Phân tích nhân vật ông Hai
3.1. Giới thiệu chung
- Tác giả: Kim Lân thuộc lớp các nhà văn đã thành danh từ trước Cách mạng Tháng 8 – 1945 với những truyện ngắn nổi tiếng về vẻ đẹp văn hoá xứ Kinh Bắc. Ông gắn bó với thôn quê, từ lâu đã am hiểu người nông dân. Đi kháng chiến, ông tha thiết muốn thể hiện tinh thần kháng chiến của người nông dân.
- Tác phẩm: Truyện ngắn Làng được viết và in năm 1948, trên số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc. Truyện nhanh chóng được khẳng định vì nó thể hiện thành công một tình cảm lớn lao của dân tộc, tình yêu nước thông qua một con người cụ thể, người nông dân với bản chất truyền thống cùng những chuyển biến mới trong tình cảm của họ vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Truyện ngắn “Làng” đã xây dựng thành công nhân vật ông Hai với tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến hài hòa, nồng thắm.
3.2. Phân tích
1. Tình yêu làng của ông Hai
* Niềm tự hào, kiêu hãnh của ông Hai về làng của mình:
- Ông Hai là người dân làng chợ Dầu, vì hoàn cảnh nên ông phải sống ngụ cư ở nơi đất khách. Tuy xa quê nhưng ông Hai chưa một lần thôi nhớ về quê hương, tình cảm dành cho quê hương của ông mãnh liệt. Làng chợ Dầu luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của ông. Tình yêu làng của ông được thể hiện thật đặc biệt. ấy là cái tính khoe về làng mình, lúc ấy khuôn mặt ông biến chuyển lạ thường, hai con mắt sáng hẳn lên.
+ Trước cách mạng, mỗi bận có dịp đi đâu xa ông thường khoe về cái làng của mình: Nào là nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, nào là đường làng lát toàn đá xanh, ông khoe cả cái sinh phần của viên tổng đốc.
+ Sau cách mạng, ông Hai thay đổi hẳn, ông vẫn yêu làng nhưng tình yêu của ông đã khác, giờ đây, yêu làng ông khoe về những ngày tập quân sự, khoe những hố, những ụ, những giao thông hào, ...
→ Với ông Hai, dường như làng đã như máu, như thịt, như chính một phần cơ thể của ông
+ Kháng chiến bùng nổ, người dân phải dời làng đi sơ tán, ông Hai cũng theo dòng người ấy sơ tán đến một miền quê xa xôi, hẻo lánh. Ông Hai thực sự buồn khi phải xa làng. Ở nơi tản cư, lòng ông đau đáu nhớ quê, cứ “nghĩ về những ngày làm việc cùng anh em”, ông nhớ làng quá.
- Ông Hai luôn khoe và tự hào về cái làng Dầu không chỉ vì nó đẹp mà còn bởi nó tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc.
- Ông luôn tìm cách nghe tin tức về kháng chiến “chẳng sót một câu nào”. Nghe được nhiều tin hay, những tin chiến thắng của quân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, náo nức, bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc.
* Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng của mình đi theo giặc:
- Khi nghe tin quá đột ngột, ông Hai sững sờ, xấu hổ và uất ức: “cố ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy”. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông không thể không tin. Niềm tự hào về làng thế là sụp đổ tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy ông mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như chết mất một nửa.
→ Với ông Hai, tin làng Chợ Dầu theo giặc là một cú sốc lớn. Niềm tự hào về làng của ông sụp đổ, tan tành trước cái tin sét đánh ấy. Cái mà ông yêu quí nhất nay cũng đã quay lưng lại với ông. Không chỉ xấu hổ trước bà con mà ông cũng tự thấy ông mất đi hạnh phúc của riêng ông, cuộc đời ông cũng như đã chết đi một lần nữa.
- Từ lúc ấy trong tâm trí ông Hai chỉ còn có cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Ông tìm cách lảng tránh những lời bàn tán và cúi gằm mặt xuống ra về. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông “cúi gằm mặt mà đi”, về đến nhà ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân nhìn đàn con, “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Ông cảm thấy như chính ông mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc, cả các con ông cũng sẽ mang nỗi nhục ấy.
- Suốt mấy ngày ông không dám đi đâu. Ông quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhông... là ông lủi ra một góc nhà, nín thít.
- Nhưng chính lúc này, tình cảm đẹp trong con người ông Hai lại càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đau đớn, dằn vặt, sự hổ thẹn đến tột cùng đã đẩy ông Hai vào một tình huống phải lựa chọn. Quê hương và Tổ Quốc, bên nào nặng hơn? Quê hương đáng yêu, đang tự hào... Nhưng giờ đây.... dường như mới chỉ nghĩ tới đó, lòng ông Hai đã nghẹn đắng lại. Tình yêu quê hương và tình yêu tổ quốc xung đột dữ dội trong lòng ông. Cuối cùng ông đã quyết định: “Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.
→ Như vậy, tình yêu làng dẫu có thiết tha, mãnh liệt đến đâu, cũng không thể mạnh hơn tình yêu đất nước. Quyết định ấy thật đau đớn xót xa trong lòng ông. Với ông làng đã trở thành máu thịt, làng đã là một phần cơ thể ông. Quyết định ấy chẳng khác nào tự tay ông cầm dao cắt đi chính một phần máu thịt trên cơ thể mình.
- Tâm sự với đứa con, ông Hai muốn bảo con nhớ câu “nhà ta ở làng chợ Dầu”. Đó chính là những lời tâm sự để ông vơi đi nỗi ân hận phải rời bỏ làng, để khẳng định tình yêu làng vẫn chảy mạnh mẽ âm thầm trong trái tim ông. Phải chăng, trong tâm hồn người nông dân chất phác ấy vẫn không phút nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, yêu quê hương và nỗi đau đớn khi nghe tin quê hương rời xa công việc chiến đấu chung của đất nước bấy giờ? Nghe con nói: “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh”, nước mắt ông Hai cứ giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má, giọng ông như nghẹn lại: “Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ?”. Nó cũng chính là tấm lòng thuỷ chung của ông với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Bác Hồ thật sâu nặng, bền vững và thiêng liêng.
* Tâm trạng của ông Hai sau khi nghe tin làng được cải chính:
- Đến khi biết đích xác làng Dầu yêu quý của ông không phải là làng Việt gian, nỗi vui mừng của ông Hai thật là vô bờ bến: “Ông cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”, mặt ông “tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.
- Đối với người nông dân, căn nhà là cơ nghiệp của cả một cuộc đời, vậy mà ông sung sướng hể hả loan báo cho mọi người biết cái tên “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ” một cách tự hào như một niềm hạnh phúc thực sự của mình. Phải chăng đó chính là minh chứng duy nhất chứng minh cho tấm lòng của ông với đất nước, với cuộc kháng chiến. Phải chăng đó chính là nỗi lòng sung sướng trào ra hồn nhiên như không thể kìm nén được của người dân quê khi được biết làng mình là làng yêu nước dẫu cho nhà mình bị giặc đốt. Tình yêu làng, sự hi sinh cho Tổ quốc của ông Hai thật là sâu sắc và cảm động.
- Trong hoàn cảnh toàn dân đang hướng tới cuộc kháng chiến chống pháp, bảo vệ độc lập dân tộc, ông Hai đã biết đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu cá nhân của mình với làng chợ Dầu, ông dành tất cả cho cách mạng. Đó chính là nét đẹp trong con người ông Hai nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung.
2. Tình yêu nước, yêu kháng chiến của ông Hai:
- Ông luôn theo sát tin tức kháng chiến và tự hào về những chiến công mà nhân dân ta đã lập nên. “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá !"
- Nhưng đến khi phải lựa chọn giữa làng và nước, tình yêu ấy mới bộc lộ rõ rệt. Dù bị tin đồn làng mình theo Tây dồn vào “tuyệt đường sinh sống”, ông vẫn nhất quyết không trở về làng.
→ Đến đây, ta mới hiểu rõ về con người hay chuyện tưởng chừng rất đơn giản, bộc trực kia. Tình yêu làng giờ đây đã trở thành tình yêu có ý thức, hòa nhập và lòng yêu nước. “Về làm gì cái làng ấy nữa. Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ.” Nhớ lại những tháng ngày đen tối bị đàn áp xưa kia, ông đã có quyết định rõ ràng, đúng đắn.
- Là người nông dân chân lấm tay bùn nhưng ông Hai có nhận thức cách mạng rõ ràng : “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” Nhận thức rất mới này là một nét đặc biệt trong tính cách của ông Hai, đánh dấu sự thay đổi của người nông dân sau Cách mạng Tháng Tám.
- Ông luôn luôn muốn được giãi bày nỗi lòng ấy của mình. Tuy nói chuyện với đứa con, nhưng thực chất ông đang mượn lời đứa trẻ để bày tỏ tâm sự. Những gì đứa trẻ nói chính là những gì đang dâng trào trong lòng ông mà không nói ra được. “Ừ đúng rồi, ủng hộ cụ Hồ con nhỉ.”
→ Ông Hai nói với đứa con như thể nói với anh em đồng chí, để minh oan cho tấm lòng thành thật của mình, để nỗi khổ tâm trong lòng như vơi đi được đôi phần.
- Lòng yêu nước của ông thật giản dị nhưng vô cùng chân thành, sâu sắc và cảm động. Chính điều ấy đã giúp ông chịu đựng được tin đồn quái ác về làng mình, vì ông có niềm tin vào cách mạng, vào kháng chiến.
→ Ông đã nhận ra rằng: Đất nước còn thì làng còn, đất nước mất thì làng cũng mất. Từ đây, ông Hai nói riêng hay người nông dân nói chung, đã nhìn rộng hơn, xa hơn lũy tre làng. Không chỉ yêu làng, trong ông còn có một tình yêu lớn gấp nhiều lần – lòng yêu nước. Đây không chỉ là sự thay đổi trong suy nghĩ người nông dân, mà còn là suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam thời điểm đó. Họ sẵn sàng hy sinh những cái riêng, những cái nhỏ vì sự nghiệp chung, vì cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Họ không hề quên đi cội nguồn của mình mà gìn giữ nơi ấy ở trong tim, biến thành động lực chiến đấu để giải phóng đất nước, giải phóng quê hương.
→ Như vậy, ở ông Hai, tình yêu làng là cơ sở cho tình yêu nước, yêu kháng chiến. Song, tình yêu nước, yêu cách mạng có ý nghĩa định hướng cho tình yêu làng.
3. Nhận xét
Nhân vật ông Hai đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả bởi tình yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng nồng nàn, thắm thiết. Những tình cảm ấy hài hòa, thống nhất, hòa quyện vào nhau, thật cảm động. Điều này cho thấy những chuyển biến mới trong nhận thức và tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
3.3. Tổng kết
- Nhà văn xây dựng được những tình huống truyện đặc sắc, miêu tả thành công tâm lí nhân vật qua những cuộc đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng. Truyện ngắn “Làng” đã được viết nên từ những điều nhà văn từng trải nghiệm, khắc họa một cách chân thực nhất những tháng ngày đi tản cư của nhân dân miền Bắc trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng như những chuyển biến trong nhận thức và tình cảm của họ. Nhà văn Kim Lân đã mang đến cho bạn đọc nhân vật ông Hai với tình yêu làng quê và lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha.
- Qua việc thể hiện tình yêu làng, tình yêu nước của ông Hai nhà văn còn mang đến một thông điệp ý nghĩa: Tình yêu Tổ quốc chẳng đến từ đâu xa xôi, nó bắt nguồn từ chính những tình cảm gần gũi, bình dị, thân thương nhất.
Câu hỏi trên thuộc đề trắc nghiệm dưới đây !
Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.
Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆTLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAPSGK