TOP 4 Đoạn văn phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ vẻ đẹp, tài năng của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
Vũ Nương đại diện cho vẻ đẹp của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, họ phải chịu biết bao oan trái, bất công, vô lý. Với 4 đoạn văn phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương dưới đây hy vọng sẽ giúp ích rất nhiều cho các em, ngày càng học tốt môn Văn 9:
Viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương hay nhất
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương - Mẫu 1
Vũ Nương là người con gái thùy mị nết na lại có tư dung tốt đẹp, ở nàng ta thấy hội tụ vẻ đẹp truyền thống công - dung - ngôn - hạnh của những người phụ nữ xưa. Nàng là một người vợ hiền thục, thủy chung. Trong những ngày tháng cùng chung sống, nàng luôn khéo léo trong ứng xử, không để vợ chồng xảy ra bất hòa. Đáng quý hơn, khi Trương Sinh đi lính, nàng một lòng thương nhớ, chờ mong. Nàng đã thay chồng chăm sóc mẹ già, nuôi dưỡng con nhỏ. Không chỉ là người vợ thủy chung, nàng còn là một người con dâu hiếu thảo, một người mẹ yêu thương con. Trải qua bi kịch bị nghi oan, ta còn cảm nhận được ở Vũ Nương một phẩm chất tốt đẹp khác, đó chính là trong danh dự, nhân phẩm và có tấm lòng nhân hậu, vị tha. Khi bị chồng nghi oan, nàng đã hết lời giải thích, để chứng minh tấm lòng thủy chung của mình, nàng đã trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Đớn đau là vậy, oan trái là vậy thế nhưng đến cuối cùng nàng vẫn chấp nhận tha thứ cho Trương Sinh còn bản thân thì rời xa nhân thế, trở về chốn thủy cung. Thông qua xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương, ta có thể thấy được nỗi đồng cảm, xót xa trước số phận hẩm hiu bất hạnh và sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương - Mẫu 2
"Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm viết về cuộc đời và số phận của Vũ Nương, người con gái thùy mị nết na nhưng lại có số phận bi thảm. Truyện không chỉ lên án xã hội phong kiến bất công mà còn thể hiện sự trân trọng với vẻ đẹp của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, nàng là một người phụ nữ hiền hậu, nết na. Biết tính chồng đa nghi lại hay ghen, nàng luôn cố gắng giữ gìn khuôn phép. Khi Trương Sinh chồng nàng phải đi lính, nàng không mong chồng đeo ấn phong hầu mà chỉ mong chồng trở về với hai chữ bình yên. Chồng ra trận, nàng một lòng nhớ thương, chờ đợi chồng. Một tay nàng chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con thơ, gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình. Mẹ chồng già yếu, ốm đau nàng hết sức chạy chữa thuốc thang, khi mẹ mất cũng chu toàn việc ma chay như chính với cha mẹ đẻ của mình. Vũ Nương cũng là một người mẹ thương con, để con không cảm thấy buồn tủi vì thiếu vắng tình cảm của cha, nàng đã chỉ vào bóng mình trên tường và nói đó chính là "cha Đản". Thế nhưng, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch đớn đau trong cuộc đời nàng. Có thể thấy, Vũ Nương là một người vợ thủy chung, một người con dâu hiếu thảo và một người mẹ thương con.
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương - Mẫu 3
Đọc "Chuyện người con gái Nam Xương", ta không chỉ thương xót cho số phận oan trái, bi kịch của nàng Vũ Nương mà còn cảm mến, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ ấy. Vũ Nương là đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ trong xã hội xưa, nàng mang trong mình vẻ đẹp: công-dung-ngôn-hạnh, không chỉ xinh đẹp, dịu dàng mà còn hiền hậu, nết na. Trước hết, Vũ Nương hiện lên trong tác phẩm mà một người vợ thủy chung. Khi về chung sống với Trương Sinh, biết tính chồng hay ghen, nàng luôn giữ gìn khuôn phép. Hạnh phúc không bao lâu thì chồng nàng phải đi lính, tiễn chồng ra trận, nàng chỉ mong chồng được bình yên. Trong suốt thời gian Trương Sinh đi lính, nàng một lòng nhớ thương, mong đợi chồng. Vũ Nương là một người con dâu hiếu thảo. Chồng xa nhà, nàng hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng, thuốc thang khi mẹ chồng đau ốm. Khi mẹ chồng mất, nàng lo việc ma chay, tế lễ chu toàn. Một vẻ đẹp đáng quý khác ở Vũ Nương, đó chính là tình yêu thương con. Sợ bé Đản không cảm nhận được tình thương của cha, nàng đã trỏ vào bóng mình trên tường và nói đó chính là ba Đản. Vũ Nương là một người phụ nữ có lòng tự trọng, khi nàng bị chồng nghi oan, nàng đã hết lời thanh minh, giải thích. Để chứng minh cho tấm lòng trong sạch của mình, nàng đã nhảy xuống sông Hoàng Giang để tự vẫn. Vũ Nương mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng lại có số phận đầy trái ngang.
Đoạn văn phân tích số phận bi kịch và vẻ đẹp của Vũ Nương
Qua tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ, ta có thể thấy được những đức tính, vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam cũng như số phận oan trái của họ dưới chế độ phong kiến thông qua nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái không chỉ "thuỳ mị, nết na" mà còn có "tư dung" tốt đẹp. Vậy nhưng nàng lại phải gánh lấy số phận vô cùng bi kịch và phải lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Nàng và Trương Sinh "sum vầy chưa được bao lâu" thì chồng nàng bị "bắt lính đi đánh giặc Chiêm". Đây chính là nguyên nhân gián tiếp gây nên nỗi bi kịch đầy nước mắt của Vũ Nương. Trong thời gian Trương Sinh đi lính, Vũ Nương đã một mình gánh vác gia đình, làm tròn bổn phận của người con, người vợ, người mẹ. Hơn ba năm chồng chinh chiến xa nhà, nàng vừa sinh con, lo cho con, lại vừa chăm mẹ già đang đau buồn vì nhớ con trai. Mẹ chồng bệnh, Vũ Nương "hết sức thuốc thang lễ bái thần phật", lại thêm "lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn" để mẹ già được an lòng. Tới khi mẹ chồng mất, nàng cũng "hết lời thương xót", lo "việc ma chay tế lễ" như đối với "cha mẹ đẻ mình". Và không chỉ thế, nàng còn là người chinh phụ chờ chồng đầy thuỷ chung, son sắt. Với con, nàng yêu con, lo con thiếu tình thương của cha nên đã bày trò "trỏ bóng" trên tường rồi gọi là "cha Đản" để con nàng cảm nhận luôn được sống trong tình yêu của cha. Bi kịch thay, lời nói ngây thơ của con trẻ cùng sự đa nghi của Trương Sinh đã đẩy nàng vào bi kịch không lối thoát. Trương Sinh đi lính xa nhà, khi về vì tin lời ngây thơ của con trẻ thì một mực nghi oan cho nàng, thậm chí "mắng nhiếc, và đánh đuổi đi" mặc cho Vũ Nương có giải thích thế nào. Đây là bi kịch trực tiếp đã dồn Vũ Nương vào tới đường cùng. Để bảo trọng danh dự của mình, để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân, Vũ Nương đã chọn "gieo mình xuống sông mà chết" sau bao lời "biện bạch" với chồng nhưng đều vô ích. Thế nhưng khi chết đi, Vũ Nương vẫn là người phụ nữ trọng nghĩa tình. Nàng không chỉ luôn nhớ về quê cũ mà còn luôn ghi nhớ ơn nghĩa của Đức Linh Phi đã cứu sống mình. Vậy nên khi nghe Phan Lang kể về quê nhà, Vũ Nương đã "ứa nước mắt" mà nói rằng "tất tìm về có ngày". Và nàng dù có thể trở về nhân gian sau khi được minh oan, nhưng vì lời thề "sống chết cũng không bỏ" nên nàng chọn ở lại chốn thuỷ cung này mãi mãi bên cạnh Linh Phi. Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Vũ Nương bằng cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Qua "Chuyện người con gái Nam Xương", nhà văn Nguyễn Dữ đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của họ, đồng thời tố cáo xã hội đã đẩy họ vào bi kịch đau khổ.