Cảnh đẹp của thiên nhiên muôn màu, muôn vẻ luôn là đề tài hấp dẫn trong văn học nói riêng. Đây cũng là đề tài chính xuyên suốt dạng văn miêu tả, phân tích, phát biểu cảm nghĩ và nghị luận của các em học sinh lớp 7.
Hi vọng với 6 bài văn mẫu này sẽ giúp cho các em có thể ôn tập và tham khảo một cách tốt nhất. Trên đây là nội dung chi tiết bài văn mẫu Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em. Chúc các em làm bài thật tốt và đạt kết quả cao nhất.
Dàn ý miêu tả vẻ đẹp núi rừng quê hương em
1. Mở bài: Giới thiệu cảnh đẹp mà em yêu thích: Cảnh gì? Ở đâu? Em đến vào dịp nào? (Một buổi sáng đẹp trời, tôi rảo bước trên đường làng quen thuộc và ngắm nhìn cánh đồng lúa chín vàng rộng mênh mông).
2. Thân bài:
a) Tả bao quát:
Màu sắc, mùi vị chung của toàn cảnh (rộng, hẹp...) như thế nào? (Buổi không khí trong lành, mát mẻ. Mùi lúa chín thơm ngào ngạt làm tôi sảng khoái hẳn lên. Lúa trải dài mênh mông như tấm lụa vàng...).
b) Tả chi tiết:
- Cảnh miêu tả cụ thể qua không gian, thời gian, màu sắc, hương vị...(Những thửa ruộng nối tiếp nhau. Giữa cánh đồng là những con kênh dẫn nước, lúa chín vàng, hạt nào hạt nấy căng tròn, mình chắc mẩy...).
- Sinh hoạt của con người trong cánh (Các bác nông dân ra đồng sớm. Trên vai quang gánh, tay cầm liềm... Các bác vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, bắt đầu một ngày làm việc mới).
3. Kết bài: Cảm nghĩ của em đối với cảnh đẹp đã tả (yêu mến, nhiều kỉ niệm, gắn bó, mong có dịp trở lại...); (Đứng giữa cánh đồng như đứng giữa một khu rừng thu nhỏ, hứa hẹn một mùa bội thu).
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 1
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên núi Tản Viên – ngọn núi thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ nước ta.
Núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây (nay đã nhập vào Hà Nội), giáp ranh với Hòa Bình. Từ thị xã Sơn Tây vào tới chân núi chưa tới hai mươi cây số. Vào những ngày mùa hạ, nắng đẹp, trời trong, dãy Ba Vì hiện lên với tất cả vẻ hùng vĩ, oai nghiêm và thơ mộng vốn có tự ngàn đời của nó.
Đứng trên đê sông Hồng lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ thấy dãy núi xanh thẫm sừng sững in hình trên nền trời biếc. Đỉnh núi chia làm ba ngọn. Cao nhất là ngọn Ngọc Hoa ở giữa, hai bên là ngọn Ông, ngọn Bà. Sáng sớm, mây trắng vờn quanh, Ba Vì thấp thoáng sau làn sương mỏng, trông càng thêm huyền ảo.
Buổi trưa, nắng trung du xứ Đoài vàng như hổ phách. Không khí trong veo. Nắng phủ vàng rực triền núi, lấp lánh trên những tán cổ thụ của đại ngàn. Càng về chiều, màu núi càng tím sẫm lại, nổi bật trên nền ráng đỏ của hoàng hôn. Núi Ba Vì lúc ấy trông kì vĩ lạ lùng!
Trải dài ven chân núi là những dãy đồi chập chùng, nhấp nhô như sóng lượn. Màu vàng nâu của những trảng cỏ tranh xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của đồng cỏ. Hàng ngàn con bòcủa nông trường đang thòn dong gặm cỏ trên những triền đồi. Màu tím hồng của hoa sim, hoa mua sáng lên dưới nắng.
Hồ Suối Hai như một tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây, non nước. Gió thổi, mặt nước lao xao, bóng núi lung linh, chập chờn theo làn sóng. Đủ loại chim như mòng, két, le le… mải mê kiếm mồi. Thỉnh thoảng, chúng bay vút lên, chao lượn giữa không trung bàng bạc hơi sương.
Những năm gần đây, khu du lịch Đồng Mô, Ngải Sơn của Ba Vì đã trở thành một điểm đến đầy lí thú đối với du khách trong và ngoài nước. Du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên: những rừng cây âm u, dốc đá cheo leo, hiểm trở, những thác nước tung bọt trắng xóa, lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Ao Vua nước trong văn vắt nhìn thấu đáy, những hang động ăn sâu vào lòng núi…hấp dẫn vô cùng! Hòa mình vào khung cảnh thơ mộng của núi rừng, bao nhiêu mệt mỏi sẽ tan biến hết, trong lòng ta lại dấy lên niềm vui và tình yêu cuộc sống.
Vẻ đẹp của ngọn núi Ba Vì quê em có thể sánh với vẻ đẹp của ngọn núi Phú Sĩ nước Nhật. Dáng núi Ba Vì đã in sâu vào lòng mỗi con người sinh ra và lớn lên trên xứ sở đầy truyền thuyết và cổ tích. Dẫu biết là huyền thoại nhưng em vẫn tin rằng, giờ đây trên đỉnh ngọn núi thiêng, vị thần tài ba, dũng cảm phi thường là Sơn Tinh vẫn sống hạnh phúc bên nàng Mị Nương xinh đẹp.
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 2
Thời thơ ấu - Mỗi khi nhắc đến ba tiếng ấy, trái tim tôi lại thổn thức. Bao nhiêu kỉ niệm êm đẹp về thời thơ ấu, nhưng chỉ có rừng thông xanh là tôi yêu quý nhất.
Những buổi chiều tà, tôi cùng các bạn vào rừng thông câu cá. Ngồi ở phiến đá bên dòng suối thả mồi, chúng tôi trò chuyện rôm rả, hết trên trời lại dưới biển. Khi phao động, chúng tôi giật cần. Những chú cá rô phi viền đỏ lóng lánh giãy đành đạch trên đám cỏ xanh.
Hoàng hôn xuống, chúng tôi ra về với những chú rô phi béo mập. Ôi, đẹp làm sao những buổi chiều đi nhặt củi về, ngồi nghỉ dưới gốc thông, tôi lắng nghe tiếng dòng suối thủ thỉ tâm tình. Tiếng thông reo vi vu như một điệu đàn bất tuyệt. Một lần bị mẹ mắng, tôi chạy vào rừng thông.
Ngồi dưới gốc cây nghe tiếng đàn du dương ấy, bao nhiêu nổi giận vừa trào dâng, bao nhiêu cái mệt mỏi đều như tan biến đâu hết. Tiếng đàn thông, tiếng tâm sự của dòng suối ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Khi tỉnh dậy, mặt trời sắp lặn, tôi luống cuống ba chân bốn cẳng chạy thẳng về nhà.
Những buổi sáng tôi thường đi học sớm, lên lối trong rừng thông, tôi lắng nghe tiếng chim thánh thót: "Ríu ran kẽ la- Là lời của chim". Tôi ngắt một bông hoa ở bên bờ suối. Chao, bông hoa mới đẹp chứ. Những giọt sương đọng ở cánh hoa long lanh như những hạt ngọc. Rừng thông xanh rì reo vi vu trong gió. Ôm lấy cây thông, áp tai mình vào, tôi như nghe thấy tiếng thổn thức của mầm xanh.
Đến giờ học, tôi chạy vụt đi, bông hoa còn vương lại trên cành thông, những hạt phấn vàng li ti bay bay... Có những buổi học về sớm, tôi lang thang trong rừng thông. Chọn lấy một cây cao nhất, tôi ôm lấy thân cây và đo xem mình có cao bằng nó không, tưởng mình phải bằng nửa cây thông, không ngờ chỉ bằng một phần tư.
Nằm gối đầu trên gốc thông, xoài người xuống thảm cỏ xanh rờn, tôi lấy truyện ra đọc. Tiếng thông reo vi vu, gió thổi mát rượi làm cho câu chuyện cổ tích tôi đang đọc như hiện ra trước mắt. Những buổi tối bọn con gái rủ nhau ra chơi rừng thông để hứng gió, bọn con trai chúng tôi vừa nhác thấy chúng nó ở đầu rừng đã xộc ra huơ tay múa chân, miệng thét inh ỏi làm cho bọn con gái sợ hãi chạy tán loạn.
Chủ nhật được nghỉ, chúng tôi vào rừng chơi đánh trận giả. Cây thông cùng reo vi vu như chào mừng tôi. Dòng suối cũng chảy róc rách như kể chiến công của tôi, còn tôi thì kiêu hãnh nhìn bốn phía. Mùa nước lũ, thông giận dữ lung lay cành lá làm cho nước sợ hãi sủi bọt. Khi mùa xuân đến, thông bỗng cười xòa, vi vu suốt ngày đêm.
Mùa xuân đã dệt cho thông một chiếc áo xanh rờn. Được thấy ánh mặt trời, được đón làn gió mát, được ngắm hoa đẹp, được nghe suối chảy và tiếng nói cười của chúng tôi, thông lại được suốt ngày vi vu ca hát cùng đàn chim xinh...
Đấy! Rừng thông xanh của tôi là như thế đấy! Nó như một “người mẹ hiền” của tôi, lúc vui cũng như buồn, rừng thông xanh đều cùng tôi chia sẻ. Đã bao mua xuân qua, rừng thông xanh của tôi đều giữ được “tính tình" cũng như giữ được vẻ đẹp màu xanh. Nó mãi mãi vẫn là kí ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời của tôi.
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 3
Mùa hè năm ngoái quả thực là một mùa hè mang lại cho em nhiều ý nghĩa với chuyến hành trình về rừng Cúc Phương. Một cuộc gặp gỡ thú vị với một cánh rừng nguyên sinh ít ỏi còn lưu giữ được của Việt Nam.
Có lẽ ấn tượng đầu tiên chính là một cánh rừng xanh như một viên ngọc bích dưới nền trời xanh thẳm! Từ cổng vào tới khu nhà sàn nghỉ dưỡng khoảng hai mươi cây số. Thu xếp xong tư trang, chúng em được chia nhóm và được giao thời gian biểu cho các hoạt động khám phá ở đây. Mỗi nhóm nhỏ cùng nhau lựa chọn khu vực yêu thích và khởi hành chuyến hành trình.
Đây là một cánh rừng khá đặc trưng của khí hậu nhiệt đới nước ta, cây dây leo mọc chằng chịt qua các thân cây gỗ lớn, chúng quấn lấy thân cây chủ mà vươn lên. Có những bụi dây leo không biết đã sống nhờ như vậy từ bao giờ, chỉ biết chúng đan vào nhau tới mức khó mà nhận ra đâu là tán lá cây chủ, đâu là của cây sống gửi!
Cây gỗ ở đây đều là các cây lá rộng, tán lá lớn, chúng phân thành từng tầng khác nhau vì mỗi loài cây thích nghi với lượng ánh sáng khác nhau. Có những cây hướng sáng, chúng vươn lên thật cao, bỏ lại chút tia nắng yếu ớt lọt xuống phía dưới cho những loài ưa bóng râm hơn. Cứ như thế chúng cùng tồn tại.
Dưới khu rừng khá nguyên sơ này, thỉnh thoảng cũng có thể bắt gặp vài chú sóc dạn người, vài chú cáo với ánh mắt đầy vẻ đề phòng. Những chú sóc nhỏ nhanh nhẹn tìm kiếm trên mặt đất những hạt quả, hai chân trước đưa lên rất khéo léo như hai cánh tay đỡ lấy những phần thức ăn đưa lên miệng ăn ngon lành.
Những chú cáo trông có vẻ như đang tìm kiếm bạn bè để trút một nỗi niềm gì đó! Có những khu được chỉ dẫn là có rắn, gà rừng hay chim chóc... Chúng em cứ thả sức lang thang tìm kiếm và thưởng thức không khí trong lành, yên tĩnh tách biệt những nơi dân cư sinh sống.
Cuối ngày ai cũng mỏi nhừ bắp chân vì vốn không quen đi bộ xa và leo dốc như thế nhưng ai cũng vui và không ngớt kể cho nhau nghe những điều thú vị trong một ngày khám phá. Một chuyến đi chưa đủ để cho chúng em cảm nhận hết sinh thái của những khu rừng Việt Nam nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng em đã gắn bó với rừng hơn và cảm nhận được nhịp thở của rừng.
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 4
Những cánh rừng trên khắp đất nước Việt Nam đều xanh tốt đem lại khí sự dịu mát cho đất và người. Nhờ khí hậu ôn đới nóng ẩm thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại rừng, cũng là nơi tốt nhất để cư trú cho vô số loài động vật hoang dã. Mỗi cánh rừng chứa đựng những vẻ đẹp kì bí hoang sơ đến lạ, vẻ đẹp diệu kì mà mẹ thiên nhiên muốn dành cho tất cả chúng ta những ai biết quan sát, yêu và khám phá thiên nhiên.
Trong khu rừng ấy có quá nhiều cảnh đẹp và ấn tượng. Bắt đầu bước vào rừng, ta đi loanh quanh giữa bao la thiên nhiên huyền diệu và tươi mát. Bao trùm là đoạn đường đất ẩm là nấm. Nấm mọc rất tốt. Những cây nấm rừng giống như một thành phố nấm, mỗi chiếc nấm như một lâu đài kiến trúc tân kì. Tác giả cứ ngỡ mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.
Khung cảnh trở nên hết sức huyền bí giống như lạc vào một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn An-đéc-xen vậy. Ngôn từ ở đây nổi bật vì tác giả sử dụng biện pháp so sánh rất tài tình. Vì là rừng hoang dã cho nên những tầng lá to và che phủ toàn mặt đất có cảm giác không rõ về thời gian, nắng rọi qua kẽ lá soi xuống mặt đất những ánh nắng của thời ban trưa.
Tiến sâu vào khu rừng âm thanh bắt đầu được phát lên bất ngờ, không phải là sự im lìm đến huyền bí như chúng ta thoáng nghĩ. Những loài muông thú chuyền cành và di chuyển dưới mặt đất thoắt ẩn thoắt hiện rất sinh động. Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như chớp. Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
Những con nai vàng đang ăn cỏ non, giẫm trên thảm lá vàng tuyệt đẹp làm sao. Chỉ cần như vậy cảnh rừng đã hứa hẹn đầy những điều bất ngờ lí thú. Đi tiếp, ta sẽ tìm thấy khu rừng khộp nổi tiếng với vẻ đẹp như rừng mùa thu. Tác giả phát hiện nó với niềm thích thú, trầm trồ. Nhà văn không tin vào mắt mình nữa ông phải lấy tay dụi mắt mới dám tin bởi bao trùm toàn khung cảnh ấy là màu vàng.
Cảnh vật nhuốm màu vàng ấm áp. Khung cảnh ấy bình yên và không hề thiếu sức sống với những điểm nhấn ấn tượng của thảm lá xanh rì hiện lên giữa khung cảnh. Rừng được ví như là “giang sơn vàng rợi”. Tác phẩm " Kì diệu của rừng xanh” dù chỉ là là một đoạn văn nói về một cánh rừng với những cảnh đẹp nguyên sơ nhưng cũng hết sức đẹp đẽ, thơ mộng của nhà văn Nguyễn Phan Hách.
Phải có óc quan sát tinh tế, sự miêu tả rất gần gũi, tác giả mới khiến độc giả dễ cảm nhận tác phẩm yêu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, huyền bí ấy. Đọc xong tác phẩm khiến em thêm mở mang trí tưởng tượng, yêu mến hơn những cánh rừng. Em mong sao mọi người cùng chung sức bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của rừng để những cánh rừng chúng ta mãi mãi xanh tươi.
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 5
Phú Thọ quê tôi có rừng cọ bạt ngàn xanh biếc. Trải qua bao đời, rừng cọ ấy luôn là người bạn thân thiết của người dân nơi đây.
Từ bên kia sông Thao, nhìn về phía núi xa xa thấy thấp thoáng những rừng cọ. Quê tôi có những ngọn đồi trùng điệp. Những quả đồi tròn. Không phải là những đồi thông, những dải bạch đàn hay cây tràm ta thấy ở nhiều nơi mà là một rừng cọ với những tán lá xanh mát rượi.
Tôi còn nhớ những buổi chiều, tôi cùng đám bạn ở làng lại rủ nhau vào rừng cọ. Trong rừng cọ có biết bao nhiêu cây, từ cây tế, sim, mua và cả mật ong rừng. Nhưng chúng tôi vào đó để hái quả cọ ăn. Thân cây cọ không được nhẵn cho lắm, thế mà có đứa leo được đến tận ngọn để hái quả.
Ngày bé, tôi gầy còm, ốm yếu nên chỉ dám đứng ở dưới gốc cây, chờ các bạn ném quả xuống thì nhặt, gom lại để chia nhau. Lâu lâu, tôi lại về quê. Mỗi lần đi ngang qua những ngọn đồi bạt ngàn cọ cao vút, thẳng tắp với những tàu lá xanh thẫm xòe ô như muốn che mưa che nắng, tôi lại thấy lòng xao xuyến lạ thường.
Kí ức tuổi thơ tôi ngập đầy màu xanh của rừng cọ ngút ngàn, cọ xòe ô che nắng, che cho tuổi thơ em mát lành như lời mẹ ru, như lời cô dạy em hát, múa theo nhịp phách cung đàn… Giờ đây, tôi đã lên thành phố sống. Nhưng những kí ức về dòng sông Lô, đồi chè, rừng cọ trong tôi vẫn thật thiêng liêng và có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong tim tôi.
Sau này tôi đã tìm và đọc rất nhiều bài thơ, bài văn của nhiều tác giả viết về trung du, về rừng cọ. Tôi đặc biệt thích bài văn "Rừng cọ quê tôi" của tác giả Nguyễn Thái Vân. Bài văn được ví như sự lột tả hết hình ảnh về cây cọ. Nó cũng là hình ảnh tượng trưng cho Phú Thọ quê tôi: “Chẳng có nơi nào như sông Thao quê tôi, rừng cọ chập chùng. Thân cọ dài như thanh kiếm sắc vung lên. Gió bão không thể nào quật ngã”.
Rừng cọ, hình ảnh dù chỉ đứa trẻ lên ba, hay một cụ già râu tóc bạc phơ cũng dễ hiểu một chân lí: Phú Thọ - rừng cọ quê hương mình: trường tôi học, núp trong rừng cọ. Nhà tôi ở trong rừng cọ…”. Với người dân Phú Thọ quê tôi, dù đi đâu, làm gì thì vẫn nhớ về rừng cọ quê mình. Ở đó, kí ức tuổi thơ lam lũ trở về. Chính những hình ảnh về sông Lô, rừng cọ đã làm tôi nhớ mãi.
Tôi luôn nhớ rừng cọ thân thương quê mình. Trong tôi lại ngân vang câu hát: “Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi…
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em - Mẫu 6
Trở về sau chuyến đi dài ngày. Hà Nội vẫn ồn ào xe cộ, vẫn những dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau, vẫn hàng quán, đèn điện sáng trang hoàng. Bỗng nhớ Tây Bắc đến thế! Tôi đã đi rất nhiều nơi của tổ quốc nhưng lại chưa bao giờ có một chuyến đi nhiều cảm xúc đến vậy.
Khởi đầu hành trình, ai ai cũng mang trong mình niềm háo hức tới mất ngủ. Có biết bao những tiếng cười, những lời dặn dò và những cái bắt tay của mọi người chào chúc chúng tôi lên đường tìm về với những vẻ đẹp tiềm ẩn của miền Tây Bắc tổ quốc như tiếp thêm cho chúng tôi thêm nghị lực để khởi hành.
Đường lên Tây Bắc đẹp đến lạ kỳ: rất quanh co, trắc trở nhưng cũng đầy vẻ mênh mông thơ mộng. Tôi còn ngây ngất tưởng như không có nơi nào trên đất nước này đẹp hơn thế khi lái xe trải nghiệm vẻ đẹp nơi đây. Còn nhớ một bài hát nào đó về Tây Bắc miêu tả nơi đây với “núi vút cao trùng mây”, “suối sâu, đèo cao”.
Điều dễ nhận thấy khi đặt chân đến mảnh đất nơi đây đó chính là nhịp điệu cuộc sống đã đổi thay rất nhiều so với nơi phố thị. Trái ngược hẳn với dòng người hối hả, vội vã và những dòng xe chạy ồn ào náo nhiệt ở thành phố phồn hoa thì nơi đây, con người và cảnh vật đều rất giản đơn, bình dị, không có những dãy nhà cao tầng mà chỉ có núi và núi.
Núi thẳng đứng, núi trùng trùng điệp điệp, núi cao nối tiếp núi cao. Không những khác về quang cảnh mà cách sinh hoạt của con người nơi đây cũng rất khác. Họ giản đơn hòa mình vào thiên nhiên. Con người mưu sinh trên từng vách đá mà vẫn tươi tắn, hồn nhiên, đầy sức sống, chân thật và rất thân thiện. Tôi khó có thể quên được nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của các em bé thơ khi chúng tôi đưa những thanh kẹo nhỏ làm quà cho chúng.
Tôi đi qua những dãy núi xanh ngắt, vẻ đẹp khiến cho tôi không còn sợ độ cao nữa. Những ngày sống giữa đại ngàn, tôi say sưa với cảnh vật và con người. Với Tây Bắc, tôi có tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và con người nơi đây một cách mãnh liệt. Trên hết, tôi hạnh phúc vì đã thực hiện được hy vọng, ước mơ ngày còn bé là được ngắm vẻ đẹp đất nước quê hương tôi.