TOP 4 Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều của Nguyễn Du có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 9 rèn luyện kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu thật tốt, để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới.
Với 4 đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều, các em sẽ hiểu rõ hơn về tác phẩm, tác giả. Ngoài ra, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu Mùa xuân nho nhỏ, Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu để vận dụng cách hiểu, tư duy. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều của Nguyễn Du
Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều - Đề 1
Cho đoạn thơ sau:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
Câu 1: Em hiểu thế nào về hình tượng “thu thủy”, “xuân sơn”. Cách nói “làn thu thủy, nét xuân sơn” là cách nói ẩn dụ hay hoán dụ? Vì sao?
Câu 2: Dụng ý của tác giả trong câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”? Theo em có nên thay thế từ “hờn” bằng từ “buồn” được không?
Câu 3: Chi ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh và nêu tác dụng của phép tu từ đó.
Câu 4: Tìm một thành ngữ có trong đoạn thơ.
Đáp án đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều
Câu 1:
- Thu thủy: làn nước mùa thu.
- Xuân sơn: nét núi mùa xuân.
=> Tác giả sử dụng những hình ảnh ước lệ và biện pháp ẩn dụ “thu thủy”, “xuân sơn”: gợi đôi mắt đẹp trong sáng, long lanh, linh hoạt như nước mùa thu, lông mày thanh tú như nét núi mùa xuân để miêu tả về Thúy Kiều.
Câu 2:
- Dụng ý của tác giả trong câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” là:
- Vẻ đẹp của Thúy Kiều là vẻ đẹp của một trang tuyệt thế giai nhân, vẻ đẹp khiến “hoa ghen”, “liễu hờn”.
- Nguyễn Du không miêu tả nhân vật mà miêu tả sự ghen ghét, đố kị hay ngưỡng mộ, say mê vẻ đẹp đó.
- Vẻ đẹp của Thúy Kiều là vẻ đẹp có sức hút, chiều sâu đến lạ lùng.
- Theo em, không thể thay thế từ “hờn” bằng từ “buồn” bởi từ “buồn” không làm nổi bật được tính chất hờn ghen hiểm họa của tự nhiên trước vẻ đẹp của Thúy Kiều.
Câu 3: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh là: Hoa ghen, liễu hờn → Ẩn dụ, nhân hóa.
⇒ Ghen hờn, báo hiệu sự đố kị, dự báo một số phận éo le, đau khổ.
Câu 4: Thành ngữ có trong đoạn thơ: Nghiêng nước nghiêng thành.
Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều - Đề 2
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Câu 1: Nội dung chính của đoạn thơ trên là gì?
Câu 2: Các chi tiết "khuôn trăng", "nét ngài", "hoa cười ngọc thốt ", "mây thua", "tuyết nhường" cho ta thấy tác giả đã sử dụng bút pháp gì để miêu tả nhân vật.
Câu 3: Nhận xét về nhan sắc và tính cách của Thúy Vân
Đáp án đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều
Câu 1: Nội dung chính của đoạn thơ trên là: đoạn thơ tái hiện vẻ đẹp trong sáng, phúc hậu của Thúy Vân.
Câu 2: Các chi tiết "khuôn trăng", "nét ngài", "hoa cười ngọc thốt ", "mây thua", "tuyết nhường" cho ta thấy tác giả đã sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, phép ẩn dụ, nhân hoá để miêu tả Thúy Vân. Vẻ đẹp của Vân được so sánh với những điều đẹp đẽ nhất của tự nhiên: hoa, ngọc. Thúy Vân hiện lên với vẻ đẹp nền nã, hiền dịu, quý phái.
Câu 3: Nhận xét về nhan sắc và tính cách của Thúy Vân: Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu; tính cách thì đoan trang, thùy mị: khuôn mặt đầy đặn, tươi sáng như trăng đêm rằm; lông mày sắc nét như mày ngài; miệng cười tươi thắm như hoa; giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngọc ngà là những lời đoan trang, thùy mị. Mái tóc của nàng đen mượt hơn mây, da trắng mịn màng hơn tuyết. Vẻ đẹp của Thúy Vân hài hòa với thiên nhiên – một vẻ đẹp tạo sự hòa hợp, êm đềm với xung quanh. Dự báo về một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.
Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều - Đề 3
Cho đoạn thơ sau:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười
Câu 1: Bốn câu thơ trên thuộc tác phẩm nào? Nằm ở vị trí nào của tác phẩm? Của tác giả nào? Giới thiệu đôi nét về tác giả.
Câu 2: Nội dung chính của 4 câu thơ trên
Câu 3: Chỉ ra từ Thuần Việt và từ Hán Việt trong những câu thơ trên? Tác dụng của việc sử dụng từ đó là gì?
Câu 4: Giải thích cụm từ “ mai cốt cách, tuyết tinh thần”? Tác giả sử dụng bút pháp nghệ thuật gì?
Đáp án đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều
Câu 1: Bốn câu thơ trên thuộc văn bản Chị em Thúy Kiều trích trong tác phẩm Truyện Kiều của nhà văn Nguyễn Du, đoạn trích nằm ở phần mở đầu của phần thứ nhất gặp gỡ và đính ước.
Giới thiệu đôi nét về tác giả: Nguyễn Du tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), mất năm Canh Thìn (1820). Ông sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình danh giá, tổ tiên của ông rất nổi tiếng và được mệnh danh là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Thơ văn của ông có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc đời cơ cực của ông nói riêng, và xã hội đen tối, bất công nói chung.
Câu 2: Nội dung chính của 4 câu thơ trên là: Bốn câu thơ đầu khái quát lên bức chân dung về phẩm hạnh và đạo đức cùng với vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân một cách rõ nét nhất.
Câu 3:
- Từ Thuần Việt: ả
- Từ Hán Việt: tố nga
=> Tác dụng của việc sử dụng từ đó là: tạo nên một vẻ đẹp vừa dịu dàng, vừa trang trọng của chị em Thúy Kiều.
Câu 4: Giải thích cụm từ “mai cốt cách, tuyết tinh thần”:
- Mai cốt cách: cốt cách thanh tao, mảnh dẻ như cây mai.
- Tuyết tinh thần: tinh thần trong trắng, khôi nguyên như tuyết.
=> Câu thơ sử dụng biện pháp ước lệ tượng trưng để nói tới sự duyên dáng, thanh cao, trong trắng của chị em Thúy Kiều. Vẻ đẹp đạt mức hoàn hảo của hai chị em.
Đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều - Đề 4
Cho câu thơ:
“Vân xem trang trọng khác vời”
a, Hãy chép tiếp 3 câu thơ tiếp theo.
b, Phân tích biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu thơ: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”.
c, Viết đoạn văn theo phương thức quy nạp (10 câu) nêu cảm nhận về vẻ đẹp của Thúy Vân trong đoạn trích vừa chép thơ. Trong bài viết có sử dụng lời dẫn trực tiếp và phép nối.
Đáp án đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều
a,
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
b, Biện pháp ước lệ tượng trưng trong câu thơ “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Vẻ đẹp của Vân được so sánh với những điều đẹp đẽ nhất của tự nhiên: hoa, ngọc.
Thúy Vân hiện lên với vẻ đẹp nền nã, hiền dịu, quý phái.
c, Gợi ý viết: Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân
- Câu thơ mở đầu đoạn khái quát vẻ đẹp của nhân vật, hai chữ “sang trọng” gợi vẻ cao sang, quý phái.
- Nghệ thuật ước lệ tượng trưng, vẻ đẹp của Vân được so sánh với những thứ cao đẹp nhất trên đời trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc.
+ Thúy Vân được miêu tả toàn vẹn từ khuôn mặt tới làn da, mái tóc, nụ cười, giọng nói.
- Tác giả sử dụng những từ ngữ trau chuốt, chọn lọc: khuôn mặt phúc hậu, đầy đặn, tươi sáng như trăng tròn.
- Chân dung Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận. Vân đẹp hơn những vẻ đẹp trong tự nhiên. Vẻ đẹp của nàng khiến tự nhiên “thua”, “nhường” dự báo cuộc đời êm đềm, không sóng gió.