Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai tuyển chọn 16 đoạn văn hay nhất của các bạn học sinh giỏi trong cả nước, giúp các em cảm nhận rõ hơn tình yêu làng, tình yêu nước, tinh thần kháng chiến mãnh liệt của ông Hai trong truyện ngắn Làng.
Nhân vật ông Hai đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả, ông chính là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của những người nông dân thời kháng chiến chất phác, thật thà, trung thành với cách mạng. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề bài: Viết một đoạn văn ngắn (10-12 câu) nêu cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong văn bản Làng.
Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện Làng
Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 1
Ông Hai là người rất tự hào về cái làng chợ Dầu của mình. Khi phải di tản cư ông cứ nhắc đi nhắc lại với những người chung quanh cái không khí cách mạng của làng ông: "Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai...". Cứ như vậy, suốt cả buổi tối, ông lão ngồi vén quần lên tận bẹn mà nói liên miên về cái làng của ông. Ông nói cho sướng miệng và để cho đỡ nhớ làng chứ không chú ý người khác có nghe không ? Sau những giây phút làm việc mệt nhọc, nằm gác tay lên trán, ông lại nghĩ về làng. Ông cứ muốn về làng, muốn được "cùng mọi người đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá...". Vì quá yêu, quá tự hào về cái làng của ông mà ông "nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân", "chết lặng đi tưởng như không thở được" khi nghe tin cả làng mình theo Việt gian ! Lúc đầu ông không thể tin, ông hỏi đi, hỏi lại "giọng ông như lạc hẳn": "Liệu có thật không hở bác. Khi có người quả quyết vì ra ở dưới ấy lên và nói chắc như đinh đóng cột ở làng ông "Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi"..., thì ông Hai không thể nghe thêm được nữa. Ông đánh trống lảng rồi đi thẳng. Thông qua nhân vật ông Hai, tác giả muốn ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, sự giác ngộ cách mạng của những người nông dân hiền lành, chất phác. Chính tình yêu quê hương đất nước, ý thức giác ngộ cách mạng ấy mà họ một lòng theo Đảng, theo Cách mạng, đứng lên giành quyền sống, giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc trước mọi gian nan, thử thách.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 2
Ông Hai là người sống từ lâu ở làng Chợ Dầu nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc ông phải sống xa làng trong nỗi nhớ khôn nguôi. Ông rất yêu nơi mình sinh ra và lớn lên và đi đâu cũng khoe với mọi người. Tình cảm của ông thể hiện rất rõ khi nghe tin sét đánh cả làng theo Tây, lúc này tác giả tập trung miêu tả cảm giác của ông đó là “cổ nghẹn đắng”, “da mặt tê rân rân”, như cố trấn tĩnh nhưng đó là sự thật khiến ông rất thất vọng và buồn bã. Suy nghĩ khi nghe tin làng theo giặc, trong ông luôn có tâm trạng cùng sự đấu tranh nội tâm trở nên xung đột, đây là tình huống mà tác giả tập trung miêu tả hình ảnh ông Hai với tấm lòng yêu làng, yêu nước tha thiết và chân thành. Ông thấy xấu hổ vì niềm tin mà mình đã dành cho làng bấy lâu nay đã thực sự sụp đổ trong phút chốc. Nhưng rồi ông cực kỳ vui sướng khi nghe tin làng chợ Dầu vẫn theo Kháng chiến, vẫn đang chống Tây, ông không còn nỗi tủi nhục không còn buồn mà lại vui vẻ khỏe làng của mình người khác. Cuộc sống phải bỏ làng ra đi ai buồn nhưng ta lại thấy hình ảnh ông Hai đi khoe cái tin đó là “Tây nó đốt hết nhà tôi rồi, hết hẳn”, ông vui và tự hào bởi việc Tây đốt nhà giúp cho mọi người hiểu rằng làng chợ Dầu vẫn theo kháng chiến, vẫn yêu nước, đó là niềm vui thực sự. Làng trong ông Hai là một phần ruột thịt, nhà cửa hay tài sản mất đi có thể lấy lại, miễn sao cống hiến cho đất nước vững mạnh đó là niềm vui lớn lao nhất. Tình yêu làng yêu quê hương đất nước trong ông Hai thật giản dị, chân thành, tác giả tập trung miêu tả tâm lí cùng ngôn ngữ nhân vật để làm nổi bật tình cảm của ông Hai với làng, với quê hương.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 3
Trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc có lẽ là nhân vật ông Hai, đặc biệt là tâm trạng khi ông nghe cái tin làng chợ Dầu theo giặc. Cái tin ấy là một nỗi bất hạnh lớn đối với ông, ban đầu ông còn cố chưa tin cái sự thật ấy nhưng những người tản cư đã khẳng định chắc chắn rằng họ vừa ở dưới ấy lên làm ông không thể không tin được.Trong tâm trí ông lúc bấy giờ cái tin dữ ấy là một ám ảnh day dứt khôn nguôi. Khi nghe tiếng chửi bọn Việt gian những người tản cư khiến ông lão cúi gằm mặt mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật xuống giường rồi tủi thân nhìn lũ con mà nước mắt ông lão cứ dàn ra. Ông tự hỏi bản thân rằng liệu chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? ''. Nỗi tủi nhục hổ thẹn đó khiến ông Hai không giám ló mặt ra khỏi nhà. Nỗi sợ bị người ta đuổi. Nội tâm ông đấu tranh có lên quay về cái làng ấy nữa không? Nhưng ông khẳng định bản thân rằng “Làng thì yêu thật đấy, nhưng về làm gì nữa khi chúng nó theo Tây cả rồi?.” Qua đây ta có thể thấy được tình yêu làng quê tình yêu đất nước của ông Hai lớn lao biết nhường nào.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 4
Ông Hai, người đã yêu cái làng chợ Dầu của mình bằng một tình yêu đặc biệt. Đấy là nơi chôn rau cắt rốn của ông. Do vậy, ông yêu làng này bằng một tình yêu vốn có từ lâu, sâu sắc và bền vững như tình yêu của một nông dân gắn bó với quê hương, nói cụ thể hơn là gắn bó với cảnh vật và con người của mảnh đất quê hương ấy. Lúc cuộc kháng chiến của cả dân tộc bùng lên, lòng yêu mến làng quê của ông Hai đã có những chuyển biến rõ rệt. Những ngày đầu kháng chiến, ông luôn luôn tự hào về việc làng Dầu của mình đã tham gia vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Ngay bản thân ông cũng đã nhiệt tình cùng với mọi người đi đào đường, đắp ụ để cản giặc và ông tha thiết muốn ở lại làng để trực tiếp chiến đấu. Nhưng sau đó ông Hai phải theo vợ con tản cư đến một làng khác. Nỗi nhớ làng không nguôi, ở nơi tản cư, ông vẫn luôn để ý tới tin tức kháng chiến. Nhưng mà không có gì đau đớn, tủi nhục hơn khi ông nghe được tin làng theo giặc từ những người tản cư từ dưới xuôi lên. Câu nói: “Cả làng chúng nó (làng Dầu) việt gian theo Tây” cứ quẩn quanh khiến sự đau đớn và nhục nhã và lo sợ của ông lên tới cao độ. Từ đau đớn nhục nhã, đấu tranh giữa cái tình yêu làng và tình yêu đất nước như thế, ông Hai lại biết bao vui sướng khi nhận được tin làng ông bị giặc phá, nhà ông bị giặc đốt. Nghĩa là làng Dầu của ông không hề theo giặc. Vâng, từ một người yêu cái làng của mình say đắm, ông Hai đã gắn tình yêu ấy với tình yêu đất nước, chính vì thế mà làng Dầu của ông có như thế nào đi nữa, ông vẫn một lòng, một dạ ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 5
Ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của kim Lân là nhân vật điển hình cho người nông dân trong kháng chiến chống Pháp có tình yêu làng, yêu nước cảm động. Ông Hai yêu làng Chợ Dầu của mình nên thường khoe và tự hào làng của ông là làng cách mạng, làng kháng chiến. Vì hoàn cảnh ông phải đi tản cư, ông luôn nhớ về làng “ Chao ôi, lão thấy nhớ làng mình quá!”. Gặp đoàn tản cư ông lão hỏi thăm tin tức làng Chợ Dầu thì được người tản cư cho biết làng ông làm Việt gian theo Tây. Ông cảm thấy đau đớn, xấu hổ “ da mặt tê rân rân, cổ nghẹn đắng lại, không thở được”, “ông cúi gằm mặt, lảng đi về nhà”. Tin dữ ám ảnh ông, biến ông thành con người khác, chỉ ru rú ở nhà không dán ra ngoài, hay cáu bẳn, gắt gỏng. Khi mụ chủ nhà có ý định đuổi khéo gia đình ông, ông rơi vào trạng thái bế tắc, tuyệt vọng. Ở hoàn cảnh đó ông đấu tranh giằng xé: hay là về làng? Nhưng vừa nghĩ ông đã gạt phắt đi vì về làng tức là theo Tây, bỏ Cụ Hồ, bỏ kháng chiến. Trong sự bế tắc đó, ông tâm sự với con út như một cách ngỏ lòng mình rằng: ở ông, tình yêu làng, trung thành với cách mạng, với kháng chiến không bao giờ thay đổi. Khi được tin cải chính, ông Hai như người chết sống lại, ông lại sung sướng đi khoe làng bị đốt, nhà mình bị cháy. Đó là minh chứng hùng hồn chứng minh làng ông là làng Cách mạng, làng kháng chiến.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 6
Mỗi người trong chúng ta đều có một nơi chôn rau cắt rốn và ai cũng có quyền được tự hào về hai tiếng quê hương. Ông Hai trong tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân cũng vậy. Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu. Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách, đó là tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc. Tình huống gay gắt đó đã bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Trái tim ông như đau đớn, “cổ ông như nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân” khi phải đón nhận tin đó. Về đến nhà ông chán chường, nhìn đàn con mà nước mắt ông giàn giụa, ông nghĩ về tương lai của những đứa trẻ khi chúng có quê hương là làng Việt gian. Phải là một người yêu quê, gắn bó với ngôi làng ấy sâu sắc, ông mới cảm nhận được nỗi đau đang giằng xé trong tâm hồn mình. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng. Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy,ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin và Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Rồi khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông sung sướng như được sống lại, ông mặc quần áo chỉnh tề và đi báo tin khắp nơi. Tình yêu làng trong ông được sống dậy, niềm tự hào khiến ông vui như một đứa trẻ. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của ông Hai với những cung bậc cảm xúc chân thực. Qua đó, giúp ta thêm yêu và trân quý vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 7
Cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã làm ông điếng người: "Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tường như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ [...] giọng lạc hẳn đi", "ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi" và nghĩ đến sự dè bỉu của bà chủ nhà. Ông lão như vừa bị mất một cái gì quý giá, thiêng liêng lắm. Những câu văn diễn tả tâm trạng thật xúc động: "Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu...". Nỗi nhục nhã, mặc cảm phản bội hành hạ ông lão đến khổ sở: ''Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...". Cả nhà ông Hai sống trong bầu không khí ảm đạm: "Gian nhà lặng đi, hiu hắt, ánh lửa vàng nhờ nhờ ở ngọn đèn dầu lạc vờn trên nét mặt lo âu của bà lão.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 8
Ông Hai là một người nông dân nghèo khổ chất phác. Cũng như bao người khác, cuộc đời ông đã trải qua những giai đoạn sóng gió, đau khổ tuyệt vọng, ông Hai đã bị bọn hương lí trong làng “truất ngôi trừ ngoại”, đó là một điều xót xa cho người yêu làng như ông Hai. Có làng, có nhà, có cửa mà ông phải “phiêu dạt lang thang hết nơi này đến nơi khác”. Cuộc sống đói nghèo cực khổ nơi đất khách quê người rồi cũng chấm dứt. Sau mười mấy năm trời lênh đênh ông cũng tìm cách về lại làng mình, về đến làng, cuộc sống đói nghèo vẫn không chấm dứt. Không những phải chịu đựng cuộc sống đói nghèo cùng cực, người nông dân như ông Hai phải phục dịch cho bọn hương lí. ông Hai bị gạch đổ bại một chân trong một lần phu phen tạp dịch. Cuộc sống thật tối tăm cùng cực, ông bị vùi dập đủ đường. Sống một cuộc sống như thế nhưng tấm lòng của những người nông dân như ông Hai vẫn hướng về làng mình, vẫn yêu làng mình, vẫn yêu làng sâu sắc. Với ông Hai, làng chợ Dầu đã trở thành máu mủ ruột rà. Ông hãnh diện với làng ông, ông khoe làng chợ Dầu với mọi người ở mọi nơi mà ông đến. Nhiều lúc ông nói về làng mình cho đỡ nhớ. Người đọc thấu hiểu tình cảm sâu sắc của ông Hai với nơi chôn nhau cắt trôn. Ông khoe làng ông có “cái sinh phần của viên tổng đốc” có bề dày truyền thống, có cảnh đẹp nổi tiếng cả vùng. Tất cả những gì thuộc về làng đối với ông Hai đều thiêng liêng gắn bó. Do đó, mặc dù cái sinh phần đã gieo rắc cho ông, cho bao người khác tai hoạ song ông vẫn cảm thấy tự hào. Dường như trong tâm trí ông Hai, cái sinh phần đó là sức lực của cả làng. Và có một chút rất riêng của bản thân ông, tình yêu làng của ông Hai thật giản dị, chất phác.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 9
Làm nên thành công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta là do tinh thần yêu nước nồng nàn của những người dân đất Việt. Tình yêu đó đã được tác giả Kim Lân thể hiện xuất sắc qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm "Làng". Ông Hai là một người con của làng Chợ Dầu, ông yêu làng đến độ đi đến đâu ông cũng khoe về cái làng của mình. Khi cách mạng lan tới ngôi làng của ông, nghe theo lệnh của Uỷ ban kháng chiến, ông rời làng lên khu tản cư. Ở nơi ở mới nhưng lúc nào ông cũng mong nhớ về ngôi làng của mình. Cuốc đất, làm ruộng, ông đều nhớ về làng, nhớ về "những ngày cùng làm việc với anh em" ở làng, "cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man cả ngày". Vậy mà trong một lần ông đi "nghe lỏm" trên phòng thông tin trở về lại nghe được một tin "động trời", đó là làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Cái tin dữ đã khiến cho ông Hai "nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rần", ông lão "tưởng như đến không thở nổi". Trên đường trở về, ông Hai phải xấu hổ, nhục nhã tới mức "cúi gằm mặt mà đi". Về nhà, ông "nằm vật ra giường", "nước mắt ông lão cứ giàn ra", ông thương lũ con nhỏ, thương chính bản thân mình, từ giờ họ chính là những người dân của ngôi làng Việt gian. Ông lão đau xót lắm, nghĩ lại, kiểm điểm lại từng con người trong làng, họ toàn là những người "có tinh thần cả mà", "có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy". Từ hôm nghe tin, ông Hai chẳng đi đâu khỏi nhà, chỉ thoáng nghe đến những tiếng "Tây, Việt gian, Cam- nhông, .." là ông Hai "lủi ra một góc nhà, nín thít". Ông Hai thủ thỉ với đứa con, nói ra "như ngỏ lòng mình, như để chính mình lại minh oan cho mình nữa", để vơi bớt đi những nỗi khổ trong lòng mình. Những tưởng ông Hai cứ mãi phải sống trong trong nỗi xấu hổ, ê chề đó thì cái tin cải chính về làng ông tới. Cái tin cải chính ấy đã khiến ông Hai như được hồi sinh trở lại. Ông mua bánh, chia quà cho con, rồi chạy sang nhà bác Thứ mà khoe rằng: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn!". Chắc hẳn chẳng có một lão nông nào lại có thể vui đến thế khi căn nhà mình gây dựng bao lâu bị giặc đốt mất. Nhưng với ông Hai thì lại khác, điều đó chứng minh một điều rằng làng Chợ Dầu của ông không theo giặc, đó là niềm vui, niềm tự hào to lớn nhất của ông. Kim Lân đã khéo léo dựng lên một tình huống thật éo le để người nông dân toả sáng với tình yêu quê hương, tình yêu đất nước sâu nặng của mình trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 10
Trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân, chúng ta đã thấy được một tình yêu quê hương nồng nàn, thắm thiết. Nó được thể hiện rất sâu sắc qua nhân vật ông Hai khi ông bị đặt trong một tình huống éo le - làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Ông Hai vốn là một người dân vô cùng yêu làng, yêu quê hương, yêu cách mạng. Ở nơi tản cư, xa quê, xa làng, nhưng lúc nào ông Hai cũng nhớ về làng, nhớ về những người anh em của mình. Ông vẫn luôn tự hào về làng của mình cho đến khi ông nghe được tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Cái tin ấy đã khiến cho ông Hai bàng hoàng "cổ ông lão nghẹn ắng lại. Da mặt tê rân rần", ông lão "tưởng như đến không thở được". Về nhà, ông lão "nằm vật ra giường", "nước mắt ông lão giàn ra", ông xấu hổ quá, tủi nhục quá, ông thương bản thân ông và ông càng thương những đứa con của mình hơn "chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?". Từ hôm nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai chỉ quanh quẩn ở nhà, ông không dám đi đâu, cũng không dám trò chuyện cùng ai. Đã từng có lúc ông Hai nghĩ "hay là quay về làng?", thế nhưng cái suy nghĩ đó lại bị chính ông gạt đi bởi "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó là tình yêu quê hương sâu sắc, mãnh liệt của một lão nông nghèo, chất phác, ít học. Mọi chuyện ông chỉ dám thủ thỉ cùng đứa con trai nhỏ của mình. Và cái tìn cải chính về làng ông như một nguồn sống làm hồi sinh tâm hồn như đã "chết lặng" từ lâu của ông Hai. Cái tin cải chính đến, ông Hai mừng rỡ, mua quà bánh cho con, và chạy ngay sang nhà bác Thứ để khoe: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhăn!". Ta có thể thấy được ông Hai là một người nông dân yêu quê hương, yêu làng của mình vô cùng.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 11
Qua truyện ngắn "Làng", Kim Lân đã khắc họa thành công vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của ông Hai. Ngay từ phần mở đầu tác phẩm, độc giả đã thấy được sự vui tươi, lạc quan cùng tình yêu tha thiết của ông Hai với làng Chợ Dầu, với cách mạng. Nhân vật chăm chú nghe ngóng tin tức, cứ thấy có tên giặc nào bị bắt, bị xử thì đều phấn khởi, "ruột gan như múa cả lên". Ông Hai cũng yêu và tự hào về làng mình biết bao. Đi đâu cũng khoe về cái làng Chợ Dầu đã gắn bó với ông gần như cả đời người. Nhưng chính vì tình yêu lớn lao ấy, ông gần như đã sụp đổ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Nỗi đau đớn, xót xa và tủi nhục ấy cứ giằng xé tâm can, khiến nhân vật "tưởng như đến không thở nổi", phải "cúi gằm mặt mà đi". Không khí gia đình ông cũng bởi thế mà trầm xuống rất nhiều. Bản thân ông Hai phải tâm sự, thủ thỉ cùng đứa con nhỏ để vơi bớt nỗi buồn trong lòng, củng cố lòng trung với cách mạng và Cụ Hồ. Và quả không phụ lòng nhân vật, tin tức đã được cải chính. Ông Hai phấn khởi mua quà bánh cho các con, đi gõ cửa từng nhà về thông tin mới. Ông khoe cái nhà mình bị giặc "đốt nhẵn", kể lại tường tận quá trình nhân dân làng mình anh dũng đánh giặc. Niềm vui ấy xen lẫn sự tự hào, càng khiến lòng yêu nước của nhân vật được tỏa sáng. Qua đây, độc giả có thể cảm nhận được ông Hai chính là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai - Mẫu 12
