Trang chủ Lớp 12 Ngữ văn Lớp 12 SGK Cũ Tuần 27 Ngữ Văn 12 Soạn bài Số phận con người của M. Sô-lô-khốp - Ngữ văn 12

Soạn bài Số phận con người của M. Sô-lô-khốp - Ngữ văn 12

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

2. Tóm tắt nội dung bài học 

2.1. Nội dung

  • Số phận con người tập trung khám phá nỗi bất hạnh của con người sau chiến tranh. Nhưng tác giả vẫn giữ niềm tin ở tính cách Nga kiên cường cũng như lòng tin ở cuộc sống bao dung.

2.2. Nghệ thuật

  • Cách kể chuyện giản dị nhưng chứa đựng sức khái quát rộng lớn và sâu sắc.
  • Nhân vật được miêu tả giàu cá tính và sinh động.

3. Soạn bài Số phận con người chương trình chuẩn

3.1. Soạn bài tóm tắt

3.2. Soạn bài chi tiết

Câu 1: Hoàn cảnh và tâm trạng An-đrây Xô-cô-lốp sau khi chiến tranh kết thúc và trước khi gặp bé Va-ni-a được miêu tả như thế nào?

  • Hoàn cảnh
    • Sau khi chiến tranh kết thúc, An-đrây Xô-cô-lốp rơi vào một hoàn cảnh thật đáng thương do những mất mát của chiến tranh mang lại – cho dù đó là một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống phát xít Đức:
    • Bản thân anh hai lần bị thương vào tay và chân, hai năm bị đày đọa trong các trại tù binh Đức với những cực hình vô nhân đạo mà mỗi lần nghĩ tới “thì tim tôi không còn trong lồng ngực nữa mà nhảy lên đập ở cuống họng và tôi thấy ngạt thở”.
    • Vợ và hai con gái anh bị bom phát xít giết hại từ giữa năm 1942.
    • Niềm hi vọng cuối cùng giúp anh bám víu vào cuộc đời này là A-na-tô-li, đứa con trai yêu quý bị “một tên thiện xạ Đức” giết chết ngay ngày chiến thắng.
  • Tâm trạng
    • Anh cảm thấy cuộc đời không còn gì nữa, tâm trạng trống rỗng, hụt hẫng, cô đơn: “Trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra…Tôi trở về đơn vị như người mất hồn.
    • Anh không còn quê, không còn nhà, không còn người thân, phải sống nhờ nhà người đồng đội cũ à Sống trong nỗi đau khổ, thất vọng và cô đơn.
    • Anh tìm đến chén rượu để dịu bớt nỗi đau: “Phải nói rằng tôi đã thật sự say mê cái món nguy hại ấy!”à Bị đẩy vào tình cảnh bế tắc, anh suýt rơi vào nguy cơ nghiện rượu.

Câu 2: Việc An-đrây Xô-cô-lốp nhận bé Va-ni-a làm con nuôi tác động lớn lao đến hai cha con như thế nào? Tâm hồn ngây thơ của bé Va-ni-a và lòng nhân hậu của An-đrây Xô-cô-lốp được biểu hiện như thế nào?  Điểm nhìn của người kể chuyện có giống điểm nhìn của nhân vật không?

  • Giữa lúc đang lâm vào tâm trạng buồn đau, bế tắc, Xô-cô-lốp đã gặp bé Va-ni-a cũng là nạn nhân đáng thương của chiến tranh. Tác giả tả việc Xô-cô-lốp nhận Va-ni-a làm con nuôi rất sâu sắc và xúc động. Việc làm đó đã tác động sâu sắc đến cả hai người:  một đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người lính già đã mất hết người thân vì chiến tranh.
  • Tâm hồn ngây thơ của bé Va-ni-a và lòng nhân hậu của An-đrây Xô-cô-lốp được biểu hiện một cách tương hợp hết sức cảm động:
    • Xô-cô-lốp:
      • Xô-cô-lốp cảm thương cho tình cảnh của chú bé, anh lập tức quyết định nhận bé làm con nuôi → đây là quyết định có tính chất bộc phát, hồn nhiên, không có một chút suy tính hay tư lợi nào, một quyết định xuất phát từ tình yêu thương thật sự.
      • Xô-cô-lốp yêu thương bé Va-ni-a rất mực: anh luôn tận tâm chăm sóc đứa con một cách vụng về nhưng rất đáng yêu → tình thương bộc trực của người cha đau khổ và hạnh phúc.
      • Có bé Va-ni-a, anh thấy mình như được hồi sinh: anh thấy mọi thứ như bắt đầu “trở nên êm dịu hơn” → chính lòng nhân ái đã giúp anh vượt qua cô đơn.
    • Va-ni-a
      • Khi được Xô-cô-lốp nhận làm con, Va-ni-a vô cùng sung sướng và xúc động:
        • “Nhảy chồm lên cổ tôi, hôn vào má, vào môi, vào trán”.
        • “Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió”.
        • Cậu vô cùng vui vẻ, hồn nhiên, gắn bó, quyến luyến chẳng rời người bố: áp sát vào người, ôm chặt lấy cổ, áp chặt má, bố đi vắng thì “khóc suốt từ sáng đến tối”.
  • Tình cảm giữa họ là tình cảm chân thành thắm thiết của hai con người đều phải chịu nhiều mất mát lớn lao trong chiến tranh. Họ gặp nhau một cách ngẫu nhiên nhưng khi gặp nhau rồi thì gắn bó khăng khít với nhau, bù đắp cho nhau.
  • Điểm nhìn của tác giả và nhân vật Xô-cô-lốp hoàn toàn trùng khớp nhau:
    • “Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh” → đó là một điểm nhìn chan chứa yêu thương, hướng tới cuộc sống bình yên, tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, đậm đà giá trị nhân đạo.

Câu 3: An-đrây Xô-cô-lốp đã vượt lên nỗi đau và sự cô đơn như thế nào?

  • Cuộc đời cô đơn, đau khổ của An-đrây Xô-cô-lốp với những khó khăn chồng chất đã được nhà văn miêu tả hết sức sinh động và chân thực.
  • Xe anh quét nhẹ phải con bò nhưng anh bị tước bằng, bị mất việc, phải đi phiêu bạt để kiếm sống.
  • Thể chất anh cũng dần yếu đi: “trái tim tôi đã suy kiệt, đã chai sạn vì đau khổ...”, “có khi tự nhiên nó nhói lên, thắt lại và giữa ban ngày mà tối tăm mặt mũi...”
  • Nỗi đau ám ảnh anh không dứt: “hầu như đêm nào ... cũng chiêm bao thấy nhưng người thân quá cố”, đêm nào thức giấc gối “cũng ướt đẫm nước mắt”

⇒ Anh đã và đang gánh chịu những nỗi đau không gì bù đắp nỗi, thời gian cũng không xoa dịu được vết thương lòng. Anh đã cứng cỏi nuốt thầm giọt lệ để cho bé Va – ni – a không phải khóc.

Câu 4: Nhận xét về thái độ của người kể chuyện. Ý nghĩa của lời trữ tình ngoại đề ở cuối tác phẩm.

  • Thái độ của người kể chuyện
    • Nhà văn tin tưởng vào một thế hệ tương lai qua hình ảnh chú bé Va-ni-a: nghĩ rằng con người nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách…Nhà văn tin vào sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến thầm lặng to lớn của những An-đrây Xô-cô-lốp nói riêng và con người Nga nói chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
  • Đoạn trữ tình ngoại đề ở cuối tác phẩm là lời nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội đối với mỗi số phận cá nhân bất hạnh ⇒ đoạn văn thể hiện tập trung ý nghĩa tư tưởng của cả đoạn trích.

Câu 5: Theo anh (chị) qua đoạn trích này, Sô-lô-khốp nghĩ gì về số phận con người?

  • Tác giả thể hiện nghị lực kiên cường của Xô – lô – cốp trong cuộc đời thường đầy khó khăn sau chiến tranh.
  • Hoàn cảnh đau khổ ghê gớm về tinh thần càng làm nổi bật tấm lòng nhân đạo của anh. Trái tim anh rực sáng trong thế giới còn đầy hận thù và đau khổ.

⇒ Truyện khám phá và ca ngợi tính cách Nga “con người có ý chí kiên cường” và lòng nhân ái.

  • Tác giả còn miêu tả con người bình thường với phẩm chất yêu nước tiềm tàng, thầm lặng.
  • Khi chia tay với hai cha con Xô-lô-lốp, tác giả nghĩ ngay tới “hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng cuả bão tố chiến tranh thổi bạt tới những mền xa lạ”.
  • Sô-lô-khốp nhắc nhở và kêu gọi sự quan tâm của xã hội đối với nhân cách con người và góp tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa.

⇒ Tác giả dũng cảm nói lên sự thật, không sợ màu sẫm và gai góc.

Trên đây là những gợi ý trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK để giúp các em soạn bài Số phận con người của M. Sô-lô-khốp được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức đã học và làm bài được tốt hơn, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Số phận con người.

4. Soạn bài Số phận con người chương trình Nâng cao

Mod Ngữ văn sẽ cập nhật bài soạn này trong thời gian sớm nhất!

5. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: Tìm cái mới của truyện ngắn Số phận con người trong việc miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

  • Truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khốp là cột mốc, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của văn học Xô viết. Sô-lô-khốp thể hiện cách nhìn mới và cách mô tả mới hiện thực cuộc sống vô cùng phức tạp trong chiến tranh.
  • Tác giả đã sáng tạo hình tượng người anh hùng kiểu mới mang trên vai trách nhiệm nặng nề trước sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Xô viết, trước sự nghiệp hòa bình và an ninh của toàn nhân loại.
  • Sô-lô-khốp miêu tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó, trong “đau khổ, chết chóc, máu me”. Nhân dân liên xô đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hi sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng loài người khỏi nạn diệt chủng của bọn phát xít.
  • Nhân vật Xô-cô-lốp, với thời gian cầm súng không nhiều, đã phải vượt qua bao gian khổ của thời chiến cũng như thời bình. Đó là người anh hùng vô danh, người chiến sĩ kiên cường với một trái tim nhân hậu.
  • Đặc sắc nghệ thuật của truyện: cách xây dựng kết cấu truyện lồng trong truyện, cách kể chuyện, tả cảnh, vẽ chân dung, phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật. Sự ngưỡng mộ và cảm thông của nhà văn được gửi gắm qua phong cảnh, cách miêu tả và lời trữ tình ngoại đề của người kể chuyện.

Câu 2: Tưởng tượng và viết một đoạn văn về cuộc sống tương lai của hai bố con An-đrây Xô-cô-lốp.

  • Các em có thể tưởng tượng những chi tiết về cuộc sống sau này của hai cha con Xô-cô-lốp. Những chi tiết nên thể hiện niềm tin vào hạnh phúc sau này của họ.
  • Dưới đây là đoạn văn tham khảo:

Trong giấc ngủ, đôi khi Xô-cô-lốp vẫn bị những cơn ác mộng hành hạ. Anh thấy vợ và những đứa con thân yêu của mình đang tươi cười vẫy gọi, anh sung sướng lao về phía họ. Đột nhiên, một tiếng nổ rung trời vang lên. Anh sững sờ. Trước mặt anh, thân thể những người yêu thương nhất đã tan ra từng mảnh. Đến đây, anh hốt hoảng dựng phắt mình dậy, mồ hôi vã ra và hơi thở hổn hển như người bị ngạt thở. “Bố! Bố làm sao vậy? Con thấy bố la hét và vung chân tay mãi thôi. Con lay bố gọi bố mấy lần mà bố không chịu dậy!”. Nghe tiếng bé Va-ni-a, cái âm thanh nũng nịu, trong trẻo và ngây thơ khiến lòng anh dịu lại. Không thấy bố đáp lời, Va-ni-a lo lắng đặt tay lên người bố: “Có phải bố mơ thấy những con gà tây không? Chúng đuổi bố à?”. Xô-cô-lốp bất giác mỉm cười và gật đầu. Va-ni-a lỏn lẻn cười dang đôi tay tí xíu ôm lấy thân hình to lớn của Xô-cô-lốp: “Thế từ giờ khi đi ngủ con cứ ôm bố thế này nhé! Con sẽ bảo vệ bố, con cũng không đạp chân vào mặt bố đâu, bố đừng lo!”. Và thế là hai bố con ôm nhau nằm ngủ. Cái thân hình bé nhỏ, non nớt của Va-ni-a như một mảnh lụa êm ái, ấm áp phủ lên vết thủng đen đúa, đáng sợ tưởng không gì may vá lại được trên trái tim Xô-cô-lốp. Có Va-ni-a như thế, hàng đêm,  mộng mị dần tan biến, Xô-cô-lốp nghĩ đến việc kể những câu chuyện cổ tích ru con – và cũng là ru mình ngủ. Những truyện cổ dân gian Nga thuần hậu, những câu chuyện cổ tích của Pus-kin, truyện cổ tích An-đéc-xen anh kể ra mà chính anh cũng thấy thích thú, như được biết đến lần đầu. Dĩ nhiên, Xô-cô-lốp làm sao nhớ hết được, anh cũng thêm thắt ít nhiều, nhưng điều đó có hề gì với một đứa bé như Vani-a! Chú bé chỉ háo hức đợi chờ những chú bé nghèo khổ trở thành hoàng tử và được lấy nàng công chúa xinh đẹp, ngoan hiền. Thỉnh thoảng, chú lại thắc mắc hỏi han bố về vùng biển của những nàng tiên cá, về lâu đài trên cát, về những đôi hài vạn dặm… Xô-cô-lốp trả lời câu hỏi của con trai khá rành mạch, đến nỗi nhiều khi anh thấy ngạc nhiên như chính mình đã từng đến những nơi đó. Sau những câu chuyện như thế, tâm hồn Xô-cô-lốp thư thái hơn, anh đến với giấc ngủ dễ dàng hơn, và tâm trí vẫn đọng lại hình ảnh của những bữa tiệc cưới hoàng cung linh đình. Đêm ấy, anh không gặp ác mộng. Sáng hôm sau, thế nào Va-ni-a cũng dậy sớm hơn bố, chú đi một vòng quanh nhà rồi trở vào đánh thức bố dậy, thông báo rằng không có con gà tây hay bất kì mối nguy hiểm nào quanh nhà. Gương mặt Va-ni-a lúc ấy nghiêm túc như chú lính chì báo cáo tình hình doanh trại với chỉ huy. Tất nhiên, Xô-cô-lốp không khỏi bật cười vì điều đó. Anh xoa đầu con trai rồi hai cha con đi chạy bộ. Anh sẽ giơ tay chỉ về phía chân trời xa xa và nói với con rằng những nàng công chúa thủy cung ở phía đó, con cá vàng cũng ở phía đó, và cả những chàng hoàng tử nữa, tất nhiên. Va-ni-a nhảy cẫng lên ôm cổ bố rồi bảo rằng lớn lên nhất định nó sẽ đi về đó. “Và bố sẽ đi cùng con chứ?” – Chú nhìn sâu vào đôi mắt của bố hỏi. Xô-cô-lốp không chút do dự gật đầu: “Con trai, bố sẽ đi cùng con!”

6. Một số bài văn mẫu về văn bản Số phận con người

Nhân vật chính của truyện Số phận con người là An-đrây Xô-cô-lốp. Anh vốn là một người lao động, có cuộc sống “bình thường như cuộc sống của bao người khác”. Nhưng anh lại là một người lính mang trên vai cả gánh nặng của chiến tranh, cả đau thương và chiến thắng, số phận của Xô-cô-lốp được nhà văn lí giải trong mối quan hệ chặt chẽ với số phận lịch sử của nhân dân Xô-viết. Để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về tác phẩm này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

7. Hỏi đáp về văn bản Số phận con người

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HOCTAP247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

Bạn có biết?

Ngữ văn có nghĩa là: - Khoa học nghiên cứu một ngôn ngữ qua việc phân tích có phê phán những văn bản lưu truyền lại bằng thứ tiếng ấy.

Nguồn : TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT

Tâm sự Lớp 12

Lớp 12 - Năm cuối ở cấp tiểu học, năm học quan trọng nhất trong đời học sinh trải qua bao năm học tập, bao nhiêu kì vọng của người thân xung quanh ta. Những nỗi lo về thi đại học và định hướng tương lai thật là nặng. Hãy tin vào bản thân là mình sẽ làm được rồi tương lai mới chờ đợi các em!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK