Đề bài phân tích bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt đã từng hai lần được đưa vào kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Hiểu được sự quan trọng của bài thơ cũng như tâm lí của các bạn học sinh, mời các bạn tham khảo bài phân tích bài thơ Bếp lửa lớp 9 sau đây:
Bài làm
Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ của ông toát lên vẻ đẹp đằm thắm, mượt mà khi viết về những kỉ niệm với gia đình, với lứa tuổi học trò hồn nhiên, mơ mộng. Nổi bật nhất trong các sáng tác của ông là bài thơ Bếp lửa, được sáng tác năm 1963 khi tác giả đang học tập tại Liên Xô. Nhớ bà và nhớ những kỉ niệm về bà, Bằng Việt đã viết bài thơ này, nó được trích trong tập Hương cây - Bếp lửa cùng với Lưu Quang Vũ. Đọc bài thơ, ta có thể cảm nhận được tình cảm thắm thiết của người cháu dành cho bà cũng như nỗi nhớ bà khôn nguôi của tác giả.
Hình ảnh bà hiện ra trong kí ức của nhà thơ là ở trong căn bếp của bà:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm"
Từ láy "chờn vờn" trong hình ảnh bếp lửa gợi liên tưởng đến trong kí ức của người cháu hình ảnh bà và bếp lửa của bà hiện về chập chờn như khói bếp. Điệp từ "Một bếp lửa" có tác dụng nhấn mạnh cái bếp lửa để nấu cơm, đun nước hằng ngày cũng như là bếp lửa của cuộc đời bà, đã trải qua biết mấy nắng mưa: "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Từ chỉ số lượng "một" khắc họa rõ nét hình ảnh bếp lửa của một người bà yêu thương cháu, một mình bà chứ không phải ai khác. Chính trong cái bếp lửa "ấp iu nồng đượm" ấy, người cháu được sống trong tình yêu thương của bà, được bà chở che cả tuổi thơ, cho nên tác giả rất yêu thương người bà của mình.
Nhà thơ gắn liền với một tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn trong những năm tháng hai bà cháu sống cùng nhau:
"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!"
Tác giả là một trong những đứa trẻ phải trải qua những năm tháng vất vả, cơ cực đến mức đói mòn, đói mỏi của cả dân tộc. Hình ảnh khói bếp của bà được nhắc đến trong suốt khổ thơ cho thấy sự thấm sâu vào tâm hồn đứa trẻ của khói bếp. Chính những năm tháng vất vả, thiếu thốn ấy, nhà thơ mới càng thêm trân trọng tình cảm của bà dành cho mình. Nghĩ về những điều đó, nhà thơ thấy sống mũi cay cay, như rưng rưng xúc động trước một quá khứ gian khổ nhưng thấm đẫm tình yêu thương của bà.
Những kỉ niệm về bà được tác giả kể lại lần lượt ở những câu thơ tiếp theo:
"Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà?
Bà thường kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!"
Tám năm là một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để hình thành nên tuổi thơ của mỗi con người. Trong tám năm ở cùng với bà đó, nhà thơ đã trải qua biết bao nhiêu kỉ niệm cùng với bà. Hình ảnh tiếng tu hú kêu như giục giã những cây lúa ngoài đồng mau chín, để bà con người nông dân không phải chịu đựng cái đói thêm một ngày nào nữa. Và khi tu hú kêu cũng là lúc người cháu được nghe bà kể chuyện của bà ngày trước, là những thứ tạo nên kí ức ngày hôm nay của tác giả. Từ "tu hú" được lặp lại đến ba lần với tiếng kêu tha thiết, như đang vang vọng đâu đây trong kí ức của tác giả. Kí ức ấy không hề đầy đủ cả mẹ và cha:
"Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học"
Dù nhà thơ phải chịu sự thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng bù lại vẫn nhận được sự yêu thương vô bờ của bà. Bà đã thay cha mẹ dạy dỗ cháu nên người, bà dạy cho cháu làm những công việc nhà, bà bảo ban cháu cố gắng học tập. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương, sự chở che, đùm bọc của bà dành cho cháu. Đến đây, nhà thơ lại bộc lộ cảm xúc thương xót cho sự vất vả, khó nhọc của bà:
"Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?"
Bếp lửa của cuộc đời bà khơi dậy trong tâm hồn người cháu một tình yêu thương bà tha thiết, một sự biết ơn đối với bà. Bếp lửa còn gắn liền với tiếng tu hú. Hình ảnh "tu hú" lại được lặp lại cho thấy nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhà thơ, khi nhớ về bà và bếp lửa của bà thì nhà thơ cũng nhớ tới âm thanh của con tu hú. Tiếng tu hú kêu da diết, khắc khoải như khiến cho tác giả nhớ về những kỉ niệm ngày xưa.
Nếu ở trong những dòng thơ đầu, nhà thơ tái hiện lên cho người đọc những hình ảnh và kỉ niệm của tác giả với bà và bếp lửa của bà thì ở những dòng thơ sau, nhà thơ Bằng Việt lại làm hiện lên những kí ức đau thương mà có lẽ cho đến hiện tại, tác giả vẫn khó có thể quên được:
"Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng mà dặn cháu đinh ninh
"Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!"
Sống nương tựa nhau cùng với bà, nhưng hai bà cháu không hề cô độc, mà họ còn có những người hàng xóm láng giềng tận tâm, rộng lượng giúp đỡ nhau trong lúc gian khó. Vì vậy mà hai bà cháu mới có thể vượt qua, cùng dựng lại căn nhà cũ. Trong khó khăn, bà vẫn không quên dặn cháu đừng cản trở người đang làm nhiệm vụ. Bà nhắc nhở cháu đừng khiến cho bố phải thêm lo lắng, phiền lòng, không yên tâm mà đánh giặc. Chi tiết này không chỉ cho thấy tình cảm của bà, mà còn thể hiện lên suy nghĩ thấu đáo của người bà đối với công cuộc, sự nghiệp lớn lao của đất nước.
Ba câu thơ tiếp theo vẫn là hình ảnh bếp lửa, nhưng nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:
"Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng"
Bà lại tiếp tục với công việc nhóm bếp lửa hằng ngày, chỉ có điều, ta thấy được sự bất diệt trong bếp lửa của bà. Bếp lửa ấy không bao giờ tắt, vì bà luôn luôn có niềm tin rằng ngày chiến thắng nhất định sẽ đến. Niềm tin của bà không một thứ gì có thể dập tắt được, nó là niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Khổ thơ tiếp theo cho thấy hình ảnh người bà tận tụy, vất vả càng thấm sâu vào lòng người đọc:
"Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm niềm xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ"
Cả cuộc đời bà tần tảo nuôi nấng cháu, biết bao nhiêu mưa nắng không màng. Hình ảnh ẩn dụ: nắng, mưa gợi lên bao khó nhọc của cuộc đời bà. Bà dành cả cuộc đời bên bếp lửa, để nhóm lên bao yêu thương đong đầy. Từ những củ khoai, sắn trong những ngày đói khổ đến khi no đầy với nồi xôi thơm ngon. Bà còn nhóm dậy trong tâm thức của tác giả những kí ức gian khó mà nghĩa tình. Đến đây, nhà thơ phải thốt lên: "Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!" Bếp lửa của bà kì diệu biết bao nhiêu, nó không chỉ là một bếp lửa, một vật dụng thông thường mà còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa.
Khổ thơ cuối là lời tự nhắc nhở của tác giả đối với bà:
"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà. Niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?
Quá khứ luôn là một bàn đạp để mở ra tương lai. Nhờ có bà và sự chăm sóc, nuôi dạy của bà mà cháu mới có thể được như ngày hôm nay. Vì lẽ đó, dù cháu có đang ở một nơi hiện đại, tiện nghi, đủ đầy, cháu vẫn không bao giờ quên những năm tháng ở cùng bà. Tình cảm yêu thương, trân trọng, biết ơn bà của tác giả khiến cho mỗi chúng ta không khỏi cảm động. Đồng thời, ta hiểu thêm được về tình cảm gia đình trong những năm tháng chiến tranh hào hùng, oanh liệt của dân tộc.
Bài thơ là nỗi nhớ của tác giả về bà và những kỉ niệm cùng bà trong những năm tháng tuổi thơ, nó cũng là lời tự nhắc nhở của tác giả đối với chính mình, rằng không bao giờ được lãng quên đi quá khứ. Nhà thơ Bằng Việt đã rất khéo léo khi lồng ghép hình ảnh bếp lửa với hình ảnh người bà, làm cho người đọc bị cuốn vào dòng kí ức của tác giả tự lúc nào không hay, để rồi nhận ra bao ý nghĩa, bao điều tốt đẹp từ bài thơ.
Với bài phân tích bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt, hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn. Chúc các bạn học tốt!
Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.
Nguồn : timviec365.vnLớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!
Nguồn : ADMIN :))Copyright © 2021 HOCTAPSGK