Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục 2019 để khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành. Đáng chú ý phải kể đến 7 điểm mới mang tính đột phá dưới đây. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.
1. Học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình
Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Hiện nay, chỉ học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.
Tại Điều 99 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, học phí được quy định như sau:
- Miễn học phí đối với học sinh tiểu học trường công lập; trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
- Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trường tư thục được hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
- Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
2. Trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình
- Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông(THPT) đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
- Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác.
- Còn bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu, được Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cấp bằng.
Như vậy, đã có sự phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.
3. Tốt nghiệp sư phạm không làm đúng ngành phải hoàn trả học phí
Theo khoản 4 Điều 99 Luật Giáo dục 2019, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học thay vì không phải đóng học phí như hiện nay.
Đồng thời, nếu người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm tốt nghiệp không làm đúng ngành hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời gian hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Sinh viên sư phạm được tuyển sinh trước ngày 01/7/2020 - ngày Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực sẽ tiếp tục được áp dụng chính sách miễn học phí trước đây.
4. Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
Cấp đào tạo | Luật giáo dục 2005 sửa đổi 2009 | Luật Giáo dục 2019 |
Giáo viên mầm non | Tốt nghiệp trung cấp sư phạm | Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm |
Giáo viên tiểu học, THCS, THPT | Tiểu học: Tốt nghiệp trung cấp sư phạm | Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên Trường hợp chưa có đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm |
THCS: Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm | ||
THPT: Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm | ||
Giảng viên đại học | Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học | Có bằng thạc sĩ |
5. Mỗi môn học được biên soạn nhiều loại sách giáo khoa
Sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi và sách điện tử. Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Đặc biệt điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa.
Hội đồng gồm: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
6. Sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm sau tốt nghiệp
Chế độ cử tuyển vào trung cấp, cao đẳng, đại học được áp dụng đối với học sinh:
- Người dân tộc thiểu số rất ít người;
- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Nhà nước sẽ có chính sách tạo nguồn cử tuyển bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học.
Đáng chú ý, Luật Giáo dục mới quy định, người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học, được xét tuyển và bố trí việc làm.
7. Ấn định 3 trường hợp công nhận văn bằng nước ngoài
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:
- Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục;
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu, hợp tác, liên kết đào tạo;
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp tác tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục.
- Việc công nhận văn bằng giáo dục nước ngoài do nước ngoài cấp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Luật Giáo dục 2005 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Giáo dục sửa đổi 2009, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Phí và lệ phí .