Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con gồm 2 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy được những phẩm chất cao quý của những người đồng mình, cùng lời dặn dò tha thiết của người cha với con trước khi bước vào đời.
Trong đoạn 2 bài thơ Nói với con, phẩm chất đầu tiên ta thấy được ở những người đồng mình là ý chí, nghị lực kiên cường. Mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều ý tưởng mới, ngày càng học tốt môn văn Văn 9:
Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con của Y Phương
Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con - Mẫu 1
"Nói với con" là một thi phẩm rất tiêu biểu của nhà thơ Y Phương. Qua khổ thơ thứ hai của tác phẩm, mượn lời người cha nói với con, tác giả đã khéo léo ca ngợi những phẩm chất cao quý của người đồng mình, những truyền thống quý báu của quê hương cùng lời dặn dò tha thiết - hành trang để đứa con bước vào đời. Người đồng mình là những người có ý chí, nghị lực mạnh mẽ "Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn". Người đồng mình còn đang phải chịu cực khổ, gian nan thế nhưng ai ai cũng mang trong mình chí lớn và nghị lực để "nuôi chí lớn" đó. Hai tính từ "cao, xa" đã được nhà thơ sử dụng để so sánh, miêu tả được chí khí của những người đồng mình. Cuộc sống tuy còn nhiều gian lao, nghèo khó nhưng họ luôn gắn bó, thuỷ chung với quê hương của mình. Hai hình ảnh ẩn dụ "đá gập ghềnh", "thung nghèo đói" đã diễn tả sự thiếu thốn, vất vả cực nhọc của những người đồng mình trên quê hương. Nhưng dù có thế nào, họ vẫn bám trụ nơi quê hương ấy, gắn bó, ân nghĩa, thuỷ chung. Hai điệp từ "sống", "không chê" lặp lại hai lần liên tiếp để khẳng định sự thuỷ chung đó. Không chỉ gắn bó, thủy chung mà người đồng mình còn mang trong mình tinh thần tự lập, tự cường, xây dựng quê hương. Hình ảnh "tự đục đá kê cao quê hương" là hình ảnh ẩn dụ cho ta thấy được ý chí tự lập, tự cường của những người đồng mình. Tự tay họ xây dựng lên quê hương của mình với mong muốn quê hương sẽ ngày thêm vững bền và giàu mạnh. Khép lại bài thơ là lời dặn dò con của cha:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con"
Con đã đến tuổi trưởng thành, phải ra đi tìm lấy sự nghiệp cho riêng mình, thế nhưng dù có đi đâu vẫn phải luôn nhớ về quê hương, gia đình, với những phẩm chất cao quý, hãy sống để xứng đáng với những đồng mình trên quê hương. Bằng lối thơ tự do mang sự khoáng đạt của người dân tộc miền núi cùng với những hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi, các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ, ... qua khổ thơ thứ 2 trong tác phẩm Nói với con, nhà thơ Y Phương đã cho chúng ta thấy được những phẩm chất đáng quý của người đồng mình cùng lời dặn dò tha thiết dành cho con. Khổ thơ thứ hai là khổ thơ mang những giá trị biểu tượng của cả thi phẩm Nói với con.
Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con - Mẫu 2
Nhà thơ Y Phương đã thể hiện những truyền thống của quê hương cùng tình cảm gia đình ấm áp thông qua tác phẩm Nói với con. Khổ thơ thứ 2 của bài thơ cho ta thấy được phẩm chất cao đẹp, đáng quý của những người đồng mình cũng như lời dặn dò tha thiết của một người cha dành cho đứa con của mình. Mở đầu đoạn thơ ta có thể thấy được ngay phẩm chất đầu tiên của người đồng mình, đó là ý chí, là nghị lực vươn lên của những người đồng mình. Tác giả đã dùng hai tính từ "cao, xa" để diễn tả, so sánh ý chí của những người đồng mình. Dẫu có khó khăn, họ vẫn nỗ lực "nuôi chí lớn" để đi lên. Phẩm chất thứ hai của người đồng mình là lối sống thuỷ chung ân nghĩa với quê hương. Hai từ "sống" và "không chê" đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm gắn bó với quê hương của những người đồng mình, dù cho quê hương còn "nghèo khó", "gập ghềnh", họ cũng không rời bỏ. Phẩm chất đáng quý tiếp theo của những người đồng mình là tinh thần tự lập tự cường. Người dân quê mình tuy "thô sơ da thịt" thế nhưng ai ai cũng đều là những người anh hùng kiên cường, bất khuất, chẳng hề "nhỏ bé". Hơn thế, họ còn mang trong mình quyết tâm dựng xây quê hương giàu mạnh. Hình ảnh ẩn dụ "người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương" đã chứng minh cho tinh thần tự lập tự cường ấy của họ. Khi đứa con đến tuổi trưởng thành, muốn ra đi để làm nên một trang mới của cuộc đời, người cha đã dặn dò đứa con rằng: "Con ơi tuy thô sơ da thịt.../Không bao giờ nhỏ bé được". Đó là lời nhắn gửi tha thiết, yêu thương mà cha dành tới cho con. Dù có đi đâu, làm gì, cha cũng muốn đứa con của mình luôn ghi nhớ quê hương với những phẩm chất anh hùng của người đồng mình. Bằng những hình ảnh cụ thể, mộc mạc, những biện pháp tu từ so sánh, ẩu dụ, điệp ngữ và thể thơ tự do khoáng đạt, trong khổ thơ thứ hai của bài thơ Nói với con, nhà thơ Y Phương đã làm nổi bật nên phẩm chất người đồng mình cùng lời dặn dò tha thiết của người cha dành cho con.