Thông qua nhân vật ông Hai, truyện ngắn "Làng" của Kim Lân đã làm nổi bật lên tình yêu nước của những người nông dân nghèo trong kháng chiến. Ông Hai - một lão nông yêu làng của mình vô cùng, ông tự hào về làng của mình lắm, đi tới đâu, ông cũng khoe về sự giàu có, về tinh thần cách mạng của làng mình. Khi đi tản cư, ông thường nghe ngóng tin tức về làng. Thế nhưng tình yêu làng của ông Hai lại bị đặt trong một thử thách khắc nghiệt, đó là tin làng ông theo giặc. Nghe tin dữ, ông Hai như "chết lặng" đi "cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân", ông "tưởng như đến không thở nữa". Từ giây đó, sự đau đớn, nỗi tủi hổ, cực nhục dâng tràn trong tâm hồn ông. Ông chỉ dám "cúi gằm mặt mà đi" về nhà. Về tới nhà, ông "nằm vật ra giường", từng giọt nước mắt đau xót "giàn ra" trên khuôn mặt ông. Ông lão thương con, thương chính bản thân mình từ nay đã trở thành người làng Việt gian. Những suy nghĩ ấy cứ bám chặt lấy ông, khiến ông đau đớn khôn cùng. Tình yêu làng trong ông vẫn mãnh liệt, vậy nên đã từng có lúc ông nghĩ rằng "hay là quay về làng?" thế nhưng chính ông lại gạt đi cái suy nghĩ ấy bởi "làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Nghe tin cải chính, ông Hai như được hồi sinh, ông lại trở về là ông Hai của ngày xưa, ông "lật đật" chạy sang nhà bác Thứ khoe với bác bằng cái giọng "bô bô": "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn!". Đó chính là tấm lòng, là tình yêu chân thành, chất phác của những người nông dân nghèo. Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thật éo le để làm nổi bật lên tinh thần yêu nước, yêu quê hương của ông.
Đoạn văn cảm nhận về ông Hai có lời dẫn trực tiếp
Ông Hai cũng như bao người nông dân quê từ xưa luôn gắn bó với làng quê của mình. Ông yêu quý và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu. Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách. Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống gay gắt để bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Đó là tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc. Từ phòng thông tin ra, đang phấn chấn, náo nức vì những tin vui của kháng chiến thì gặp những người tản cư, nghe nhắc đến tên làng, ông Hai quay phắt lại,lắp bắp hỏi, hy vọng được nghe những tin tốt lành,nào ngờ biết tin dữ: “Cả làng Việt gian theo Tây”. Tin bất ngờ ấy vừa lọt vào tai đã khiến ông bàng hoàng, đau đớn: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được,một lúc lâu ông mới rặn è è nuốt một cái gì vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi,giọng lạc hẳn đi” nhằm hy vọng điều vừa nghe không phải là sự thật. Trước lời khẳng định chắc chắn của những người tản cư, ông tìm cách lảng về. Tiếng chửi văng vẳng của người đàn bà cho con bú khiến ông tê tái: “cha mẹ tiên sư nhà chúng nó ,đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương, cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”.
Đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về ông Hai
Ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân là một người nông dân yêu làng, yêu nước da diết. Ông vốn là dân ngụ cư, rời làng đi nơi khác sinh sống. Chính vì thế ông luôn yêu thương và tự hào về truyền thống đánh giặc của làng. Nhưng một hôm ông nghe tin làng chợ Dầu của ông theo Tây mất rồi. Lúc này đây niềm tin trong ông tan vỡ, ông đau đớn và xót xa vô cùng. Trước kia cứ ai nhắc đến làng mình là ông tự hào lắm ấy vậy mà nay vận đổi sao rời, không không dám rời khỏi nhà chỉ sợ lại nghe người ta phỉ nhổ làng ông. Lúc này đây trong ông có sự đấu tranh mạnh mẽ và ông đã quyết tâm theo Đảng, theo Bác Hồ: "làng thì yêu thật. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Ở đây ta thấy tình yêu đất nước của ông Hai đã vượt lên tình yêu làng quê. Ông yêu làng là thật nhưng trên tất cả ông vẫn đứng về lẽ phải, đứng về phía cách mạng. Và đến khi nghe tin làng được cải chính dù nhà mình bị đốt hết ông vẫn vui vẻ chạy lăng xăng đi khoe mọi người ra vẻ tự hào lắm. Hóa ra ông vẫn còn yêu làng ông đến vậy. Làng chợ Dầu của ông không theo Tây, làng Chợ Dầu của ông vẫn đi đầu trong cuộc kháng chiến chống giặc. Và tình yêu làng của ông Hai vẫn nồng nàn da diết như ngày nào.
Đoạn văn cảm nhận tâm trạng nhân vật ông Hai khi vừa nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
Ông Hai là một người rất yêu và tự hào về làng Chợ Dầu của mình. Ông luôn đi khoe về làng của ông giàu đẹp và tinh thần kháng chiến mạnh mẽ. Chính vì vậy mà khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông đã đau đớn, nhục nhã, thất vọng ê chề. Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông: một người yêu làng, luôn tự hào về làng quê của mình lại bị nhận tin làng mình đã theo giặc ngay tại nơi đi tản cư. Khi vừa nghe tin, ông Hai như người mất hồn. Tác giả đã khắc họa một cách tinh tế tâm lý nhân vật: "Cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được". Ông lão không tin vào tai mình, mặc dù lời của người phụ nữ hết sức rành rọt, rõ ràng và còn khẳng định mới từ "dưới đó lên". Ông lão phải gặng hỏi một lần nữa: "Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại..." Lời khẳng định quá chắc nịch khiến ông Hai như rơi vào vực thẳm. Niềm tự hào của ông, tình yêu của ông, nơi quê cha đất tổ mà ông ngày ngày mong ngóng, nhớ về giờ đây đã quay lại phản bội đất nước. Còn gì đau đớn hơn khi mảnh đất ông yêu như khúc ruột, yêu như vợ, như con lại phản bội niềm tin của ông? Tin dữ ấy đã khiến ông Hai ám ảnh, dằn vặt đau đớn đến khôn nguôi. Qua đoạn trích trên, ta lại càng hiểu được và thấm thía tình yêu làng quê tha thiết gắn bó với tình yêu nước thiêng liêng của người nông dân trong thời kì kháng chiến.
Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật ông Hai
Ông Hai trong truyện ngắn "Làng" đã được Kim Lân xây dựng vô cùng tinh tế, gần gũi, làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ở nhân vật tỏa sáng với tình yêu làng cùng lòng trung thành với cách mạng. Theo lệnh của Ủy ban, ông Hai và gia đình buộc phải rời làng Chợ Dầu để đi tản cư. Tuy ở nơi khác nhưng tâm trí ông vẫn luôn hướng về nơi "chôn rau cắt rốn", về những kỉ niệm tươi đẹp cùng anh em trong làng. Ấy vậy mà người ta đồn làng Chợ Dầu theo giặc. Tin này như sét đánh ngang tay, khiến ông Hai bàng hoàng đến "tưởng như không thở được". Mang tiếng "cái giống Việt gian bán nước", ông không dám ngẩng đầu lên, chỉ biết trốn trong nhà đến ba bốn hôm liền, "nước mắt ông lão cứ giàn ra". Bao sự tủi nhục, đau khổ cứ thế bủa vây lấy tâm trí nhân vật. Tuy vậy, ông Hai vẫn giữ nguyên vẹn lòng trung với Tổ quốc, hết lòng ủng hộ cụ Hồ Chí Minh. Ông đau đớn mà thốt ra: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó chính là tình yêu thuần khiết, trung thành của người nông dân dành cho đất nước, cho dân tộc. Để đến khi tin cải chính đến tai, ông Hai đã vỡ òa trong vui sướng. Chỉ một câu: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn!" mà ông đem khoe khắp nơi. Niềm tự hào dâng trào mạnh mẽ hòa quyện cùng lòng yêu nước đã nâng tầm hình tượng nhân vật lên cao. Ông Hai chính là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp những người nông dân thời chiến: chất phác, thật thà và luôn giữ lòng trung, niềm tin vào cách mạng và Cụ Hồ.