Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện - Thành thói quen" đã chính thức phát động, thời gian nhận bài dự thi từ ngày 01/6 – 31/08/2023. Cuộc thi nhằm thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tác phẩm dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen được viết bằng tiếng Việt không quá 800 chữ, đính kèm hình ảnh liên quan đến nội dung mà bài viết đề cập, hoặc hình ảnh minh họa của chính tác giả. Vậy mời các bạn cùng theo dõi mẫu bài dự thi trong bài viết dưới đây:
Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen 2023
Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen - Mẫu 1
Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm. Trong cuộc sống hàng ngày, Bác thực hành tiết kiệm thông qua những việc nhỏ và hết sức cụ thể. Theo Bác tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, nhưng cũng “không phải là bủn xỉn, tiết kiệm không phải ép nhịn ăn, nhịn mặc mà chi tiêu ở những việc cần thiết, thể hiện nếp sống văn minh”. Sự tiết kiệm nói chung, tiết kiệm điện của Bác nói riêng đáng cho mọi người trân trọng, suy ngẫm và học tập nhất là trong điều kiện khan hiếm nguồn năng lượng, nhiệt độ ngày càng tăng, nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Các chiến sĩ cảnh vệ của Bác cho biết, nói đến điện là Bác Hồ nói đến tiết kiệm điện. Bác thường nhắc nhở rằng nước ta còn nghèo, nên càng phải tiết kiệm điện. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều tiết kiệm điện thì chúng ta sẽ có đủ điện để dùng cho đời sống và sản xuất. Theo Hồ Chí Minh, “Thi đua nhằm: 1. Tăng năng suất. 2. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện”. Tấm gương tiết kiệm điện của Bác đã ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức và hành vi của mọi người. Vì thế, không cần ai nhắc nhở, lúc đó ai cũng có ý thức và thói quen tiết kiệm điện.
Những người đã từng là chiến sỹ cận vệ trung thành bên cạnh Hồ Chủ tịch trong suốt 15 năm cho đến khi Bác đi xa, kể rằng: "Bác vẫn thường dặn anh em cận vệ tắt điện khi ra khỏi phòng". Vào những ngày hè oi bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ và rất ít khi dùng quạt điện.
Các đồng chí cảnh vệ còn cho biết, Bác thường tự tay tắt những bóng đèn, cái quạt, và cả cái đài nữa khi không có người dùng. Ở trong Phủ Chủ tịch, nhìn thấy ở xa có những chiếc bóng đèn sáng là Bác bảo anh em cảnh vệ đến xem ở đó có cần không, nếu không thì tắt đi cho đỡ lãng phí.
Một đồng chí phục vụ kể: Một lần, Bác đi thăm đồng bào ở một tỉnh xa. Bảy giờ sáng, xe đang chạy trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) thì thấy một cơ quan còn ba bóng điện sáng ở cổng. Tuy đang vội, nhưng Bác vẫn bảo lái xe dừng lại. Bác cử một đồng chí vào nhắc nhở: Bác Hồ đi công tác qua, bảy giờ rồi vẫn thấy các đồng chí để ba ngọn đèn sáng ở cổng. Bác nhắc các đồng chí tắt đi. Thế là ba ngọn đèn được tắt ngay. Sau đó, cơ quan ấy tính lại thấy không cần thiết để đèn ở cổng nữa, bèn tháo luôn để tiết kiệm điện.
Ra nước ngoài cũng vậy, đi qua một hành lang, hay trong nhà khách của bạn, thấy những bóng điện sáng không cần thiết là Bác tìm cách tắt đi. Trong chuyến thăm Ba Lan năm 1957, Bác được đón tiếp tại phòng lễ tân lúc 9 giờ sáng. Lúc này 3 chùm đèn vẫn bật sáng trưng. Bác Hồ đã yêu cầu gặp Vụ trưởng Vụ lễ tân, và hỏi: "Chỗ tắt điện ở đâu?". Lập tức mấy chiến sĩ bảo vệ đi tắt điện. Chủ tịch Ba Lan lúc ấy nói giọng nghiêm trang: "Xin cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi thành thật nhận khuyết điểm chưa nghiêm túc thực hiện tiết kiệm".
Như vậy, chúng ta thấy rằng Bác Hồ là một tấm gương thực hành tiết kiệm mẫu mực cho mọi người học tập, noi theo. Mọi người biết tiết kiệm thì sự lãng phí sẽ bớt đi và người được sử dụng sẽ nhiều hơn. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà ngành điện đã và đang triển khai đến từng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp… trên cả nước trong suốt thời gian qua. Bởi lẽ, tiết kiệm điện không chỉ góp phần bảo vệ nguồn năng lượng - tài nguyên của quốc gia, mà còn giúp mọi người biết chọn một “phương thức tối ưu nhất” để sử dụng điện một cách an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.
Bài dự thi Tiết kiệm điện thành thói quen - Mẫu 2
Tiết kiệm điện là tiết kiệm nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan doanh nghiệp và từng người sử dụng điện. Thực hành tiết kiệm điện là hành động thiết thực góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững. Là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới công cuộc sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong cuộc sống hàng ngày, như chúng ta đã biết để làm thay đổi thói quen, ý thức của mỗi người là điều vô cùng khó khăn. Và để mọi người hình thành được thói quen, ý thức tự giác tiết kiệm điện lại là chuyện càng khó hơn. Nhưng hiện nay từ thành thị đến nông thôn, mỗi chúng ta ai ai cũng được nghe những thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện như đã dần trở nên quen thuộc. Có rất nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương đáng để cho chúng ta học hỏi và noi theo. Hay những câu chuyện đời thường xảy ra xung quanh chúng ta bằng cả con người thật và việc thật. Nhưng mấy ai nhận ra được giá trị chân thật của con người chân chất, thật thà ấy. Và công việc tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng thiết nghĩ có mấy ai trong chúng ta làm được như họ. Đến khi chính tôi được gặp con người thật, việc thật. Được tìm hiểu và đi sâu vào đời sống thường ngày của họ thì tôi mới hiểu được cuộc sống của họ đơn giản và tiết kiệm như thế nào.
Lần theo con đường mòn, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là gia đình hai bác Tô Văn Huệ và Nguyễn Thị Mão tại thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Bước chân vào nhà tôi gặp ngay hai bác, hai bác là cán bộ hưu trí năm nay đã ngoài 80 tuổi. Trông hai bác thật hiền lành phúc hậu, ánh mắt vẻ lên sự ngạc nhiên, bất ngờ khi gặp tôi. Sau phút giây bàng hoàng ấy, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với nhau thật gần gũi và thân mật.
Tôi được tiếp chuyện với hai bác trong khoảng thời gian nửa giờ đồng hồ, với thời gian đó không phải là dài để tôi hiểu hết cuộc sống của họ, nhưng cũng đủ để tôi đúc kết một số kinh nghiệm “tiết kiệm điện” của gia đình bác ấy.
Bác Mão vui vẻ nói với tôi: “Gia đình bác có 3 người sống chung, hai bác là giáo viên đã về hưu và một anh con trai hiện đang là phó hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở. Hàng ngày bác xem việc tiết kiệm điện là việc đặt lên hàng đầu trong kế hoạch tiết kiệm kinh tế của gia đình.
Trong nhà bác đã sử dụng những bóng đèn compact thay cho đèn huỳnh quang, sợi đốt… bác chỉ dùng điện để nấu cơm, thắp sáng mỗi khi cần. Còn việc đun nước bác đã tận dụng cây lá khô trong vườn để đun nấu. Giặt quần áo bác vẫn thường xuyên giặt bằng tay trừ khi đau ốm, trời mưa bão kéo dài hoặc những đồ khó giặt thì bác mới dùng đến máy giặt. Trong tủ lạnh bác chỉ dùng để cất trữ những thứ đồ ăn cần bảo quản lạnh và luôn mở ở nhiệt độ đủ lạnh, còn những thức ăn không cần bảo quản lạnh và thường xuyên dùng trong ngày thì bác để thoáng bên ngoài, hạn chế viện mở tủ lạnh liên tục gây hao điện. Vào giờ cao điểm bác nơi nào cần đèn chiếu sáng thì bác mới mở lên, xuống nhà dưới thí tắt điện nhà trên và ngược lại. Bác trai mỗi khi cần đọc sách báo thường tìm đến những nơi có ánh sáng mặt trời soi vào, bác kê bàn bên cửa sổ để đọc sách vừa tiết kiệm sử dụng đèn điện, vừa hưởng được nguồn không khí trong lành. Đêm tối khi cần ánh sáng để làm việc, viết lách… thì bác dùng cây đèn để bàn nhưng đã gỡ bỏ bóng đèn tròn sợi đốt và thay vào đó là bóng đèn compact nhỏ tiết kiệm điện…”.Bác còn nói: “Gia đình mình là gia đình Đảng viên, vì vậy phải làm gương “Sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi gia đình tiết kiệm một chút thì đất nước mình mới giàu và mạnh được…”. Khoảng chi phí mà gia đình bác dành cho việc trả tiền điện mỗi tháng không vượt quá 100.000 đồng. Đó là những gì mà gia đình bác Tô Văn Huệ đã thực hiện trong cuộc “Cách mạng tiết kiệm điện”.
Trở về với thực tại công việc đang làm, tôi không khỏi miên man suy nghĩ về những việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của gia đình bác Huệ: “Chúng ta hãy bắt tay tiết kiệm điện”. Xem ra câu nói này của bác đã mang đến một ý nghĩa rất lớn. Thật vậy, “tiết kiệm điện hay tiết kiệm tiền” là một đề tài muôn thuở, vào thời đại nào, dù cuộc sống ra sao, dù nghèo hay giàu thì mỗi chúng ta ai cũng cần đặt ra cho mình một mục tiêu “Tiết kiệm là quốc sách”. Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn biết bao khi con người biết sống với nhau bằng những mục tiêu cao đẹp ấy. Thế mà thực tế nhiều khi ngược lại, phải chăng do áp lực của cuộc sống hối hả, của những vất vả để tranh thủ kiếm tiền… đã làm cho bản thân mỗi người chúng ta quên đi phần nào trách nhiệm. Hãy vì một ngày mai tươi sáng, vì đất nước phồn vinh, không còn những nơi thiếu điện, không có những em học sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa phải ngồi học dưới ánh sáng mờ của những ngọn đèn dầu, cây đuốc…
Tôi mong rằng, qua bài viết của tôi sẽ gửi đến mọi người tấm gương gia đình tiết kiệm điện. Hình ảnh cao đẹp ấy sẽ lan tỏa khắp các gia đình Việt Nam, để mọi người dân có những suy nghĩ và hành động thiết thực để tiết kiệm điện, bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Hãy bảo vệ “Ngôi nhà chung” các bạn nhé…