Vào ngày 05/04/2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Văn bản hợp nhất 1311/VBHN - BLĐTBXH về việc hợp nhất các quy định về phụ cấp đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Văn bản có hiệu lực từ ngày ban hành. Sau đây là nội dung của văn bản, mời các bạn cùng tham khảo và tải tại đây.
Nội dung Văn bản hợp nhất 1311/VBHN - BLĐTBXH
BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1311/VBHN-BLĐTBXH | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH PHỤ CẤP ĐẶC THÙ, PHỤ CẤP ƯU ĐÃI, PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC VÀ PHỤ CẤP NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CÔNG LẬP
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chính phủ ban hành Nghị định quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), có hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dạy tích hợp là vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong một bài học/học phần/mô đun/môn học.
2. Người có trình độ kỹ năng nghề cao là người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 trở lên hoặc bậc thợ 5/6, 6/7 trở lên.
3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học dành riêng cho người khuyết tật là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học có từ 70% trở lên số học viên là người khuyết tật.
4. Lớp hòa nhập là lớp học thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có từ 5% đến dưới 70% số học viên là người khuyết tật.
Điều 3. Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp
Kinh phí chi trả phụ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp theo quy định hiện hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Chương II
CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CÔNG LẬP
Mục 1. PHỤ CẤP ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO DẠY TÍCH HỢP, NHÀ GIÁO LÀ NGHỆ NHÂN, NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ CAO DẠY THỰC HÀNH
Điều 4. Điều kiện hưởng
Nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Điều 5. Mức phụ cấp
Nhà giáo quy định tại Điều 4 Nghị định này được hưởng phụ cấp đặc thù mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Điều 6. Cách tính, hưởng
1. Phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế.
2. Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Mục 2. PHỤ CẤP ƯU ĐÃI VÀ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO DẠY NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Điều 7. Điều kiện hưởng
1. Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
2. Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
3. Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
4. Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Điều 8. Mức phụ cấp
1. Nhà giáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
2. Nhà giáo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
3. Nhà giáo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định này được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật gồm các mức sau đây:
a) Mức 35% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật;
b) Mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật;
c) Mức 45% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật;
d) Mức 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật;
đ) Mức 55% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật;
e) Mức 60% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật;
g) Mức 65% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật.
4. Nhà giáo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định này được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật gồm các mức sau đây:
a) Mức 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật;
b) Mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật;
c) Mức 15% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 20%. đến dưới 30% học viên là người khuyết tật;
d) Mức 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 30% đến dưới 40% học viên là người khuyết tật;
đ) Mức 25% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 40% đến dưới 50% học viên là người khuyết tật;
e) Mức 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 50% đến dưới 60% học viên là người khuyết tật;
g) Mức 35% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 60% đến dưới 70% học viên là người khuyết tật.
5. Nhà giáo chuyên trách giảng dạy cho người khuyết tật hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
6. Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy cho người khuyết tật hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều này đồng thời được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Điều 9. Cách tính, hưởng
1. Phụ cấp đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 8 Nghị định này được tính theo số giờ giảng dạy người khuyết tật thực tế.
2. Phụ cấp đối với nhà giáo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Nghị định này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính, đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Mục 3. PHỤ CẤP NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO DẠY THỰC HÀNH
Điều 10. Điều kiện hưởng
1. Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (sau đây gọi chung là nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau:
a) Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định;
b) Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
c) Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;
d) Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
2. Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Điều 11. Mức phụ cấp
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo mức lương cơ sở, gồm các mức sau đây:
1. Mức 0,1 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
2. Mức 0,2 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có hai trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
3. Mức 0,3 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có ba trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
4. Mức 0,4 áp dụng đối với nhà giáo dạy thực hành ngành, nghề học có bốn yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
Điều 12. Cách tính, hưởng
1. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính theo số giờ dạy thực hành thực tế của ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Chương III.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Quy định về phụ cấp đối với nhà giáo dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và phụ cấp đối với nhà giáo dạy cho người tàn tật, khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập quy định tại các Điều 5, 6, 7, 9, 10 và 11 Nghị định số 43/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 62 và Điều 72 của Luật Dạy nghề; quy định về chính sách ưu đãi và phụ cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1.3 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
1. Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp.”
2. Khoản 5 Điều 45 của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 201,9 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019 quy định như sau:
“5. Sửa đổi khoản 1 Điều 14 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập như sau:
“1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Nghị định này. ””
3. Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 45 của Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.