Soạn Lịch sử 11 Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông giúp các em học sinh lớp 11 xem gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi trang 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82 thuộc chương 6 Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Giải Lịch sử 11 Bài 12 Chân trời sáng tạo giúp các em học sinh lớp 11 hiểu rõ kiến thức về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo ở Biển Đông. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp giáo viên soạn giáo án cho riêng mình. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài Soạn Lịch sử 11 Bài 12 Chân trời sáng tạo mời các bạn cùng đón đọc.
Lịch sử 11 Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông
Giải Luyện tập Lịch sử 11 Bài 12
Luyện tập 1
Biển Đông có vai trò và vị trí như thế nào đối với sự phát triển giao thương trên thế giới hiện nay?
Lời giải:
- Biển Đông có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự phát triển giao thương trên thế giới hiện nay. Điều này được thể hiện thông qua việc:
+ Biển Đông là tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Âu với châu Á, Trung Đông với Đông Á. Có 5 trong tổng số 10 tuyến đường vận tải biển trọng yếu của thế giới liên quan đến Biển Đông. Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới.
+ Khu vực Biển Đông có nhiều eo biển quan trọng như: eo Đài Loan, Ba-si, Gax-pa, Ca-li-man-tan và đặc biệt là eo biển Ma-lắc-ca. Những eo biển này giúp cho đường giao thông trên biển qua các đại dương ngắn lại, tiết kiệm chi phí vận tải và hạn chế rủi ro.
+ Biển Đông cũng được coi là điểm điều tiết giao thông đường biển quan trọng bậc nhất châu Á với một khối lượng lớn hàng hóa vận chuyển qua đây. Khoảng hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.
Luyện tập 2
Trình bày về sự tác động của Biển Đông đối với sự phát triển của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lời giải:
- Tác động của Biển Đông đối với sự phát triển của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương:
+ Vị trí địa lí và tài nguyên của Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi để nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể phát triển đa dạng các ngành kinh tế biển, với những ngành mũi nhọn, như: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản, vận tải và du lịch biển,…
+ Tuy nhiên, Biển Đông cũng là khu vực hình thành và hoạt động của nhiều áp thấp nhiệt đới, bão,… những thiên tai này có tác động và ảnh hưởng trực tiếp, gây nhiều thiệt hại cho các quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển. Ví dụ: trung bình mỗi năm có 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
+ Mặt khác, do có vị trí địa - chính trị quan trọng, lại có nguồn tài nguyên phong phú, nên, Biển Đông là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của nhiều nước lớn và tình trạng tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông cũng xuất hiện từ sớm và khá phức tạp. Vì vậy, vấn đề an ninh trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh, chính trị và sự thịnh vượng về mặt kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Luyện tập 3
Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông tác động như thế nào đến sự hợp tác và xung đột trong khu vực thời gian gần đây?
Lời giải:
♦ Tác động đến sự hợp tác trong khu vực:
- Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú, tạo thuận lợi cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên trong Biển Đông thường phân bố trên diện rộng, có liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia. Điều này đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, như: sự khai thác quá mức một số loại tài nguyên; ô nhiễm môi trường biển; khai thác trong các vùng biển chồng lấn,… Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên Biển Đông, trong những năm qua, nhiều hội nghị, diễn đàn của các nước có chung Biển Đông được tổ chức để thực hiện kí kết các hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ,… về hợp tác khai thác Biển Đông
- Vấn đề an ninh trên Biển Đông có tác động trực tiếp đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển. Do đó, sự hợp tác trong vấn đề bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có chung Biển Đông là cần thiết. Các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này bao gồm: hợp tác trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và hợp tác trong các hoạt động an ninh quốc phòng trên biển.
♦ Tác động đến xung đột khu vực:
- Do có vị trí địa - chính trị quan trọng, lại có nguồn tài nguyên phong phú, nên, Biển Đông là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của nhiều nước lớn và tình trạng tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông cũng xuất hiện từ sớm và khá phức tạp.
Giải Vận dụng Lịch sử 11 Bài 12
Theo em, những nguồn tài nguyên nào ở Biển Đông được xem là lợi thế rất quan trọng để các nước trong khu vực hợp tác phát triển?
Lời giải
♦ Tài nguyên sinh vật và tài nguyên khoáng sản được xem là lợi thế rất quan trọng để các nước trong khu vực hợp tác phát triển. Cụ thể:
- Biển Đông có hệ sinh vật phong phú, trữ lượng hải sản lớn, nhiều loài có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật trên Biển Đông, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Ví dụ như:
+ Diễn đàn tham vấn thủy sản Đông Nam Á (AFCF) được tổ chức thường niên với mục tiêu giúp các nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản.
+ Tính đến năm 2022, Việt Nam đã thực hiện kí kết 4 điều ước và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến nghề cá và hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.
- Biển Đông có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó dầu mỏ và khí tự nhiên là những loại khoáng sản quan trọng, có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương về vấn đề khai thác khoáng sản trên Biển Đông. Tiêu biểu như:
+ Malaixia và Thái Lan đã kí Bản ghi nhớ về vấn đề khai thác chung dầu khí tại vùng biển chồng lấn trong khu vực Biển Đông (1979).
+ Bản thỏa thuận về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Mianma (1992).
+ Philippin và Trung Quốc đã kí Bản ghi nhớ về việc khai thác dầu khí chung ở Biển Đông (2018)…