: Nêu và chứng minh được một số giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới hiện nay
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vấn đề cần quan tâm hiện nay là tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh.
- Là quốc gia biển nên vấn đề an ninh biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, tác động lớn đến phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường hòa bình của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: khủng bố, cướp biển, buôn lậu, tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên biển gây ô nhiễm môi trường,… diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự báo.
- Về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện đang tồn tại bốn vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam chưa được giải quyết: Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa năm nước sáu bên; phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; xác định ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố có thể gây mất ổn định trên Biển Đông vẫn đang diễn ra gay gắt: xâm phạm chủ quyền, an ninh; nguy cơ xung đột vũ trang; tranh chấp biển, đảo và thềm lục địa, v.v. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển...”1. Quán triệt tinh thần đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
+ Một là, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”2. Để kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng của biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo cần phải tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ; thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản và môi trường biển, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt.
+Hai là, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt. Việc tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển, nhất là lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và lực lượng Kiểm ngư vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại hóa và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo xa bờ. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển, cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức, biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư đủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cơ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên các vùng biển. Dân quân tự vệ biển được xây dựng theo phương châm vững mạnh, rộng khắp, ở đâu có tàu, thuyền, ngư dân hoạt động và dân cư sinh sống trên đảo thì ở đó có dân quân tự vệ biển; lấy doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt; tổ chức biên chế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm thành ba tuyến: ven bờ, lộng, khơi; coi trọng lực lượng hoạt động trên biển. Kiểm ngư là lực lượng được tổ chức chặt chẽ, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu thuyền nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an ninh trật tự và có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc.
+Ba là, kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Là thành viên của Liên hợp quốc, của UNCLOS cũng như tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế; kiên trì con đường giải quyết các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Theo tinh thần đó, những vấn đề còn đang bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết song phương; những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương và phải hết sức công khai, minh bạch giữa các bên có liên quan. Trong khi nỗ lực xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng của ta trên biển với quyết tâm “Việt Nam quyết không để một tấc đất, tấc biển nào bị xâm phạm”; kiên trì tìm kiếm một giải pháp lâu dài và yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ cam kết giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS và 05 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an ninh biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh DOC, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tại các vùng biển không phải là tranh chấp, hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của UNCLOS để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
+Bốn là, thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Đối ngoại quốc phòng là vấn đề quan trọng diễn ra chủ yếu trong thời bình và cả khi có tình huống chiến tranh, thực hiện tốt vấn đề này góp phần vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vừa duy trì sự ổn định chính trị - xã hội trong nước và môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, điều quan trọng trước hết là hợp tác chặt chẽ trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Các ngành chức năng, trọng tâm là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cần xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp, trọng tâm là công tác nghiên cứu cơ bản, phân tích dự báo chiến lược về tình hình thế giới, khu vực, chiều hướng diễn biến của mối quan hệ quốc tế, về đối tác, đối tượng của cách mạng. Từ đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối chiến lược và các đối sách xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, nhất là các nước trong khu vực và các nước lớn trên thế giới để tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Hải quân, Cảnh sát biển cần tăng cường giao lưu với các đối tác, tổ chức các hoạt động phối hợp tuần tra chung, diễn tập, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và triệt tiêu nguy cơ xung đột trên biển.
+Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện tốt nội dung này, các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng đóng quân ở địa phương ven biển và các đảo cần kết hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan Tuyên giáo xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng báo cáo viên, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cư dân sinh sống ở ven biển, trên đảo, ngư dân làm ăn trên biển, kiều bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của các cơ quan chức năng Trung ương. Đặc biệt, cần thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và sự chiếm hữu thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển.
=>Cùng với công tác truyên truyền về biển, đảo, cần kết hợp với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định trong luật biển Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, làm cho ngư dân không chỉ chấp hành, mà còn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài ở vùng biển Việt Nam. Cần sớm đưa các nội dung về chủ quyền biên giới, lãnh thổ, biển, đảo vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học; phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam và quốc tế về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển.
#phcnguynminh08
Lịch sử là môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, đặc biệt là những sự kiện liên quan đến con người. Đây là thuật ngữ chung có liên quan đến các sự kiện trong quá khứ cũng như những ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về những sự kiện này. Hãy trân trọng và học hỏi từ những bài học lịch sử để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn!
Lớp 11 - Năm thứ hai ở cấp trung học phổ thông, gần đến năm cuối cấp nên học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nghe nhiều đến định hướng tương lai và học đại học có thể gây hoang mang, nhưng hãy tự tin và tìm dần điều mà mình muốn là trong tương lai!
Copyright © 2021 HOCTAPSGK