Soạn bài Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, một bài thơ

Lý thuyết Bài tập

Tóm tắt bài

I. ĐỀ BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, MỘT BÀI THƠ

Đọc các đề bài sau và trả lời câu hỏi:

Đề 1. Phân tích các tầng nghĩa trong đoạn thơ sau:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Đề 2. Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Đề 3. Cảm nhận của em về tâm trạng Tản Đà qua bài thơ Muốn làm thằng Cuội.

Đề 4. Hình tượng người chiến sĩ lái xe trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Đề 5. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy gọi cho em những suy nghĩ gì?

Đề 6. Phân tích khổ thơ đầu trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh.

Đề 7. Những đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Đề 8. Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài Nói với con của Y Phương.

a) Các đề bài trên được cấu tạo như thế nào?

b) Các từ trong đề bài như phân tích, cảm nhận và suy nghĩ (hoặc có khi đề bài không có lệnh) biểu thị những yêu cầu gì đối với bài làm? (Gợi ý: Từ phân tích chỉ định về phương pháp, từ cảm nhận lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết, từ suy nghĩ nhấn mạnh tới nhận định, phân tích của người làms bài. Trường hợp không có lệnh, người viết bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài. Sự khác biệt trên chỉ ở sắc thái, không phải là các "kiểu bài" khác nhau.)

Trả lời:

a) Các đề bài trên có cấu tạo chia làm hai loại. Một loại đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức tiến hành bài làm: phân tích, cảm nhận và suy nghĩ, cảm nhận, gợi cho em những suy nghĩ gì, ... Một loại đề không đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể (Đề 4, 7).

b) Khi đề bài yêu cầu phân tích, cảm nhận và suy nghĩ biểu thị những yêu cầu định hướng cách làm bài.

    + Phân tích là muốn định hướng cụ thể về thao tác, khi đó phải phân tách, xem xét đối tượng dưới nhiều góc độ, đối chiếu, so sánh… để từ đó đi đến nhận định về đối tượng.

    + Cảm nhận và suy nghĩ là muốn nhấn mạnh đến việc đưa ra cảm thụ, ấn tượng riêng (cảm nhận) và nhận định, đánh giá (suy nghĩ) về đối tượng; đối với loại yêu cầu này, để thuyết phục, chứng minh được ý kiến của mình, người làm cũng phải tiến hành giảng giải bằng các thao tác như phân tích, giải thích…

    + Với đề bài không có lệnh cụ thể, người làm tự lựa chọn những thao tác cần thiết để làm rõ, chứng minh cho ý kiến của mình về đối tượng được nêu ra trong đề bài.

II. CÁCH LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT ĐOẠN THƠ, MỘT BÀI THƠ

1. Các bước làm bài:

a)  Tìm hiểu đề và tìm ý:

b)  Lập dàn bài

c)  Viết bài

d)  Đọc lại bài và sửa chữa.

2. Cách tổ chức triển khai luận điểm

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

a) Trong văn bản trên, đâu là phần Thân bài? Ở phần này, người viết đã trình bày những nhận xét gì về tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương? Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, khẳng định bằng cách nào, được liên kết với phần Mở bài và Kết bài ra sao?

b) Văn bản có tính thuyết phục, sức hấp dẫn không? Vì sao? Từ đó có thể rút ra bài học gì qua cách làm bài nghị luận văn học này?

Trả lời:

a)  Trong văn bản trên, phần thân bài là phần bắt đầu từ “Nhà thơ đã viết quê hương” đến “tâm hồn thiết tha thành thực của Tế Hanh", ở phần này, người viết đã trình bày cảm nhận về cảm xúc của thi sĩ lúc nồng nàn, mạnh mẽ, lúc sâu lắng, tinh tế khi ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống lao động của quê hương, về hình ảnh nhịp điệu đặc sắc của bài thơ. Những suy nghĩ, ý kiến ấy được dẫn dắt, gắn cùng sự phân tích, bình giảng cụ thể hình ảnh ngôn từ, giọng điệu của bài thơ. Phần này được kết nối tự nhiên chặt chẽ với lời bài và cũng là phần phân tích chứng minh làm sáng tỏ những nhận xét baọ quát đã nêu ở phần mở bài.

b)  Văn bản có tính thuyết phục và sức hấp dẫn. Người viết đã trình bày cảm nghĩ ý kiến của mình bằng xúc cảm rung động chân thực, tha thiết đôi với tác phẩm. Từ đây có thể rút ra được các yêu cầu để làm tốt bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

III. LUYỆN TẬP 

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Trả lời:

Mùa thu đến với anh khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Bắt đầu không phải là những nét đặc trưng của trời mây sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ điển. Bắt đầu là hương ổi thơm nức. Một chữ “phả” kia đủ gợi hương thơm như sánh lại. Nó sánh bởi vì hương đậm một phần, sánh còn bởi tại hương gió se. Hương thơm lùa vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu - bấy giờ là hương ổi chín tới khắp nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một phút giây nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sững sờ.

Đã cảm được hương ổi, đã nhận ra gió se, hơn thế nữa, mắt lại còn nhìn thấy sương đang chùng chình qua ngõ. Những dấu hiệu đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Thế mà sao tác giả lại viết "hình như thu đã về". Còn điều chi nữa mà ngờ? Thu đã vể thật đấy rồi, sao lại còn nghi hoặc? Như đã nói ở trên. Cái chính là sự bất ngờ, đột ngột. Do bất ngờ nên cả khứu giác (mùi hương ổi) cả xúc giác (hơi gió se) cả thị giác (sương chùng chình) đều mách bảo thu về mà vẫn chưa thể tin, vẫn chưa dám chắc. Cái bảng lảng mơ hồ chính trong cảm giác "hình như” ấy đã tôn thêm vẻ khói sương lãng đăng lúc thu sang. Đó là một nguyên nhân. Nhưng sâu xa hơn, ở đây còn bộc lộ nét “sang thu” trong hồn người mà sau chúng ta sẽ nói tới.

Hình như thu đã về.

Đó là một ấn tượng tổng hợp từ những cảm giác riêng về hương, về gió, về sương. Từ hương nhận ra gió. Từ gió nhận ra sương. Nhưng khi phát hiện "sương chùng chình qua ngõ” thì trong sương cũng có hương, trong sương cũng có gió, và trong sương như còn có cả tình. “Chùng chình” hay chính là sự lưu luyến, bâng khuâng, ngập ngừng, bịn rịn? Cái ngõ mà sương đẫm hương, sương nương theo gió đang ngập ngừng đi qua vừa là cái ngõ thực, vừa là cải ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Phút giây giao mùa của thiên nhiên ấy, nhìn thấy rồi, cảm thấy rồi mà sững sờ tưởng khó tin. Do đó "hình như thu đã vể“ còn như là một câu thầm hỏi lại mình để có một sự khẳng định.

Vũ Nho - Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, 1999

Bạn có biết?

Học thuộc bài trước khi ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh đây là phương pháp học rất hiệu quả. Mỗi ngày trước khi ngủ, bạn hãy ôn lại bài đã học một lần sau đó, nhắm mắt lại và đọc nhẩm lại một lần. Điều đó sẽ khiến cho bộ não của bạn tiếp thu và ghi nhớ tất cả những thông tin một cách lâu nhất.

Nguồn : timviec365.vn

Tâm sự Lớp 9

Lớp 9 - Là năm cuối ở cấp trung học cơ sở, sắp phải bước vào một kì thi căng thẳng và sắp chia tay bạn bè, thầy cô và cả kì vọng của phụ huynh ngày càng lớn mang tên "Lên cấp 3". Thật là áp lực nhưng các em hãy cứ tự tin vào bản thân là sẻ vượt qua nhé!

Nguồn : ADMIN :))

Liên hệ hợp tác hoặc quảng cáo: gmail

Điều khoản dịch vụ

Copyright © 2021 HOCTAPSGK