Nhắc tới giả lập Android là nhắc ngay tới BlueStacks, Droid4X hay NoxPlayer... những cái tên đã quá quen thuộc với người sử dụng máy tính hiện nay. Đây cũng là các trợ thủ đắc lực giúp người dùng có thể cài đặt và trải nghiệm các game, ứng dụng Android ngay cả khi không có thiết bị tương ứng.
Trong thị trường giả lập, có thể coi BlueStacks là người anh cả, là giả lập đầu tiên ra mắt người dùng. Mặc dù cũng bị coi là một "kẻ ngốn RAM" (thậm chí còn kinh khủng hơn Chrome), nhưng giả lập này vẫn được sử dụng rộng rãi, hoặc có lẽ vì nó là sự lựa chọn duy nhất tại thời điểm đó.
Cùng với thời gian, hàng loạt những cái tên mới hơn xuất hiện, với nhiều tính năng nổi bật hơn và đặc biệt là nhẹ hơn, tốn ít tài nguyên máy hơn, thì BlueStacks dần mất đi vị thế của mình. Bắt đầu với cuộc nổi dậy của Droid4X - giả lập đầu tiên có tính năng hỗ trợ chơi game, cực nhẹ, vô cùng ổn định và rất dễ cài đặt. Tiếp theo đó là hàng loạt những cái tên như Genymotion, MEmu hay Windroy... Tuy nhiên, cũng chính từ cú hích này mà hãng đã chú ý hơn tới nhu cầu người dùng và đưa ra những phiên bản nâng cấp mới với nhiều sự thay đổi mang tính tích cực hơn.
Nếu bạn còn nhớ cái cảm giác khó chịu khi sử dụng phiên bản đầu tiên của giả lập này thì chắc chắn sẽ cảm thấy vui mừng và bất ngờ khi sử dụng BlueStacks 4. Đây thực sự không chỉ còn là một bản cập nhật đơn thuần mà là một sự lột xác hoàn hảo cả về giao diện lẫn tính năng.
Đánh giá giả lập BlueStacks 4
Điểm đầu tiên và lớn nhất phải kể tới, BlueStacks 4 đã chính thức xóa được ấn tượng xấu "ngốn RAM, chậm máy, cấu hình khủng" mà các phiên bản trước đó từng phải chịu. Là người đã, đang cài đặt và sử dụng khá nhiều giả lập Android khác nhau, cá nhân người viết tin rằng, ngay cả những người dùng khó tính nhất, chắc chắn cũng sẽ cảm thấy hài lòng với phiên bản mới nhất của giả lập này.
1. BlueStacks 4 được cải tiến giao diện
Cho dù bạn có đang sử dụng BlueStacks 3 thì cũng sẽ không tránh khỏi bất ngờ trước sự thay đổi mạnh mẽ ở phiên bản mới này. Giao diện chính được thiết kế tương tự màn hình smartphone, với thanh menu bên dưới gồm 5 biểu tượng cơ bản (App Center, Google Play, BlueStacks World, Instance Manager và Help Center), mang tới cho người dùng cảm giác thoáng mắt, thanh thoát và tinh tế.
Ngoài việc hình nền không còn bị thay đổi tùy ý thì kích thước các biểu tượng cũng được thu nhỏ hơn, bo góc, mang lại cảm giác gọn gàng, hợp lý hơn. Đồng thời, màu sắc hiển thị của BlueStacks 4 cũng rõ nét và chi tiết hơn nhiều.
Bổ sung thêm khung tìm kiếm và đề xuất sử dụng các ứng dụng, game đang "hot" người chơi có thể dễ dàng tìm được thứ mình cần hoặc tham khảo trong những trường hợp cần thiết.
Cài đặt file APK là một trong những tính năng không thể thiếu trên bất kỳ giả lập nào và ở BlueStacks 4, tính năng này được "show" ra ngay bên trên để người dùng nếu cần có thể sử dụng ngay, vô cùng tiện lợi.
Một điểm cộng nữa cho phần giao diện của BlueStacks, đó là phần Settings đã được thay đổi màu sắc và cách sắp xếp các mục, sáng hơn và hợp lý hơn.
2. BlueStacks 4 nhanh hơn, tốn ít RAM hơn
Dù khá lâu và mất tới 4 lần nâng cấp, nhưng cuối cùng, BlueStacks 4 cũng làm được điều mà bất cứ người dùng nào cũng đều mong muốn, đó là một giả lập có kích thước nhỏ gọn, chạy nhanh, hoạt động hiệu quả và tốn ít tài nguyên máy nhất. Bạn có thể thấy điều này một cách rõ ràng khi so sánh bộ cài của BlueStacks 4 với các giả lập khác.
Đồng thời, theo những số liệu đo được của chính giả lập ở các phiên bản khác nhau, thì BlueStacks 3N cần từ 90-120 giây để khởi động. Trong khi BlueStacks 4 chỉ cần khoảng 70-85 giây trong lần đầu và khoảng 50 giây cho những lần tiếp theo (thực hiện trên cùng hệ điều hành và cấu hình).
3. Keymapping thay đổi thành Game controls
Keymapping (gán phím) là ưu điểm lớn nhất khi chúng ta lựa chọn chơi game mobile trên máy tính. Chính nhờ tính năng này mà hàng loạt các game bom tấn như Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, Rules of Survival... có thể được cài đặt và chơi trên giả lập này.
Với sự thay đổi thành Game controls, giả lập vừa có khả năng thay đổi giao diện gán phím tùy theo từng thể loại game khác nhau, vừa có thể tự động kích hoạt gán phím mà không cần người dùng can thiệp.
4. BlueStacks 4 tặng quà cho người dùng
Bổ sung tính năng tặng quà như một game online, BlueStacks 4 là giả lập Android đầu tiên tặng quà cho người dùng và áp dụng cơ chế này. Ngoài việc được tư vấn, gợi ý sản phẩm, giả lập còn cho phép người chơi kiếm điểm, đổi quà từ những lần đăng nhập, hoặc tải và cài đặt ứng dụng.
5. Đăng nhập và chơi nhiều tài khoản cùng lúc
Thực tế thì đây không phải tính năng mới, nhưng nó đã được làm lại với khả năng chạy song song tốt hơn, ổn định hơn và tốn ít RAM hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu muốn chơi cùng lúc 3 hoặc 4 tài khoản, thay vì sử dụng 3 - 4 điện thoại, bạn chỉ cần duy nhất một máy tính đã cài đặt BlueStacks 4.
BlueStacks 4 có hiệu suất nhanh hơn 6 lần so với Samsung Galaxy S9 Plus và nhanh gấp 8 lần so với BlueStacks 3, đó là những gì mà người ta nói về giả lập Android này chỉ sau thời gian ngắn ra mắt.
Một số hình ảnh về giả lập BlueStacks 4:
Hỗ trợ tìm kiếm ngay trên giao diện chính và gợi ý các game, ứng dụng đang có lượt tải cao trên CH Play.
Tính năng cài đặt file APK được hiển thị ngay bên ngoài, giúp thao tác dễ dàng hơn.
Giao diện Settings được thay đổi màu sắc và cách bố trí, sắp xếp các tùy chọn.
Đó là một số những đánh giá, những ưu điểm mới về giả lập này trên máy tính. Có thể nói ngắn gọn, phiên bản mới nhất đã thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ và những nhược điểm trước đây của BlueStacks đã được khắc phục tối đa. Thực sự BlueStacks đã chính thức trở thành giả lập máy tính lý tưởng nhất cho người dùng trong thời điểm này.