TOP 8 bài Thuyết minh về chiếc quạt giấy ngắn gọn, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm, công dụng của chiếc quạt giấy trong đời sống của con người để viết bài văn thuyết minh thật hay.
Quạt giấy có từ rất lâu, dùng để quạt mát cho con người trong những ngày hè oi ả, nóng bức, quạt giấy cũng có nhiều loại, nhiều kiểu dáng khác nhau. Quạt giấy nhỏ và dẹt, dễ mang theo, rất tiện lợi. Mời các em cùng theo dõi bài viết để có thêm nhiều vốn từ, ngày càng học tốt môn Văn 9.
TOP 8 bài thuyết minh về chiếc quạt giấy
- Dàn ý thuyết minh về chiếc quạt giấy
- Thuyết minh quạt giấy lớp 9
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 1
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 2
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 3
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 4
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 5
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 6
- Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 7
Dàn ý thuyết minh về chiếc quạt giấy
Dàn ý ngắn gọn
I. Mở bài:
- Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh (cái quạt giấy).
II. Thân bài:
1. Nguồn gốc:
- Quạt giấy đến thế kỷ 10 mới xuất hiện, gọi là quạt tập diệp.
2. Đặc điểm:
- Quạt giấy nhỏ và dẹt, dễ mang theo.
- Quạt có phần cán quạt được làm bằng nan tre
- Phần chính là tà quạt được làm bằng giấy, gấp xếp, in hoa văn.
3. Công dụng:
- Quạt bé dùng để quạt mát.
- Quạt to thì dùng trong các nghi lễ cung đình, vua chúa ngày xưa.
4. Cách bảo quản:
- Không quăng, quật lung tung.
III. Kết bài:
- Khẳng định vai trò của chiếc quạt giấy
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về công dụng của chiếc quạt trong đời sống.
2. Thân bài
a. Giới thiệu lịch sử của chiếc quạt
Từ xa xưa con người đã dùng chiếc mo cau làm quạt:
- Dùng nan tre để đan quạt nan.
- Dùng giấy và nan tre để làm nên những chiếc quạt bằng giấy có thể gấp lại được trông rất đẹp và tiện lợi.
b. Đặc điểm cấu tạo của quạt giấy
Gồm ba bộ phận chính: phần đuôi, nan quạt và phần giấy.
- Nan quạt: thường được làm bằng gỗ mỏng, dẹp có chiều dài khoảng 25 - 30 cm, chiều rộng khoảng hơn 1 cm. Một chiếc quạt có khoảng 20 cái nan cách nhay 2 - 3 cm có tác dụng định hình chiếc quạt, cố định phần giấy, quạt có chắc chắn hay không phụ thuộc vào phần này.
- Đuôi quạt: là một đầu của nan quạt được xếp chồng lên nhau, cố định bằng một chiếc chốt, là phần để cầm, nắm chiếc quạt và gập quạt lại khi không sử dụng.
- Phần giấy: bao quanh nan quạt, có chức năng tạo ra nguồn gió, trên giấy thường được trang trí những họa tiết bắt mắt tạo tính thẩm mĩ cho chiếc quạt.
c. Công dụng, cách sử dụng và bảo quản
- Công dụng:
- Đem lại những luồng gió mát cho con người vào những ngày hè oi ả, bảo đảm sức khỏe cho mọi người trong lúc lao động cũng như khi nghỉ ngơi.
- Quạt giấy hết sức nhỏ gọn, có thể gấp lại và mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi.
- Giá thành quạt giấy tương đối rẻ, phù hợp với mọi người (từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn), ai ai cũng có thể sử dụng.
- Cách sử dụng: xòe quạt ra, dùng tay nắm lấy phần đuôi quạt và dùng sức người để quạt tạo ra luồng gió.
- Cách bảo quản: quạt thường làm bằng giấy nên khi dùng xong phải giữ khô; khi quạt phải nhẹ nhàng để tránh bị rách, không để quạt thấm nước.
3. Kết bài
Đánh giá vai trò của chiếc quạt giấy đối với đời sống con người và phát biểu những cảm nghĩ.
Thuyết minh quạt giấy lớp 9
Khi cuộc sống chưa phát triển, con người chưa sáng chế ra quạt điện, điều hòa thì quạt giấy là một trong những công cụ vô cùng hữu ích đối với con người. Chúng giúp cho con người xua tan đi được cái nóng nực của những ngày hè oi ả. Đối với dân tộc Việt Nam, chiếc quạt giấy như một biểu tượng đẹp của văn hóa. Chính vì vậy mà đến bây giờ dù quạt điện đã ra đời nhưng những chiếc quạt giấy vẫn được sản xuất và bán ở nhiều nơi.
Từ thế kỉ thứ X chiếc quạt giấy bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chúng có bản to và chỉ được dùng cho vua chúa, phục vụ vua chúa. Những chiếc quạt giấy nhỏ hơn thì được những bậc tao nhân mặc khách sử dụng. Phi tần trong cung thì dùng quạt giấy như một thứ đồ trang trí giúp cho mình trở nên duyên dáng hơn, mĩ miều hơn. Hình dáng của những chiếc quạt giấy dẹp và nhẹ nên mọi người dễ dàng cầm và quạt để tạo ra gió. Ban đầu những chiếc quạt giấy còn khá thô sơ nhưng sau nhiều lần cải tiến chúng đã trông đẹp mắt hơn. Càng ngày người ta càng chế tạo ra nhiều chiếc quạt có những hoa văn vô cùng đẹp mắt. Quạt giấy có hai phần chính là cán quạt và tà quạt. Cán quạt được làm bằng dỗ dẹt chuốt mỏng và đều tay. Từng chiếc nan xếp chồng lên nhau một cách khéo léo để chúng có thể kéo ra, thu vào. Ở một đầu, những chiếc nan gắn liền với nhau bởi một chiếc đinh nhỏ. Tà quạt thì làm bằng giấy mỏng và được dán chặt vào nan quạt. Chúng rất bền và chắc chắn. Trên tà quạt có vẽ hình sông nước, bông hoa. Những người học chữ thời xưa thường hay viết câu đối hoặc chữ nho lên trên tà quạt. Đối với nhiều người quạt giấy như là linh hồn vậy. Chúng đơn sơ, mộc mạc, giản dị giống như tâm hồn của con người Việt Nam vậy. Quạt giấy đã phát triển cùng với sự phát triển của các mốc lịch sử Việt Nam.
Giờ đây xã hội đã tiến bộ hơn, con người có quạt điện, điều hòa để làm mát không khí nên nhiều người không còn sử dụng quạt giấy nữa. Thế nhưng những cụ già sống ở quê vẫn có thói quen sử dụng quạt giấy. Những buổi trưa từ đồng về ngồi nghỉ dưới gốc cây, có một chiếc quạt giấy để quạt mát là một điều vô cùng tuyệt vời. Hay như những buổi tối người dân trong xóm ngồi với nhau bên chiếc chõng tre cùng nhau trò chuyện và trên tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy.
Thời xưa, những chiếc quạt giấy to còn được dùng như món đồ trang trí trong cung tẩm của vua chúa. Hay những chiếc quạt giấy gắn bên kiệu của nhà vua để giúp nhà vua không bao giờ bị nóng. Thời nay, quạt giấy được dùng như một món đồ lưu niệm, ở trên đó họ vẽ những phong cảnh nổi tiếng của đất nước. Có những công ty dùng quạt giấy để làm quà lưu niệm cho khách hàng, làm một món đồ quảng cáo. Một số gia đình có sở thích trang trí cho ngôi nhà của mình bằng những chiếc quạt giấy thay cho tranh vẽ bởi mỗi chiếc quạt giấy trên đó có những tuyệt tác của các nghệ sĩ. Trong nghệ thuật, người ta cũng dùng quạt giấy như một thứ công cụ giúp họ biểu diễn. Quạt giấy đi vào trong thơ ca của nhiều nghệ sĩ Việt Nam. Nhà thơ Hồ Xuân Hương có bài thơ về chiếc quạt vô cùng nổi tiếng là bài Vịnh chiếc quạt. Hay như nhà thơ Vương Trọng có bài thơ Gió từ tay mẹ. Và nói đến quạt giấy chắc hẳn mọi người sẽ nhớ ngay đến bài đồng dao Thằng bờm và hình ảnh chiếc quạt mo. Quạt giấy đi vào trong lòng người dân Việt Nam như một lẽ tự nhiên như vậy.
Cách để tạo ra một chiếc quạt giấy vô cùng đơn giản. Chỉ từ thân tre và giấy là người ta có thể làm ra những chiếc quạt giấy. Những cây tre khoảng chừng 5 tuổi là có thể dùng để làm nan quạt bởi chúng không quá non. Người ta chặt từng đốt tre rồi cưa khúc theo kích thước của nan quạt. Trước khi làm thành quạt họ phải ngâm tre trong ao hồ khoảng 6 tháng đến 1 năm để chất protein trong tế bào tre thẩm thấu ra nước. Làm như vậy để cho quạt giấy không bị mọt. Tiếp đến người ta vớt tre lên và luộc với nước vôi loãng khoảng 12 tiếng. Sau cùng với cho vào máy chẻ nan và tuốt nan cho hết xơ. Sau khi đã xếp nan một cách cẩn thận, chốt nhôm được gắn vào và khoan lỗ nhài. Thay vì nhuốm nhôm người ta cũng có thể sử dụng chốt nhựa, ốc vít hoặc đinh tán. Để gắn được chúng vào người ta phải dùng mũi khoan nhỏ sắc khoan mở trước sau đó mới dùng mũi khoan to dần tới khi bằng kích thước chốt, gắn chốt và cuối cùng là tán chốt. Phần đuôi quạt người ta dùng máy mài để mài đuôi hình trái xoan hoặc hình tròn. Làm như vậy quạt không chỉ đẹp hơn mà còn an toàn hơn. Phần giấy được cắt theo hình vòng cung bát nguyệt. Trước đó người ta đã in sẵn những hình ảnh hoặc nội dung lên mặt giấy. Cuối cùng người ta đặt giấy lên nan và dính chúng lại với nhau bằng keo dính.
Quạt giấy khá mỏng manh vì vậy muốn quạt được bền lâu thì người dùng phải giữ gìn một cách cẩn thận, không quăng quật sẽ làm quạt bị rách. Dù xã hội hiện đại nhưng hi vọng rằng chiếc quạt giấy vẫn sẽ đồng hành cùng với người dân.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 1
Trong dòng chảy thời gian của sự hình thành và phát triển đất nước Việt Nam, chiếc quạt giấy xuất hiện từ rất sớm với những ý nghĩa và công dụng ngày càng gần gũi với đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người.
Thời xa xưa, quạt được sử dụng trong cung đình và cách trang trí của quạt thời ấy cũng vô cùng đặc biệt. Quạt do vua ngự dụng là loại quạt to bản được làm bằng lông vũ, được phe phẩy làm mát cho vua kể cả trong những buổi chiều và những lúc không ở trên đại điện. Ngược lại, quạt dành cho các phi tần là quạt làm bằng lụa mỏng, với tác dụng thẩm mỹ là chính, giúp tăng thêm phần mềm mại thướt tha cho những người phụ nữ chốn thâm cung. Quạt giấy cũng được biết đến như một vật bất li thân của các công tử hào hoa phong nhã trong lúc thưởng trăng ngâm thơ hay những hiệp khách phóng khoáng coi bốn bể là nhà. Chính bởi thế, quạt thời xưa mang màu sắc truyền kì và đậm chất trữ tình phong nhã.
Sau khi thời phong kiến kết thúc, quạt trở nên gần gũi hơn với người dân Việt Nam với những chi tiết cũng được tối giản hóa. Một chiếc quạt giấy được tạo nên từ hai phần chính là nan quạt và tà quạt. Tre làm nan phải là tre dai và bền, không được quá non, đem ngâm nước từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, tre được vuốt mỏng thành nan xếp lại với nhau để có thể kéo ra thu lại một cách dễ dàng. Phần đuôi của nan quạt được cố định bằng một chiếc đinh nhỏ để cố định và làm tay cầm. Phần tà quạt thì được làm từ giấy mỏng nhưng chắc, cắt vòng cung theo hình bán nguyệt, sau đó thì dán cố định lên nan quạt bằng keo, có thể đề lên đó những câu thơ hoặc những bức vẽ phong cảnh núi sông hữu tình để tăng tính thẩm mỹ. Vì quạt làm bằng giấy nên phải giữ quạt ở nơi khô ráo, không được để quạt ướt hay cũng không được mở và đóng quạt quá mạnh tay khiến tà quạt bị rách hoặc bung khỏi phần nan quạt.
Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, chúng ta có quạt điện, máy lạnh, điều hòa để làm dịu mát những ngày hè oi ả. Thuy vậy, quạt giấy vẫn giữ vai trò quan trọng nhất định trong cuộc sống hàng ngày của người dân ta. Hiện nay, quạt là một món đồ lưu niệm điển hình ở các điểm du lịch trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Trên mỗi chiếc quạt là hình ảnh của danh lam thắng cảnh nơi ấy với những dòng chữ nhắn nhủ hay những lời chào mến khách, vừa có thể để làm món đồ lưu giữ kỉ niệm vừa có thể giúp du khách bớt nóng nực trong chuyến bộ hành tham quan cảnh sắc nước Việt. Không chỉ có thế, quạt cũng được sử dụng như một phụ kiện trong những bài múa dân gian khiến điệu múa trở nên uyển chuyển, duyên dáng, sống động hay những vở kịch cũng cần đến quạt như vật để gợi nhắc những câu chuyện từ thủa xa xưa. Chính vì vậy, quạt giấy vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam.
Quạt giấy với những nét giản dị dân dã của mình, là biểu tượng cho một dân tộc Việt Nam bình dị gần gũi. Bảo tồn nghề làm quạt nói chung và những chiếc quạt giấy nói riêng là bảo tồn nét thuần phác nguyên sơ của dân tộc Việt, cũng như lưu giữ vẻ đẹp văn hóa mà ông cha ta đã lưu truyền từ bao đời nay.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 2
Quạt giấy xưa nay luôn là vật dụng giản dị, gần gũi của biết bao con người Việt Nam. Một cách tự nhiên mà ấn tượng, hình ảnh chiếc quạt giấy đã bao lần đi vào thơ ca, nhạc họa và đậm sâu lưu giữ lại trong hồn người. Dẫu cho xã hội đang ngày càng đổi mới, phát triển, quạt giấy không còn phổ biến như trước nữa nhưng giá trị, tinh thần của những chiếc quạt giấy đem đến cho đời sống con người vẫn mãi được nâng niu, trân trọng.
Nhiều người nói, chiếc quạt giấy đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ thứ mười. Thuở ban đầu, chiếc quạt giấy là loại bản to, thường chỉ xuất hiện trong đền đài cung điện của vua chúa được người hầu mang theo với lọng trong mỗi chuyến đi của vua chúa. Bên cạnh đó, quạt giấy thời ấy cũng là một vật cầm tay sang trọng, quý phái của những tao nhân mặc khách, những bậc hiền triết được người đời kính trọng. Theo thời gian, chiếc quạt giấy cũng dần được cách tân và ngày càng trở nên thanh thoát và tinh tế hơn với những hoa văn, màu sắc trang trí bắt mắt. Tìm hiểu về cấu tạo của chiếc quạt giấy, ta thấy chiếc quạt gồm có hai phần chính, đó là cán quạt và tà quạt.
Trước hết là phần cán quạt. Cán quạt thường được làm bằng gỗ hoặc tre nứa, được người thợ thủ công khéo léo chuốt dẹt, mỏng và đều tay. Những thanh gỗ, tre ấy sau đó được xếp cách đều, đan cài lên nhau với phần chốt ở đuôi chắc chắn để có thể mở ra gấp vào linh hoạt, dễ dàng. Là một phần không thể thiếu của chiếc quạt, nhiều người cũng dành sự quan tâm đặc biệt của mình cho phần tà quạt. Để làm tà quạt, các nghệ nhân thường dùng những tấm giấy gió mỏng nhưng bền, dai và chắc chắn. Tà quạt có thể để trơn, nhưng nhiều khi, để tạo thêm sự nổi bật cho chiếc quạt, người ta thường nhuộm màu tờ giấy làm tà quạt hoặc có thể vẽ, in những họa tiết hoa, lá tinh tế, ấn tượng. Những cánh hoa mỏng manh, những chiếc lá nhẹ nhàng, bóng người thấp thoáng…đôi nét những hình ảnh đó cũng đủ làm cho mỗi chiếc quạt giấy thêm phần thanh tao và quyến rũ lòng người. Đặc biệt, trên nhiều chiếc quạt giấy những câu đối, những dòng chữ Nho tạo điểm nhấn cho chiếc quạt. Một cách giản dị và mộc mạc, chiếc quạt giấy vẫn gắn bó với con người bao thế hệ, trải qua và đồng hành với biết bao chặng đường của con người, thấm đượm nét đẹp tâm hồn phồn hậu, dung dị của con người Việt Nam.
Với cuộc sống con người, quạt giấy có rất nhiều công dụng hữu ích. Cuộc sống hiện đại với những thiết bị điện tử đa năng sẽ trở nên khó khăn, nhàm chán hơn những ngày mất điện. Cái nóng oi ả, cái không khí bức bối sẽ phần nào được xua tan nhờ những chiếc quạt giấy. Những ngày ấy, giấc ngủ của đứa trẻ thơ sẽ êm dịu hơn, tâm trạng của con người sẽ thư thái hơn phần nào nhờ những làn gió dịu làng, thanh mát mà những chiếc quạt giấy đem lại. Trong những cuộc tản bộ du xuân, trong những dịp lễ hội tấp nập, ta vẫn thấy người người mang theo quạt giấy bởi lẽ nó nhẹ nhàng, nhỏ gọn vừa sức mang đi, không tốn quá nhiều không gian. Quạt giấy còn là một món đồ trang sức vô cùng tinh tế được biết bao người xưa lựa chọn để phần nào thể hiện con người, làm tôn lên vị trí, vị thế của mình.
“Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên
Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền
Phiền tâm quạt, tay đưa gió
Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”
Đó là những câu thơ truyền miệng bao đời của người dân Chàng Sơn – mảnh đất nổi tiếng với nghề làm quạt giấy. Quạt giấy đẹp, hữu dụng và tinh tế, bởi thế mà người làm quạt giấy được gọi là những người thợ thủ công tài hoa, những nghệ nhân làng nghề khéo léo lưu giữ chất ngọc tinh thần, vun đắp và giữ gìn cái đẹp làng nghề. Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, đó là điểm hẹn cho những người yêu quạt giấy, trân quý nét đẹp của những chiếc quạt, của những con người làm nên chiếc quạt và xa hơn là trân trọng cả một nét tinh thần lao động đẹp. Ngôi làng được mang danh hiệu là “làng bách nghệ”, sau bao thăng trầm, nghề làm quạt giấy đang dần vươn mình và khẳng định vị thế, giá trị, nhắc nhớ người ta nghĩ về và trân trọng những chiếc quạt mỏng manh, tinh tế bên cạnh những thiết bị điện tử hiện đại.
Quạt giấy, vật dụng gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam với những giá trị hữu dụng và nét đẹp thanh tao đã luôn khẳng định giá trị và gieo vào lòng người bao ấn tượng, cảm xúc. Dẫu rằng trong cuộc sống hiện đại, những chiếc quạt giấy không còn chiếm nhiều ưu thế nhưng nó vẫn mãi được trân trọng, nâng niu như một giá trị tinh thần đáng quý của dân tộc.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 3
Chiếc quạt giấy không biết từ bao giờ đã đi vào thơ ca, nhạc họa một cách rất tự nhiên. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ, bằng trí tuệ của loài người đã cho ra đời những thiết bị làm mát hiện đại như quạt điện, điều hòa… dần thay thế chiếc quạt giấy. Thế nhưng quạt giấy vẫn luôn là một phần kí ức tuổi thơ đẹp đẽ, không thể lãng quên.
Quạt giấy đã ra đời từ bao giờ? Chiếc quạt đã xuất hiện từ rất lâu khi con người có nhu cầu làm mát và trang trí. Nước ta cũng là một trong những quê hương của quạt giấy. Từ xa xưa, quạt giấy của người Việt Nam đã bắt nguồn từ những lũy tre xanh. Từ những thân tre cao, to, người ta đã chẻ ra những nan quạt cứng cáp. Mỗi chiếc quạt gồm khoảng 18- 20 nan tre mỏng 1mm, dày 1cm dài từ 16- 20 cm xếp lại với nhau. Hai nan ngoài cùng bao giờ cũng to, dày và cứng hơn các nan bên trong để chịu lực chính. Gần cuối các nan được cố định bằng một khuy chốt để quạt có thể mở ra, khép vào dễ dàng. Bao phủ trên toàn bộ khung quạt là một lớp giấy chất liệu tốt, dai, bền. Giấy được dán vào các nan quạt, khoảng cách giữa các nan dính trên giấy đều nhau tạo thành hình bán nguyệt. Để tạo sự hấp dẫn cho chiếc quạt, người ta còn vẽ hoặc in hoa văn, hoa tiết nhiều màu sắc nên giấy, hoặc các danh lam thắng cảnh đẹp.
Quạt giấy có rất nhiều công dụng hữu ích cho con người. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, bị mất điện, quạt điện hay điều hòa không thể dùng được nữa thì chiếc quạt giấy thật sự là một vật dụng quan trọng. Quạt giấy phe phẩy trên tay của những người mẹ ru con ngủ hay trên tay của những người bà vừa quạt vừa kể chuyện cho cháu nghe. Quạt giấy nhỏ, nhẹ, có thể gấp gọn lại thuận tiện khi đi đường. Mỗi khi dừng chân, ngồi nghỉ có thể đem ra để quạt xua đi mệt mỏi, nắng nóng. Trong một số trường hợp quạt có thể thay thế cho mũ, nón để che nắng. Vào thời xưa, quạt còn được dùng như một món đồ trang sức, thể hiện đẳng cấp. Quạt giấy còn được các nhà nho, nhà thơ viết những câu đối, những câu danh ngôn hay những bài thơ đặc sắc có thể được dùng làm quà tặng, đồ lưu niệm hay trang trí. Quạt còn là một trong những đạo cụ không thể thiếu trong sân khấu chèo, tuồng…làm tăng thêm sự thùy mị, nết na của những tiểu thư khuê các. Quạt cũng đi vào những điệu múa đầy nhẹ nhàng, uyển chuyển về quê hương, đất nước.
Quạt giấy có những ưu điểm hơn quạt điện là quạt giấy gọn nhẹ, có thể gấp lại gọn gàng thuận lợi mang đi và sử dụng ở bất cứ đâu. Ngoài ra, quạt giấy không tốn điện, không ảnh hưởng đến môi trường như các thiết bị điện. Bên cạnh đó, quạt giấy cũng còn nhiều hạn chế. Làm được một chiếc quạt đẹp phải trải qua nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ. Tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tuy nhiên khi sử dụng lâu sẽ mỏi tay, không quạt mát như quạt điện. Quạt giấy khá mỏng manh dễ bị hỏng nên chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ. Sau khi sử dụng phải gấp lại nhẹ nhàng, cất gọn đi. Không sử dụng quạt để nô đùa để tránh quạt bị gãy.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 4
Xã hội ngày càng văn minh nhờ có sự xuất hiện của nguồn điện năng. Hầu hết các sản phẩm, đồ dùng của chúng ta ngày nay đều được máy móc sản xuất. Song, không phải vì thế mà những sản phẩm thủ công lép vế và bị quên lãng mà chúng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống. Và quạt giấy, một sản phẩm được làm bằng chính đôi bàn tay con người, cũng như thế, đã đi qua bao thế hệ và vẫn gắn bó với cuộc sống ngày nay.
Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy quạt giấy đã xuất hiện cách đây hơn năm nghìn năm, từ thời Ai Cập cổ đại khi người ta tìm thấy hai chiếc quạy lớn ở ngôi mộ của một hoàng đến Ai Cập. Sau đó, quạt được giới thiệu ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và được đưa sang nhiều các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Nghề làm quạt ở nước ta đã tồn tại từ rất lâu rồi với nhiều làng làm quạt nổi tiếng như Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội), làng Vẽ (huyện Từ Liêm), Ân Thi (Hải Dương), … và nổi bật nhất là làng Kẻ Vác ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là làng nghề truyền thống do ông Mai Đức Siêu dựng lên, và ông cũng được mọi người coi là ông tổ của nghề làm quạt. Hình ảnh làng Kẻ Vác, hay còn gọi là làng Canh Hoạch đã đi vào câu ca dao dân gian như một minh chứng cho làng nghề nức danh này:
Khác với những loại quạt điện hiện nay, quạt giấy chỉ gồm hai bộ phận chính là khung quạt và phần giấy quạt. Khung quạt khi xưa được làm bằng tre, sau đó người ta còn làm khung bằng các loại gỗ khác, bằng nhựa hoặc bằng ngà,… Khung quạt là tập hợp của các nan quạt, thường là từ mười lăm đến mười bảy nan, trong đó thì hai nan quạt ngoài cùng thường dày hơn so với những nan ở giữa để giữ cho phần khung được chắc chắn hơn. Độ dài của nan quạt không được quy định cụ thể mà tùy vào người làm và kích thước của quạt để thiết kế cho phù hợp. Mỗi nan có hai đầu, một đầu to và một đầu nhỏ. Đầu to thường được vót cong cong hình cánh cung. Khi xếp các nan với nhau, người thợ sẽ đục một lỗ xuyên qua các nan rồi luồn dây thép hoặc ốc vít để cố định các nan. Các nan được đặt xếp bằng lên nhau và được phần giấy quạt cố định hình dạng để khi mở ra, các nan chia đều nhau thành hình bán nguyệt. Với phần giấy quạt, người thợ sẽ phải đo để cắt cho vừa với khung. Lớp giấy này được đặt lên các nan ở cả hai mặt, cố định bằng hồ dán. Hồ dán này cũng được lấy từ tự nhiên, là nhựa quả cậy hoặc bột nếp được hòa với nước, quấy cho đến khi hơi sệt lại. Nhựa quả cậy cho độ bền và dính cao hơn. Quạt sau khi được dán giấy sẽ được quét một lớp sơn bóng để quạt bền đẹp lâu hơn.
Quạt giấy vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc sống bởi những công dụng mà nó mang lại cho con người. Quạt tạo ra cho ta luồng không khí thoáng mát cho những ngày hè oi ả, là cơn gió thoảng từ tay mẹ đưa con thơ vào giấc ngủ, là những đêm nằm phe phẩy quạt dưới trăng thanh gió mát. Quạt giấy còn được dùng trong bếp như một vật dụng hỗ trợ cho lửa lên như khi nhóm bếp, nướng bánh đa, thịt chả xiên,… Quạt giấy còn được người ta tặng cho nhau khi trở về từ chuyến du lịch đến các làng nghề truyền thống hay từ những khu phố cổ đậm màu cổ xưa. Vào thời phong kiến, các thi nhân cũng sử dụng quạt để đề thơ, các họa sĩ lấy giấy quạt để in dấu các tác phẩm của mình. Bởi thế mà quạt giấy còn là một vật trang trí trong nhà. Chiếc quạt giấy cũng được các nghệ sĩ múa đưa vào làm đạo cụ biểu diễn, múa quạt là điệu múa truyền thống tự ngàn đời và vẫn được trình diễn trong nhiều tiết mục ngày nay. Không chỉ múa mà trong chèo, trong ca kịch, người ta cũng sử dụng quạt làm đạo cụ biểu diễn.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 5
Từ Phương Đông, cái quạt du nhập sang Phương Tây. Châu Âu máy móc và lý chí gọi cái quạt là chiếc bình phong nhỏ di động. Dùng để quấy đảo không khí, làm cho mát. Châu Âu cũng có nhiều quạt. Đặc biệt, giới quý tộc dùng nhiều quạt rất cầu kỳ vì họ coi chúng là một loại đồ trang sức năng động và tế nhị: quạt có đăng ten, quạt lụa màu, quạt có gương, quạt có đá quý, quạt đồi mồi…
Nước ta là một trong những quê hương của cái quạt. Ở Hà Nội xưa, tại phố hàng quạt ở đình Phiến Thị (chợ quạt) cũng gọi là đình hàng quạt, có thờ tổ sư nghề làm quạt họ Đào, người làng Đào xá, Ân Thi, Hải Hưng. Chính dân Đào Xá đã ra Kẻ chợ lập phường làm quạt và dựng nên ngôi đình này. Gần đây, quạt Hưng Yên, quạt Phù Ủng, quạt Hữu Bằng là có tiếng nhất.
Có rất nhiều loại quạt, quạt trầm hương, đồi mồi, lá, nan, lông gà…Quạt lầu bóng, quạt thằng bờm, quạt lễ, quạt rước, quạt tiến, quạt kéo, quạt thước…Quạt kéo có cánh 1m80 x 0.7m, lược vải và có hệ thống dây cho một người kéo, làm mát được không gian rộng. Nó xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1914. Quạt thước dài chừng 45cm dùng cho những người có tuổi ở nông thôn. Nó vừa che nắng, che mưa, đuổi chó. Cho nên, còn gọi là quạt đánh chó. Năm 1944, nhà văn Nguyễn Tuân mặc áo gấm, khăn đóng, tay cầm cái quạt thước to xòe ra, vào quán TAVERRRNE, được mọi người xúm xít lại nhìn ngắm, trầm trồ. Đặc biệt là những khách người Pháp đánh giá rất cao cách ăn mặc này kèm cái quạt thước độc đáo.
Cái quạt giấy Việt Nam dù to dù nhỏ bao giờ cũng chỉ có 17, 18 nan. Chưa bao giờ có quạt 16 hoặc 19 nan. Xét về mặt cấu tạo của chiếc quạt giấy, ta thấy nó gồm ba phần: nan, khuy, giấy. Nan quạt thường được làm bằng tre, chẻ nhỏ mỏng 1mm rộng 1cm, dài 20cm đến 28cm. Hai nan cái ngoài cùng bằng cật tre dày và cứng có tác dụng chịu lực chính. Nan tre là loại tre già, được ngâm trong ao hồ khoảng 1 vài năm cho chất protein trong tế bào tre thoát hết. Khi đó nan sẽ hết chất protein nên không bị mối mọt ăn. Hiện nay, một số nhà sản xuất hàng loạt bằng máy nên thường dùng thuốc quét lên trên nan để chống mối mọt, một thời gian sử dụng sẽ bay hết. Thuốc này không có lợi cho sức khỏe, thường xuyên tiếp xúc có thể tích tụ trong người gây ung thư. Khuy quạt là đinh cố định các nan ở một đầu. Hai bên khuy được cố định bằng hai nhài. Có thể cải tiến khuy bằng đinh ốc. Phần cuối cùng là giấy. Giấy gồm hai tờ giấy chất liệu tốt, dai, cắt theo hình vòng cung khuyết. Giấy được dán vào nan quạt và dính với nhau trên phần nan quạt xòe ra. Để tạo sự bắt mắt, thẩm mỹ cho quạt giấy; nhà sản xuất thường in hình ảnh, logo hay slogan của công ty lên mặt giấy nhằm mục đích quảng cáo. Trong những cuộc múa của đồng bào Chăm, múa quạt là một đỉnh cao. Cái quạt trong tay các vũ nữ là con công, gà, phượng, rồng, bướm, là gió, mây, là tất cả…Vai giáo đầu của chèo bao giờ cũng cầm cái quạt trong tay để dãi bày, dở bài thơ ra ngâm, hơi che mặt nghiêng nghiêng làm duyên. Khi thi đỗ, Lưu Bình trở về thấy người yêu đã biến mất trong tay cầm cái quạt biết mở ra hay cụp vào. Chàng bỗng vung quạt lên và ngâm một câu bất hủ và ngơ ngác: "Nàng bỏ đi đâu? Phòng loan lạnh ngắt". Trong vở "tuần ti đào Huế". Anh Tuần Ti trong tay chỉ có một cái quạt. Bên anh ta là vợ chính thức và người "vợ nhặt" yêu quý đang đánh ghen với nhau. Anh phải can ngăn dàn xếp. Cái quạt đã giúp anh che bên nọ, chắn bên kia. Cái quạt đã giúp anh lột tả được những giây phút bối rối, năn nỉ, bực mình, vui vẻ, hối hả, dàn hòa…Cái quạt thật chung thành với anh. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng thề bồi với cô Kiều cũng xòe quạt. Quạt này gọi là quạt thề, quạt ước. Nó giúp thể hiện trạng thái tâm hồn vui sướng hay sầu muộn, điên loạn hoặc mơ hồ, hoặc chói chang sắc lạnh. Có lúc lại chập chờn mê sảng. Cái quạt có giá trị rất lớn trong nghệ thuật chèo vì nó được sử dụng triệt để.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 6
Chiếc quạt giấy tự bao giờ đã đi vào thơ ca nhạc họa một cách rất tự nhiên và trở thành một vật dụng quen thuộc được sử dụng rất thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.
Chắc hẳn mọi người cũng luôn thắc mắc chiếc quạt ra đời từ bao giờ. Theo tôi nghĩ là con người có nhu cầu quạt mát đã tự sáng chế ra vật dụng thủ công này. Còn theo như một số nhà nghiên cứu thì cho rằng quạt giấy có từ rất lâu, từ thời cổ đại. Ở Trung Quốc, là cặp quạt nan tre lợp vải dệt hai bên từ thế kỷ 2 trước CN. Quạt gấp lại được là thời trang thời Minh. Trong khoảng 1368 – 1644, Hàng Châu là một trung tâm sản xuất quạt giấy, quạt gấp. Ở châu u, quạt giấy được phát hiện từ thế kỷ 16, ở Ý có xuất hiện quạt tỏng hình chụp. Ở Nhật Bản, đầu thế kỷ 20 quạt giấy được sử dụng làm quà tặng. Ngày nay, ở Việt Nam chiếc quạt giấy càng trở nên quen thuộc và phổ biến.
Quạt giấy có hai loại chính là quạt dạng thẳng và quạt dạng xếp. Chiếc quạt giấy được làm khá đơn giản, bởi ngày xưa nhân dân ta còn nguyên sơ, thuần phác chưa có những thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Để làm ra một chiếc quạt người ta đã biết dùng những những thân tre cao, to, người ta chẻ ra những nan quạt cứng cáp. Mỗi chiếc quạt gồm khoảng 18- 20 nan tre mỏng 1mm, dày 1cm dài từ 16- 20 cm xếp lại với nhau. Hai nan ngoài cùng bao giờ cũng to, dày và cứng hơn các nan bên trong để chiếc quạt mở ra mở vào không dễ dàng hơn, không bị gãy. Tiếp theo là đến các nan nhỏ hơn, được phân bố đều, xoay quanh một cái khuy chốt để có thể mở ra đóng vào thuận tiện hơn. Làm xong khung quạt, người ta còn dùng một lớp giấy bao phủ lên tất cả những nan quạt, rồi người ta dùng keo dán cho chắc tạo thành hình bán nguyệt. Để tăng sự hấp dẫn, họ in những hình phong cảnh quê hương đất nước, hay cảnh vật như cái cầu, bài thơ,…Rồi những giấy làm quạt in đủ màu sắc rất đa dạng và phong phú. Ngày nay người ta còn làm quạt thay vì dùng giấy thì họ dùng vải thêu sẵn hoa văn.
Chiếc quạt giấy là linh hồn của dân tộc ta. Bởi sự đơn sơ, mộc mạc và giản dị của nó cũng giống như tâm hồn bình dị, mộc mạc của người dân Việt Nam. Chiếc quạt giấy gần gũi với người dân ta, đi cùng với các triều đại lịch sử. Nếu giờ đây cuộc sống của nhân dân ta ngày càng phát triển, văn minh tiến bộ. Mùa hè nóng có quạt điện, quạt hơi nước, điều hòa máy lạnh thì xưa kia các cụ quanh năm gắn bó với ruộng đồng những chiếc quạt giấy chính là vật dụng hữu ích để họ quạt mát những trưa hè oi nóng. Chiếc quạt giấy tiện lợi hơn rất nhiều, nó giúp các bác nông dân có thể mang đi làm đồng, hay các bà, các cụ bỏ vào túi để mang đi chùa, các bà bán hàng rong quạt mát. Hơn thế nữa, trong xa xưa chiếc quạt giấy cỡ to hơn có thể dùng để trang trí cung tẩm, làm đồ vật theo kiệu các vua chúa. Ngoài tác dụng thực tế, quạt xếp cũng là món hàng lưu niệm để đề thơ, vẽ cảnh. Ngày nay, chiếc quạt lại được dùng được các hãng nổi tiếng in logo để làm đồ quảng cáo thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, quạt có rất nhiều công dụng quạt không những dùng quạt mát mà còn dùng để thay mũ che nắng, che mưa. Quạt còn là một đạo cụ để các nghệ sĩ múa hát. Nhờ có những chiếc quạt mà những bài múa trở nên hấp dẫn hơn. Ca dao, đồng dao thì vẫn lưu truyền “Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…”. Chiếc quạt làm bằng giấy nên rất dễ bị rách, chúng ta phải cất thận gọn gàng. Khi không dùng thì để gọn một nơi tránh bị rơi. Không sử dụng quạt để nô đùa, nghịch ngợm để quạt tránh bị gãy.
Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, công nghệ hiện đại, có nhiều thiết bị máy móc ra đời có thể thay thế cho quạt giấy như điều hòa, quạt điện,…Nhưng quạt vẫn là một vật dụng cần thiết và đồng hành cùng với con người từ bao đời nay.
Thuyết minh về chiếc quạt giấy - Mẫu 7
Ngày xưa, khi cuộc sống còn dân dã, chưa phát triển văn minh đầy đủ tiện nghi như ngày nay thì những chiếc quạt giấy là công cụ hữu ích cho đồng bào ta những ngày hè oi nóng. Vậy thì để hiểu thêm về chiếc quạt giấy của dân tộc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Chiếc quạt giấy xuất hiện từ thế kỉ mười. Xưa kia, những chiếc quạt giấy bản to đã từng xuất hiện trong cung của vua chúa để làm quạt đi với lọng phục vụ vua chúa hoặc là đồ vật cầm tay của những bậc tao nhân mặc khách, những phi tần làm thêm vẻ duyên dáng, mĩ miều. Chiếc quạt giấy là một vật dẹp và nhẹ để người cầm trên tay mà phe phẩy, đưa đẩy hơi gió. Trải qua thời kì phát triển chiếc quạt còn được cách tân và thêm phần đẹp hơn, với những họa tiết hoa văn phong phú, đặc sắc mẫu mã đa dạng. Chiếc quạt giấy có hai phần chính. Phần cán quạt được làm bằng gỗ dẹt chuốt mỏng và đều tay, xếp đan cài lên nhau để có thể xê dịch thu vào hoặc kéo ra. Cán quạt là sự gộp lại của những nan quạt được nối bằng một chiếc đinh nhỏ. Phần tà quạt được làm bằng tấm giấy mỏng nhưng bền và chắc, trên đó có in họa tiết những bông hoa, cảnh sông nước hay địa danh nổi tiếng. Những bài thơ hay những câu đối và chữ nho cũng là chi tiết tạo điểm nhấn cho chiếc quạt. Chiếc quạt giấy là linh hồn của dân tộc ta. Bởi sự đơn sơ, mộc mạc và giản dị của nó cũng giống như tâm hồn bình dị, mộc mạc của người dân Việt Nam. Chiếc quạt giấy gần gũi với người dân ta, đi cùng với các triều đại lịch sử.
Nếu giờ đây cuộc sống của nhân dân ta ngày càng phát triển, văn minh tiến bộ. Mùa hè nóng có quạt điện, quạt hơi nước, điều hòa máy lạnh thì xưa kia các cụ quang năm gắn bó với ruộng đồng những chiếc quạt giấy chính là vật dụng hữu ích để họ quạt mát những trưa hè oi nóng. Hơn thế nữa, trong xa xưa chiếc quạt giấy cỡ to hơn có thẻ dùng để trang trí cung tẩm, làm đồ vật theo kiệu các vua chúa. Ngoài tác dụng thực tế, quạt xếp cũng là món hàng lưu niệm để đề thơ, vẽ cảnh. Thời hiện đại quạt xếp cũng như quạt phiến còn dùng làm vật quảng cáo, cổ vũ, quà tặng để phổ biến tên hiệu trên thương trường bằng cách in logo trên mặt quạt. Vì sẵn có mặt rộng để minh họa, cây quạt đã biến thành vật mỹ thuật dùng trang trí trong nhà, có thể treo lên vách như tranh hoặc gác trên giá gỗ đặt trên bàn. Một số vũ điệu cũng dùng quạt xếp như vũ điệu tamia tadik của người Chăm. Trong thi ca Việt Nam cũng nhắc đến cây quạt như bài thơ ngắn trào phúng vịnh chiếc quạt xếp của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nhà thơ Vương Trọng có bài thơ “Gió từ tay mẹ” sáng tác năm 1974 gắn liền cây quạt với tình mẹ. Ca dao, đồng dao thì vẫn lưu truyền "Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò chín trâu...". Chiếc quạt giấy cũng là vật dụng gắn liền với những điệu múa duyên dáng. Chưa bao giờ dù là xưa hay nay chiếc quạt giấy vẫn gắn bó, gần gũi với người dân Việt Nam.
Chiếc quạt giấy được làm khá đơn giản, bởi ngày xưa nhân dân ta còn nguyên sơ, thuần phác chưa có những thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Vật liệu cần tre và giấy dai, bền. Tre khoảng 5 năm không quá non. Chặt xuống cưa khúc tùy theo kích thước nan tre. Đem ngâm trong ao hồ khoảng 6 tháng đến 1 năm để cho chất protein trong tế bào trẻ bị thẩm thấu hết ra nước, khi đó sẽ không bị mọt. Sau đó vớt lên luộc bằng nước vôi loãng khoảng 12 tiếng, cho vào máy chẻ nan và tuốt nan cho hết xơ. Chốt nhôm được gắn vào sau khi xếp nan và khoan lỗ nhài. Có thể dùng đinh tán, ốc vít hay chốt nhựa. Phải dùng mũi khoan nhỏ sắc khoan mở trước sau đó dùng mũi khoan to dần tới khi bằng kích thước chốt, gắn chốt xong tán chốt. Dùng máy mài để mài đuôi hình trái xoan hay tròn theo yêu cầu. Giấy cắt theo hình vòng cung bán nguyệt, trước khi cắt thường in nội dung hay phong cảnh lên đó. Sau đó xòe nan để kiểm tra độ chắc chắn là ổn rồi.