấy
Tố Hữu đã diễn tả rất chân thành niềm vui sướng, say mê của mình khi bắt gặp lí tưởng của Đảng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Tháng 7- 1983, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, cái mốc Từ ấy chính là đánh dấu thời điểm đó. Bằng hình ảnh ẩn dụ nắng hạ, mặt trời chân lí và cách nói ngoa dụ chói qua tim, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ, mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm. Tâm hồn ấy giờ đây là một thê giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn người thanh niên yêu nước, còn gì đáng quý hơn khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng, dẫn dắt? Tóm lại, Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sông và niềm tin yêu đời, làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn.
Đoạn văn cảm nhận Từ ấy khổ 1
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...”
Từ ấy là cái mốc thời gian có ý nghĩa và đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu khi mới 18 tuổi và hoạt động rất tích cực trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế. Nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào Đảng. Những hình ảnh ẩn dụ nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim được khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Đó là ánh sáng rực rỡ của một ngày “nắng hạ”. Ánh sáng ấy còn là mặt trời, và là “mặt trời chân lí” - một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: mặt trời tỏa ánh sáng, hơi ấm và sức sống. Những động từ “bừng” (ánh sáng phát ra đột ngột); “chói”, (ánh sáng có sức xuyên mạnh), càng nhấn mạnh ánh sáng lí tưởng Đảng, ánh sáng ấy đã hoàn toàn xua tan màn xương mù của ý tưởng tiểu tư sản và đang mở ra một tâm hồn nhà thơ. Một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và lí tưởng cách mạng nồng nàn, sâu đậm nhất đã được khơi nguồn. Một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi sáng của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim hót. Đối với vườn hoa, lá cây còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đối với tâm hồn thi sĩ còn gì vui sướng bằng khi có một lí tưởng cao đẹp soi sáng? Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời, chính lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn con người tràn đầy sức sống và niềm yêu đời, làm cho cuộc sống của con người ấy có ý nghĩa hơn, đó cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ Tố Hữu. Cách mạng đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu. Cả bốn câu thơ đẹp đẽ ấy đã thay lời Tố Hữu nói lên tất cả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng.