Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 năm 2023 - 2024 mang đến 4 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo ôn luyện để làm bài kiểm tra thật tốt.
TOP 4 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12 môn Văn 2023 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập cơ bản, luyện giải đề từ đó xây dựng kế hoạch học tập để tự tin trước mỗi bài thi chính thức. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp quý thầy cô tham khảo để ra đề thi cho các bạn học sinh. Vậy sau đây là trọn bộ 4 đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn lớp 12 có đáp án mời các bạn cùng tải tại đây.
Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 năm 2023 - 2024
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 - Đề 1
Đề thi khảo sát lớp 12 môn Văn 2023
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.
(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)
Câu 1 (0,5đ): Thao tác lập luận chính của đoạn trích là gì?
Câu 2 (0,5đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3 (1đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?
Câu 4 (1đ): Anh/chị hãy nêu suy nghĩ của mình về quan điểm: “Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất”.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc”.
Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Đáp án đề khảo sát chất lượng Văn 12
I. Đọc hiểu (3 Điểm)
Câu 1 (0,5đ):
Thao tác lập luận chính được sử dụng: phân tích.
Câu 2 (0,5đ):
Nội dung chính của đoạn trích: bàn về ý nghĩa của việc cho và nhận trong cuộc sống đối với mỗi con người.
Câu 3 (1đ):
Bài học rút ra:
- Cần sống có tình người, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác.
- Chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều từ đoạn trích trên từ đó mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.
- …
Câu 4 (1đ):
Đó là quan điểm hoàn toàn đúng đắn:
- Khi chúng ta cho đi yêu thương chúng ta sẽ nhận lại được tình yêu thương của mọi người.
- Người vô tư cho đi, không toan tính vụ lợi là người được yêu mến, kính trọng.
- …
II. Làm văn (7đ);
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về câu nói “Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc”
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Người không có chữ tín, chẳng làm chi nên việc”.
2. Thân bài
a. Giải thích
Giữ chữ tín là coi trọng lời hứa của mình với người khá và coi trọng niềm tin của mọi người đối với mình.
b. Phân tích
- Người giữ chữ tín sẽ gây dựng được lòng tin của mọi người và khiến họ vui vẻ giúp đỡ bạn trong cuộc sống.
- Người biết giữ chữ tín sẽ nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của người khác đối với mình, giúp mọi người đoàn kết và dễ dàng hợp tác với nhau.
- Chữ Tín là tiền đề thúc đẩy mọi mối quan hệ. Có thể coi chữ tín là thứ keo dính kì diệu, gắn kết con người lại với nhau.
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người không coi trọng lời hứa, ích kỉ chỉ biết sống cho bản thân mình → đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ):
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Thạch Lam, truyện ngắn Hai đứa trẻ và hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện.
2. Thân bài
a. Trước khi tàu đến
- Cảnh vật:
Không gian đầy rẫy những bóng tối bủa vây: ngàn sao lấp lánh,…
- Con người:
- Vài ba người làm công đi đón bà chủ ở tỉnh về trên tay mang những chiếc đèn lồng sáng hoắc.
- Tiếng bác Siêu vọng ra đầy hứng khởi.
- Hai chị em Liên ngóng đợi tàu.
b. Khi tàu đến
- Liên đánh thức em dậy.
- Hai chị em cùng ngồi ngắm nhìn những toa tàu sáng loáng đèn.
- Tiếng những hành khách bắt đầu ồn ào, vồn vã.
- Đoàn tàu vụt qua mang theo những ánh sáng chiếu xuống một vùng xua đi vẻ tăm tối vốn có.
c. Khi tàu đi
- Để lại niềm tiếc nuối và hụt hẫng cho con người nơi đây.
- Khuất mình sau rặng tre già.
d. Ý nghĩa của chuyến tàu đêm
- Phản ánh thực tại tăm tối của phố huyện nghèo.
- Những mơ ước, hy vọng nhỏ nhoi của người lao động nghèo nơi phố huyện.
- Thể hiện được tấm lòng thương cảm của nhà văn tới những kiếp người nghèo khổ.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Văn 12 - Đề 2
Đề kiểm tra chất lượng đầu năm Văn 12
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
Thời gian trôi qua kẽ tay, đưa mùa hạ cuối chợt về ngẩn ngơ chẳng cho ai kịp giữ. Tuổi học trò trôi đi trên từng trang lưu bút, mùa phượng cuối ùa về cho ai tiếc những tà áo dài trắng bay...
Một thời áo trắng trong veo và tinh khôi đến thế, ôm sao cho hết; ôm sao để được tròn đầy cho những gì đã qua...
Cơn mưa cuối chiều chở nhớ và thương, những vòng xe quay đều rồi cuộn những tháng năm hóa thành kỉ niệm.
Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời…
Tiếng ríu rít ve sầu kêu trên vòm lá, tiếng mùa hè tại đến, tiếng một mùa học trò nữa lại đi...
Mùa phượng cuối gọi buồn về cho nhưng luyến tiếc thời gian... Mùa không ai bảo ai, mắt buồn ngấn lệ…
Có những mùa yêu chưa xa đã nhớ, có những mùa chở thương nhớ vội quá chẳng kịp về...
Góc sân trường, một cánh hoa rơi mong manh cho mùa hạ cuối... Và còn mãi trong tim ta, những dấu yêu một thời...
(Lạc Hi – Viết cho mùa phượng cuối)
Câu 1 (0,5đ): Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2 (0,5đ): Nỗi buồn ngày chia tay được thể hiện qua những hình ảnh nào?
Câu 3 (1đ): Xác định các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn kể về những kỉ niệm mà anh/chị nhớ mãi khi xa ngôi trường.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2 (0,5đ):
Nỗi buồn ngày chia tay được thể hiện qua những hình ảnh: cơn mưa, ghế đá, vòng xe quay, tiếng ve, ô gạch lát, góc sân trường, cánh hoa rơi,
Câu 3 (1đ):
- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: liệt kê (các sự vật gắn liền với trường học, với mùa hè), nhân hóa (Ghế đá lặng im không nói, những ô gạch lát buồn tênh không muốn cất lời).
- Tác dụng: làm cho câu văn thêm sinh động hơn, diễn đạt được trọn vẹn thông điệp và thể hiện sự bâng khuâng, rối bời, sự xúc động, nghẹn ngào của tác giả…
Câu 4 (1đ):
Học sinh tự viết về kỉ niệm đáng nhớ của mình.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý nghị luận về câu nói “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
2. Thân bài
a. Giải thích
- “Của cải” là những thứ có giá trị do con người làm ra hoặc có sẵn trong tự nhiên mà con người chiếm lĩnh được và tích lũy thành tài sản của mình.
- “Lời nói” là công cụ, cách thức giao tiếp của con người trong đời sống hằng ngày.
→ Vật chất là do con người tạo ra, nó chỉ làm đẹp hình thức một cách giả tạo chứ không thể làm đẹp được tâm hồn. Chỉ những lời hay ý đẹp ở đời mới thực sự có giá trị gắn kết con người.
b. Phân tích
- Sự thông minh mà người khôn ngoan cho vào lời nói của mình là vô giá, nó thể hiện danh dự, nhân phẩm của mỗi một con người.
- Người khôn ngoan và khéo léo trong giao tiếp thì sẽ dễ có được thành công hơn với sự nhạy bén trong lối nói của mình.
- Khi thật sự biết dùng lời lẽ, chúng ta sẽ hướng mọi người theo suy nghĩ tích cực của mình bằng chính lời nói của bản thân → xã hội tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người không biết ý thức kiểm soát lời nói dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường,… → cần phải điều chỉnh.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng giang.
2. Thân bài
a. Nhan đề, lời tựa
- Tràng giang: con sông dài và rộng lớn.
- “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”: diễn tả tâm tư, tình cảm của tác giả; thâu tóm được cả tình và cảnh vào trong bài thơ.
b. Khổ 1
- “Sóng gợn, điệp điệp”: sóng nhẹ nhàng lan tỏa trên mặt nước → gợi nỗi buồn miên man.
- Con thuyền buông mái chèo mặc cho nước đưa đẩy → gợi sự lênh đênh.
- “nước song song, thuyền về nước lại”: không hứa hẹn sự gặp gỡ mà chỉ là chia lìa, xa cách.
- “Củi một cành khô lạc mấy dòng”: gợi nghĩ tới thân phận cá thể nhỏ nhoi, bơ vơ giữa dòng đời.
→ Khổ thơ gợi nỗi buồn về sự chia li, tách biệt của con thuyền và dòng nước, đồng thời gợi nỗi buồn về kiếp người nhỏ bé vô định.
c. Khổ 2
- Hai câu đầu nổi bật sự đìu hiu, vắng lặng của cảnh chiều, đứng trước không gian ấy con người càng cô đơn.
- Hai câu cuối không gian được mở ra chiều: cao, sâu, rộng, dài → nghệ thuật đối lập làm cho không gian thêm rộng lớn hơn, bao la hơn từ đó làm cho hình ảnh con người trở nên nhỏ bé, lạc lõng.
- Tác giả sử dụng từ ngữ chọn lọc đắt giá, giàu giá trị gợi hình biểu cảm: liu điu, lơ thơ, sâu chót vót,…
d. Khổ 3
- “Bèo dạt về đâu”: suy tư, trăn trở của tác giả trước sự lênh đênh, vô định của cảnh vật trên sông.
- “Mênh mông không một chuyến đò ngang”: không gian bao la rộng lớn nhưng thiếu vắng hình ảnh con người.
- “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”: cảnh vật tĩnh lặng, trầm tư duy trì sự sống.
e. Khổ cuối
- “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”: miêu tả thiên nhiên lấp lánh, tráng lệ mang nét độc đáo riêng.
- “Chim nghiêng cánh nhỏ”: cảm giác chấp chới, rợn ngợp.
- Nỗi nhớ nhà “dợn dợn” trong lòng, đó là nỗi khao khát tìm đến chỗ dựa cho tâm hồn cô đơn, trống vắng của tác giả.
→ Tâm tư, tình cảm và nỗi nhớ nhà da diết của tác giả.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 - Đề 3
Đề thi khảo sát lớp 12 môn Văn 2023
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
“Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”
(Lời thề cỏ may - Phạm Công Trứ)
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là gì?
Câu 2 (0,5đ): Qua những miêu tả của tác giả, nhân vật “em” đã thay đổi như thế nào?
Câu 3 (1đ): Anh/chị nhận xét như thế nào về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ ?
Câu 4 (1đ): Anh/chị cảm nhận được điều gì từ cảm xúc của nhân vật “tôi”?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: “Lối đi ngay dưới chân mình”.
Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.
Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm môn Văn 12
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: tự sự.
Câu 2 (0,5đ):
Sự thay đổi của nhân vật “em”: xinh đẹp hơn; ăn mặc sành điệu, thời thượng hơn; và đã vô tình quên đi lời thề hẹn năm xưa.
Câu 3 (1đ):
Hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em”:
- “Tôi”: giàu tình cảm, thủy chung, hồn nhiên tin yêu và đợi chờ “em”.
- “Em”: thay đổi, vô tâm, vô tình, quên đi lời hẹn thề.
Câu 4 (1đ):
Cảm nhận về cảm xúc của nhân vật “tôi’:
- Luôn yêu thương, mong mỏi, đợi chờ người yêu.
- Vững tin vào lời hứa năm xưa.
- Ngạc nhiên, sững sờ, buồn tủi trước sự thay đổi của người mình yêu thương.
- …
II. Làm văn (7đ);
Câu 1 (2đ):
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Lối đi ngay dưới chân mình”.
2. Thân bài
a. Giải thích
“Lối đi”:
- Nghĩa đen: con đường nối liền địa điểm này và địa điểm khác.
- Nghĩa bóng: hướng đi, cơ hội, yếu tố dẫn ta đến với thành công.
→ Muốn thành công trong cuộc sống, ta phải mạnh dạn bước tới tìm lấy con đường đi cho riêng mình.
b. Phân tích
- Cứ đi theo lối mòn, con đường của người khác sẽ không thể có được thành công.
- Kiên trì bước đi về phía trước sẽ giúp con người rèn luyện được nhiều đức tính quý giá.
- Mỗi con người đều biết vươn lên, tìm con đường cho riêng mình thì xã hội và cuộc sống sẽ phát triển thịnh vượng hơn.
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người lười biếng, nhút nhát không chịu tìm tòi, học hỏi, vươn lên trong cuộc sống → đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ):
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Trần Tế Xương, bài thơ Thương vợ và nhân vật bà Tú.
2. Thân bài
→ Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của Chí Phèo.
a. Bốn câu thơ đầu
- “quanh năm”: làm việc liên tục, không trừ ngày nào, hết năm này qua năm khác.
- “mom sông”: phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.
→ Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định, bà không những phải nuôi con mà còn phải nuôi chồng.
- “Lặn lội”: Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng
- “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn; thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu.
→ Nhấn mạnh sự vất vả gian truân của bà Tú.
- “Buổi đò đông”: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu.
- Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ, ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động khổ cực của bà Tú.
→ Thực cảnh mưu sinh của bà Tú: Không gian, thời gian rợn ngợp, nguy hiểm đầy vất vả, gian nan đồng thời thể hiện lòng xót thương da diết của ông Tú.
b. Bốn câu thơ cuối
- “nuôi đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải lặn lội nuôi cả gia đình → người đảm đang, chu đáo với chồng con.
- “Một duyên hai nợ”: ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên không than vãn, trách móc.
- “Năm nắng mười mươi”: Đức hi sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.
→ Cuộc sống vất vả gian truân nhưng càng làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của bà Tú: đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú. Đó cũng là vẻ đẹp chung cho nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 12 - Đề 4
Đề kiểm tra đầu năm môn Ngữ văn 12
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
“… Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không sợ đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”
(Trích "Tre Việt Nam", Nguyễn Duy)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo lời của ai?
Câu 2 (0,5đ): Cây tre ở đoạn thơ trên mang những phẩm chất gì?
Câu 3 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.
Câu 4 (1đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Viết bài văn nghị luận về câu nói: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố (Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm).
Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Đáp án Đề khảo sát đầu năm lớp 12 môn Văn
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn thơ trên được viết theo lời của cây tre.
Câu 2 (0,5đ):
Cây tre mang những phẩm chất: khiêm tốn, chịu thương chịu khó, lạc quan, đoàn kết.
Câu 3 (1đ):
- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: nhân hóa (cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của con người).
- Tác dụng: tô điểm, nhấn mạnh vẻ đẹp của cây tre.
Câu 4 (1đ):
Cảm nhận về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre:
- Là hình ảnh đại diện cho những đức tính quý báu của con người Việt Nam.
- Là tấm gương để con người học tập noi theo.
- Thêm tự hào về bản chất mộc mạc mà cao đẹp đó.
II. Làm văn (7đ);
Câu 1 (2đ):
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Giông tố: những gian nan, thử thách, những khó khăn xảy ra với con người trong cuộc sống.
- Cúi đầu: đầu hàng, lùi bước, chấp nhận thất bại.
→ Câu nói khuyên con người không đầu hàng, lùi bước trước những khó khăn, thất bại trong cuộc đời, dám chấp nhận giông tố.
b. Phân tích
- Phải trải qua giông tố giúp con người trưởng thành, vững vàng về mọi mặt.
- Cuộc sống có nhiều khó khăn, khi vượt qua những khó khăn, giông tố đó cũng là lúc chúng ta rèn luyện thành công tính kiên trì, nhẫn nại.
- Vượt qua giông tố, con người sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
c. Chứng minh
Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.
d. Phản biện
Có những người trẻ thiếu nghị lực, bản lĩnh, sống ích kỷ, dựa dẫm. → đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Liên hệ bản thân và rút ra bài học.
Câu 2 (5đ):
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo và nhân vật Thị Nở.
2. Thân bài
a. Ngoại hình, gia cảnh
- Miêu tả khách quan, trần trụi: một người “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”.
- Thị còn nghèo, mồ côi và ế chồng.
→ Thị khó có được hạnh phúc bởi một con người mang trên mình toàn những điều bất lợi.
b. Tính cách, phẩm chất:
- Sau cuộc gặp gỡ vào đêm định mệnh, Thị Nở dành sự quan tâm cho Chí Phèo: nấu cháo hành cho Chí ăn và chăm sóc khi hắn bị ốm.
- Thị Nở có suy nghĩ khác về Chí Phèo: “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người” → nhận ra ưu điểm mà không ai thấy ở Chí.
- Thị Nở thích cuộc sống gia đình có vợ có chồng: suy nghĩ rất nghiêm túc về mối quan hệ với Chí; đối với Chí, cảm giác “ngượng ngượng mà thinh thích”.
c. Nhân vật góp phần đẩy cao trào cho tác phẩm:
- Ban đầu, Thị Nở và Chí Phèo đến với nhau chỉ bởi sự chung đụng về mặt thể xác. Sau đó, chính tình thương của Thị Nở đã làm thức dậy sự lương thiện vốn có trong Chí.
- Khi Thị Nở từ chối Chí, Chí Phèo từ chỗ khát khao và hạnh phúc đến tột cùng bị đẩy xuống tận cùng của nỗi tuyệt vọng → đẩy Chí đến hành động uống rượu, xách dao đi giết Bá Kiến và tự sát.
→ Thị Nở là nhân vật thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện, đồng thời cho người ta cảm nhận sâu sắc hơn bi kịch của Chí Phèo.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.