10 Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức (101 đề)

Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức

Bài tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức

Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức bao gồm 10 chuyên đề, với 101 đề, giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, nắm chắc bố cục, các bước, cách lập dàn ý, cũng như cách triển khai thành một bài văn hoàn chỉnh.

Với 10 chuyên đề: Kể lại chuyện cổ tích, Kể lại trải nghiệm của bản thân, Tập làm thơ lục bát, Đoạn văn biểu cảm về bài thơ lục bát, Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt, Viết đoạn - bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống.... hy vọng sẽ giúp ích rất nhiều cho các em, để ngày càng học tốt môn Văn 6 KNTT.

Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức gồm 10 chuyên đề sau:

  • Chuyên đề 1: Kể lại truyện cổ tích, truyền thuyết (9 đề)
  • Chuyên đề 2: Kể lại trải nghiệm của bản thân (18 đề)
  • Chuyên đề 3: Tập làm thơ lục bát (4 đề)
  • Chuyên đề 4: Đoạn văn biểu cảm về bài thơ lục bát (13 đề)
  • Chuyên đề 5: Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt (11 đề)
  • Chuyên đề 6: Viết đoạn - bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng trong đời sống (19 đề)
  • Chuyên đề 7: Đoạn - bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (8 đề)
  • Chuyên đề 8: Viết biên bản về một cuộc họp, cuộc thảo luận hay một vụ việc (4 đề)
  • Chuyên đề 9: Tóm tắt nội dung chính của một văn bản bằng sơ đồ (2 đề)
  • Chuyên đề 10: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả (13 đề)

Chuyên đề 1: Kể lại truyện cổ tích, truyền thuyết

A. ÔN TẬP LÝ THUYẾT:

1. Khái niệm: Kể lại truyện cổ tích: Thuộc thể loại văn tự sự: Đối tượng kể: Truyện cổ tích đã đọc, đã nghe.

2. Mục đích: Kể lại câu chuyện cho một người hay một nhóm người nghe.

3. Cách kể: Có 2 cách kể:

+ Hóa thân thành nhân vật trong truyện( Nhân vật chính hay nhân vật phụ) để kể lại: (Ngôi thứ nhất)

+ Hóa thân thành người quan sát, chứng kiến kể lại. (Ngôi thứ 3)

4. Nội dung: Dựa vào nhân vật, nội dung chính của truyện cổ tích rồi kể lại theo cách của mình.

- Yêu cầu:

+ Nhân vật, cốt truyện, sự việc không được thay đổi.

+ Có sự lồng ghép cảm nhận, đánh giá của mình vào nhân vật, cốt truyện để câu chuyện được tái hiện lại một cách sinh động, có sự mới mẻ, làm câu chuyện có một xu hướng mới.

5. Bố cục: gồm 3 phần:

- Mở bài: Giới thiệu truyện cổ tích mình định kể (Cây khế, Sọ Dừa, Tấm Cám…)

- Thân bài: Kể lại câu chuyện theo nhân vật, sự kiện chính.

+ Đảm bảo được yêu cầu: sự việc, nhân vật chính của truyện cổ tích phải giữ nguyên.

+ Có sự linh động trong ngôi kể (Tự do lựa chọn hoặc theo yêu cầu của đề bài)

+ Có sự linh động và khiếu kể chuyện, cho truyện cũ một màu sắc mới, hay và linh động hơn như đưa yếu tố miêu tả, lồng suy nghĩ, đánh giá, nhận xét của mình vào nhân vật, sự kiện(Không được phá mạch và cốt truyện của câu chuyện cũ)

- Kết bài: Kết thúc câu chuyện, thái độ, tình cảm của người kể với chủ đề của câu chuyện.

6. Các bước viết một bài văn tự sự:

- Bước 1: Tìm hiểu yêu cầu của đề

- Bước 2: Lập dàn bài

- Bước 3:Viết bài

- Bước 4: Đọc, soát lỗi và sửa lại.

B. BÀI VĂN THỰC HÀNH:

ĐỀ 1: VIẾT BÀI VĂN KỂ LẠI TRUYỆN “CÂY KHẾ”

BƯỚC 1: TÌM HIỂU ĐỀ

- Đề bài yêu cầu: Viết bài văn kể lại truyện cổ tích cây khế.

- Đối tượng kể: Kể truyện cổ tích “Cây khế”

- Trình tự kể: Kể lại theo diễn biến câu chuyện có sẵn.

- Ngôi kể: Ngôi thứ nhất (Người kể chuyện xưng em).

- Người kể là mình.

- Người nghe là cô giáo.

- Bố cục bài văn: ba phần (MB, TB, KB).

BƯỚC 2: LẬP DÀN BÀI

MỞ BÀI: Giới thiệu về câu chuyện sẽ kể truyện cổ tích “Cây khế”

- Ngay từ những ngày đầu tập đánh vần, mẹ đã mua cho em rất nhiều truyện cổ tích.

- Trong những câu chuyện đó, em nhớ nhất là truyện cổ tích “Cây khế” và muốn kể lại cho cô nghe.

THÂN BÀI: Kể chi tiết câu chuyện “Cây khế”

Đoạn 1: Kể lại câu chuyện

- Ngày xưa, có hai anh em nhà nọ cha mẹ mất sớm để lại cho một ngôi nhà ngói và một số ruộng vườn.

- Mấy năm sau, hai anh em đều lấy vợ, người anh giành hết ruộng vườn nhà cửa, chỉ chia cho người em một mái nhà gianh và một cây khế.

- Cây khế được người em chăm sóc cứ thế lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả. Vì vậy người em mừng lắm.

- Một buổi sáng tinh mơ, có con chim lạ ở đâu bay đến cây khế.

- Thật không ngờ, chim lạ đáp lại “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.

- Biết là con chim thần, người vợ may cho chồng một cái túi ba gang. Mấy ngày sau, đại bàng lại bay đến, người em mang theo cái túi ba gang leo lên mình chim. Đại bàng vỗ cánh bay lên cao.

- Đại Bàng bay mải miết, Đến trưa, chim đậu xuống một hòn đảo lấp lánh giữa biển. Người em chọn một ít châu báu bỏ vào cái túi ba gang. Vợ chồng người em trở nên giàu có từ đó.

- Người em dùng số châu báu để giúp đỡ người dân khó khăn trong làng

- Thấy vậy, người anh đổi nhà, ruộng vườn của mình để lấy cây khế của người em.

- Năm ấy cây khế cũng sai trĩu quả chim lạ cũng đến ăn. Người anh cũng than thở khóc lóc. Chim đáp lại và hứa mang đi lấy vàng.

- Người anh liền bảo vợ may túi sáu gang để đựng được thật nhiều vàng. Mấy hôm sau chim lạ đến đón, người anh đã lấy đầy chặt vàng bạc trên đảo vào chiếc túi sáu gang mình mang đi.

- Trên đường trở về, vì phải chở nhiều vàng bạc lại bay ngược gió, chim lạ mỏi cánh. Chim giục người anh vứt bớt vàng đi nhưng người anh nhất quyết không nghe.

- Chim lạ, không chịu nổi sức nặng nó nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển.

Đoạn 2: Bài học rút ra sau khi đọc câu chuyện

Ở hiền gặp lành

- Người em không tranh giành, không chấp nhất với người anh. Chính từ hành động này mới có câu chuyện người em có được vàng mà chim thần cho.

- Chúng ta phải luôn quan niệm rằng ở hiền thì gặp điều tốt, một điều nhịn, chín điều lành.

- Tham thì thâm

- Người anh tham lam cuối cùng phải trả giá bằng chính tính mạng của mình, còn người vợ thì phải sống trong mái nhà tranh cũ kĩ.

- Kết cục của những người quá tham lam luôn bi thảm, ta cần phải học cách khiêm nhường.

- Đền ơn đáp nghĩa

- Chim thần ăn khế của người em và trả nghĩa bằng vàng bạc châu báu. Con người cũng vậy, khi được giúp đỡ thì cũng nên báo đáp lại người đã giúp mình.

KẾT BÀI: Cảm nghĩ về câu chuyện

Đến bây giờ khi đọc lại, em vẫn cảm thấy đây là một câu chuyện rất hay, là một câu chuyện về bài học đền ơn đáp nghĩa, ăn một quả khế trả một cục vàng.

- Lời khuyên dành cho mọi người:

+ Đời người ngắn ngủi, mỗi con người hãy cố gắng sống sao cho thật đẹp đẽ, không để những bản tính xấu xa bôi nhọ nhân cách của ta.

+ Là những người ruột thịt trong gia đình, cần phải yêu thương đùm bọc

nhau, có vậy mới là anh em, là “ người trong một nước, gà cùng một mẹ”

BƯỚC 3: VIẾT BÀI

- Trung thành với những lựa chọn, sắp xếp ở bước 1,2.

- Không chép lại nguyên văn câu chuyện trong sách. Người kể có thể thay đổi từ ngữ, cách đặt câu, thêm một vài chi tiết, thêm các yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc nêu ra một kết thúc khác theo hình dung, tưởng tượng của mình.

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Ngay từ những ngày đầu tập đánh vần, mẹ đã mua cho em rất nhiều truyện cổ tích như “Thạch Sanh”, “Sọ Dừa”, “Em bé thông minh”, “Cây khế”…Truyện nào em cũng thích và đọc một cách say mê. Mỗi câu chuyện đều để lại trong em một ấn tượng sâu sắc, một bài học nào đó trong cuộc sống. Nhưng trong những câu chuyện đó, em thích nhất là truyện cổ tích “Cây khế” và hôm nay em muốn kể lại cho mọi người cùng nghe.

Truyện kể rằng: Ngày xưa, có hai anh em nhà nọ, cha mẹ của họ mất sớm để lại ngôi nhà ngói cùng vài mảnh ruộng. Người anh và người em nương tựa vào nhau mà lớn khôn. Khi cả hai đều đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, không thể chung sống cùng nhau dưới một mái nhà như trước kia được nữa, hai anh em đã phân chia gia tài. Người anh lớn hơn và có tính tham lam nên lấy hết mọi thứ, chỉ để lại cho người em một nếp nhà gianh lụp xụp cùng với cây khế. Người em nhân hậu, lại thương anh nên đồng ý nhường anh trai phần hơn.

Từ đó, vợ chồng người em hằng ngày đều chăm chỉ làm lụng, tối đến thì về chăm sóc cây khế và ngủ trong mái nhà gianh cũ kĩ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của người em, cây khế ra quả sai trĩu, quả nào quả nấy đều mọng nước. Vợ chồng người em phấn khởi mừng thầm có thể bán khế để kiếm thêm một chút trang trải cuộc sống khó khăn.

Một ngày nọ, bỗng có một con chim lạ thấy cây khế sai quả liền sà xuống ăn hết quả chín này đến quả chín khác, vợ chồng người em nhìn thấy cũng không nỡ đuổi chim đi, đành than thở với chim. Không ngờ rằng lúc đấy chú chim lại cất giọng con người, chim nói: “ Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Biết là chim thần, người em liền bảo vợ may cho túi ba gang, hai vợ chồng thấp thỏm chờ đợi. Quả nhiên mấy ngày sau chim lại đến ăn khế, lần này chim để cho người em leo lên lưng cùng đi. Chim thần vượt sóng vượt gió, vượt đại dương bao la rộng lớn, bay mải miết đến non trưa thì đến một hòn đảo lấp lánh xinh đẹp. Người em bước xuống thấy xung quanh hòn đảo đâu đâu cũng là vàng bạc châu báu sáng lấp lánh. Nhưng do bản tính hiền lành, thật thà, người em chỉ lấy đủ túi ba gang rồi lên đường trở về cùng chim thần.

Từ đó, vợ chồng người em có vốn làm ăn cộng với tình cần cù, chịu khó, cẳng bao lâu, vợ chồng người em trở nên giàu có, có tiền xây dựng nhà cửa, mua thêm ruộng vườn, gà lợn lại giúp đỡ được cả những người nghèo trong xóm. Vợ chồng người anh thấy em tự nhiên trở nên giàu có như vậy, đem lòng tham lam và muốn hỏi thực hư vì sao. Người em thật thà kể hết mọi chuyện cho người anh nghe. Lòng tham vốn có nổi lên, vợ chồng người anh đòi đổi hết nhà cửa ruộng vườn lấy mái nhà gianh và cây khế của người em. Người em lại lần nữa đồng ý mà không phàn nàn khiển trách. Mùa khế chín quả, đúng như dự định, chim thần lại đến ăn khế, người anh giả đò than vãn với chim thần, chim thần lại đáp “ Ăn một quả ta trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng”. Nghe vậy, vợ chồng người anh mừng thầm trong lòng. Anh dặn vợ may hẳn túi thật to để đựng. Cũng như lần trước, máy hôm sau chim thần đến ăn khế và để người anh leo lên lưng mình bay đi đến hòn đảo châu báu.

Trước hòn đảo đầy vàng bạc châu báu sáng lấp lánh, lòng tham của người anh nổi lên. Anh tham lam vơ vét đầy túi và còn dắt thêm đầy túi áo, cạp quần. Trên đường bay về, đến giữ biển cả mênh mông, sức nặng và gió lớn khiến chim thần chao đảo vì quá nặng và mệt. Chim liền nói với người anh là hãy vứt bớt vàng đi không thi không qua được vùng biển này. Nhưng người anh tham lam cứ giữ khư khư gia tài bên mình. Cuối cùng, vì quá nặng, chim không chịu được nữa bèn nghiêng cánh, cả người anh và túi vàng bạc đều rơi xuống biển, không thể trở về. Người vợ ở nhà sống trong mái nhà gianh lụp xụp trong suốt quãng đời còn lại.

Mỗi lần đọc xong câu chuyện này, tôi đều ngồi ngẫm ngợi rất lâu. Một câu chuyện không chỉ hay, hấp dẫn với các tình tiết đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mà câu chuyện còn để lại cho tôi một bài học sâu sắc. Mẹ thường hay nói “Tham thì thâm” quả đúng như vậy, chỉ vì tính tham lam vô độ mà người anh không nghĩ đến anh em, không biết nhường em, không biết rằng không nên lấy những thứ không thuộc về mình để nhận lấy hậu quả cay đắng. Bạn thân chết trên biển, vợ ở nhà sống trong nghèo khổ. Ngược lại, người em thì hiền hậu, đức độ, sống nhường nhịn, không tham lam. Đặc biệt còn biết sẻ chia với người nghèo khó nên được sống trong giàu sang, hạnh phúc. Bên cạnh đó là việc ăn khế trả vàng có chú chim lạ. Đó là hành động của người biết đền ơn đáp nghĩa. Một hành động vô cùng đẹp, đáng để chúng ta học hỏi, áp dụng vào cuộc sống hôm nay.

Một câu chuyện thật hay và vô cùng ý nghĩa phải không cô?. Từ nay em sẽ sống chan hòa, biết nhường nhịn và sẻ chia. Em mong các bạn của em cũng vậy. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi ai ai cũng nhường nhịn sẻ chia lẫn nhau, biết sông có trước, có sau biết ơn và trả ơn người đã giúp mình. Để tâm hồn trong sáng, có hành động đẹp, góp phần cùng nhau xây dựng đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp hơn.

....

>> Tải file để tham khảo trọn bộ Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức!

Liên kết tải về

pdf Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức
doc Chuyên đề Tập làm văn lớp 6 Kết nối tri thức 1

Chủ đề liên quan

Học tập

Lớp 6

Văn mẫu 6 KNTT

Chia sẻ

Chia sẻ qua Facebook Chia sẻ

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK