Giải bài tập SGK Khoa học Tự nhiên 7 trang 122, 123, 124, 125, 126 sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh lớp 7 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 29: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật của Chương VII: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật.
Qua đó, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 29 trong sách giáo khoa Khoa học Tự nhiên 7 Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Download.vn:
Giải KHTN Lớp 7 Bài 29: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật
Phần Mở đầu
Quan sát một cây trưởng thành to lớn được phát triển từ một hạt nhỏ xíu ban đầu, có bao giờ em tự hỏi: Nhờ đâu mà cây có thể lớn lên được? Nguyên liệu để tạo nên sự thay đổi kì diệu đó là gì?
Trả lời:
- Cây lớn lên nhờ sự tăng lên về số lượng và kích thước của tế bào trong cơ thể do sự lớn lên và phân chia của tế bào.
- Nguyên liệu để tạo nên sự thay đổi về kích thước của cây là nước và chất dinh dưỡng.
I. Thành phần hóa học, cấu trúc và tính chất của nước
Quan sát Hình 29.1 và liên hệ với kiến thức đã học để trả lời các câu hỏi sau:
1. Phân tử nước được cấu tạo từ những nguyên tử nào? Trong phân tử nước, các nguyên tử liên kết với nhau bằng liên kết gì?
2. Tính phân cực của phân tử nước được thể hiện như thế nào?
Trả lời:
1. Cấu tạo của phân tử nước:
- Phân tử nước được cấu tạo từ hai nguyên tử hydrogen liên kết với một nguyên tử oxygen.
- Trong phân tử nước, các nguyên tử liên kết với nhau bằng liên kết cộng hóa trị.
2. Do nguyên tử oxygen có khả năng hút electron mạnh hơn nên các electron dùng chung trong liên kết cộng hoá trị có xu hướng bị lệch về phía oxygen, dẫn đến đầu oxygen của phân tử nước tích điện âm một phần, còn đầu hydrogen tích diện dương một phần. Do có hai đầu tích điện trái dấu nhau nên phân tử nước có tính phân cực.
II. Vai trò của nước đối với sinh vật
Câu 1: Nêu vai trò của nước đối với sinh vật. Điều gì sẽ xảy ra nếu sinh vật bị thiếu nước?
Trả lời:
Nước góp phần vận chuyển các chất dinh dưỡng. Chúng còn là nguyên liệu và môi trường của nhiều quá trình sống trong cơ thể như quá trình quang hợp ở thực vật, quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn ở động vật, ...
Nếu sinh vật bị thiếu nước, các quá trình sống cơ bản sẽ bị rối loạn và có thể bị chết.
Câu 2: Hãy đề xuất cách tiến hành thí nghiệm chứng minh khẳng định "Nếu thiếu nước trong thời gian dài, cây sẽ bị héo, giảm sức sống và có thể chết"
Trả lời:
Em có thể xây dựng mô hình thí nghiệm như sau:
- Mẫu thí nghiệm: Hai chậu cây nhỏ (có thể chọn các loại cây nhỏ như các loại rau mầm,...): Một chậu thí nghiệm và một chậu đối chứng.
- Thực hiện thí nghiệm: Một chậu chứa cây được tưới nước đầy đủ (mẫu đối chứng) và một chậu không tưới cây (mẫu thí nghiệm).
Sau khoảng 2-3 ngày quan sát hiện tượng xảy ra với hai cây và đưa ra nhận xét.
Câu 3: Khi bị nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy, cơ thể bị mất rất nhiều nước. Trong trường hợp đó, em cần làm gì?
Trả lời:
Khi bị nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy, chúng ta cần:
- Sử dụng phương pháp phù hợp để ngăn cản hiện tượng nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy nhằm ngăn cản sự tiếp tục mất nước của cơ thể.
- Bổ sung lại nước, chất điện giải cho cơ thể bằng đường ăn uống hoặc truyền dịch.
III. Vai trò của chất dinh dưỡng đối với sinh vật
Câu 1: Chất dinh dưỡng có vai trò gì đối với thực vật? Nêu một số biểu hiện ở thực vật khi thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng.
Trả lời:
- Chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với thực vật, cung cấp nguyên liệu và năng lượng để sinh vật thực hiện các quá trình sống.
- Biểu hiện thiếu nitrogen ở cây nho là lá cây bị vàng, biểu hiện thiếu magnesium ở cây cà chua là lá cây bị vàng và xoăn
Câu 2: Giải thích tại sao trong trồng trọt, người ta thường trồng thay đổi các loài cây khác nhau trên cùng một diện tích đất trồng ở các mùa vụ khác nhau trong một năm.
Trả lời:
Người ta thường trồng thay đổi các loài cây khác nhau trên cùng một diện tích đất trồng ở các mùa vụ khác nhau trong một năm vì:
- Mỗi loài cây có một nhu cầu khác nhau về nguồn nước và các chất dinh dưỡng → Thay đổi các loại cây trồng khác nhau trên cùng một khu đất trồng nhằm tận dụng tối đa nguồn nước, các chất dinh dưỡng có trong đất và nguồn phân bón đưa vào đất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Mỗi loại cây trồng thích hợp với các điều kiện khí hậu khác nhau (mùa vụ) → Thay đổi các loài cây trồng khác nhau ở các mùa vụ khác nhau đảm bảo điều kiện ngoại cảnh tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
- Ngoài ra, trồng thay đổi các loài cây trồng khác nhau có thể tạo ra một môi trường bất lợi cho sự tích lũy sâu bệnh ở các mùa vụ: Đối với những loài sinh vật chỉ chuyên gây hại trên một loài cây (hoặc một số giống cây), khi gặp các loài cây trồng khác nhau liên tiếp xen kẽ, chúng sẽ không thể sinh sôi được.