Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, các bạn học sinh sẽ được học tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Sau đây, CUNGHOCVUI.COM xin gửi đến các bạn bài phân tích Đất nước hay nhất!
Bài làm
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ tiêu biểu trong thế hệ những nhà thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ của ông luôn giàu chất trữ tình, chất chứa nhiều nỗi suy tư và mang cả hơi hướng chính luận. Điều này được thế hiện rất rõ qua đoạn trích Đất nước. Bài thơ như là lời tâm tình giản dị, nêu lên được cội nguồn của đất nước và tư tưởng Đất nước của nhân dân.
Bài thơ Đất nước được trích trong chương 5 của trường ca Mặt đường khát vọng, được tác giả viết ở chiến khu Trị Thiên năm 1971 và in lần đầu năm 1974. Những tâm tư, tình cảm của Nguyễn Khoa Điềm đều được gửi gắm một cách nhẹ nhàng, chân thật qua bài thơ.
Khi nói về đất nước, nhà thơ nói về cội nguồn của đất nước trước tiên:
"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…"
Đất nước trong tâm tưởng của nhà thơ không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ khi con người ta sinh ra thì đất nước đã có rồi. Nhà thơ đã sử dụng các chất liệu dân gian để tạo nên gốc rễ của đất nước. Rằng đất nước có từ trong những cái "ngày xửa ngày xưa", "có trong miếng trầu bà ăn", "cái kèo, cái cột" rồi cả những "hạt gạo xay, giã, giần, sàng". Cội nguồn của đất nước bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất, thân thuộc nhất đối với mỗi chúng ta. Những hình ảnh mà nhà thơ sử dụng đều là những hình ảnh có trong dân gian, có trong làng quê Việt Nam. Nào là những câu chuyện cổ tích bắt đầu với cụm từ ngày xửa ngày xưa, nào là phong tục ăn trầu của người Việt, và cả nền nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Chính những hình ảnh bình dị, gần gũi khiến cho lời thơ của tác giả trở nên vô cùng mộc mạc, đi vào lòng người. Sự gắn kết giữa con người với con người, tinh thần lao động chăm chỉ của người Việt và những mái nhà đơn sơ đã tạo nên đất nước của chúng ta ngày hôm nay. Đến đây, tác giả đưa ra kết luận: "Đất nước có từ ngày đó".
Sau khi lí giải về cội nguồn của đất nước, nhà thơ cho thấy những hình ảnh đất nước hiện hữu quanh chúng ta:
"Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm"
"Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"
Đất nước xuất hiện trong không gian sinh hoạt của mỗi chúng ta "là nơi anh đến trường", "là nơi em tắm", "là nơi ta hò hẹn". Nguyễn Khoa Điềm như muốn nhắn nhủ rằng, đất nước luôn hiện hữu trong những gì tưởng chừng như quen thuộc nhất, gần gũi nhất với người dân. Hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ gợi liên tưởng đến sự tích Con rồng cháu tiên, khi mà Âu Cơ đẻ ra 100 bọc trứng, có lẽ đó là cái nôi mà đồng bào ta được ấp ủ, được sinh ra. Một trăm bọc trứng là một trăm đứa con khỏe mạnh, hồng hào, cho thấy sự đông đúc và phát triển mạnh mẽ của đồng bào ta. Từ những lí giải chân thực về đất nước, nhà thơ nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết nhớ lấy cội nguồn của mình:
"Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ "
Lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, chân tình của tác giả khiến cho chúng ta dễ dàng tiếp nhận chứ không phải là một sự bắt ép. Nhà thơ muốn nhắc nhở bạn đọc rằng, dù là ai, ở độ tuổi nào, giới tính nào, công việc nào thì chỉ cần họ đã sống trên mảnh đất Việt Nam thì phải có trách nhiệm đối với đất nước. Các thế hệ đi trước đã bỏ không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để đổi lấy hòa bình như ngày hôm nay. Cho nên thế hệ tiếp theo cần canh giữ đất nước, giúp đất nước ngày càng phát triển, có như vậy mới xứng đáng được với công lao của những người đã khuất. Cả dân tộc ta sẽ cùng nhau viết tiếp trang sử vàng. Hai câu thơ cuối của đoạn thơ này cho thấy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của vua Hùng, của Tổ tiên ta, cho nên mỗi người con dân Việt Nam dù có đi đâu xa cũng đừng quên về thắp một nén hương trong ngày giỗ tổ tiên, để tưởng nhớ tới thế hệ đi trước.
Không chỉ phải biết ơn và tưởng nhớ tới thế hệ đi trước mà chúng ta còn cần gửi gắm cho con cái chúng ta về trách nhiệm xây dựng tương lai cho nước nhà:
"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…"
Cách xưng hô "anh" và "em" từ đầu bài thơ và cho đến những lời nhắn nhủ đầy tình cảm này cho thấy đất nước cũng dung dị, gần gũi và tự nhiên như tình yêu của chúng mình. Khi anh và em cầm tay nhau, chúng ta cảm nhận được tình yêu đối với đất nước. Khi chúng ta chia sẻ nó, lan tỏa nó đến với mọi người, chúng ta cầm tay họ và ta hiểu được thế nào là sẻ chia, là tình đoàn kết của cả dân tộc. Đất nước tạo nên chúng mình, chúng mình yêu nhau và kết quả cho tình yêu ấy là đứa con của anh và em. Anh cùng em sẽ dạy cho con về cội nguồn của Đất nước, để con biết ơn và cố gắng sau này trở thành một người có ích, giúp sức cho nước nhà. Hiện thực hóa cho lòng biết ơn ấy là chúng ta phải sẵn sàng lên tiếng khi Tổ Quốc gọi, sẵn sàng hy sinh khi đất nước cần, hy sinh "xương máu" để giữ vững độc lập, tự do cho đất nước.
Nhà thơ tiếp tục cho thấy hình ảnh của đất nước nhưng không phải hiện hữu trong những không gian hằng ngày nữa mà đó là đất nước trong không gian địa lí ở những câu thơ tiếp theo:
"Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…"
Các địa điểm "Hạ Long, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm" tạo thành một dài địa lý dài trong dáng hình đất nước. Núi vọng phu, hòn trống mái là những điển tích nói lên tình cảm vợ chồng, thứ đã tạo nên hạt nhân của đất nước. Đất nước còn lớn lên nhờ truyền thống đánh giặc bất khuất của dân tộc ta "Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại", nhờ tinh thần ham học của các cô cậu học trò: "Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên." Ở đây, ta có thể thấy được cái nhìn toàn diện của nhà thơ đối với đất nước, ông có hiểu biết sâu sắc về dài đất hình chữ S thông qua những hình ảnh đặc trưng, những danh lam thắng cảnh mà nhà thơ sử dụng. Phải yêu đất nước, có tình cảm gắn bó sâu sắc với đất nước thì nhà thơ mới có thể thấy hết các phương diện của quê hương như vậy.
Khổ thơ cuối, nhà thơ tiếp tục nhấn mạnh công lao của những người làm ra đất nước:
"Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"
Đất nước đã trải qua bốn nghìn năm lịch sử với các thế hệ khác nhau, có những người anh hùng được cả dân tộc nhớ đến cho đến tận ngày nay, cũng có những người anh hùng không tên không tuổi làm nên đất nước. Nhà thơ muốn khẳng định rằng, chính nhân dân đã làm ra đất nước, dù là bất cứ ai, họ đã đóng góp hết sức mình cho dân tộc mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. "Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh" cả những người phụ nữ chân yếu tay mềm, khi có giặc ngoại xâm thì cũng vùng lên mãnh liệt, họ cho đi cả cuộc sống của mình mà không cần nhận lại, không cần đất nước phải chạm khắc ghi tên. Do đó, đất nước này chính là của nhân dân:
"Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại"
Hai câu thơ ngắn nhưng chứa đựng tư tưởng của toàn bài thơ, cũng là triết lí của tác giả. Nhân dân, người sống trên đất nước, người tạo dựng ra đất nước, đánh giặc để bảo vệ đất nước, đưa đất nước phát triển chính là chủ nhân của đất nước này. Sẽ thật vô lí nếu như đất nước không phải của nhân dân, bởi lợi ích của nhân dân chính là mục tiêu của đất nước. Đất nước còn là của ca dao thần thoại, những thứ đã nuôi nấng tuổi thơ của mỗi chúng ta, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Bởi những câu ca dao truyền miệng từ xa xưa đã là sợi dây gắn kết các thế hệ, gắn kết tình làng nghĩa xóm, từ đời này sang đời khác.
Tóm lại, bài thơ Đất nước đã làm nổi bật lên tư tưởng: "Đất nước của nhân dân" bằng những lời thơ giản dị, đi vào lòng người của tác giả. Tư tưởng này được sự đón nhận và thừa nhận của người đọc, nó không những cho thấy vai trò của nhân dân đối với đất nước mà còn khẳng định nếu không có nhân dân thì không thể có đất nước. Không có nhân dân thì không có được mọi thứ tốt đẹp như ngày hôm nay.
Tình cảm đối với quê hương, đất nước là một đề tài không mới trong nền văn học Việt Nam nhưng mỗi khi nhắc đến chủ đề này, ta không thể nào không nhắc đến bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ tuy không sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật sâu xa, sắc bén nhưng lại đi vào lòng người nhờ những hình ảnh bình dị, hồn nhiên đến lạ. Đọc bài thơ, ta mới hiểu được vì sao chất thơ Nguyễn Khoa Điềm lại là một chất thơ quyến rũ bạn đọc đến như vậy.
Thông qua bài Phân tích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, hy vọng các bạn học sinh sẽ đạt được kết quả cao trong bài kiểm tra sắp tới. Chúc các bạn học tốt!
Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.
Nguồn : timviec365.vnLớp 12 - Năm cuối ở cấp tiểu học, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kì vọng của người thân xung quanh ta. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng. Hãy tin vào bản thân là mình sẽ làm được rồi tương lai mới chờ đợi các em!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAPSGK