Trang chủ Ngữ văn Lớp 12 Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:...

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết: Ta về, mình có nhớ ta Ta về, ta nhớ những hoa cùng người. Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đ

Câu hỏi :

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.110 - 111)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tính dân tộc được thể hiện qua đoạn thơ.

Lời giải 1 :

Đáp án+Giải thích các bước giải:

 1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc và dẫn dắt vào đoạn thơ.

2. Thân bài

- “Ta về, mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người”: người ra đi hỏi người ở lại liệu có nhớ về họ, đồng thời khẳng định mình luôn nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

- “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”:

+ Mùa đông hoa chuối đỏ tươi tô điểm cho khu rừng xanh, hòa vào đó là ánh nắng vàng làm cho bức tranh mùa đông của Việt Bắc thêm hài hòa màu sắc.

+ Hình ảnh con người hiện lên với chiếc dao gài ở thắt lưng lên rừng làm việc tuy mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng đẹp đẽ.

- “Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”:

+ Mùa xuân “mơ nở trắng rừng” mùa xuân Việt Bắc đặc trăng là màu trắng tinh khiết của của rừng hoa mơ.

+ Giữa khung cảnh thơ mộng ấy là hình ảnh con người cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo chuốt từng sợi giang để đan nón.

- “Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình”:

+ Mùa hạ ve kêu rừng phách đổ vàng” tiếng ve quen thuộc của mùa hè giữa rừng hoa phách vàng gợi liên tưởng tiếng ve như bát sơn vàng sóng sánh đổ lên rừng gỗ xanh khiến tất cả chuyển sang một màu vàng ấm áp.

+ Hình ảnh cô gái hái măng một mình nhưng không cô đơn vì làm bạn với thiên nhiên.

- “Rừng thu trăng rọi hoà bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”:

+ Mùa thu rừng thu trăng rọi hòa bình ánh trăng Việt Bắc mùa thu vô cùng yên bình, trong trẻo gợi cảm giác thanh mát.

+ Hòa vào khung cảnh đó là tiếng hát ân tình thủy chung của người dân dạt dào tình cảm.

→ Hình ảnh hòa hợp giữa thiên nhiên và con người tạo nên bức tranh Việt Bắc vô cùng xinh đẹp khiến người ta nhớ mãi.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung.

II. Văn mẫu phân tích đoạn thơ “Ta về, mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung” 1. Phân tích đoạn thơ “Ta về, mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung mẫu 1

Tố Hữu là một nhà thơ biết khơi nguồn cho cái mới ngay trên nền truyền thống của thơ ca dân tộc, để biểu đạt tình cảm yêu thương ân nghĩa từ ngàn đời. Điều này được thể hiện rất rõ qua bức tranh tứ bình viết về nỗi nhớ thiên nhiên, con người trong bài thơ “Việt Bắc”.

“Việt Bắc” được sáng tác vào năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta, Hiệp định Giơ - ne - vơ về Đông Dương được kí kết. Vào tháng 10 năm 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Nhân dịp ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ. Tác phẩm là khúc ca ân tình về kháng chiến, con người Việt Nam trong cách mạng. Đoạn thơ chứa đầy màu sắc về thiên nhiên, con người Việt Bắc. Trong đó, hai câu thơ đầu có ý nghĩa khái quát cảm xúc của toàn đoạn:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Nhà thơ vẫn sử dụng cách xưng hô “Ta” - “mình” thân thuộc, gần gũi. Hai chữ “Ta về” được ngắt riêng như một nốt nhạc quãng ngắt lưu luyến, ngập ngừng trong bản tình ca cách mạng. Câu hỏi tu từ “Ta về, mình có nhớ ta” mang âm hưởng trữ tình ngọt ngào của ca dao, dân ca. Câu hỏi ấy không chỉ hướng về phía người ở lại mà còn hướng về chính người chiến sĩ. Người cán bộ cách mạng tự khẳng định tình cảm ân nghĩa thủy chung của lòng mình với thiên nhiên, con người Việt Bắc. Vậy người ra đi nhớ điều gì? Người ra đi nhớ “những hoa cùng người”. “hoa” ở đây có nghĩa là thiên nhiên đẹp đẽ, tươi sáng, hùng vĩ của Việt Bắc. Hòa với nét đẹp của hoa là vẻ đẹp của “người”. Con người và thiên nhiên Việt Bắc hòa quyện, gắn bó khăng khít, làm nên cái hồn cho mảnh đất này.

Những câu thơ sau là bức tranh tứ bình đầy ấn tượng:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên đầy sức sống, đẹp đẽ, tươi sáng đến lạ thường. Cảnh rừng Việt Bắc trong mùa đông vẫn thật xanh tươi, căng tràn sức sống: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Trên cái nền xanh thẳm của núi rừng là sắc đỏ rực rỡ tựa muôn ngàn đốm lửa của những bông hoa chuối. Thiên nhiên đang tự mình thắp lên những ngọn lửa để sưởi ấm trong trời đông rét ngọt. Mùa đông trong thơ Tố Hữu không những không hề héo úa, lụi tàn mà còn lấp lánh ước mơ, hi vọng. Đến mùa xuân, bao nhiêu mầm sống được ấp ủ bấy lâu đã thỏa sức bung nở. Khung cảnh như thay màu áo mới. Màu trắng tinh khôi, trong trẻo của hoa mơ bao phủ khắp đất trời. Hai chữ “trắng rừng” cho thấy sức sống âm thầm mà mãnh liệt vô cùng. Dường như mải đắm mình trong bạt ngàn hoa trắng, ta giật mình ngỡ ngàng khi hạ đã về tự bao giờ. Câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” gợi lên bản tình ca mùa hè sôi nổi, rạo rực. Đây là vẻ đẹp đặc trưng của Việt Bắc. Chữ “đổ” là nhãn tự của cả câu thơ, diễn tả sự giao hòa của tạo vật. Ve kêu đến đâu, rừng phách ngả vàng đến đó. Sắc màu thời gian như đổ xuống cảnh vật, đẹp đẽ và diệu kì. Đến mùa thu, điều tác giả nhớ nhất chính là “Rừng thu trăng rọi hoà bình”. Ánh trăng mơ màng, dịu dàng chiếu rọi xuống cảnh vật. Mọi ngóc ngách trong rừng đều chảy tràn ánh trăng, huyền ảo như bước ra từ trang cổ tích. Thiên nhiên Việt Bắc đáng yêu, bình yên quá đỗi khiến người ta say đắm không thể nào quên.

Đi liền với nỗi nhớ thiên nhiên, tác giả còn nhớ về con người Việt Bắc rất mực thân thương. Họ hiện lên trong tư thế hài hòa, làm chủ tự nhiên. Câu thơ: “Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” mang màu sắc “rất Việt Bắc” (Xuân Diệu). Nhân dân Việt Bắc thường gài chiếc dao vào thắt lưng khi đi làm nương rẫy. Trên tầm cao của đèo, ánh nắng chiếu vào dao tạo nên phản quang lấp lánh. Con người không nhỏ nhoi, đơn độc trước cái cao, dốc của đèo mà trái lại, càng mạnh mẽ và hào hùng. Trong khung cảnh mùa xuân, tác giả miêu tả cụ thể về người đan nón. Động từ “chuốt” có nghĩa là trau chuốt, làm cho bóng, cho mượt. Chữ “từng” gợi tả sự tỉ mỉ, cần cù, khéo léo, tài hoa của con người Việt Bắc khi lao động. Thiên nhiên có hoa mơ nở trắng rừng, con người lại có chiếc nón trắng thể hiện tấm lòng tha thiết gắn bó với quê hương, đất nước. Người dân gửi cả tấm lòng mình vào công việc thủ công, sáng tạo ra những vật phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến khi hạ về, tác giả phát hiện ra giữa sắc vàng óng ả của rừng phách là “cô em gái hái măng một mình”. Sự hiệp vần “hái “ với “gái” khiến câu thơ đậm tính nhạc hấp dẫn. Người con gái Việt Bắc thật trẻ trung, tươi tắn, xinh đẹp. Dẫu cô gái đang đi hái măng một mình, làm công việc lao động vất vả giữa rừng nhưng chẳng hề lẻ loi, cô độc. Con người làm chủ tự nhiên và cuộc đời, bộc lộ rõ nét hồn nhiên, đáng yêu đến lạ. Cuối cùng, tác giả nhớ đến tiếng hát “ân tình thủy chung” dưới đêm trăng trong mùa thu. Đó không chỉ là tiếng hát trong trẻo vang lên trong đêm thanh mà còn là tiếng lòng ân nghĩa vẹn tròn giữa “ta” và “mình”. Tiếng hát khép lại đoạn thơ nhưng tình người thì mãi còn vang vọng.

Như vậy, bằng thể thơ lục bát truyền thống, đại từ xưng hô “mình” – “ta”, điệp ngữ, các hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp và đầy màu sắc, Tố Hữu đã khắc họa tài tình vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Việt Bắc qua bốn mùa xuân – hạ - thu – đông. Từ đó, ta thấy được tình yêu quê hương, tình cảm đồng bào sâu nặng của tác giả. Đoạn thơ xứng đáng là khổ thơ hay nhất trong toàn bộ thi phẩm “Việt Bắc”, là minh chứng tiêu biểu cho tài năng của “Lá cờ đầu của thơ ca cách mạng”.

Bạn có biết?

Ngữ văn là môn khoa học nghiên cứu ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại. Đây là môn học giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ, văn hóa và tư tưởng. Việc đọc và viết trong môn Ngữ văn không chỉ là kỹ năng, mà còn là nghệ thuật. Hãy để ngôn từ của bạn bay cao và khám phá thế giới văn chương!

Nguồn :

TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự lớp 12

Lớp 12 - Năm cuối ở cấp trung học phổ thông, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh, trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kỳ vọng của người thân xung quanh. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng nề. Hãy tin vào bản thân, mình sẽ làm được và tương lai mới đang chờ đợi chúng ta!

Nguồn :

sưu tập

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK