Trang chủ Lớp 9 Soạn văn Lớp 9 SGK Cũ Hoàng lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái Phân tích hình tượng nhân vật vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong "Hoàng Lê nhất thống chí"

Phân tích hình tượng nhân vật vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong "Hoàng Lê nhất thống chí"

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

Đề bài

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong "Hồi thứ mười bốn" trích "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô gia văn phái.

Hướng dẫn giải

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi về cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? – Chế Lan Viên)

   Với hơn bốn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu là những đau thương, mất mát trước vó ngựa xâm lăng của kẻ thù. Và truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng dân tộc cũng được tạo nên rồi liên tục được phát huy từ đó. Bên cạch các anh hùng dân tộc như Lí Thường Kiệt chống Tống, Hưng Đạo vương chống quân Nguyên Mông, Nguyễn Trãi chống giặc Minh thì chúng ta phải kể tới vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong cuộc chiến đấu chống lại hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược hung hãn, khét tiếng. Hình tượng nhân vật vua Quang Trung với bao nhiêu những phẩm chất tuyệt vời của một nhà quân sự lãnh đạo tài ba, văn võ song toàn đã đi vào "Hồi thứ 14" trong "Hoàng Lê nhất thống chí" thật cụ thể, thật sống động và chân thực, gây ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc.

   Dưới ngòi bút của nhà văn, người đọc như đang sống lại những giờ phút đau thương của lịch sử dân tộc khi mà vào cuối năm Mậu Thân 1788, đầu năm Kỉ Dậu 1789, vua Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Ngày 22 tháng 11, Tôn Sĩ Nghị chiếm được thành Thăng Long, tướng Ngô Văn Sở phải tạm thời rút lui về Tam Điệp để phòng thủ. Đứng trước vận mệnh lịch sử Việt Nam "ngàn cân treo sợi tóc", Nguyễn Huệ hiện lên như một vị cứu tinh chói lọi của dân tộc ta thờ kì đó. Nhận được tin báo Nguyễn Huệ giận lắm, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Chỉ trong vòng hơn một tháng trời, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc: Ngày 25 lên ngôi hoàng đế, "tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi", rồi đốc thúc đại quân tiến ra Bắc; ngày 29 tới Nghệ An, nhà vua cho tuyển thêm quân sĩ và mở một cuộc duyệt binh lớn, thu nạp được hơn một vạn quân tinh nhuệ; sau đó đưa ra lời phủ dụ, vạch rõ âm mưu và sự tàn độc của quân xâm lược phong kiến phương Bắc, nêu cao truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc và đưa ra lời hiệu triệu kêu gọi các quân sĩ "đồng tâm hiệp lực, để dựng lên công lớn". Lời phủ dụ như sấm truyền bên tai, như một lời hịch mang âm hưởng vang vọng của sông núi, kích thích lòng yêu nước và truyền thống anh hùng của dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, nhà vua còn hoạch định kế hoạch hành quân "lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đánh đuổi được người Thanh" rồi chia quân sĩ ra làm năm đạo". Hôm đó là ngày 30 tháng chạp, vua cho tổ chức mở tiệc khao quân , hẹn đến ngày mồng bảy năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng...Qua đó, ta thấy vua Quang Trung - Nguyễn Huệ hiện lên là một con người có hành động mạnh mẽ, xông xáo, có trí tuệ sáng suốt trong nhận định tình hình địch ta và là người biết nhìn xa trông rộng, chưa thắng nhưng nhà vua đã nghĩ tới quyết sách ngoại giao, kế hoạch hòa bình trong mười năm tới.

   Tác giả đã mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa diễn ra: "Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vảo mặt hắn. Thấy hắn trở tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét". Lời nhận xét đó không phải là không có căn cứ. Điều này được thể hiện rất rõ, rất chân thực, cụ thể trong cuộc điều binh khiển tướng trực tiếp của nhà vua. Trong chiến trận, vua Quang Trung hiện lên oai phong, lẫm liệt, có tài thao lược hơn người. Nhà vua đích thân cầm quân, tự mình đốc suất việc quân, tổ chức chiến dịch với cuộc hành quân thần tốc nổi tiếng trong lịch sử. Ngày 25 tháng chạp xuất quân ở Phú Xuân (Huế), một tuần sau đã đến Tam Điệp, đêm 30 tháng chạp đã "lập tức lên đường", tiến ra Thăng Long. Tất cả đều là đi bộ. Từ Tam Điệp trở ra, vừa hành quân vừa đánh giặc, giữ bí mật, bất ngờ. Hành quân xa liên tục và gấp gáp nhưng đội quân của nhà vua vẫn chỉnh tề, đội quân đó không phải toàn là lính thiện chiến (có cả lính mới) nhưng dưới bàn tay chỉ huy của Quang Trung đã trở thành đội quân dũng mãnh, như "tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên" quân đi đến đâu, giặc bị tiêu diệt tới đó. Lúc đi đến sống Gián và sông Thanh Quyết, toán quân Thanh vừa trông thấy bóng nhà vua đã "tan vỡ chạy trước"; tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc vua lặng lẽ cho vây kín làng rồi dùng mưu bắc loa truyền gọi khiến quân Thanh "ai nấy đều rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực, khí giới đều bị quân Nam lấy hết"; sáng mùng 5 tết tiến sát đồn Ngọc Hồi, đề phòng trước mũi súng của giặc, vua Quang Trung đã sai quân lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, cứ mười người một bức, lưng giắt dao ngắn, theo sau là hai mươi người cầm binh khí dàn thành chữ "nhất" tiến thẳng vào đồn. Vì thế, súng giặc bắn ra đều vô tác dụng. Nhân có gió bắc, quân Thanh dùng súng ống phun khói lửa ra, khói tỏa mù trời, hòng làm quân ta rối loạn, không ngờ bỗng trời trở gió nam ngược lại, thành ra quân Thanh tự hại mình. Trước tình thế nghìn năm có một ấy, nhà vua liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che, xông thẳng lên phía trước, gươm giáo chạm nhau thì vứt ván xuống đất cứ nấy dao ngắn thủ sẵn trong tay áo mà chém. Kết quả, quân Thanh "thây nằm đầy đống, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại". Thừa thắng xông lên, vua Quang trung lẫm liệt, oai phong cưỡi voi tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào trưa ngày mùng 5 tết Kỉ Dậu – trước kế hoạch hai ngày. Giặc bỏ chạy, vua cho phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, vây quân Thanh ở Quỳnh Dô, giặc chạy xuống đầm Mực, cuối cùng bị quân Tây Sơn " lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người". Tôn Sĩ Nghị ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, sợ mất mật, nhằm hướng bắc mà chạy. Sầm Nghi Đống thì treo cổ tự vẫn; quan quân nhà Thanh lũ lượt, kinh hoàng bạt vía tan tác bỏ chạy, tranh nhau xô đẩy mà rơi xuống sông đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn...Hình ảnh nhà vua lẫm liệt trên lưng voi chỉ huy các trận đánh, dũng mãnh, tài ba được khắc họa nổi bật và là linh hồn của chiến công vĩ đại của dân tộc. Đây là hình ảnh người anh hùng chiến trận đẹp vào bậc nhất trong văn học trung đại Việt Nam.

   Tóm lại "Hoàng Lê nhất thống chí" và "Hồi thứ 14" không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị văn học độc đáo, rất tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi. Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả "Hoàng Lê nhất thống chí" đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh. Đây chính là nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật - một trong các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm.

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK