Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9 giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về những ý nghĩa sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm vào 22 tác phẩm: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Sang thu, Nói với con, Viếng lăng bác, Đoàn thuyền đánh cá...
Khi hiểu rõ ý nghĩa nhan đề tác phẩm, các em mới dễ dàng phân tích, nêu lên những cảm nhận của mình về tác phẩm đó. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Hoàn cảnh sáng tác của các tác phẩm Ngữ văn 9 để ôn thi vào lớp 10 năm 2023 - 2024 đạt kết quả cao.
Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ Văn lớp 9
- 1. Chuyện người con gái Nam Xương
- 2. Hoàng Lê nhất thống chí
- 3. Truyền kì mạn lục
- 4. Truyện Kiều của Nguyễn Du
- 5. Đồng chí
- 6. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- 7. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
- 8. Con cò
- 9. Ánh trăng
- 10. Mùa xuân nho nhỏ
- 11. Viếng lăng bác
- 12. Sang thu
- 13. Nói với con
- 14. Làng
- 15. Lặng lẽ Sa Pa
- 16. Chiếc lược ngà
- 17. Bến quê
- 18. Những ngôi sao xa xôi
- 19. Đoàn thuyền đánh cá
- 20. Mây và sóng
- 21. Con chó Bấc
- 22. Bàn về đọc sách
1. Chuyện người con gái Nam Xương
“Chuyện người con gái Nam Xương” là bởi câu chuyện nói về nhân vật Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương như nhan sắc, tính tình và đặt cô trong nhiều hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ tính cách của cô. Qua nhan đề đã thể hiện được số phận mỏng manh của người phụ nữ trong xã hội cũ như số phận của Người con gái Nam Xương Vũ Thị Thiết. Họ có thể gặp bất hạnh bất cứ lúc nào, với một nguyên nhân vô lí nào. Nhan đề của truyện đã thể hiện đầy đủ về hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền độc đoán, chiến tranh phi nghĩa gây đau khổ cho mọi gia đình.
2. Hoàng Lê nhất thống chí
Là cuốn tiểu thuyết ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Nhan đề mang ý nghĩa ca ngợi nhà Lê, nhưng nội dung tác phẩm lại vạch rõ sự thối nát, mục ruỗng của triều đình nhà Lê, và ca ngợi người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ.
3. Truyền kì mạn lục
Truyền (lưu truyền) kì (li kì) mạn (tản mạn) lục (ghi chép). Truyền kì mạn lục là ghi chép tản mạn những câu chuyện li kì trong dân gian.
4. Truyện Kiều của Nguyễn Du
- Vốn có tên gọi khác khác là “Đoạn trường tân thanh”. Em hãy giải mối quan hệ giữa đầu đề đó với nội dung tác phẩm.
Nội dung cơ bản của Truyện Kiều: Truyện Kiều là tiếng kêu đau xót (như đứt từng khúc ruột) của người phụ nữ (nàng Kiều) dưới chế độ phong kiến.
- Đầu đề tác phẩm:
+ Truyện Kiều: tên gọi thể hiện nội dung cơ bản của tác phẩm: dùng tên nhân vật chính của truyện để đặt tên cho tác phẩm.
+ Tên gọi: “Đoạn trường tân thanh” đoạn trường (đứt ruột) tân thanh (tiếng kêu mới) tên gọi được rút ra từ nội dung cơ bản của tác phẩm " tiếng kêu đau xót toát lên từ số phận con người.
Cả hai đầu đề đều phù hợp với nội dung tác phẩm có tác dụng định hướng cho người đọc khi tiếp xúc với văn bản.
5. Đồng chí
Ý nghĩa nhan đề Đồng chí, trước hết chính là bởi đây là tên gọi của một tình cảm mới, xuất hiện và trở nên phổ biến trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.
Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu – Ý nghĩa nhan đề Đồng chí đã gợi mở về chủ đề của bài thơ. Tác phẩm viết về tình cảm đồng chí đồng đội của những người nông dân ra lính. Với họ tình cảm đồng chí là một tình cảm mới mẻ nhưng cũng vô cùng gắn bó.
Xuyên suốt tác phẩm là tình cảm mà những người lính cụ Hồ đã dành cho nhau. Họ gọi đó là tình đồng chí đồng đội. Ý nghĩa nhan đề đồng chí cũng vì thế mà trở nên sâu sắc hơn. Trong toàn tác phẩm, Chính Hữu đã tập trung làm nổi bật lên tình cảm đặc biệt này.
Tác phẩm này có một nhan đề ngắn gọn, cô đọng và súc tích. Đồng chí – đây cũng là điểm nhấn về tình cảm đồng chí đồng đội. Chỉ với nhan đề ngắn gọn này nhưng cũng đủ gợi mở chủ đề, ý nghĩa của toàn toàn phẩm.
6. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Nhan đề mang đề tài của bài thơ: Tiểu đội xe không kính. Tiểu đội là đơn vị cơ sở nhỏ nhất trong biên chế của quân đội Việt Nam. Cái tên gợi cho người đọc tính khốc liệt của chiến tranh. Một cái tên trần trụi, không mỹ miều, hàm súc như bao nhan đề bài thơ khác, đối lập với quan niệm cái đẹp văn chương thuần túy. Cái đẹp với Phạm Tiến Duật là từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống mà ùa vào thơ.
Tác giả thêm vào hai chữ “bài thơ” là muốn thể hiện quan niệm thơ nói, thơ kể nhưng vẫn rất thơ. Chất thơ vút lên từ hiện thực, từ tâm hồn hào hoa lãng mạn, lạc quan yêu đời của người lính - tuổi trẻ Việt Nam giữa khói bom lửa đạn với đầy niềm tự hào, chiến đấu và chiến thắng.
7. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ
Những em bé chứ không phải một em bé nhằm mang tính khái quát. Chỉ một thế hệ những con người lớn lên được nuôi dưỡng từ trên lưng mẹ. Người mẹ Tà- ôi trong tác phẩm cũng là đại diện cho các bà mẹ việt nam có tình yêu co gắn liền với tình yêu đất nước.
8. Con cò
Con cò là hình ảnh tượng trưng cho người nông dân, người phụ nữ trong cuộc sống nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng giàu đức tính tốt đẹp. Từ hình ảnh trong ca dao qua các lời hát ru: “con cò cổng phủ”, "con cò Đồng Đăng” nay đã hóa thân vào hình bóng của người mẹ gầy lam lũ trọn đời lo lắng cho con. Hình ảnh con cò trong ca dao là nơi xuất phát, là điểm tựa cho những liên tưởng sáng tạo rộng mở của tác giả. Nó đã trở thành hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng nhưng lại rất gần gũi, rất quen thuộc mà do đó có khả năng hàm chứa những ý nghĩa mới giàu giá trị biểu cảm.
9. Ánh trăng
Ánh trăng chỉ là một thứ ánh sáng dịu hiền, ánh sáng ấy có thể le lói vào những nơi khuất lấp trong tâm hồn con người để thức tỉnh họ nhận ra những điều sai trái, hướng con người ta đến những giá trị đích thực của cuộc sống.
10. Mùa xuân nho nhỏ
Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải. Mùa xuân vốn là một khái niệm trừu tượng chỉ thời gian nhưng ở đây, mùa xuân lại có hình, có khối, mang một hình hài “nho nhỏ”, xinh xắn. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo để nói về một khát vọng, một lẽ sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Chủ đề của bài thơ: Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước; góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
11. Viếng lăng bác
Bài thơ Viếng lăng Bác là tiếng lòng thành kính, xót thương, biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như của đồng bào miền Nam đối với vị lãnh tụ – người cha già kính yêu của dân tộc. Viếng là đến chia buồn với thân nhân người đã mất. Thăm là đến gặp gỡ, hỏi han trò chuyện với người còn sống. Nhan đề dùng từ viếng theo đúng nghĩa đen khẳng định một sự thật: Bác đã đi xa. Trong câu thơ đầu dùng từ thăm là ngụ ý nói giảm. Bác như vẫn còn đang sống trong lòng mọi người đặc biệt là trong lòng nhân dân miền Nam.
12. Sang thu
"Sang thu” là một bài thơ tái hiện lại một cách nhẹ nhàng sự chuyển mùa tinh tế, trời đất lúc sang thu có chút gì đó bối rối, có chút gì đó ngập ngừng và hơn hết là sự ngỡ ngàng, bồi hồi của nhà thơ khi nhận ra sự thay đổi của trời đất. Mùa thu về, mùa thu mang lại cho con người ta những giai điệu dịu êm nhất.
13. Nói với con
Nhan đề bài thơ khái quát được ý nghĩa của toàn bài thơ, bài thơ đi từ tình cảm gia đình rồi mở ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha để nâng lên lẽ sống. Cảm xúc chủ đề của bài thơ được bộc lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thắm thiết. Nhan đề toát lên sắc thái bình dị, gần gũi đời thường.
14. Làng
Nhan đề của truyện là “Làng” không phải là “Làng Dầu” vì nếu là “Làng Dầu” thì vấn đề mà tác giả đề cập tới chỉ nằm trong phạm vi nhỏ hẹp, cụ thể ở một làng. Dụng ý của tác giả muốn nói tới một vấn đề mang tính phổ biến ở khắp các làng quê, có trong mọi người nông dân. Bởi thế “Làng” là nhan đề hợp lý với dụng ý của tác giả. Qua đó ta hiểu chủ đề của truyện nhằm ca ngợi tình yêu làng quê tha thiết và những chuyển biến mới trong tình cảm của những người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Như vậy, nhan đề “Làng” vừa nói lên được cái riêng là tình yêu làng của ông Hai, đồng thời qua cái riêng ấy, cũng nói lên được cái chung: tấm lòng của những người dân quê đất Việt đối với đất nước.
15. Lặng lẽ Sa Pa
Sở dĩ Nguyễn Thành Long lấy nhan đề là Lặng lẽ Sa Pa: Các nhân vật không có tên riêng, gọi tên theo nghề nghiệp, dụng ý tác giả muốn nói đến nhiều người với nhiều ngành nghề khác nhau ở Sapa ra sức lao động cống hiến sức mình xây dựng quê hương đất nước. Tác giả còn muốn nói đến thái độ cống hiến vô tư của con người trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Họ không hề đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mà tất cả vì ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc.
16. Chiếc lược ngà
“Chiếc lược ngà” là một nhan đề hay thể hiện nội dung, tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Đó chính là hình tượng nghệ thuật chứa đựng tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng. Chọn hình ảnh “Chiếc lược ngà” làm nhan đề cho tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã bộc lộ tài năng của mình trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm qua một hình ảnh nghệ thuật cô đúc, giàu ý nghĩa. Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỉ vật của người cha, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ nơi chiến khu dành cho mình. Với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá thiêng liêng bởi nó chứa đựng bao yêu thương, mong đợi của người cha và làm dịu đi nỗi ân hận vì đã đánh con… Với nhan đề ấy, nhà văn không chỉ nói tình cha con thắm thiết sâu nặng mà còn gợi cho người đọc thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra.
17. Bến quê
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt nhan đề cho truyện ngắn của mình là “Bến quê”. Bởi vì, đây là hình ảnh xuyên suốt tác phẩm. Nó vừa có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc lại vừa có tác dụng liên kết các yếu tố, các hình ảnh trong truyện làm nổi bật chủ đề .
“Bến quê” là những gì gần gũi, thân thương nhất với Nhĩ. Đó là những cành hoa bằng lăng đậm sắc với những cánh hoa màu tím thẫm; là cái bờ đất lở dốc đứng, có chuyến đò ngang chạy qua mỗi ngày; là cái bãi bồi màu mỡ, tươi tốt nằm phơi mình bên kia sông Hồng; là người vợ hiền thục, đảm đang, ân nghĩa, thủy chung sẵn sàng chịu đựng, hy sinh, dành tất cả tình cảm yêu thương, chăm chút cho anh trong những ngày tháng cuối đời; là bầy trẻ với những ngón tay “chua lòm mùi nước dưa"; là ông lão láng giềng sẵn sàng giúp đỡ, hỏi han, động viên anh mỗi ngày... Tất cả là những gì giàu có, đẹp đẽ, thuần phác, cổ sơ nhất của mảnh đất quê hương xứ sở- nơi đã sinh thành ra anh và sẽ đón nhận anh về khi anh nhắm mắt xuôi tay. Đó còn là mái ấm gia đình- điểm tựa để anh cất cánh bay cao đồng thời cũng là nơi nương tựa vững chắc, bình yên của anh trong những ngày tháng cuối đời. Đó là nơi neo đậu bình yên nhất của cuộc đời mỗi con người.
Nhan đề “Bến quê” có ý nghĩa thức tỉnh mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi mà đích thực của cuộc sống, của quê hương. Đó cũng là thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc được cô đúc qua nhan đề của tác phẩm.
18. Những ngôi sao xa xôi
Những ngôi sao xa xôi là một nhan đề rất lãng mạn, rất đặc trưng của văn học thời kháng chiến chống Mĩ. Nhan đề xuất phát từ ánh mắt nhìn xa xăm của Phương Định, lời các anh bộ đội lái xe ngợi ca họ, hình ảnh lãng mạn, đẹp và trong sáng lại phù hợp với những cô gái mơ mộng đang sống và chiến đấu trên cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mĩ (60-70) ác liệt. Ba cô gái trẻ là ba vì sao xa xôi trên cao điểm của tuyến đường Trường Sơn. Những ngôi sao xa xôi cái ánh sáng ẩn hiện xa xôi, dịu dàng mát mẻ như sương núi, có sức mê hoặc lòng người. Đó là biểu tượng về sự ngời sáng của phẩm chất cách mạng trong những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn. Phương Định, Nho hay Thao đều là những "ngôi sao xa" nơi cuối rừng Trường Sơn, sáng ngời vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bằng khả năng sáng tạo và nhờ có những ngày từng lăn lộn với chiến trường " Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê đã có một chỗ đứng vững vàng, luôn hấp dẫn người đọc.
19. Đoàn thuyền đánh cá
Nhan đề " Đoàn thuyền đánh cá" đã tái hiện lên vẻ đẹp thiên nhiên biển cả rộng lớn, bao la cũng như vẻ đẹp của người ngư dân đánh bắt cá nói riêng và vẻ đẹp của những con người lao động hăng say cống hiến cho quê hương, đất nước.
20. Mây và sóng
"Mây và sóng" là một nhan đề giàu ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, mây, sóng đều là những hình ảnh thiên nhiên, tượng trưng cho tiếng gọi của thế giới diệu kì, lung linh, hấp dẫn. Tuy nhiên, em bé đã từ chối tiếng gọi hấp dẫn ấy vì em không thể rời mẹ. Vậy nên, em bé đã nghĩ ra một trò chơi để chơi cùng mẹ. "Mây và sóng" giờ đây không còn là hình ảnh thế giới kì diệu nữa mà là hóa thân của em bé trong trò chơi thú vị với mẹ. Em hóa thân thành mây, sóng để được ôm ấp và vỡ tan vào lòng mẹ. Như vậy, nhan đề bài thơ đã gợi mở chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
21. Con chó Bấc
Nơi hoang dã là nơi núi rừng. Tiếng gọi nơi hoang dã vì thế có thể hiểu là tiếng gọi của đại ngàn, của tổ tiên loài sói, gọi con chó Bấc về với đồng loại của nó ở chốn rừng sâu.
Bên cạnh đó Nơi hoang dã còn là nơi cõi lòng băng giá của một bộ phận người trong xã hội tư bản Mĩ đương thời. Ở đó người với người tàn nhẫn, khái niệm tình thương, sự công bằng, lòng nhân hậu bị xem rẻ. Hàm ý sâu xa của nhan đề này chính là tiếng gọi vào cõi lòng giá lạnh, vô cảm, tàn nhẫn của con người. Tác giả muốn đánh thức lương tri con người, gọi họ trở về với lối sống văn minh, tình nghĩa.
22. Bàn về đọc sách
Bàn về đọc sách nói về những vấn đề gặp phải trong đọc sách, cách đọc sách xưa và nay, những khó khăn gặp phải trong vấn đề đọc sách, bàn luận, bày tỏ ý kiến quan điểm về vấn đề bài trên.