Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Hướng dẫn giải

      Có những kỉ niệm hóa thành động lực, sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, giông bão trong cuộc đời. Bằng Việt cũng mang trong mình những kỉ niệm tuổi thơ mà mãi mãi ông không bao giờ quên, ấy là kỉ niệm về bếp lửa và người bà mà ông yêu quý nhất. Tất cả những tình cảm đẹp đẽ, chân thành ấy đã được ông tái hiện đầy đủ nhất trong bài thơ Bếp lửa.

      Bài thơ được sáng tác khi ông mới mười chín tuổi và đang du học ở Liên Xô. Những năm tháng xa quê hương, xa gia đình nỗi nhớ luôn thường trực trong ông chính là nỗi nhớ về người bà đáng kính. Tình cảm và kỉ niệm của hai bà cháu được gợi lên bởi một hình ảnh thật mộc mạc, thân thương :

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấm iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

      Hình ảnh bếp lửa là hình ảnh gần gũi thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam xưa. Nó thường gắn liền với người bà, người mẹ sớm hôm tần tảo nuôi con, chăm sóc gia đình. Hình ảnh những ngọn lửa chờn vờn, chập chờn trong sương sớm khơi gợi kí ức về người bà thân thương. Hai chữ ấp iu thật khéo kéo và tài tình. Chỉ hai chữ mà vừa gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo vừa thể hiện tấm lòng chi chút của người bà. Thật tự nhiên và chân thành hình ảnh bếp lửa đã làm trỗi dậy tình yêu thương bà trong cháu: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương sâu sắc ấy được bộc lộ trực tiếp, không giấu giếm, thương bà với biết bao vất vả, khó nhọc, thương bà một đời lam lũ, hi sinh cho gia đình.

      Bốn khổ thơ tiếp theo tương ứng với những kỉ niệm thời thơ ấu khi nhà thơ được sống bên bà, đó là những kỉ niệm ấm áp, tạo thêm động lực, sức mạnh cho tác giả. Đó là kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với nạn đói 1945 khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Nạn đói khủng khiếp ấy đã được tác giả tái hiện đầy chân thực qua từ đói mòn đói mỏi . Từ mòn mỏi được tách ra làm đôi nhấn mạnh hơn nữa nạn đói rợn người, khiến biết bao nhiêu người chết. Khi ấy gia đình tác giả cũng chẳng khá khẩm hơn, hình ảnh Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy đã phần nào nói lên cái khó khăn, thiếu thốn ấy. Và với đứa cháu ngoài những năm đói khổ đó mùi khói bếp của bà hun nhèm mắt đến giờ vẫn không thể quên, mỗi lần nghĩ lại sống mũi còn cay. Cay có thể vì khói bếp, vì tuổi thơ cơ cực, cũng có thể là nỗi xúc động của tác giả khi nhớ về bà.

      Không chỉ vậy, trong dòng nhớ thương, tác giả nhớ những kỉ niệm về bếp lửa, về tám năm được sống bên bà. Đó là tám năm cháu được sống trong tình yêu thương, sự che chở, đùm bọc của bà. Bà chính là người dạy dỗ cháu nên người Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học. Hàng loạt các từ bảo, chăm, dạy được tác giả liệt kê trong hai câu thơ ngắn ngủi đã cho thấy tình yêu thương bao la, sâu sắc của bà dành cho cháu. Trước tấm lòng của bà, người cháu nhỏ thầm cảm ơn, và thể hiện tấm lòng yêu quý kính trọng với bà: Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc. Trong chuỗi kỉ niệm ấy, còn có cả tiếng chim tu hú tha thiết, khắc khoải, tiếng chim cũng là âm thanh để nhắc về bà, về những kỉ niệm đẹp đẽ khi được sống bên bà. Câu hỏi tu từ: Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà/ Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa, đã phần nào diễn tả được nỗi nhớ da diết, khôn nguôi của tác giả về người bà mình hằng yêu quý, kính trọng.

      Đọng lại trong kí ức cháu không chỉ là một người bà dành trọn tình yêu thương cho cháu, mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp con cháu vượt qua mọi khó khăn, mất mát: Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi/…/ Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh:/ Bố ở chiến khu, bố còn việc bố/ mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên. Bà đối mặt với bom đạn, mất mát, với những khó khăn thiếu thốn không một lời than thở, oán trách, vẫn vững lòng, một mực giấu đi những gian truân để con ở ngoài chiến trường yên tâm công tác. Bà là tiểu tượng của lòng can đảm, đức hi sinh thầm lặng. Bà là chỗ dựa cho cháu có tuổi thơ bình yên, cho những đứa con yên tâm làm việc.

      Giữa đống tro tàn mất mát, đau thương bà vẫn nhóm lên ngọn lửa tin yêu và hi vọng: Rồi sớm rồi chiều bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng. Thời gian sớm chiều cho thấy sự bền bỉ, kiền trì của bà. Ở đây có sự chuyển hóa từ bếp lửa thành ngọn lửa, ngọn lửa ấy chứa đựng lòng yêu thương chan chứa của bà; ngọn lửa còn là đức tin trong sáng bất diệt; hơn thế nữa, ngọn lửa đó sẽ là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn, và tương lai cháy sau này. Bà là kí ức đẹp đẽ, bà là người đã thắp lên trong cháu niềm tin và tương lai cao cả.

      Khổ thơ cuối là những suy ngẫm của tác giả về bà. Những suy ngẫm về vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại, suốt một đời lận đận, hi sinh vì con cháu. Điệp từ nhóm được điệp lại nhiều lần, vừa gợi lên ánh lửa bập bùng vừa cho thấy sự bền bỉ trong lòng bà. Bà nhóm lên tình yêu thương cao cả trong cuộc đời đầy thiếu thốn. Nhóm lên ngọn lửa tâm hồn để cháu biết trân trọng khoai sắn ngọt bùi. Câu thơ Ôi ! Kì lạ và thiêng liêng bếp lửa diễn tả cảm xúc mãnh liệt của tác giả về bếp lửa và sức mạnh mà nó trao thuyền cho mỗi con người. Bếp lửa còn là nguồn cội gia đình, quê hương, đất nước. Cũng bởi vậy mà những năm tháng xa nhà hình ảnh và hơi ấm bếp lửa vẫn luôn luôn bên tác giả, để Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở : - Sớm mai này nhóm bếp lửa lên chưa.

      Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm và bình luận. Ngôn ngữ thơ giản dị và tràn đầy cảm xúc. Hình ảnh thơ chân thực, giàu ý nghĩa biểu tượng đặc biệt là hình ảnh bếp lửa, hàm chứa ý nghĩa triết lí sâu sắc.

      Bài thơ Bếp lửa với ngôn từ giản dị mà giàu cảm xúc đã gợi lại những kỉ niệm thiêng liêng, đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó còn thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng sâu sắc của tác giả với bà. Đồng thời qua tác phẩm tác giả cũng thể hiện tình yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu đậm.

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK