NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5089/NHNN-PC | Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2013 |
Kính gửi: Bộ Tài chính
Phúc đáp Công văn số 7551/BTC-TCHQ ngày 12/6/2013 của Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến một số vấn đề liên quan đến quản lý vàng xuất khẩu, sau khi nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một số ý kiến sau đây:
1. Về tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giám định vàng xuất khẩu:
- Khoản 11 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm”.
- Khoản 8 Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì một trong các quyền của người xuất khẩu là “Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu”.
Như vậy, đối với vàng xuất khẩu là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước thì tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức có chức năng tiến hành giám định chất lượng, hàm lượng vàng.
2. Về điều kiện cấp giấy phép giám định vàng xuất khẩu? Chứng thư giám định phải tuân thủ quy định nào?
Khoản 5 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định các điều kiện đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp gồm:
“a) Có tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;
b) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;
c) Đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.
Về văn bản giám định, không có quy định cụ thể về hình thức của văn bản này, tuy nhiên ngoài kết quả giám định theo yêu cầu của khách hàng, chứng thư giám định cần có đầy đủ con dấu của tổ chức và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp.
3. Về doanh nghiệp vừa phân kim, vừa giám định có đúng với quy định tại Nghị định số 20/2006/NĐ-CP hay không?
- Về bản chất, hoạt động phân kim là hoạt động sản xuất vàng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không có quy định hạn chế tổ chức hoạt động sản xuất đồng thời là tổ chức đánh giá sự phù hợp, tuy nhiên để thực hiện chức năng đánh giá sự phù hợp (bao gồm giám định) thì tổ chức đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 25 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như đã dẫn chiếu tại mục 2 Công văn này và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký.
- Hiện nay Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành sau Nghị định số 20/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại đã có quy định cụ thể về hoạt động giám định hàng hóa, sản phẩm và tổ chức thực hiện hoạt động này, do đó việc giám định vàng xuất khẩu cần tuân thủ quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn Luật này.
4. Về việc quản lý chất lượng vàng và các quy định về dịch vụ giám định vàng:
a) Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ:
Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định: “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phổi hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng”.
Như vậy, theo quy định trên, việc quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
b) Đối với các loại vàng khác không phải là vàng trang sức, mỹ nghệ:
- Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất có quyền: “Quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp” và “Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Như vậy, theo quy định trên thì về cơ bản, việc công bố và áp dụng chất lượng sản phẩm do người sản xuất tự quyết định và người sản xuất có quyền lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã sản xuất.
Về quản lý nhà nước:
- Khoản 5 Điều 69 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm: “Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng, quy chế quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp, quy chế chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm trong sản xuất và hàng hóa trong xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
- Trách nhiệm của bộ quản lý ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công được quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm: “Chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Như vậy, theo các quy định trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng vàng. Tuy nhiên hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành quy chế quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp và quy chế chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp liên quan đến quản lý vàng, do đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có cơ sở để thực hiện. Đối với các trách nhiệm khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 70, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực thực hiện.
Trên đây là ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Quý Bộ được biết.
Nơi nhận: | KT. THỐNG ĐỐC |