Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về người đàn bà hàng chài gồm 2 mẫu hay nhất, giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trang bị kiến thức, suy nghĩ sâu sắc về nhân vật người đàn bà để nhanh chóng biết cách viết đoạn văn phân tích nhân vật hay.
Người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa là đại diện tiêu biểu cho đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam cho số phận người phụ nữ trong xã hội vừa bước chân ra khỏi chiến tranh. Cuộc sống đói nghèo lạc hậu, bạo lực gia đình nhưng trong bóng tối vực sâu thăm thẳm đó lại ngời sáng những đức tính đẹp đẽ của người phụ nữ nông dân. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích nhân vật Phùng, phân tích bà cụ tứ, phân tích nhân vật Tràng.
Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về người đàn bà hàng chài
Đoạn văn ngắn cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài
Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Với cảm hứng thế sự đương thời, các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã có những chuyển biến rõ nét. Cũng qua nhân vật này tác giả gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc của mình. Một trong số đó ta phải nói tới người đàn bà làng chài. Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách nhiệm định. Tuy không có tên tuổi cụ thể, chỉ là một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, bà vẫn thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy. Bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản bởi trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khỏe mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên. Qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó ở tòa án huyện, người ta càng thấy rõ nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hi sinh của bà là tình thương vô bờ đối với những đứa con: “[...] đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa... phải sống cho con chứ không thể sống cho mình...”. Suy nghĩ ấy khiến bà đủ sức âm thầm chịu đựng mọi nỗi khốn khổ: “... tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”. Một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về người đàn bà hàng chài
Nhà văn Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông có khối lượng sáng tác đồ sộ với các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận phê bình. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được sáng tác năm 1987 là tác phẩm in đậm phong cách tự sự, triết lý của nhà văn Nguyễn Minh Châu . Với ngôn từ dung dị đời thường, truyện kể lại chuyến đi thực tế của 1 nghệ sĩ nhiếp ảnh: Phùng và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Trong truyện, một trong những nhân vật mà gây ấn tượng với em đó chính là người đàn bà hàng chài. Đầu tiên, người đọc sẽ thấy được người đàn bà hàng chài là người phụ nữ không có vẻ đẹp ngoại hình. Người đàn bà hàng chài hiện lên với hình ảnh mặt rỗ như tổ ong, thân hình thô kệch và tỏ rõ sự mệt mỏi sau một chuyến đi biển về. Thứ hai, điều mà em cảm nhận được ở người đàn bà hàng chài đó là nỗi khổ của người phụ nữ này. Không chỉ phải chịu đựng cảnh đói nghèo, gia đình luôn túng thiếu mà lại quá đông con, người đàn bà hàng chài còn phải sống với chồng là một kẻ vũ phu, luôn đánh đập vợ mỗi khi bực mình. Khổ là thế nhưng người phụ nữ này vẫn không dám nhờ đến pháp luật bỏ chồng vì đàn con bơ vơ, nheo nhóc. Thứ ba, điều mà em thấy được ở người đàn bà hàng chài đó là những phẩm chất tốt đẹp của một người phụ nữ của gia đình. Đầu tiên, người đàn bà hàng chài là người phụ nữ có tình yêu thương con. Người đàn bà hàng chài vì các con mà xin chồng lên bờ mới đánh. Vì không muốn các con nhìn thấy cảnh mẹ bị bố bạo hành nên người đàn bà hàng chài đã luôn giấu các con mình. Đồng thời, người phụ nữ ấy cũng vì các con mà không dám bỏ chồng, bỏ chồng thì các con sẽ bơ vơ, và còn khổ hơn hiện tại nữa. Chắc chắn, người phụ nữ ấy đứng giữa sự giằng xé giữa hạnh phúc cá nhân và các con. Và tất nhiên, với người phụ nữ ấy, sự ưu tiên của các con chính là số 1. Đặc biệt nhất, người đàn bà hàng chài cũng từng nói "Hạnh phúc nhất là nhìn các đứa con tôi được ăn no". Có thể nói, các đứa con chính là sinh mệnh, niềm vui và cuộc đời của người phụ nữ ấy. Người phụ nữ có thể vì các con mà chịu mọi sự khổ sở về tinh thần, lẫn thể xác, vì các con mà không mơ tưởng đến hạnh phúc cá nhân, bị bạo hành cũng không dám bỏ chồng. Thứ hai, người phụ nữ hàng chài là người phụ nữ có đức hy sinh. Người đàn bà hàng chài coi các con chính là cả cuộc đời của mình,vì các con mà chịu mọi sự khổ sở về tinh thần, lẫn thể xác, vì các con mà không mơ tưởng đến hạnh phúc cá nhân, bị bạo hành cũng không dám bỏ chồng đi tìm hạnh phúc riêng, chấp nhận cuộc sống khổ sở vì các con cần cả cha và mẹ. Phẩm chất thứ ba của người phụ nữ hàng chài đó là việc người phụ nữ này suy tính cho chuyện tương lai. Người đàn bà hàng chài vì nghĩ tương lai của các con nên ko dám bỏ chồng. Cả vợ và chồng cùng nuôi con còn không kham nổi, nữa là bỏ chồng để các con bơ vơ ai nuôi. Tóm lại, người đàn bà hàng chài là người phụ nữ dù có ngoại hình xấu xí, lam lũ nhưng lại là người có nhiều phẩm chất đáng quý tốt đẹp. Tuy nhiên, người đọc cảm nhận được một giá trị hiện thực mà tác giả gửi gắm, đó chính là hiện thực khổ sở của người phụ nữ ấy, cam chịu vì hoàn toàn bế tắc.