TOP 12 Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp thầy cô tham khảo, dễ dàng xây dựng đề thi học kì 2 năm 2023 - 2024 cho học sinh của mình theo chương trình mới.
Với 12 Đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 KNTT, các em dễ dàng luyện giải đề thi học kì 2 thật nhuần nhuyễn, để ôn thi học kì 2 môn Văn 6 năm 2023 - 2024 thật tốt. Vậy mời thầy cô và các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Kết nối tri thức năm 2023 - 2024
Đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 sách Kết nối tri thức - Đề 1
Phần I – Đọc hiểu (6 điểm):
Đọc kĩ văn bản sau:
Người bạn mới
Buổi học hôm nay có chuyện “hay” quá! Vừa về đến nhà Tú khoe ngay với mẹ:
- Mẹ ơi! Lớp con có một thằng…
Mẹ ngẩng lên:
- Sao lại thằng?
Tú vẫn hớn hở:
- Vâng! Một thằng mới vào học mẹ ạ! Buồn cười lắm!
Mẹ nhìn em:
- Buồn cười làm sao?
- Hí hí! Nó mặc áo con gái, mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
- Áo con gái thế nào?
Tú vừa cười vừa kể rằng: Cái “thằng ấy” mới xin chuyển về, vào lớp 5C của con, nó mặc cái quần ngắn ơi là ngắn và cái áo sơ mi ở trong chiếc áo len thì lại cổ lá sen. Kiểu cổ áo của con gái. Thế có buồn cười không?
- Cái thằng ấy, mẹ ạ…
Mẹ lắc đầu:
- Sao con cứ gọi bạn là thằng thế nhỉ? Nói chuyện với mẹ, với bố, con không được gọi bạn là thằng nọ thằng kia. Bạn ấy tốt hay xấu mà con lại gọi thế?
Tú lúng túng:
- Con… con cũng chưa biết ạ!
- Không biết một tí gì hết?
Tú ngần ngừ, rồi thưa:
- Nó dát lắm mẹ ạ. Chúng con chế là mặc áo con gái, nó chỉ im lặng rồi đứng một mình thôi.
Nghe Tú nói, vẻ mặt mẹ vẫn không vui. Mẹ nhìn em có ý trách:
- Hết gọi bạn là thằng, rồi lại gọi là nó. Sao con không gọi hẳn tên bạn ra hoặc là: bạn ấy, bạn con được nhỉ? Tên bạn ấy là gì?
- Là Nam. Phó Văn Nam mẹ ạ. Buồn cười quá cơ!
- Thế thì đến mai, con hãy chơi với Nam và hỏi sao Nam lại mặc áo con gái nhé!
Cậu Nam ấy, hóa ra là một học sinh giỏi. Ngay bài toán tập đầu tiên làm ở lớp mới, không cần phải hỏi bạn ngồi bên cạnh, không xem bài của ai, cậu ấy đã được hẳn mười điểm. Mà chữ viết nữa chứ, rất đẹp.
Tú làm quen và biết được rằng nhà Nam nghèo thôi. Đến cái ti vi, bố mẹ cậu ấy cũng không có tiền để mua. Nam phải chuyển trường đi theo bố mẹ, vì mãi đến bây giờ cơ quan mới chia nhà cho. Trước đây là đi ở nhờ. Bố mẹ Nam có hai con. Chị Nam là con gái, áo quần mặc chật từ lúc bé, có cái nào mẹ lại mặc cho Nam. Mặc ở nhà và mặc ở trong cũng được. Mẹ Nam bảo Nam là: Bộ mặc ở ngoài thì cần phải đúng là của con trai. Lớn hơn nữa, thì thôi. Giờ còn bé thì mặc tạm. Mẹ sẽ dành tiền may cho Nam. Thương mẹ vất vả, nên Nam đã vâng lời. Tú nghe bạn kể mà thương bạn. Mặc áo thừa của chị, mà vẫn học giỏi, lại biết thương mẹ, chứ không đua đòi, thấy ai có cái gì cũng muốn có theo.
Ngay hôm đó, về nhà Tú khoe:
- Mẹ ơi! Bạn Nam ấy, hay lắm mẹ ạ!
Mẹ hỏi:
- Hay làm sao?
- Bạn ấy là học sinh giỏi và … ngoan, mẹ ạ!
Mẹ nhìn em. Ánh mắt mẹ cười vui…
(Phong Thu - Những truyện hay viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng)
Câu 1 (3 điểm). Trả lời câu hỏi bằng cách ghi lại đáp án đúng vào giấy kiểm tra.
a. Văn bản “Người bạn mới” thuộc thể loại truyện gì?
A. Truyện đồng thoại
B. Truyện ngắn
C. Truyện truyền thuyết
D. Truyện cổ tích
b. Văn bản “Người bạn mới” viết về đề tài gì?
A. Thiên nhiên
B. Thời tiết
C. Gia đình
D. Bạn bè
c. Trong văn bản, câu nào sau đây là lời nhân vật?
A. Bạn ấy là học sinh giỏi và … ngoan, mẹ ạ!
B. Tú làm quen và biết được rằng nhà Nam nghèo thôi.
C. Tú nghe bạn kể mà thương bạn.
D. Ánh mắt mẹ cười vui…
d. Trong văn bản “Người bạn mới”, người kể chuyện là ai?
A. Người kể xưng “tôi” và là nhân vật trong truyện
B. Người kể xưng “chúng tôi” và là nhân vật trong truyện
C. Người kể không tham gia vào câu chuyện
D. Người kể mang tên một nhân vật trong câu chuyện
e. Văn bản “Người bạn mới” chủ yếu khắc họa nhân vật Tú ở phương diện nào?
A. Hình dáng
B. Tâm trạng
C. Hành động
D. Ngôn ngữ
f. Câu nào sau đây có trạng ngữ?
A. Cậu Nam ấy, hóa ra là một học sinh giỏi.
B. Thế thì đến mai, con hãy chơi với Nam và hỏi sao Nam lại mặc áo con gái nhé!
C. Chúng con chế là mặc áo con gái, nó chỉ im lặng rồi đứng một mình thôi.
D. Mẹ nhìn em.
Câu 2 (2 điểm). Viết khoảng 5 câu văn trình bày cảm nhận của em về nhân vật Tú trong văn bản “Người bạn mới”.
Câu 3 (1 điểm). Trong cuộc sống, khi bị bạn bè hiểu lầm, em sẽ ứng xử như thế?
Phần II – Tạo lập văn bản (4 điểm)
Giao tiếp có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, nhất là tuổi học trò. Tuy nhiên bên cạnh những biểu hiện đẹp thì vẫn còn có những biểu hiện chưa đẹp.
Hãy viết một bài văn khoảng 1 trang giấy trình bày suy nghĩ của em về tác hại của cách giao tiếp chưa đẹp, từ đó khuyên bạn bè giao tiếp sao cho phù hợp, xứng đáng là học sinh Thủ đô văn minh thanh lịch.
Đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 sách Kết nối tri thức - Đề 2
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
[1] Thực ra, hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng là do chính bạn lựa chọn màu vẽ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn!
[2] Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn. Con người có thể cho bạn sự trọng vọng hay khinh rẻ, bạn có thể lựa chọn đón nhận hay phớt lờ. Số phận ban cho cỏ dại sự chà đạp, xa lánh của con người, tuy nhiên, số phận cũng để cho cỏ dại lựa chọn nở hoa hay héo úa. Và bạn đã biết, cỏ dại lựa chọn điều gì. Rõ ràng, bạn luôn có quyền lựa chọn thái độ sống cho mình, chỉ là đôi khi, bạn lười biếng lựa chọn và để cho số phận kéo đi.
(Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống…, Phạm Sỹ Thanh, NXB Thế giới, 2019, Tr.46-47)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. (NB-1)
A. Tự sự | C. Nghị luận |
B. Miêu tả | D. Biểu cảm |
Câu 2. Văn bản trên có đặc điểm nào nổi bật nhất về kiểu văn bản? (NB-2)
A. Có hình ảnh sinh động | C. Có từ ngữ giàu cảm xúc |
B. Có lí lẽ thuyết phục | D. Có nhân vật cụ thể. |
Câu 3. Từ “kéo” trong câu “Rõ ràng, bạn luôn có quyền lựa chọn thái độ sống cho mình, chỉ là đôi khi, bạn lười biếng lựa chọn và để cho số phận kéo đi” đồng âm với từ “kéo” nào trong các trường hợp sau? (NB-3)
A. Học sinh đang chơi kéo co ngoài sân.
B. Cái kéo mẹ em mới mua sắc quá.
C. Ngoài đồng chú trâu đang kéo cày.
D. Mọi người kéo nhau đi xem phim.
Câu 4. Từ “miệng” là loại từ gì trong hai ví dụ sau: (NB-4)
- Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn.
- Miệng chai này bé xíu.
A. Từ đồng âm | C. Từ đồng nghĩa |
B. Từ trái nghĩa | D. Từ đa nghĩa |
Câu 5. Từ “trọng vọng” trong đoạn trích có nghĩa là gì? (TH-5)
A. Tôn trọng | C. Qúy mến |
B. Khinh rẻ | D. Yêu thương. |
Câu 6. Xác định chủ đề của đoạn trích (TH-6)
A. Quyền được vui chơi giải trí của con người. | C. Quyền được lựa chọn thái độ sống của mỗi người. |
B. Quyền được yêu thương, chăm sóc của con người. | D. Quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người. |
Câu 7. Nội dung của đoạn “Thực ra, hoàn cảnh là một bức tranh không màu, nó đen tối hay tươi sáng là do chính bạn lựa chọn màu vẽ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn!” là: (TH-7)
A. Cuộc sống của mỗi người luôn phụ thuộc vào người khác.
B. Mỗi người có quyền lựa chọn cuộc sống có ý nghĩa cho mình.
C. Cuộc sống của mỗi người cần có sự giúp đỡ vô điều kiện.
D. Cuộc sống của mỗi người là do số phận quyết định tất cả.
Câu 8. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu sau: “Cuộc sống có thể cho bạn muối mặn, nhưng lựa chọn bỏ ngay vào miệng để nhận lấy sự đắng chát hay bỏ vào chén canh nhạt để có món canh thơm ngon là do bạn.” (TH- 8)
A. Ẩn dụ | C. Nhân hóa |
B. Hoán dụ | D. So sánh. |
Câu 9. Em có đồng ý với ý kiến “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn!” không? Vì sao? (VD-9)
Câu 10. Em rút ra bài học gì cho bản thân từ phần trích trên? (VD-10)
II. VIẾT (4,0 điểm)
Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân.
Đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 sách Kết nối tri thức - Đề 3
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Sáng nay dậy sớm, tôi khẽ mở cửa rón rén đi ra vườn, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm. Chợt thấy động phía sau, tôi quay lại: em tôi đã theo ra từ lúc nào. Em lặng lẽ đặt tay lên vai tôi. Tôi kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc.
Chúng tôi cứ ngồi im như vậy. Đằng đông trời hửng dần. Những bông hoa thược dược đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran. Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này.
Gia đình tôi khá giả. Anh em tôi rất thương nhau. Phải nói em tôi rất ngoan. Nó lại khéo tay nữa. Hồi còn học lớp Năm, có lần tôi đi đá bóng, bị xoạc một miếng áo rất to. Sợ mẹ đánh, tôi cứ ngồi lì ngoài bãi không dám về. Nghe lũ bạn tôi mách, em đã đem kim chỉ ra tận sân vận động. Nó bảo:
- Anh cởi áo ra, em vá lại cho. Em vá khéo, mẹ không biết được đâu.
Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em... Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện. Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.
(...) Tôi dắt em ra khỏi lớp. Nhiều thầy cô ngừng giảng bài, ái ngại nhìn theo chúng tôi. Ra khỏi trường, tôi kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm bao trùm lên cảnh vật”.
(Cuộc chia tay của những con búp bê - Khánh Hoài, Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2016)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên viết theo phương thức biểu đạt chính nào?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 2. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ nhất, đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Câu 3. Cặp từ láy có trong các câu văn sau: Những bông hoa thược dược đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu là:
A. thược dược, nhảy nhót
B. sương sớm, chiêm chiếp
C. rực rỡ, chiêm chiếp
D. thược dược, rực rỡ
Câu 4. Nội dung chính của đoạn trích là:
A. tình cảm yêu thương gắn bó của hai anh em.
B. cuộc nói chuyện giữa hai anh em
C. tâm trạng hối hận của anh trai khi hờ hững với người em.
D. tình cảm yêu thương gắn bó, không muốn xa cách của hai anh em.
Câu 5. Vì sao trong đoạn trích trên người anh lại có thái độ ân hận?
A. Vì người anh thấy cảm động và nghĩ lâu nay mình mải vui chơi với bạn bè mà chẳng lúc nào chú ý đến em.
B. Vì người anh đã luôn có cảm giác ganh ghét, đố kị với em gái của mình.
C. Vì người anh ham chơi đá bóng với bạn trên sân vận động.
D. Vì người anh nhận thấy em gái buồn khi chuẩn bị chia tay lớp học.
Câu 6. Đoạn trích trên gợi cho em nhớ đến văn bản nào viết về tình cảm anh em trong chương trình Ngữ văn 6?
A. Bài học đường đời đầu tiên
B. Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.
C. Điều không tính trước.
D. Bức tranh của em gái tôi.
Câu 7. Đoạn trích đã khắc họa rất thành công nội tâm nhân vật người anh, đúng hay sai?
A. Đúng.
B. Sai.
Câu 8. Nhân vật “người em” trong đoạn trích trên là người như thế nào?
A. Là đứa trẻ cá tính, thích gây trò quậy phá.
B. Luôn quan tâm, chăm sóc và thương yêu anh trai.
C. Là đứa trẻ nhút nhát, ít nói.
D. Là đứa trẻ ganh ghét, đố kị với anh trai.
Câu 9. Tại sao khi dắt em ra khỏi trường, tâm trạng người anh lại “kinh ngạc khi thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm bao trùm lên cảnh vật”?
Câu 10. Qua đoạn trích trên, tác giả muốn gửi đến chúng ta bài học gì? (trả lời bằng cách viết đoạn văn khoảng 3 đến 4 câu)
II. VIẾT (4,0 điểm)
Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ(một buổi lao động dọn vệ sinh ở trường học mà em có tham gia).
...
>> Tải file để tham khảo trọn bộ đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 KNTT!